» Kiểu hồ kiếng nuôi cá rồng

Hồ (bể) dùng nuôi cá Rồng là loại hồ kiếng. Chỉ có hồ kiếng mới giúp ta quan sát rõ được hình dáng và màu sắc đặc trưng của cá, đồng thời theo dõi sát sao được mọi sinh hoạt cũng như sức khỏe hằng ngày của con cá quý ra sao.

Nội dung trong bài viết

Hồ kiếng nuôi cá Rồng cần sắm có độ lớn nhỏ bao nhiêu là còn tùy thuộc vào kích thước con cá Rồng mình nuôi. Nói rõ hơn, kích thước của hồ phải tùy thuộc vào độ tuổi của cá, vào chiều dài thân cá. Và, thêm một điều nữa, nếu không đề cập đến e thiếu sót đó là việc kiểu hồ còn hợp với ý thích của người nuôi cá Rồng nữa. Điều này thì mỗi người mỗi ý, ít ai giống ai.

Hồ kiếng nuôi cá Rồng

Có điều ai cũng biết, hồ kiếng nuôi cá Rồng đòi hỏi phải có kích thước lớn mới cân xứng với thân mình giống cá kiểng này, vì hầu hết giống cá Rồng đều lớn con cả. Yêu cầu phải đạt của hồ là chiều ngang phải dài hơn gấp đôi, gấp ba chiều dài thân cá mới tốt. Nói cách khác, kích thước của hồ kiếng càng lớn, càng rộng mới tích chứa được nhiều nước bên trong, nhờ đó cá mới có môi trường sống tốt, ít bị vướng tật bệnh.

Nói đến hồ kiếng nuôi cá Rồng, gợi chúng tôi nhớ lại chuyện cách đây khoảng ba bốn mươi năm (khoảng năm 1970…), thuở giống cá kiểng lớn con và tuyệt đẹp này lần đầu tiên xuất hiện trên thị trường cá kiểng nước ta…

Còn nhớ trước đó, vào những năm đầu hậu bán thế kỷ 20, số người nuôi cá kiểng ở các tỉnh thành rất đông. Nhưng các loại cá kiểng thời đó vừa nhỏ con lại vừa ít ỏi, quanh đi quẩn lại cũng chỉ bốn năm loài mà thôi. Cho nên lần đầu con cá Ngân Long mới được nhập về trưng bày trong hồ kiếng lớn trong vài ba cửa hàng bán cá kiểng, thì mọi người đều trầm trồ khen ngợi và ai cũng ao ước muốn mua nuôi. Thế nhưng, trở ngại trước tiên khiến nhiều người chùn bước, không phải là lo khoản tiền bỏ ra mua cá, mà không biết mua ở đâu cái hồ kiểng đủ lớn để nuôi con cá Rồng to lớn này?

Vì rằng, từ năm 1950 trở về trước, trong giới chơi cá kiểng ở Sài Gòn này cũng chưa ai hình dung ra được hình thù cái hồ ghép bằng kiếng để nuôi cá kiểng (dù là loại nhỏ) ra sao! Thời đó, dân chơi cá chưa có hồ kiểng để nuôi như bây giờ. Cái gọi là hồ kiểng lúc đó là thứ hồ lớn đúc bằng xi măng cốt sắt theo hình khối vuông hay chữ nhật, chỉ phía mặt tiền của hồ được gắn một tấm kiếng dày 5 li, lớn bằng viên gạch bông bề cạnh độ 20cm hoặc 30cm. Hồ này thường dặt trước sân nhà để nuôi cá tai tượng. Nhờ vào tấm kiếng nhỏ này mà mọi người nhìn được hình dáng con cá tai tượng bơi lội qua lại bên trong…

Người nuôi cá kiểng thời đó, do chỉ nuôi các loại cá kiểng nhỏ con như cá lia thia, cá ông tiên, cá chép hay cá tàu ba đuôi thì chỉ sử dụng chai keo mà thôi. Ai ép cá thì nuôi trong chậu, trong tỉn nước mắm và trong các lu khạp…

Cũng vào thời cách đây hơn nửa thế kỷ, chưa có phố xá nào mở gian hàng bán cá kiểng cả. Ai muốn mua cá kiểng về nuôi, chỉ có cách tìm đến khắp các chợ Sài Gòn, Chợ Lớn. Cứ đến trước lối đi dẫn vào cổng chợ thì gặp gian hàng bán cá kiểng, mà người bán toàn là…các thím xẩm, chứ không nơi nào có người Việt mình đứng bán. Người Việt mình thuở đó chỉ biết bỏ tiền túi ra mua cá kiểng về nuôi, chứ không ai nghĩ đến việc kinh doanh cá kiểng cả!

Nói là gian hàng cho oai, chứ thật ra nơi bán cá chỉ choán một khoảng đường đi bằng…nửa chiếc chiếu. Tại đó, người bán đặt cái kệ nhỏ, trên đó sắp vài hàng chai keo (dung tích khoảng non nửa lít) bên trong thả cá lia thia ta, lia thia Xiêm, cá phướng…Cạnh bên cái kệ, dưới nền đường họ đặt vài cái chậu sành, vài cái thau nhôm, trong đó thả nhiều cá tàu ba đuôi, cá ông tiên, cá hồng kim, cá chép vàng…Thau nào không chứa cá thì đựng lăng quăng (bọ gậy), bo bo là thức ăn bán kèm với cá kiểng.

Vào thời đó cũng chưa có bao hy lông để đựng cá (tất nhiên cũng chưa có khí oxy để bơm vào túi ny lông để cá khỏi chết ngộp khi di chuyển đường xa) như ngày nay. Vì vậy, ai đến chợ mua cá kiểng cũng phải nhớ đem theo chai keo để đựng. Người bán họ dùng tấm lá môn để túm con cá kiểng vào trong với chút nước trao cho người mua mang về.

Mãi đến từ năm 1950 trở về sau, người Việt mình mới dần dần…thế chân người Tàu trong việc sản xuất và kinh doanh cá kiểng ở các chợ.

Khoảng năm 1955, ngoài thị trường mới xuất hiện loại hồ kiểng có kích thước nhỏ, có sức chứa từ một lít nước đến năm lít nước, đủ để nuôi năm bã con cá tàu ba đuôi hay nuôi năm bảy con cá ông tiên, đã đủ làm cho giới nuôi cá kiểng thời đó sướng rơn lên. Hồ kiếng nhỏ này được gắn bằng xi măng trắng.

Loại hồ kiếng có kích thước lớn thì mãi đến đầu thập niên 70, khi cá Rồng mới được nhập về, ai cũng thích nuôi, nên giới chuyên môn làm hồ kiếng mới bắt tay vào làm loại hồ lớn để đáp ứng kịp lúc nhu cầu của người nuôi.

Điều không tránh khỏi là thời gian đầu, hồ cá nuôi cá Rồng tuy đáp ứng được kích thước đủ lởn, nhưng mẫu mã không dẹp lại không bền vì ghép mối bằng xi măng trắng. Dần dần về sau, mẫu mã được cải thiện hơn nên nhìn bắt mắt hơn và bền hơn nhờ ghép mối bằng chất silicon.

Như phần trên chúng tôi đã trình bày, cá Rồng có nhiều loài. Có loài chỉ có kích thước tối đa là 60cm như Huyết Long, Rồng Trân Châu…Nhưng, cũng có loài thân dài cả mét như cá Ngân Long, Kim Long Hồng Vĩ…Thân mình cá đã to mà đa số tính lại hung dữ, lại có tật giật mình…Cho nên khi cá bị sợ hãi thì sự… nổi loạn của nó phải nói là đáng sợ! Khi sự sợ hãi đến tột độ, cá Rồng sẽ quẫy mạnh như điên, tạo nên những cú va đập có thể làm nứt hay bể kính ở thành hồ. Do đó, ta nên đặt làm những hồ kiếng đủ rộng và có chất liệu thật chắc bền mới sử dụng được lâu.

Đó là tiêu chuẩn cần đặt lên hàng đầu khi sắm đồ để nuôi cá Rồng, Còn việc chọn mẫu mã của hồ nhằm mục đích trang hoàng nội thất như nhiều người từng ước muốn, dù sao cũng nên coi là điều thứ yếu.

Trở lại kích thước của hồ cần rộng hẹp, to nhỏ ra sao, xin nhắc lại là tùy thuộc vào kích thước con cá. Nếu con cá Rồng có chiều dài 60cm thì hồ nuôi đòi hỏi phải có chiều ngang từ 120cm đến 150cm mới vừa. Còn chiều rộng của hồ để nuôi con cá này cũng phải hơn 60cm. Nếu con cá Rồng có kích thước 90cm thì chiều ngang của hỗ kiếng phải hơn hai mét, chiều rộng hơn một mét, chiều cao của hồ cũng phải 80cm trở lên mới vừa.

Do hồ nuôi cá Rồng có kích thước lớn như vậy nên trước khi sắm hồ, ta cũng nên chọn một địa điểm thích hợp nhất trong nhà (thường là ở phòng khách) để đặt hồ cá. Vị trí hồ đắc địa nhất là nằm đúng vào tầm nhìn của mọi người.

Nắp đậy: Bên trên hồ nuôi cá Rồng cần có nắp đậy. Chính nhờ cái nắp đậy này mới ngăn cản được những cú phóng mạnh bất thần của cá văng ra khỏi hồ khi nó bị hoảng sợ, hoặc phóng mình lên cao bắt những con côn trùng theo thói quen săn mồi trên cao của các loài cá này như dế, gián, thằn lằn mà nó thấy bám trên thành nắp hồ. Cá mà phóng ra khỏi hồ nuôi nó thì chỉ đâm đầu xuống đất và nó khó thoát khỏi cái chết.

Lót sỏi nền hồ: Bên trong hồ nuôi cá Rồng không cần thiết phải tạo cảnh trí như trang trí cây thủy sinh, san hô…như nuôi các giống cá kiểng khác. Hồ nuôi cá Rồng cần được thông thoáng, trống trải để đủ chỗ cho cá bơi lượn qua lại thoải mái. Kinh nghiệm cho thấy chỉ cần trải đều một lớp sỏi làm nền ở đáy hồ là đủ.

Lớp sỏi này không nhằm vào mục đích trang trí cho hồ cá mà để…ngăn ngừa một chứng bệnh cho cá Rồng. Kinh nghiệm cho những người nuôi cá Rồng lâu năm thấy rằng, nếu đáy hồ cứ để trống trơn thì lâu ngày cá Rồng sẽ bị chứng xệ mắt, giảm giá trị. Tật xệ mắt này là do cá tự gây ra do thường xuyên nhìn thấy bóng của nó phản chiếu xuống đáy nước, lâu ngày mắt mới bị xệ. Ngoài việc chăm chú nhìn bóng mình phản chiếu phía dưới, nó cũng ưa xăm xoi số thức rơi rớt rải rác dưới đáy hồ, khiến cá cũng bị xệ mắt.

Khi đáy hồ đã được trải lớp sỏi loại viên lớn khỏa lấp hết thì bóng của nó không còn phản chiếu nữa, mà thức ăn thừa cũng chìm sâu trong các kẽ hở của sỏi nên cá không còn lý do gì để nhìn xuống. Và thế là nó không bị xệ mắt.

Loại sỏi phủ đáy hồ nên chọn loại sỏi màu đen tối và viên to.

Ánh sáng: Trong đời sống hoang dã, cá Rồng chỉ thích sống ở những đoạn sông tối tăm hoặc nơi thường xuyên có bóng cây che rợp bên trên. Thế nhưng, nuôi cá Rồng ở trong hồ kiếng, dù là lúc cá còn nhỏ cũng không thể thiếu yếu tố ánh sáng chiếu vào hồ. Nhưng ánh sáng ở đây không phải là ánh sáng tự nhiên của mặt trời thường xuyên trực chiếu vào hồ, mà là ánh sáng đèn, như đèn Azoo hoặc đèn Halogen, có tác dụng hỗ trợ cho sắc tố của cá Rồng phát triển mạnh hơn, đẹp rực rỡ hơn. Và trước hết, nhờ vào ánh sáng đèn chiếu rọi vào hồ mà ta mới có cơ hội thưởng thức được vẻ đẹp của con cá quý mình nuôi.

Mỗi loài cá Rồng cần được cung cấp loại đèn có màu phù hợp chiếu vào hồ để giúp tăng trưởng sắc tố của chúng mạnh hơn. Như cá Hồng Long, Huyết Long thì đèn màu hồng. Như cá Kim Long quá bối thì hợp với đèn màu xanh lam…

 

Rate this post

Viết một bình luận