Đó là một ngày đầu hè, chúng tôi chưa có một plan cụ thể nào cho một mùa hè rực rỡ sắp tới. Và trong khi đang tìm kiếm địa điểm để “đi trốn” cho ngày cuối tuần phù hợp với 4 đứa con gái, bất chợt cái tên Cô Tô nảy ra trong đầu. Phải rồi, mùa hè thì không thể nào thiếu biển được!!!
Muốn đi Cô Tô, bạn sẽ phải đi bằng ít nhất 2 phương tiện: xe khách + tàu, hoặc là xe máy + tàu. Dĩ nhiên, vì Cô Tô là một hòn đảo thuộc tỉnh Quảng Ninh nằm xa đất liền, nên muốn đến Cô Tô các bạn phải bắt tàu ra đảo từ cảng Vân Đồn, Quảng Ninh. Vậy là có 2 việc phải làm: liên lạc với một nhà xe có thời gian phù hợp chạy thẳng đến cảng và liên lạc để mua vé tàu ra đảo theo thời gian xe chạy. Chịu khó google một chút các bạn sẽ có rất nhiều sự lựa chọn về các tuyến xe chạy Hà Nội – Vân Đồn, Hà Nội – Quảng Ninh… Còn về vé tàu, có rất nhiều chỉ dẫn rằng hoặc là liên hệ các nhà tàu để đặt vé trước, hoặc là có thể đến bến cảng mua vé tàu ngay tại đó nên chúng tôi không lo lắng về vé tàu lắm, chỉ cần đặt được xe là đã có thể khởi hành rồi.
Chuyến xe vào 1h sáng
Theo như lịch trình mà tôi lên, chúng tôi sẽ có 2 ngày thứ 7 và Chủ Nhật dành cho Cô Tô, trong đó thời gian di chuyển tốn khá nhiều. Nếu muốn chơi được nhiều hơn, chúng tôi đành phải xem xét lại cách di chuyển. Thông thường, tàu chạy ra đảo sẽ có 2 khung giờ, 1 là vào 7-9h sáng, và hai là 1-3h chiều đối với tàu cao tốc, một lần đi mất khoảng 1h đồng hồ. Tàu gỗ có nhiều sự lựa chọn hơn nhưng thời gian đi tàu rất lâu (khoảng 3h). Nếu chưa kể thời gian chạy xe thì đã mất 1 buổi (sáng/chiều) để đi tàu ra đảo, do vậy, cộng với thời gian di chuyển Hà Nội – Vân Đồn (khoảng 5h chạy xe khách) thì chúng tôi đã mất cả một ngày. Và nếu muốn đến Cô Tô vào sáng thứ 7, chúng tôi phải bắt xe từ tối hôm thứ 6 và có khả năng phải ở lại Vân Đồn một đêm trước khi ra đảo.
Đường phố Hà Nội về đêm
Sau khi tìm kiếm được rất nhiều xe khách chạy tuyến Hà Nội – Quảng Ninh, chúng tôi quyết định chọn nhà xe Xuân Trường (sđt 0962.635.888), vì đây là nhà xe có chuyến xe chạy thẳng Hà Nội – Vân Đồn. Đặc biệt hơn nữa nhà xe có chuyến xe khách riêng chạy phục vụ các du khách đi Cô Tô vào lúc 1h sáng tại Keangnam Hà nội, để tới cảng vào lúc 6h sáng (rất phù hợp với thời gian tàu chạy mà lại không phí mất 1 buổi tối ở cảng Vân Đồn), về vào lúc 3h chiều cũng khá phù hợp với thời gian khi các bạn bắt tàu từ đảo về vào khung giờ 12h-1h chiều. Giá vé cả 2 chiều là 130k/chiều.
Khung cảnh vắng vẻ trên đường Nguyễn Trãi lúc 1h sáng
Chúng tôi chọn trường đại học Khoa học Tự Nhiên nằm trên đường Nguyễn Trãi để bắt xe, giờ hẹn đón khách là 1h30p sáng. Đường Nguyễn Trãi là một con đường đông đúc và hay bị kẹt xe vào giờ cao điểm nhưng buổi đêm thì hoàn toàn khác hẳn. 1h sáng, đèn đường sáng trưng và chỉ có 4 cái bóng của chúng tôi nhấp nhô di chuyển đi bộ ra cổng trường khoa học tự nhiên. Con đường vắng lặng không một bóng người qua lại, đâu đó xa xa vẳng lên tiếng rao “bánh khúc, xôi lạc đây” thân quen. Hà Nội về đêm thật yên tĩnh, không có cái sự xô bồ mỗi sáng thức dậy, cảnh người chạy dọc chạy xuôi kịp giờ làm hay lo buôn bán ngược xuôi tấp nập. Buổi đêm nếu bạn ra đường, Hà Nội có một vẻ đẹp khác, tĩnh lặng và bình yên hơn.
Ngồi đợi xe lúc 1h sáng
Khoảng hơn 1 rưỡi chúng tôi đón được xe, chiếc xe khá to và rộng, trên xe đã có một số các bạn trẻ, đều là hành khách đi Cô Tô hoặc Quan Lạn. Tuy không phải xe giường nằm nhưng ghế có thể ngả ra để ngủ qua một đêm dài, bạn sẽ không cảm thấy mệt mỏi lắm đâu. Vậy là ngả lưng, chúng tôi thiếp vào giấc ngủ chuẩn bị cho một ngày dài đến đảo Cô Tô.
Bến cảng Cái Rồng
Xe đến cảng Cái Rồng, Vân Đồn vào lúc 5h hơn. Vừa mới bước chân xuống xe đã có ngay một vài người bán vé tàu lẻ chạy đến hỏi chúng tôi có mua vé tàu không đúng như những gì về kinh nghiệm du lịch Cô Tô mà chúng tôi đã tìm kiếm được (đó là lý do tại sao chúng tôi không đặt mua vé trước). Sau khi nói chuyện hỏi han qua lại vài câu về giờ tàu chạy và chỗ ngồi các kiểu, chúng tôi quyết định mua vé chuyến 6h30 của tàu cao tốc Hoàng Quân chạy với giá 200k. Chiều về có thể mua tại quầy bán vé trên đảo vì hôm nay chưa có lịch cho tàu chạy ngoài đảo (theo lời của người bán vé dạo). Để yên tâm hơn, các bạn nên vào phòng bán vé tại bến cảng, ở đó có rất nhiều nhà tàu niêm yết giá và giờ tàu chạy, bạn có thể mua luôn cả vé khứ hồi. Sai lầm của chúng tôi là đã quá chủ quan mà không mua vé khứ hồi trước mà sau đó rất mất thời gian và công sức để quay trở lại đất liền.
Vé tàu Vân Đồn – Cô Tô
Tranh thủ ở bến cảng có một khu chợ đông đúc nhộn nhịp, chúng tôi mua đồ ăn sáng, nước và chút hoa quả để ăn trên đường. Buổi sáng mùa hè không khí trong lành và mát rượi mang theo vị mằn mặn của gió biển và mùi tanh nồng của tôm, cá, cua, ốc,… được bày bán dọc hai bên đường cảng. Mặt trời bắt đầu nhô lên và ló rạng dần dần. Tuy có hơi đông đúc nhưng bình minh nơi bến tàu vẫn có một vẻ đẹp riêng:
Khu chợ tại bến cảng Cô Tô
Ở miền Bắc Việt Nam, các nhà xe thường hay trễ giờ, và tàu thì cũng không ngoại lệ. Chúng tôi phải đợi đến tận 8 rưỡi khi mặt trời lên cao mới được lên chiếc tàu cao tốc 2 tầng. Và tàu khởi hành vào lúc 9h. Trên tàu không đông lắm, vẫn còn nhiều ghế trống, bạn có thể thoải mái chọn chỗ của mình. Nếu không thích ngồi tại chỗ, bạn cũng có thể lên mạn boong tàu để ngắm trời xanh biển rộng, thu hết khung cảnh của vịnh Bái Tử Long vào tầm mắt, hoặc ngắm nhìn những con sóng bạc đầu dưới đuôi thuyền và để cho gió biển vỗ lên mặt, hay đơn giản hơn, chụp hình selfie cùng lũ bạn với background là các hòn núi đá vôi nhô lên trên mặt biển.
Tàu cao tốc
Ghế trên tàu
Khi ở trong vịnh sóng rất êm, bạn có thể thoả sức ngắm trời ngắm biển. Nhưng khi ra khỏi vịnh hướng về phía đảo, sóng bắt đầu to dần và con thuyền dập dềnh theo sóng có thể sẽ khiến bạn cảm thấy khó chịu và buồn nôn. Lúc này không có gì tốt hơn là chợp mắt một lúc để dành sức lên đảo quẩy tung trời, bạn nào bị say sóng thì nhớ uống thuốc trước khi lên tàu theo chỉ dẫn nhé. Đây là một note trong kinh nghiệm du lịch Cô Tô của tôi để giúp có một sức khoẻ tốt khi đến đảo chơi.
Tàu cập bến Cô Tô vào lúc 10h, bạn sẽ phải đi bộ vào bên trong khoảng 500m. Chúng tôi đã đặt ngủ lều ở Cô Tô Park với giá 280k/người (bao gồm ngủ lều, vé chơi ở nhà phao, đi lặn biển ngắm san hô, chơi kayak). Muốn đến Cô Tô Park ở bãi Hồng Vàn cách bến tàu 7km, chúng tôi có vài sự lựa chọn: xe ôm, tuk tuk hoặc taxi. Nhưng vì để tiện cho việc di chuyển quanh đảo và đi tham quan các điểm một cách tiết kiệm hơn, tôi đã chọn thuê 2 chiếc xe máy với giá 200k/ngày. Khi vừa đến bến tàu sẽ có rất nhiều người ra chào giá bạn về nhà nghỉ, hoặc thuê xe máy. Bạn chỉ cần chọn và thoả thuận vừa ý 2 bên là có thể sử dụng. Khi thuê xe thì bạn phải đặt cọc lại chứng minh thư cũng như trả tiền thuê xe trước, nhớ giữ lại bản hợp đồng thuê xe để an toàn và bảo vệ quyền lợi của bạn nếu có sự cố gì. Sau khi đổ xăng ở một cây xăng mini với giá 25k/lít (trên đảo đang xây dựng 1 cây xăng to nhưng chưa hoàn thành), chúng tôi theo gmaps chạy thẳng đến bãi Hồng Vàn cách thị trấn Cô Tô chừng 7km. Đường khá dễ đi, dốc không nhiều và không quanh co, khi ra đến bãi Hồng Vàn các bạn sẽ đi qua một con đường hai bên là hàng phi lao rất đẹp:
Và những bãi cỏ ven đường:
Không mất nhiều thời gian hỏi đường, chúng tôi dễ dàng tìm thấy Cô Tô Park ngay trên bãi biển. Đây là một tổ hợp nhà hàng kết hợp bungalow và công viên nước nhà phao có thêm các dịch vụ vui chơi khác như chèo kayak, lặn ngắm san hô hay lái thuyền buồm). Sau khi gửi đồ đạc, chúng tôi quyết định gọi đồ ăn trưa luôn tại đây, mỗi người được free một đồ uống. Là khách hàng của Cô Tô park, mỗi người sẽ được phát một vòng nhựa đeo tay màu xanh, khi đeo vòng này các bạn có thể tham giá các trò chơi/hoạt động của Cô Tô Park mà không mất thêm tiền.
Bữa trưa xong là lúc trời nắng nóng nhất, sẽ không phải là khôn ngoan khi xuống biển tắm hay lượn xe máy loanh quanh. Chúng tôi quyết định nằm nghỉ trưa trên các sạp gỗ của chỗ nghỉ, đợi đến buổi chiều sẽ bắt đầu khám phá hòn đảo Cô Tô này.
Chơi gì ở Cô Tô?
Ở Cô Tô có khá nhiều chỗ chơi, bạn có thể tham khảo theo list dưới dây và quyết định đi đâu:
–
Bãi biển Hồng Vàn (chính là nơi mà chúng tôi chọn ở lại).
–
Bãi biển Vàn Chảy (nằm ở phía khác của đảo).
–
Tượng đài Bác Hồ (ngay trong thị trấn).
–
Con đường và bãi tắm tình yêu (ngay gần tượng đài Bác).
–
Trạm Hải Đăng Cô Tô.
–
Bãi đá Cầu Mỵ.
–
Nhà thờ Cô Tô.
–
Đảo Cô Tô con.
–
Đảo Thanh Lân.
Để đi hết danh sách này thì có lẽ bạn sẽ phải mất 3 ngày trên đảo, vì việc di chuyển tàu ra các đảo xung quanh đã mất khá nhiều thời gian. Các điểm còn lại các bạn có thể đi trong ngày là được.
Đảo Cô Tô Con hoang sơ
Chúng tôi đã chọn Cô Tô con là điểm tới vào buổi chiều hôm đó. Quay ngược lại từ bãi Hồng Vàn qua đồn biên phòng thì rẽ phải, các bạn đi ngược lại về phía đầu kia của đảo chừng 2-3km, tại đây sẽ có một bến cảng nữa tập trung tàu gỗ đánh cá và thuyền thúng của các ngư dân gọi là cảng Bắc Vàn. Gửi xe máy tại các lán nước xung quanh, sẽ có người đến hỏi thăm bạn đã có tàu đi ra Cô Tô con chưa, có muốn đi ghép đoàn không. Tại đây chúng tôi thấy có 2 nhóm đang đợi đủ ghép đoàn để đi, nên đã đồng ý đi với họ để chia tiền cho tiết kiệm. Thuê một con tàu gỗ đi từ bến ra Cô Tô con mất khoảng 480-500k (với quãng đường 3km và gần 1h di chuyển). Chúng tôi có 9 người, vậy thì chia đầu người sẽ rẻ hơn rất nhiều so với 4 người chúng tôi thuê riêng 1 tàu mà chỉ để đến đảo Cô Tô con và vòng trở về. Thế nên các bạn nếu có đến sớm hãy chờ đợi các đoàn khác để thuê ghép tàu, sẽ tiết kiệm được hơn rất nhiều, đây cũng là một kinh nghiệm du lịch Cô Tô nên nhớ.
Tàu gỗ để di chuyến tới hòn đảo
Đảo Cô Tô con dường như không có người ở, chỉ có một, hai quán nước dựng tạm bằng thân cây gỗ và bạt, bãi biển còn rất hoang sơ và không mấy du khách đến đây tắm. Lúc chúng tôi đến nơi đã là 3h hơn và chỉ có 2,3 đoàn ở đó. Biển xanh trong vắt, sóng dập dềnh dưới ánh mặt trời và bờ cát trắng trải dài là một địa điểm phù hợp để mọi người tắm biển và thưởng thức không khí thiên nhiên nơi đây. Trời nắng gắt và rát da khiến chúng tôi không muốn xuống biển vẫy vùng, và đã để dành thời gian khám phá dọc quanh bãi biển hoang sơ này. Đi bộ dọc bãi biển các bạn sẽ thấy có những mỏm đá lởm chởm nhô lên, bị sóng biển xô qua năm tháng tạo thành những rãnh dọc dài và sâu, đây là đặc trưng của địa chất trên đảo Cô Tô khi nước biển bào mòn lớp đá trầm tích trên bề mặt địa chất.
Đá trầm tích trên bãi biển
Đi dọc bãi biển các bạn sẽ thấy có một dãy đá chắn ngang ngăn cách bãi biển và phần phía sau. Chúng tôi tò mò không biết bên đó có gì nên đã đã trèo lên mỏm đá để sang phía bên kia. Không khó trèo lắm đâu nhưng các bạn nhớ đừng đi giầy/dép cao gót nhé. Trên mỏm đá là một back ground tuyệt đẹp để các bạn cho ra những bức ảnh để đời với một cây phi lao đung đưa trên nền đá và bầu trời thì xanh ngắt không một gợn mây.
Phía bên kia là một bãi biển vắng hoàn toàn vắng người, cát trắng thoai thoải nằm bên cạnh rừng phi lao chờ đợi những cơn sóng xanh vỗ về. Nơi đây rất thích hợp để cắm trại vì vừa yên tĩnh thoải mái, lại vắng vẻ làm cho con người ta hoàn toàn hoà mình vào thiên nhiên. Nếu bạn đi cắm trại thì không còn gì tuyệt vời hơn việc tới đảo Cô Tô con và chọn cho mình một chỗ riêng biệt như thế này. Cá nhân tôi thấy thì bãi biển ở đây đẹp và hoang sơ hơn các bãi biển ở đảo Cô Tô nên nếu đi Cô Tô, các bạn hãy dành thời gian ghé Cô Tô con nhé.
Background tuyệt đẹp từ mỏm đá tạo nên những bức ảnh sống ảo cho các bạn nữ
Chúng tôi quay trở lại quán nước sau khi đã ngắm đã mắt trời biển, đem về những bức ảnh tuyệt đẹp của mùa hè năm nay và ngồi đợi thuyền ra đón vào lúc 4h như đã hẹn với 2 đoàn còn lại. Một cốc nước mía hay một quả dừa là sự lựa chọn tốt nhất lúc này cho các bạn nghỉ ngơi sau quãng thời gian đi bộ dọc bãi biển dưới ánh mặt trời chói chang.
Khoảng 5h chúng tôi đã đặt chân lên bến Bắc Vàn, lấy xe máy quay trở lại bãi Hồng Vàn. Tại đây nhóm chia làm 2 hướng, 2 người bạn thì muốn quay lại Cô Tô Park để tắm biển và vui chơi, còn tôi và một bạn nữa thì muốn chạy tới bãi đá Cầu Mỵ ngắm cảnh quan núi đá trầm tích bị bào mòn trăm ngàn năm vào lúc hoàng hôn. Vậy là nhóm chia thành hai ngả, hẹn 7h tối ăn cơm tối tại nhà hàng Uý Thanh nổi tiếng ở thị trấn Cô Tô.
Bãi đá Cầu Mỵ khi hoàng hôn buông
Cầu Mỵ cách bãi tắm Bắc Vàn tầm 10km, chúng tôi phải trở lại vòng qua thị trấn Cô Tô để tới đó. Như đã nói ở trên, đường đi không hề khó nên không mất lâu lắm chúng tôi đã tới được nơi. Đến nơi bạn sẽ phải gửi xe và đi bộ xuống bãi đá, nơi có những mỏm đá trầm tích vươn mình ra phía biển khơi đón những cơn sóng đầu tiên. Núi đá trầm tích được nước biển bào mòn tạo thành những rãnh khắc sâu với những màu sắc khác nhau cùng hình thù kì quái. Đây cũng là một nơi check-in có tiếng mà bạn nên tới khi tới du lịch Cô Tô.
Một trong những địa điểm check in ở Cô Tô- Bãi đá Cầu Mỵ
Thời khắc đẹp nhất khi tới bãi đá Cầu Mỵ chính là vào lúc bình minh hoặc hoàng hôn theo kinh nghiệm du lịch Cô Tô của các bạn trẻ, bạn đều có thể ngắm mặt trời nhô lên từ phía biển hay lặn dần xuống sau dãy núi. Trên đỉnh núi đá là một cột cờ với lá cờ Tổ Quốc bay phấp phới khẳng định chủ quyền của Việt Nam. Đây cũng là địa điểm để ngắm bình minh/hoàng hôn đẹp nhất. Để leo tới đây bạn sẽ mất tầm hơn 10p, đi qua một lối mòn nho nhỏ bằng đất:
Con đường nhỏ dẫn đến bãi đá cột cờ
Hoàng hôn dần buông xuống, khuất sau ngọn núi.
Cột cờ trên đỉnh núi đá trầm tích
Hoàng hôn nơi bãi đá
Từ đỉnh cột cờ có thể nhìn bao quát bãi đá tạo nên khung cảnh tuyệt vời:
Khi mặt trời đã khuất sau những rặng cây, chúng tôi quay trở lại thị trấn ghé qua đền thờ Bác Hồ trên đảo.
Cảnh chạng vạng ở bến tàu
Lúc chiều chạy qua bãi đá Cầu Mỵ đã tranh thủ chụp:
Đền thờ Bác Hồ
Đền thờ Bác Hồ
Món cho bữa tối là hải sản, dĩ nhiên rồi. Đi đảo sao lại có thể bỏ qua các món hải sản ở đây được cơ chứ. Chúng tôi vào nhà hàng Uý Thanh nơi đã hẹn trước với 2 bạn còn lại, thực đơn thì rất nhiều món: tôm, cua, ghẹ, ngao, sá sùng,… với giá cả phải chăng. Gọi một đĩa mực và ốc móng tay, thêm 3 con ghẹ và bát canh ngao chua là đủ làm chúng tôi thoả mãn cơn thèm hải sản:
Ốc móng tay
Ghẹ hấp
Buổi tối ở thị trấn không có nhiều hoạt động, ngoài việc đi ra bãi tắm Tình Yêu đi dạo hay ngồi uống café ở sát bãi biển thì không có gì đặc sắc cho lắm. Trên đảo cũng có một vài quán karaoke nhưng chúng tôi không nghĩ đi hát là một việc hay lúc này. Ăn uống no nê xong là lúc chúng tôi quay trở lại bãi Hồng Vàn, nhận lều, nằm dài trên sạp gỗ ngay sát bờ biển, tận hưởng cơn gió biển lành lạnh và buôn dưa lê tán phét. Cách đó vài cái lều là một nhóm các bạn trẻ khoảng 5-6 người đang đánh bài uống rượu rất vui vẻ. Tối nay chỉ có 2 nhóm bọn tôi ngủ ngoài bãi biển, đó cũng là một trải nghiệm vui. Lát sau các bạn ấy có sang bên chỗ bọn tôi giao lưu nhưng vì đã quá muộn và không ai biết uống rượu nên chúng tôi cảm ơn và từ chối, đi ngủ chuẩn bị cho sáng ngày mai chạy lên hải đăng Cô Tô ngắm bình minh.
Bãi Hồng Vàn buổi đêm
Nhà hàng ở cô tô park
Công viên nhà phao trên bãi biển
Hải Đăng Cô Tô
Sáng ngày hôm sau chúng tôi thức giấc khi trời còn lờ mờ tối, nước biển đã rút để lại một khoảng cát ẩm, mặt trời có vẻ vẫn chưa lên:
Từ trong lều nhìn ra
Một lát sau mặt trời đã ló rạng
Trước khi đi lên ngọn Hải Đăng có một việc phải làm là nhắn tin cho chị bán vé tàu để mua vé tàu về vào lúc 12h trưa. Chúng tôi đã quá chủ quan khi cứ nghĩ đặt vé được là ok (trả tiền tại bến tàu) mà việc này đã làm cho chúng tôi mất thêm một buổi chiều trên đảo (vừa thêm kinh nghiệm và vừa có thể biết thêm một vài chỗ chơi trên đảo Cô Tô).
Quay trở lại buổi sáng tới ngọn hải đăng, Hải đăng Cô Tô nằm trên điểm cao nhất của đảo, mất khoảng 30p cho những khúc cua ngoằn ngoèo lên dốc nhưng đường không khó đi đâu, các bạn cứ chắc tay lái là được. Khi tới hải đăng thì các bạn nhớ nộp một khoản nho nhỏ gọi là đóng góp cho bộ đội ở đây (chỉ 20k/4 người).
Hải đăng Cô Tô
Cánh đồng trên đảo
Hồ chứa nước trên đảo
View ra xung quanh
Mặt trời lúc sáng sớm
Máy hấp thu năng lượng mặt trời
Rời ngọn hải đăng chúng tôi quay lại bãi Hồng Vàn, ở đây có thể tắm biển và vui chơi các trò chơi ở công viên nước Cô Tô. Chèo kayak bơm hơi và lặn ngắm san hô là hoạt động thú vị nhất ở đây. Vì không đủ thời gian nên chúng tôi chọn đi lặn biển. Như bình thường bạn sẽ được phát cho áo phao và một chiếc kính lặn kèm ống thở (bạn sẽ phải đặt cọc 250k/một kính và sẽ được lấy lại tiền cọc sau khi đã chơi xong). Những tưởng chúng tôi sẽ phải lên thuyền và ra ngoài khơi xa tới địa điểm ngắm san hô nhưng thật bất ngờ, không có con thuyền nào cả. Việc đơn giản chúng tôi làm là mặc áo phao, đeo kính, và… đi bộ ra bãi biển cách đó 700m. Có một hướng dẫn viên là thợ lặn đi kèm với chúng tôi, hướng dẫn chúng tôi cách dùng ống thở và dẫn chúng tôi bơi về phía rặng san hô ngay gần bờ biển. Nói là bơi chứ đúng ra là chúng tôi đi bộ xuống dưới biển. Rặng san hô ở đảo Cô Tô nằm rất gần bãi biển, bạn chỉ cần đi bộ hướng về phía biển lớn chùng 300m, với mực nước cao tầm 2m, lúc này bạn sẽ nổi lên trên với áo phao, và chỉ cần úp mặt xuống dưới là sẽ thấy san hô đang đung đưa bồng bềnh ngay dưới chân bạn, một cách kì diệu. Hãy hạn chế đừng chạm vào chúng vì bọn chúng rất đỏng đảnh. Anh tour guide đã dặn dò chúng tôi một cách kỹ lưỡng, chỉ được xem và ngắm, đừng làm gì tác động đến môi trường của san hô. Nước biển trong xanh và san hô thì ngay dưới chân, chúng tôi thoả sức vẫy vùng bơi từ chỗ này sang chỗ khác, í ới gọi nhau khi phát hiện ra rặng san hô có màu sắc khác hay nở hoa cực đẹp, thi thoảng còn phát hiện có những chú cá con bơi lội thoắt ẩn thoắt hiện phía bên dưới.
Mệt lử người sau khi lặn biển nhưng chúng tôi vẫn dành thời gian để chơi ở nhà phao Cô Tô Park cho đỡ tiếc tiền :)). Thật ra mấy trò chơi ở đây cũng vui nhộn với những người ưa thích hoạt động ngoài trời, có đi thăng bằng, leo qua các phao to và leo núi phao. Khó khăn lắm mới leo được đến đỉnh vì rất trơn và núi phao đã mất một vài tay bám, nhưng trượt xuống bên dưới là cảm giác rất Yomost!
Sau quãng thời gian hoạt động tiêu hao calo, chúng tôi quay trở lại khu lều tắm rửa nghỉ ngơi và chuẩn bị đồ ra bến tàu. Lúc này mới phát hiện điện thoại có hơn chục cuộc gọi nhỡ (vì đi lặn mà tôi thì không có túi chống nước cho điện thoại nên không thể mang điện thoại xuống biển). Hoá ra chị bán vé gọi điện lại xác nhận đặt vé của chúng tôi nhưng không có ai bắt máy nên đã bán vé cho người khác. Vậy là chúng tôi không có vé để về đất liền. Các bạn nhân viên ở Cô Tô Park cũng đã tận tình giúp đỡ hoặc tìm kiếm chỗ bán vé khác cho chúng tôi nhưng chỗ nào cũng hết vé.
Lỡ tàu ở Cô Tô và sự thân thiện của người dân
Chúng tôi tức tốc rời chỗ nghỉ quay lại bến tàu với mong muốn tìm được chỗ bán vé và cũng tiện thể đến giờ hẹn trả xe. Thật không may là không còn vé cho chuyến nào, các chị bán vé chỉ khuyên là hãy đợi ở bến tàu để xem có ai không đi trả lại vé thì chúng tôi sẽ được mua. Lang thang ở bến tới lúc trả xe thì anh chủ cho thuê biết tình hình của chúng tôi nên đã an ủi và hứa sẽ tìm cách mua vé giúp chúng tôi, bảo chúng tôi cứ đi ăn trưa nghỉ ngơi đi, khi nào có vé anh ấy sẽ báo. Chúng tôi đi lang thang qua khu hàng quán ngay cạnh bãi tàu, chọn một quán cơm bình dân ăn trong lúc chờ đợi. Đồ ăn cũng khá ngon nhưng chúng tôi đang tâm trạng lo lắng sợ không thể vào được đất liền ngay hôm nay nên không có hứng thú ăn uống lắm.
Lát sau thì anh Hưng chủ thuê xe cũng liên lạc lại và nói đã kiếm được 4 vé vào Cái Rồng cho chúng tôi chuyến 4h chiều. Vậy là an tâm nhưng phải huỷ vé xe Xuân Trường lúc chiều về vì chúng tôi không vào đất liền kịp. Đành tới đâu hay tới đó, chúng tôi nhận vé từ anh và ngồi ở một quán nước chờ đợi tới giờ tàu chạy (lúc đó mới là 12h trưa), tiện thể mời anh ngồi uống nước cùng luôn vì anh làm việc ở bến tàu kiếm khách cho thuê xe. Ngồi nói chuyện một hồi anh nói chúng tôi có thể lấy xe máy của anh chạy loanh quanh đảo chơi tiếp nhưng mọi ng quá mệt nên cám ơn và từ chối. Sau đó anh mời chúng tôi về nhà chơi và nghỉ ngơi cho đỡ mệt thay vì ngồi vật vờ ngoài quán vỉa hè nóng nực như thế này. Tôi và cô bạn thì không sao nhưng có 2 bạn hơi yếu cần nghỉ ngơi nên chúng tôi vui vẻ mạn phép làm phiền anh ấy. Lúc đầu tôi cũng không hứng thú lắm nhưng sau đó nghe anh quảng cáo gần nhà anh có một bãi đá khác đẹp hơn bãi Cầu Mỵ lại có thể đi bộ ra được nên tôi đã bị thuyết phục. Đường về nhà anh cách khá xa bến tàu nên phải di chuyển bằng xe máy, lúc gần tới nơi chúng tôi đi qua nhà thờ Cô Tô mới xây nhìn rất đẹp. Vậy là tôi định bụng đến nơi sẽ không nghỉ ngơi mà quay lại ghé thăm nhà thờ này.
Ngồi nói chuyện với anh một lúc, nghe anh kể về lý do tại sao ở đây (anh không phải là người dân gốc mà từ Uông Bí ra đảo lập nghiệp), tôi và cô bạn xin phép đi ra ngoài quay ngược lại hướng nhà thờ Cô Tô và tìm ra bãi đá mà anh Hưng đã nói để thăm thú trong khi 2 bạn khác nghỉ ngơi.
Nhà thờ Cô Tô được xây dựng năm 2013, là nơi để giáo họ đảo Cô Tô sinh hoạt những ngày lễ và cuối tuần. Kiến trúc bên ngoài là kiến trúc kiểu Âu của thiên chúa giáo với các khung cửa sổ làm bằng thuỷ tinh nhiều sắc màu, tường sơn là màu xám chủ đạo với các khung vòm tròn và tháp chuông mái vòm có gắn tượng Chúa.
Nhà thờ Cô Tô
Địa điểm khám phá tiếp theo là bãi đá mà anh Hưng quảng cáo đẹp nhất đảo Cô Tô, nơi mà có một vài hang động được tạo từ đá trầm tích. Chúng tôi theo chỉ dẫn tìm tới bãi đá, phải đi bộ một khoảng khá xa từ nhà thờ (cỡ 2km) để ra ngoài bãi đá sát mép biển. Đang có một công trình gì đó được xây dựng ở đây nên nhiều xe tải và đường đất rất bụi. Giữa chiều nắng đổ lửa chỉ có hai bóng người trèo lên trèo xuống nhấp nhô sau các tảng đá. Chúng tôi tìm được ra tận ngoài bãi đá nơi sóng biển xô từ ngoài đại dương vào khắc sâu các hình thù kì quái trên đá trầm tích. Đứng ở đây ngắm biển cũng là một sự lựa chọn không tồi nếu như mặt trời k thể hiện sức nóng mãnh liệt trên đầu và không có nổi một bóng cây nào để “trốn nắng”.
Bãi đá không tên
Chúng tôi đã không thể tìm được hang động mà anh Hưng đã kể, phần vì thời gian eo hẹp, phần vì cái nắng cản trở, chúng tôi quyết định quay lại nhà anh và chuẩn bị ra bến tàu trở về đất liền.
Giờ tàu chạy là 4h nhưng như thường lệ tàu lại tới trễ. Chúng tôi vật vờ tại bến cảng và ngóng mỗi khi có một con tàu từ phía xa xa xuất hiện, lại khấp khởi chờ đợi xem có phải số hiệu tàu của mình không. Mất 1h thì tàu của chúng tôi mới tới bến, mừng hết biết vì cả nhóm đã mong được về nhà nằm trên cái giường êm ái lắm rồi. Việc chờ đợi mất khá nhiều thời gian và mệt mỏi, bạn biết đấy!
Tàu cập bến vào lúc 6h hơn, việc phải làm bây giờ là tìm ngay một chiếc xe chạy từ Vân Đồn về Hà Nội. Anh Hưng đã cho chúng tôi số điện thoại của một xe khách chạy từ Cẩm Phả qua Vân Đồn vào lúc 8 rưỡi tối và như thế thì rất muộn, chúng tôi quyết định rằng khi tới bến tàu gặp được xe nào thì sẽ nhảy lên luôn. Ra khỏi bến tàu chúng tôi gặp ngay một anh lơ xe đang kiếm khách cho chuyến xe về Hà Nội, đó là nhà xe Vinh Nhâm chạy lúc 6h tại ngay cảng Cái Rồng. Không suy tính gì nữa chúng tôi lên ngay chiếc xe trở về với Hà Nội thân yêu khi đã kịp mua bánh mỳ lót dạ cho bữa tối.
Xe lăn bánh ngay sau đó, để lại một chuyến đi không kế hoạch nhưng đầy hấp dẫn, để lại những kỷ niệm đẹp về đảo Cô Tô với sự thân thiện của người dân, để lại những kinh nghiệm du lịch Cô Tô để đời quý báu cùng những trải nghiệm khó quên với chúng tôi.
Trên đây là những kinh nghiệm du lịch Cô Tô của tôi, hy vọng sẽ giúp ích được các bạn khi tới thăm đảo Cô Tô :).
Tham gia Group Facebook của Cùng Trải Nghiệm để cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích: Cộng đồng khách hàng Cùng Trải Nghiệm