Kim Bôi Hòa Bình là điểm du lịch tuyệt đẹp và được nhiều du khách quan tâm. Nơi đây sở hữu suối nước khoáng nóng tốt cho sức khỏe, đồi núi Tây Bắc hoang sơ và suối thác hùng vĩ nhưng không kém phần thơ mộng. Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ một vài kinh nghiệm du lịch Kim Bôi Hòa Bình mới nhất năm 2022 mà bạn có thể tham khảo!
Vài nét về Kim Bôi Hòa Bình
Nằm về phía Tây Nam sát Hà Nội, Kim Bôi là vùng đất có nền văn hóa truyền thống lâu đời, gắn với sự hình thành và phát triển của cộng đồng dân tộc Việt – Mường. Thiên nhiên ở Kim Bôi Hòa Bình vô cùng đặc sắc, có nhiều khu rừng, hang động, núi non trùng điệp và nên thơ.
Nên du lịch Kim Bôi Hòa Bình vào thời gian nào?
Hòa Bình có suối nước nóng Kim Bôi nên trong những ngày nóng nực hoặc mát mẻ, bạn có thể đến đây để nghỉ ngơi, thư giãn. Không cách quá xa Hà Nội, Kim Bôi Hòa Bình là địa điểm du lịch lý tưởng vào 2 ngày cuối tuần. Hơn nữa, Kim Bôi là vùng núi nên khí hậu thường mát mẻ, không quá nắng và nóng vào mùa hè. Vì vậy, bạn có thể đến Kim Bôi Hòa Bình vào bất kỳ thời gian nào trong năm. Tuy nhiên, bạn không nên đi vào mùa mưa bão miền Bắc (khoảng từ tháng 7 đến 8) vì có thể xảy ra sạt lở nguy hiểm khi di chuyển.
Phương tiện di chuyển đến Kim Bôi Hòa Bình
Phương tiện cá nhân
Kim Bôi Hòa Bình chỉ cách trung tâm Hà Nội khoảng 80km nên bạn có thể di chuyển bằng phương tiện cá nhân. Có 2 đường để đến khu du lịch Kim Bôi Hòa Bình, bạn có thể đi một đường và về một đường khác để chuyến đi thành một cung đường vòng tròn.
Chiều đi từ Hà Nội, bạn đến thị trấn Lương Sơn, đoạn bãi Lạng thì rẽ trái theo hướng đường đi bãi Chạo đến Kim Bôi Hòa Bình. Chiều về, bạn đi thẳng đường 12B ra Quốc lộ 6, đoạn Dốc Cun để quay lại thành phố Hòa Bình về Hà Nội. Trên đường về, bạn có thể ghé qua bảo tàng không gian văn hóa Mường và nhà máy Thủy điện Hòa Bình.
Phương tiện công cộng
Hiện tại, chưa có tuyến xe đi từ Hà Nội đến Kim Bôi Hòa Bình. Nếu không có điều kiện thuê xe riêng hoặc phương tiện cá nhân, bạn vẫn có thể đến bằng cách sau: Từ Hà Nội, bạn đi xe khách đến thành phố Hòa Bình và nhờ tài xế lái xe cho xuống địa điểm gần bệnh viện tỉnh Hòa Bình. Từ đây, bạn có thể bắt xe buýt số 2 đi Lạc Thủy và qua khu du lịch suối nước khoáng Kim Bôi.
Đến Kim Bôi Hòa Bình nên ở đâu?
Kim Bôi Hòa Bình là một địa điểm du lịch hấp dẫn nhưng không có nhiều sự lựa chọn về nơi lưu trú cho du khách. Trước đây, khách sạn Công Đoàn Việt Nam là địa điểm lưu trú lớn nhất và cung cấp nhiều dịch vụ tắm khoáng nên khách du lịch đến Kim Bôi đều lựa chọn địa điểm này. Gần đây, Kim Bôi Hòa Bình có thêm resort Serena quy mô lớn, chất lượng 4 sao, đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi, thư giãn của những du khách khó tính.
Chơi gì khi đến Kim Bôi Hòa Bình?
Khu du lịch suối khoáng Kim Bôi
Khu du lịch suối nước nóng Kim Bôi Hòa Bình hấp dẫn du khách vì nguồn nước khoáng từ ngàn xưa trong vắt, vô khuẩn, không mùi. Khi vừa lộ thiên, nhiệt độ của nước khoáng từ 34 đến 36oC, gồm những thành phần chính như: Bicacbonat, Sunfat, Canxi, Magie, thuộc loại nước chữa bệnh và có lợi cho sức khỏe của con người.
Theo nhiều nhà khoa học, nước khoáng ở Kim Bôi Hòa Bình được xuất lộ từ vỉa đá vôi có tuổi địa chất khoảng 250 triệu năm. Qua kiểm nghiệm, nước khoáng Kim Bôi là sự lựa chọn lý tưởng để phục hồi sức khỏe và chữa những bệnh như: đường ruột, viêm khớp, huyết áp, dạ dày,… Nguồn nước khoáng nóng được phun lên từ độ sâu 175,5m và bơm dẫn trực tiếp vào những bể tắm phục vụ du khách. Nhiều người thích sự dân dã nên thường chọn những khu nhà nghỉ gần suối nước nóng để vừa gần gũi với thiên nhiên, vừa ngâm mình nghỉ ngơi, thư giãn.
Cửu thác Tú Sơn
Cửu thác Tú Sơn được ví như danh thắng “đệ nhất” xứ Mường với suối thác thơ mộng, núi non hùng vĩ cùng khí hậu trong lành, mát mẻ khiến ai cũng ngỡ như đang ở Đà Lạt hoặc đắm mình trong sương sớm Sapa.
Cách thành phố Hòa Bình trên 20km, khu du lịch sinh thái Cửu thác Tú Sơn nằm ở địa phận xóm Củ, xã Tú Sơn, Kim Bôi, cạnh đường Quốc lộ 12B và gần khu suối khoáng nóng Kim Bôi. Khi đến Cửu thác, du khách sẽ cảm nhận được sự mộc mạc, hoang sơ từ cảnh vật đến nếp sống của đồng bào dân tộc Mường.
Vườn Thượng Uyển
Đây là địa điểm tiếp theo mà bạn nên ghé qua. Vườn Thượng Uyển khá độc đáo, nằm ở độ cao 1.000m so với mực nước biển. Muốn đến được đây, bạn phải đi qua gần 200 bậc thang bằng đá. Sau khi chinh phục thành công, bạn sẽ bị choáng ngợp trước khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ nhưng không kém phần trữ tình. Bạn hãy tranh thủ hít hà bầu không khí trong lành này và đừng quên check-in sống ảo nhé!
Khu du lịch Thác Bạc – Long Cung
Khu du lịch Thác Bạc – Long Cung nằm trên địa phận xóm Cũ, thuộc xã Tú Sơn, huyện Kim Bôi, cách đường 12B khoảng 7km. Đây là khu tổ hợp dịch vụ du lịch, giải trí giữa rừng nguyên sinh với hệ thực vật đa dạng, phong phú.
Khu mộ cổ Đống Thếch
Khu mộ cổ Đống Thếch cũng nằm ở huyện Kim Bôi nhưng thuộc xã Vĩnh Đồng. Nơi đây lưu giữ hàng trăm ngôi mộ cổ của người dân tộc Mường, những dòng họ Đinh, Công, trong đó ngôi mộ cổ nhất được tìm thấy vào năm 1651. Xung quanh khu mộ cổ là các cột đá gần 400 năm tuổi, cao đến 3m, trên thân khắc tên những người chết bằng chữ Hán. Đây là di tích lâu đời của Kim Bôi Hòa Bình. Nếu bạn đam mê lịch sử và thích tìm hiểu văn hóa của những vùng miền thì hãy đến tham quan nhé!
Những địa điểm khác gần Kim Bôi Hòa Bình
Nhà máy Thủy điện Hòa Bình
Nhà máy thủy điện này được xây dựng tại hồ Hòa Bình, trên sông Đà, thuộc miền Bắc, Việt Nam. Trước khi nhà máy Thủy điện Sơn La khánh thành, Hòa Bình là nhà máy thủy điện lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á, được Liên Xô giúp đỡ xây dựng, vận hành. Công trình được khởi công xây dựng vào ngày 6 tháng 11 năm 1979, khánh thành vào ngày 20 tháng 12 năm 1994. Theo thiết kế, công suất sản sinh điện năng là 1.920 megawatt, gồm 8 tổ máy, mỗi tổ có công suất khoảng 240.000 kilowatt. Hàng năm, sản lượng điện của nhà máy Hòa Bình khoảng 8,16 tỷ kilowatt/giờ.
Hồ thủy điện Hòa Bình
Đây là hồ nhân tạo lớn nhất Đông Nam Á, có chiều dài 70km, trải rộng trên 17 xã thuộc 5 huyện và thành phố. Lòng hồ có 47 đảo lớn, nhỏ, trong đó có 36 đảo núi đất với diện tích gần 160ha và 11 đảo đá vôi có diện tích là 116ha.
Hồ có nhiều cảnh quan đẹp như: núi non, hang động và đền thờ nên thu hút các du khách đến tham quan.
Đền Thượng Bồng Lai
Đền Thượng Bồng Lai tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng, thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong, cách trung tâm thành phố Hòa Bình khoảng 10km về phía Nam. Đền thờ Đệ nhị thượng ngàn tiên nương (Cô Đôi Thượng Ngàn) và những chư vị tiên thánh Tứ phủ. Tương truyền, đền Thượng Bồng Lai là nơi Cô Đôi gặp Thánh Mẫu Đệ Nhị (Mẫu Thượng Ngàn) và là nơi hóa của Cô.
Ăn gì khi đến Kim Bôi Hòa Bình?
Thịt lợn mán Hòa Bình
Lợn được nuôi thả trên đồi núi, quanh năm ăn ngô, cây cỏ, khoai nên thịt săn chắc, ít mỡ và có vị thơm, ngọt tự nhiên. Sau khi chế biến thành nhiều món ăn, thịt lợn mán sẽ được bày ra mâm cỗ lót sẵn lá chuối rừng non, mềm theo hình tròn. Lòng, tim, gan lợn luộc chín được xếp đầu tiên, tiếp đến là thịt lợn mán luộc và nướng. Trên cùng là các miếng chả được nướng trên than hồng thơm phức xen với những món thịt, ăn cùng rau rừng tươi, ngon.
Gà chạy bộ
Gà ở Hòa Bình là gà chạy bộ chính hiệu vì được nuôi ở địa hình đồi núi cao. Vì vậy, thịt sẽ dai, thơm hơn so với gà ở dưới miền xuôi. Bên cạnh gà trong bữa ăn chính, bạn có thể đặt nhà hàng chuẩn bị thêm một vài con (tùy vào số lượng người) để nướng hoặc nấu cháo vào buổi tối.
Xôi các màu
Người ta tạo ra màu của xôi từ nhiều cây thân cỏ, rồi cho gạo màu đỏ xuống trước, tiếp đến là màu xanh, vàng, tím, trắng cho trên cùng. Khi xôi chín, họ dỡ ra rồi trộn với nhau hoặc để riêng thành xôi nhiều màu với nhiều hương vị khác nhau. Đây là một trong những món ăn được nhiều du khách ưa chuộng.
Rau rừng thập cẩm đồ
Món rau đồ quen thuộc gồm lá thuốc, rau rừng, những loại lá thập cẩm trong vườn nhà như: rau đốm, hoa chuối, cà quẹng, rau beo, rau tầm bóp,… Khi ăn, bạn chấm với nước lòng cá để cảm nhận vị cay, chua, đắng, ngọt, chát, bùi,… trong miệng.
Măng chua nấu gà
Gà nuôi thả có trọng lượng khoảng hơn 1kg được làm sạch và bỏ riêng nội tạng. Tiếp đến, người ta chặt thịt gà thành nhiều miếng nhỏ, đem ướp với măng chua (măng bương, măng giang càng muối lâu càng tốt), cùng gia vị và để từ 20 đến 30 phút. Sau đó, cho nguyên liệu vào nồi, vần quanh bếp củi than khoảng từ 1 đến 2 giờ. Khi thịt gà và măng đã chín nhừ, người ta rắc thêm một chút hạt dổi nướng giã nhỏ là đã có món măng chua nấu gà siêu ngon!
Rượu cần
Đây là loại rượu không thể thiếu trong gia đình của người Mường khi tiếp khách hoặc tổ chức đám cưới, lễ thờ cúng, lễ tạ. Rượu cần được làm bằng một nắm lá rừng nhỏ, trộn với tinh bột tạo men. Sau đó, cho nguyên liệu vào vò, phủ một lớp trấu để ủ. Khi uống, bạn chỉ cần đổ nước đun sôi để nguội hoặc nước đóng chai vào đầy bình rượu. Trong tiệc rượu, mọi người thường ngồi quây tròn bên nhau, cùng thưởng thức vị nồng, dịu ngọt của rượu và tiếng cồng, chiêng tràn ngập trong không khí tươi vui.
Những điều cần lưu ý khi đi du lịch Kim Bôi Hòa Bình
-
Nếu đi bằng phương tiện cá nhân như: ô tô, xe máy,… bạn cần chuẩn bị thật kỹ các dụng cụ cần thiết để sửa chữa, phòng sự cố xảy ra và đổ đầy xăng.
-
Bạn cần chuẩn bị kỹ các đồ dùng cá nhân, đặc biệt là bóp tiền, điện thoại di động, giấy tờ tùy thân và vé xe.
-
Bên cạnh đó, bạn cũng cần chuẩn bị các loại thuốc và đồ y tế cá nhân như: thuốc nhức đầu, thuốc cảm, tiêu chảy, băng keo cá nhân,… phòng trường hợp cần sử dụng đến.
-
Khi đi du lịch Kim Bôi Hòa Bình, bạn có thể mua một số quà sau để tặng người thân, bạn bè như: rượu cần, cam Cao Phong và quất hồng bì Kỳ Sơn.
Bài viết trên đã cung cấp những kinh nghiệm du lịch Kim Bôi Hòa Bình hữu ích mà bạn có thể tham khảo. Nếu bạn muốn thuê xe đi du lịch tự túc an toàn, giá tốt, Gobooyaa sẽ là sự lựa chọn hoàn hảo. Hãy bấm “Đăng yêu cầu” và chọn địa điểm, ngày đi, lộ trình để được cung cấp dịch vụ phù hợp nhé!