Kiệt tác của muôn đời – Báo Đại biểu Nhân dân

Trong lần thứ ba đến đây, rất ấn tượng với cuộc trao đổi giữa cô bé Alice sáu tuổi với bố Fabien, người giúp con gái ‘khám phá’ những bí ẩn của nữ thần sắc đẹp và tình yêu với sự kiên nhẫn và say sưa đầy nhiệt huyết, người viết đã ghi lại để chia sẻ câu chuyện của họ với các cô bé, cậu bé ở quê nhà.   

– Cô ấy có đầu nhưng không có tay!

– Thực ra, nàng đã từng có tay. Nhìn sát vai trái của nàng, con sẽ thấy một lỗ nhỏ hình chữ nhật, bên trong có một miếng kim loại nhô ra gọi là tenon, khớp với hai miếng cẩm thạch tạo thành mối nối vai với cánh tay. Pho tượng được phát hiện trong tình trạng đã bị hư hại, hai cánh tay không tìm được sau một thời gian dài tìm kiếm. Nhưng cũng có giả thuyết li kỳ về những cuộc loạn đả giữa các toán cướp Hy Lạp muốn chiếm đoạt pho tượng với thủy thủ Pháp – những người đã phải kéo lê pho tượng qua miền đất đá đến nỗi hai cánh tay gãy rời khỏi thân và chẳng ai muốn quay lại tìm chúng khi ra đến tàu.   

– Milo là ai?

– Đó không phải là tên người, mà là tên hòn đảo (còn gọi là Milos) của Hy Lạp – nơi pho tượng đã được một nông dân phát hiện vào năm 1820 gần nhà hát cổ trong khu đổ nát của thành phố Milos. Phần thân để trần giúp ta nhận ra nàng chính là Aphrodite – nữ thần tình yêu và sắc đẹp mà người La Mã gọi là Venus.

– Sao nàng lại ở trần?

– Là một nữ thần, nàng không sống như người trần thế. Tuy nhiên, người Hy Lạp cổ đại thích mô tả nàng, cũng như các vị thần khác của họ, với diện mạo của người thực. Thời đó, người ta cho rằng vẻ đẹp được tôn vinh phải là vẻ đẹp của một cơ thể không che đậy. Và với Venus, nghệ thuật Hellenistic đã khởi nguồn cho mọi hình tượng nữ khỏa thân trong nghệ thuật phương Tây sau này.  

– Quấn khăn quanh hông, trông nàng như vừa ra khỏi bồn tắm.

– Hiện thân của sự quyến rũ, Venus rất chú ý săn sóc thân thể. Tục truyền nàng được sinh ra từ bọt biển, tức là từ nước. Do vậy, nước và tắm là những chủ đề thường gắn với nữ thần này. Hơn nữa, người Hy Lạp cũng rất khoái tận dụng sự tương phản giữa làn da để trần và tấm khăn xếp nếp. Sự gắn kết đầy khoái cảm của da thịt với kết cấu của tấm choàng xếp li sắp tuột khỏi thân góp thêm một nốt nhấn về tính gợi tình rất đặc trưng của nghệ thuật Hellenistic.   

 – Sao nàng lại nổi tiếng đến vậy?

– Trước hết là do nhiều bí ẩn vây quanh tác phẩm này: không có gì chắc chắn để khẳng định là pho tượng thể hiện nữ thần sắc đẹp và tình yêu. Các chuyên gia luôn nhìn thấy ở người phụ nữ mà tác phẩm thể hiện hình tượng thần Venus bởi những nét đầy nữ tính và gợi lên khoái lạc của nàng; nhưng nàng cũng có thể là Amphitrite, nữ hải thần mà cư dân đảo Milo tôn thờ. Vị trí của cánh tay phải bị mất đã gây nên những giả định khác nhau nhưng đều góp phần làm cho toàn thế giới biết đến pho tượng này. Căn cứ vào tư thế của vai, ngày nay người ta cho rằng cánh tay này xuôi chéo, chạm vào tấm vải choàng ngang hông. Hơn nữa, đến nay ta vẫn chưa biết tác giả của pho tượng là ai, chỉ có dòng chữ ghi ngày tháng vào cuối thế kỷ thứ hai trước Công nguyên giúp sáng tỏ đôi chút.

Về kỹ thuật và nghệ thuật, pho tượng được tạo thành từ hai khối đá được ghép vào nhau – một khối được tạc thành đôi chân, một khối thành thân mình và đầu. Tấm khăn được thể hiện tài tình như đang tuột xuống đùi khiến đôi chân như bất giác phản xạ giữ nó lại, đồng thời làn vải che đi mối nối giữa hai khối tượng. Ta cũng không thể bỏ qua tài nghệ của nhà điêu khắc trong việc thể hiện làn da của nàng. Cẩm thạch là loại đá cứng và lạnh, không dễ làm cho nó trông giống da người. Nhà điêu khắc đã xử lý tuyệt vời bằng sự thể hiện phần bụng tròn trịa, những lúm sâu ở phần dưới lưng, độ sâu của rốn cùng rất nhiều chi tiết khác cho ta cảm giác đang chiêm ngưỡng một cơ thể sống động.   

Vẻ đẹp được cho là hoàn hảo của phụ nữ đã khiến Venus de Milo hết sức nổi tiếng trong thế kỷ XIX. Sự trong sáng của các đường nét cùng sự toát lên vẻ nữ tính đầy quyền uy của pho tượng tạo nên ấn tượng vừa mềm mại vừa uy nghi. Tư thế chân nhón lên, biểu hiện gương mặt, cách xử lý tinh tế tấm khăn xếp li, tất cả đều khiến ta bỏ qua cái nhìn của nàng trên nền cẩm thạch trắng của tác phẩm. Hình bóng thon dài của người phụ nữ, thế đứng giữa khoảng không, và sự gắn kết đầy khoái cảm của da thịt với kết cấu của tấm khăn xếp li dường như sắp tuột khỏi thân hình là những nét đặc trưng của nghệ thuật Hellenistic về tư tưởng cũng như ý nghĩa. Mặt khác, khuôn mặt bình thản, không biểu lộ xúc cảm của tượng lại tạo nên một sự tương phản hoàn toàn, làm cho nó toát lên vẻ đẹp thần thánh – vẻ đẹp lý tưởng theo Plato, chứ không phải là hiện thực trần tục. Hình tượng này là lời đáp tuyệt vời cho cuộc tìm kiếm muôn thuở của con người về Cái Đẹp; tóm lại, nó thuộc về không chỉ một mà là mọi thời đại.

– Sao người ta không lắp tay cho nàng?

– Ngày nay, chúng ta tránh tạo lại những bộ phận bị mất bởi một pho tượng không nguyên vẹn được thích hơn một tác phẩm phục chế tồi. Nếu những phần bị mất không gây vấn đề gì đối với việc chiêm ngưỡng, tác phẩm sẽ được trưng bày ở dạng không toàn vẹn; và khách tham quan có thể tha hồ tưởng tượng hình dạng nguyên gốc của nó. Đó chính là lý do có nhiều giả định về đôi tay bị mất tích của nàng; có vẻ “thuyết phục” nhất là tư thế cánh tay phải để thấp vắt qua thân với bàn tay đặt lên đầu gối trái, trong khi cánh tay trái cầm một quả táo giơ lên cao ngang dưới mắt chút xíu.

– Pho tượng thể hiện thần Venus để làm gì?

– Lúc đầu, các pho tượng thể hiện thần thánh được tạc cho những nơi thờ cúng. Nhưng có thể pho tượng này, được thực hiện vào cuối thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên, chỉ để trang trí. Dầu sao chăng nữa, tác phẩm này dường như được thiết kế để ta chiêm ngưỡng từ nhiều góc khác nhau. Có thể thấy điều này ở sự chú ý của nhà điêu khắc trong việc hoàn thiện từng góc nhìn. Điều đó cũng lý giải việc pho tượng được đặt giữa phòng, thay vì quay lưng vào sát tường như nhiều tác phẩm khác.      

– Tại sao pho tượng lại ở Louvre?

– Cũng như nhiều nước châu âu đầu thế kỷ XIX, người Pháp say sưa với nền văn minh Hy Lạp, coi đó là cội nguồn của văn hóa phương Tây. Nhận thức được ý nghĩa của tác phẩm điêu khắc này, viên sĩ quan hải quân Pháp  đã giới thiệu để Đại sứ Pháp tại Thổ Nhĩ Kỳ, Hầu tước de Rivière, mua và dâng lên Vua Louis XVIII – người sau này tặng lại pho tượng cho bảo tàng Louvre.

Rate this post

Viết một bình luận