Kiên nhẫn: ‘chìa khóa’ thành công, hạnh phúc và hơn thế nữa!

Cuộc sống hối hả khiến con người dần trở nên mất kiên nhẫn với chính mình cũng như mọi người xung quanh. Bạn không thể đứng xếp hàng để mua một món đồ, nổi cáu nếu nhân viên nhà hàng phục vụ chậm. Hay ước có thể sử dụng wifi tốc độ ánh sáng và ghét nhìn thấy màn hình hiện chữ “loading” … 

Những điều trên chỉ là một trong số ít những biểu hiện của sự mất kiên nhẫn. Đôi khi việc bạn cho là nhỏ nhặt, lại gây ảnh hưởng lớn đến sự thành công và hạnh phúc sau này. Hãy nhớ rằng thói quen tạo nên tính cách, tính cách tạo nên số phận. 

1. Kiên nhẫn là gì 

Kiên nhẫn trong tiếng anh là patience, được định nghĩa là khả năng chờ đợi, hoặc tiếp tục làm điều gì đó bất chấp khó khăn, hoặc chịu đựng mà không phàn nàn hoặc trở nên khó chịu (Theo từ điển Cambridge).  

kien-nhan-la-gi-voh-1

Tính kiên nhẫn chính là khi ta có đủ sự bình tĩnh, chịu đựng và không từ bỏ để thực hiện việc gì đó đến cùng, nhờ đó đạt được mục đích hay kết quả như mong đợi. Dẫu rằng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách, nhưng không tỏ thái độ giận dữ, hay những trạng thái tiêu cực khác. 

Người có tính kiên nhẫn đa phần sẽ cư xử nhẹ nhàng, điềm tĩnh và biết kiềm chế cảm xúc bản thân. Họ thường “làm đến nơi, đến chốn” với quyết định, mục tiêu của bản thân. Những từ bao gồm: nản, bỏ cuộc, dừng lại, … thường không xuất hiện trong từ điển của họ.

Đồng nghĩa với kiên nhẫn có thể kể đến một số từ như: kiên trì, nhẫn nại, bền bỉ, bền chí … Chúng xuất hiện ở hầu hết mọi khía cạnh từ học tập, công việc, cuộc sống hàng ngày. 

Bất kỳ một người thành công nào mà không từng trải qua thử thách, đứng trước sóng gió. Và họ chọn đối mặt với thái độ sống tích cực, với lòng kiên trì và phấn đầu không ngừng nghỉ để theo đuổi ước mơ. 

Lấy dẫn chứng cụ thể, Walt Disney bị nhà tài trợ từ chối hơn 300 lần, trước khi ra mắt chú chuột Mickey đến công chúng. Từng đối mặt với không ít thất bại, lâm vào cảnh nợ nần, để có thể tạo ra vương quốc giải trí Disney như ngày hôm nay. 

2. Liệu trong tình yêu có cần kiên nhẫn?

Tình yêu có cần sự kiên nhẫn, hay mọi việc cứ để thuận theo cảm xúc là được?. Chúng ta thường cho rằng tình yêu là duyên phận của đôi lứa, cứ để tình cảm thuận theo tự nhiên, không cần cố gắng quá nhiều vì đối phương. Nếu như thế thì bạn cần nhìn nhận lại nhé! 

Kiên nhẫn trong tình yêu là khi bạn chờ đợi cô ấy mà không gắt gỏng, sẵn sàng giải thích để cô ấy hiểu khi cả hai xảy ra mâu thuẫn. Và bạn kiên nhẫn để quan tâm, kề cận bên người mình yêu trọn đời. 

Ta không phủ định tình yêu bắt nguồn từ sự rung động của trái tim, nhưng để bên nhau thì cần lòng chân thành và sự cố gắng từ hai phía. Đặc biệt không thể thiếu lòng kiên nhẫn, bởi mỗi người đều trưởng thành trong một hoàn cảnh sống khác nhau, vốn dĩ đã có nhiều khác biệt về tính cách lẫn suy nghĩ. 

kien-nhan-la-gi-voh-2
 Hãy kiên nhẫn với tình yêu của mình

Với các cặp đôi “kết tóc se tơ” cần biết sống thuận hòa, chịu đựng những điều trái ý nhau và những va chạm trong cuộc sống hôn nhân. Kiên nhẫn lắng nghe, kiềm chế cảm xúc tiêu cực và chờ đợi đối phương sửa đổi bản thân.  

Hạnh phúc viên mãn chính là kết quá của cả quá trình phấn đầu vì tình yêu, kiên nhẫn nắm tay nhau dù có khó khăn, bên nhau dù lúc giàu sang hay nghèo khó. Như thế, bạn mới dừng đổ lỗi cho hai chữ duyên phận. 

Thầy Thích Nhất Hạnh cũng từng chia sẻ “Một cái gánh dù nhẹ mà gánh hoài cũng thành nặng, những phiền giận nếu không được tháo gỡ thì người thương sẽ sớm thành người bình thường, đến lúc thành người tầm thường trong mắt mình thì đổ vỡ là chắc chắn”. 

Ngoài ra, thầy còn tiết lộ bí quyết “hẹn nhau chiều thứ sáu”, giúp hai người yêu nhau có thể thấu hiểu, hạnh phúc lâu dài. Hãy thực hiện một buổi hẹn hò đúng nghĩa, không gian đủ để cả hai lắng lòng và chia sẻ về những câu chuyện buồn vui xảy ra trong tuần/trong tháng. 

Khéo léo nói ra những điều chưa hài lòng về đối phương, cũng như tự nhận lỗi lầm về bản thân nếu lỡ làm đối phương buồn lòng. Đừng nuôi dưỡng giận dữ, trách móc, lâu ngày hạt mần ấy sẽ bộc phát ra và sẽ phá hủy mối quan hệ của các bạn. 

3. Làm thế nào để rèn luyện tính kiên nhẫn? 

Chúng ta đã biết tầm quan trọng của kiên nhẫn quan trọng trong cuộc sống. Nhưng làm thế nào để thay đổi bản thân từ một người nóng nảy, hấp tấp, dễ nản lòng và sẵn sàng từ bỏ việc khó khăn. 

Cùng chúng tôi tìm hiểu một số cách để rèn luyện lòng kiên nhẫn ngay dưới đây: 

kien-nhan-la-gi-voh-3
Chờ đợi giúp bạn tăng tính nhẫn nại 

3.1 Chờ đợi không đáng sợ như bạn nghĩ! 

Hầu hết những người mất kiên nhẫn đều xuất phát từ việc ghét chờ đợi, do đó bạn hãy bắt đầu thay đổi bản thân từ đây. Hãy tập cho mình thói quen chờ đợi mọi thứ, và thường việc chờ những điều bạn đang muốn sẽ tăng khả năng kiên nhẫn lên rất nhiều. Đồng thời cũng giúp bạn thêm trân trọng kết quả đạt được. 

3.2 Đi tìm nguyên nhân của sự mất kiên nhẫn 

Bạn sẽ chẳng thể nào chữa khỏi bệnh nếu không biết được nguyên nhân bệnh lý. Vì vậy, hãy tìm hiểu nguồn cơn việc thiếu kiên nhẫn của bản thân. Nhận biết đâu là yếu tố tác động khiến cơ thể dễ nổi cáu và dễ dàng từ bỏ mục tiêu ban đầu. Từ đó, tập trung để có thể hiểu và kiểm soát bản thân, từng bước thay đổi. 

3.3 Hành thiền  

Bạn có biết? Thiền định không chỉ mang lại lợi ích cho sức khỏe mà còn giúp tinh thần thêm minh mẫn và tăng sự bình tĩnh. Vì vậy, đừng bỏ qua phương pháp giúp tâm trí thả lỏng, tập trung vào hơi thở, kiểm soát bản thân. Từ đó, góp phần gia tăng tính kiên nhẫn và kiểm soát tốt cảm xúc. 

“Thiếu kiên nhẫn là một thói quen, và kiên nhẫn cũng vậy. Để có thói quen kiên nhẫn bạn cần có động lực, sự rèn luyện và nhận thức rõ giá trị của lòng kiên nhẫn” (Khuyết danh). 

Thực vậy, không ai sinh ra đã có sẵn tính kiên nhẫn, mà nó được hình thành từ sự nhận thức của bản thân và theo thời gian trở thành đức tính. Hãy kiên nhẫn một chút với bản thân, với người mình thương và người thương mình bạn nhé! 

Sưu tầm 
Nguồn ảnh: Internet 

Rate this post

Viết một bình luận