Kinh nghiệm nuôi cá 7 màu

Kinh nghiệm nuôi cá 7 màu cần tham khảo qua

Kinh nghiệm nuôi cá 7 màu cần tham khảo qua là bài viết dành cho người mới bắt đầu nuôi. Bài viết sẽ giúp bạn tích kiệm dc thời gian, công sức và tiền bạc. Nuôi cá 7 màu không khó tuy nhiên bạn cần kiên nhẫn và 1 chút kinh nghiệm. Bạn sẽ nuôi cá đẹp hơn và tốn ít công sức hơn sau khi đọc bài viết này.

Tốt nhất bạn vẫn nên nuôi cá trong chậu xi măng để ở ngoài trời và thiết lập một hệ sinh thái trong hồ cho cá bảy màu. Khi đó bạn sẽ đỡ tốn công chăm sóc cho chúng nhất.

Bạn biết không, chính các yếu tố thuộc về tự nhiên như nắng, gió mưa, cây xanh, rong rêu thủy sinh, vi sinh vật trong nước cùng với cá sẽ tự duy trì và cân bằng môi trường nước, đồng thời cung cấp thức ăn cho cá. Cá được nuôi ngoài trời chắc chắn sẽ khỏe hơn, ít bị bệnh hơn so với nuôi trong nhà hoặc bể kiếng có lọc oxy….

Mình rất ủng hộ việc nuôi cá bảy màu trong điều kiện tự nhiên ngoài trời. Nhưng nếu không thể làm được điều này thì bạn vẫn có thể nuôi chúng trong nhà. Khi đó chắc chắn bạn sẽ có nhiều mối lo hơn và sẽ phải dành nhiều thơi gian để chăm sóc chúng nhiều hơn….

Rất nhiều người chơi cá 7 màu ở Việt Nam (và cả các loại cá khác) cho rằng muối giống như 1 loại thần dược đối với cá cảnh. Thực tế nhiều người chơi cá 7 màu ở Việt Nam đã sử dụng muối rất tốt trong việc nuôi dưỡng cá 7 màu. Tác dụng của muối rất tốt, đặc biệt là tác dụng phòng bệnh.

Cách làm rất đơn giản là cho 1 ít muối hột vào hồ nước sao để diệt mầm bệnh có hại trước khi cho cá vào hồ nước. Việc sử dụng muối cho nguồn nước nuôi cá 7 màu phải hết sức thận trọng: liều lượng muối phải phù hợp, nếu không cá của bạn sẽ thành cá muối.Những đối tượng cá nào có thể sử dụng muối cho vào môi trường nuôi: nên áp dụng với cá trưởng thành từ 2-3 tháng tuổi trở nên, và phải đang khỏe mạnh. Điều này có nghĩa cá con mới đẻ thì vẫn có thể dùng nước muối với liều lượng thấp.

Tôi nhấn mạnh sử dụng với cá đang khỏe mạnh bởi vì với các trường hợp cá đang yếu, bệnh ngoài da hoặc bị thương, nước muối bên cạnh tác dụng diệt khuẩn, diệt nấm trắng còn có 1 tác dụng phụ khủng khiếp đó là làm tụt nhớt trên cơ thể cá. Lớp nhớt bao quanh cơ thể có tác dụng hết sức quan trọng đối với cá 7 màu, mất đi nó thì cá của bạn cầm chắc cái chết. Một vấn đề khác đối với cá đang bệnh ngoài da, bị thương hoặc nấm đó là muối quá liều sẽ khiến cá bị xót, dẫn tới shock và chết thê thảm (biểu hiện là cụp đuôi, lắc, cháy đuôi vây và ra đi). Cách sử dụng nước muối hợp lý cho cá 7 màu: khi cá của bạn bị bệnh nấm trắng hoặc bị thương, bị bệnh ngoài da.

Bạn có thể pha một dung dịch nước muối với nồng độ thấp (cá 7 màu nhỏ và yếu nên không bao giờ dùng nồng độ cao), nguồn nước sử dụng cùng chất lượng và điều kiện như nước trong bể (không nên dùng nước bể nuôi nếu bể có mầm bệnh, có thể dùng nếu cá bị thương do đánh nhau). Tiến hành vớt cá nhẹ nhàng để không làm shock cá, ngâm trong dung dịch muối từ 5 đến 10 phút sau đó trả lại cá vào bể. Với các trường hợp bị nấm trắng hoặc bệnh ngoài da nếu có điều kiện nên cách ly cá bệnh, kết hợp sử dụng máy sưởi (mua từ vài chục đến hơn 100K/1 cái) để nhiệt độ 30-32 độ liên tục cho đến khi cá hết bệnh. Nếu không có điều kiện tách riêng thì bạn vẫn nên sử dụng sưởi cho cả đàn cá, như vậy thì cá sẽ sớm khỏi bệnh.

Nếu đàn cá của bạn không có thói quen sống với nước có pha muối, khi chúng bị bệnh thì việc cân nhắc sử dụng muối nên thận trọng. Trong một số trường hợp cá biệt nước mối có tác dụng ổn định tâm lý, dưỡng cá.

Vi sinh, oxi và lọc

Thực tế việc nuôi cá 7 màu không bắt buộc phải sử dụng hệ thống lọc mới có thể tạo ra được nguồn nước tốt. Nhiều người chơi cá vẫn lựa chọn cách nuôi cá không sử dụng hệ thống lọc mà chỉ dùng các nguyên liệu tạo vi sinh hoặc làm nơi trú ẩn cho vi sinh, thả trực tiếp vào bể( các loại rong, bèo, cây thủy sinh, nham thạch, gốm, sứ lọc…), kết hợp sủi không khí và thay nước theo ngày hoặc tuần, chế độ thay nước thường áp dụng tùy vào tuổi và số lượng của đàn cá, tuy nhiên thường không thay quá 50% lượng nước trong bể. Nhiều trường hợp không sử dụng bất cứ nguyên liệu nào nhưng trong nguồn nước có sẵn hệ vi sinh tốt thì vẫn có thể nuôi cá 7 màu tốt , ví dụ bể nước để lâu ngày.

Nhiệt độ

Có lẽ bất cứ ai chơi cá 7 màu thì đều ít nhất một lần thấy cá của mình bị bệnh nấm trắng. Bệnh nấm trắng có 3 nguyên nhân gây ra là nhiệt độ thay đổi đột ngột (thường là giảm đột ngột từ 4-5 độ trở lên) và thứ 2 là do môi trường nước quá ô nhiễm, thứ 3 là do lây nhiễm từ cá bị bệnh. Bệnh này được cho là dễ chữa vì chỉ cần duy trì nhiệt độ nước ở mức 30-32 độ và giữ nước sạch, thay nước đều là có thể chữa khỏi.

Điều tối quan trọng là giữ cho mức độ biến thiên nhiệt độ trong môi trường nuôi cá chỉ ở mức dưới 5 độ. Những bạn nuôi cá 7 màu tại Sài Gòn vào mùa mưa, khi nhiệt độ trời nắng ban ngày là 33-35 độ, trải qua một vài cơn mưa lớn kéo dài ban đêm nhiệt độ có thể xuống dưới 30 độ, đàn cá ngay lập tức bị bệnh nấm trắng.Thực tế việc nhiệt độ tăng không làm ảnh hưởng nhiều tới cá 7 màu bằng nhiệt độ giảm, trừ trường hợp tăng quá nhiều và quá đột ngột, tăng trên 35 độ hoặc tăng kết hợp giảm liên tục.

Thức ăn cho cá 7 màu

Cá 7 màu là loài ăn tạp nên chế độ ăn tốt nhất cho cá là chế độ ăn hỗn hợp. Các loại thức ăn được ưa chuộng sử dụng tại Việt Nam là: artemia, trùn chỉ (giun), sâu đông lạnh, artemia khô, trứng tôm, trứng tép, bobo (hồng trần)….

Thức ăn khô tổng hợp: aquafin, thức ăn khô dùng để nuôi tép, cám công nghiệp, tomboy, tảo sprirulina…

– Điều cần lưu ý khi cho cá ăn đó là không dùng thức ăn đã hỏng, không để thức ăn thừa làm ô nhiễm nước. Khắc phục vấn đề này bằng cách cho ăn từng phần, sau khi ăn tiến hành hút thức ăn thừa ra ngoài hoặc sử dụng lọc chất lượng tốt để hạn chế ô nhiễm, thay nước…-

Trong trùn chỉ và bobo đôi khi có lẫn các nguồn bệnh như sán nên nếu có điều kiện nên tiến hành lọc, khử trùng thức ăn trước khi cho ăn (một số bạn sử dụng tetra để khử trùn chỉ, bobo thì tiến hành lọc).

Shock

Shock tâm lý có lẽ là cụm từ thường gặp nhất đối với những người chơi cá 7 màu ở Việt Nam. Các trường hợp cá 7 màu bị cụp vây, cháy đuôi, lắc người, co giật và có hành động bất thường, bỏ ăn… đa phần được kết luận là shock tâm lý. Vậy thì đâu là nguyên nhân dẫn đến hậu quả cá 7 màu bị shock tâm lý?

Nguyên nhân phổ biến nhất gây shock tâm lý cho cá 7 màu chính là vấn đề thay đổi môi trường. Nếu coi đây là 1 loại bệnh, thì bệnh này là một trong những bệnh nghiêm trọng và khó chữa nhất của cá 7 màu. Nói là nghiêm trọng vì cá chỉ bị shock khi sự thay đổi môi trường (thường là sự thay đổi của tất cả các yếu tố nhiệt độ, chất lượng nước) đã vượt quá ngưỡng chịu đựng của cá.

Bệnh này loại nhẹ thì là do cá bị sợ hãi hoặc do đánh nhau trong đàn (tranh giành thức ăn, tranh giành cá mái…). Nếu người nuôi chỉ cần chú ý quan sát hoạt động của một đàn cá, luôn có sự tranh giành thức ăn và tranh giành địa vị trong đàn. Các vụ xung đột nhỏ là không tránh khỏi. Những cá thể sinh sau đẻ muộn thường là chịu thiệt nhất trong đàn, đặc biệt là trong trường diện tích nuôi quá chật hẹp và điều kiện thức ăn không đầy đủ. Hiện tượng những con cá yếu bị bỏ đói, suy dinh dưỡng và bị shock tâm lý, kiệt sức chết là khá thường gặp.

Cũng có những trường hợp khác cá 7 màu được nuôi chung với các loại cá lớn hoặc có tập tính hung dữ thì việc chúng chết vì shock tâm lý nặng là dễ hiểu. Ở Đà Nẵng cá 7 màu có tên gọi là cá Hòa Lan và được cộng đồng ở đây sử dụng để làm cá đá. Vì vậy việc cho số lượng lớn cá 7 màu vào chung trong một không gian hẹp không bao giờ là một ý kiến hay, trừ khi bạn muốn được thấy chúng xâu xé lẫn nhau.

– Những người nuôi cá chung trong một bể lớn bao gồm nhiều thế hệ cá cũng bắt gặp tình trạng số lượng cá con bị giảm dần do bị cá lớn đánh. Giai đoạn cá con bắt đầu trưởng thành và tìm kiếm một địa vị trong đàn cá có thể là lúc mà người nuôi phải chứng kiến sự suy giảm nhiều nhất đối với bầy cá con bởi vì lúc này sự cạnh tranh giữa chúng diễn ra khốc liệt nhất.

– Các trường hợp thường gặp cá bị shock nặng nhất thường phát sinh do việc thay đổi chủ nhân của cá, mà đa phần là do quá trình vận chuyển không được thực hiện tốt hoặc do quá trình đưa cá vào bể mới không được làm tốt. Thường việc chữa shock tâm lý cho cá là rất khó khăn nên đa phần người chơi cá 7 màu hướng tới việc chú trọng thực hiện tốt quy trình vận chuyển và hòa nhập bể mới cho cá.

Vận chuyển cá bảy màu

– Một số lời khuyên cơ bản dựa trên kinh nghiệm cá nhân:

+ Khi vận chuyển cá cần lưu ý số lượng cá trong 1 túi, không gian và lượng nước dành cho mỗi cá thể phải phù hợp với kích cỡ và thể trạng của chúng, không để chung các dòng cá có kích cỡ chênh lệch, nên tách riêng trống mái khi vận chuyển. Lý tưởng nhất là 1 cá thể/ 1 túi.

+ Đảm bảo cá không bị thiếu oxy trong khi vận chuyển.

+ Cố gắng hạn chế sự thay đổi nhiệt độ trong suốt quá trình vận chuyển cá.+ Hạn chế tối đa các tác động bên ngoài làm cá hoảng sợ: quá trình bắt cá nhanh, nhẹ nhàng, hạn chế sóc, va đập khi vận chuyển, nên để cá trong tối khi vận chuyển.+ Môi trường mới: cố gắng tạo môi trường tương ứng tối đa với môi trường cũ: có thể xin nhiều nước của bể cũ để mang theo, chú ý đến nhiệt độ của bể cũ…

+ Có thể cho nước mới vào từ từ trong nhiều giờ để cá có thời gian thích nghi với điều kiện môi trường mới.

+ Cá về bể mới nên hạn chế việc tiếp xúc với con người, ánh sáng mạnh, các nguồn gây shock khác, tạo chỗ ẩn nấp cho cá, có thể thả cá cùng dòng để tạo đàn, giúp cá nhanh hòa nhập…

Một khi cá của bạn đã xuất hiện những triệu chứng tâm lý bất ổn, nếu được phát hiện và hỗ trợ kịp thời thì khả năng cá hồi phục tương đối cao. Việc cá có thể hồi phục hay không phụ thuộc rất nhiều vào sự chuẩn đoán nguyên nhân gây shock có chính xác hay không.

Vì có rất nhiều nguyên nhân gây shock cho cá, chỉ cần bạn chẩn đoán sai nguyên nhân và đưa ra nhầm phương pháp hỗ trợ sẽ dẫn đến hậu quả chính phương pháp của bạn làm cá bị shock nặng hơn và dẫn đến hậu quả thay vì chỉ có 1 vài cá thể bị shock ban đầu thì cuối cùng cả đàn cá của bạn đều bị shock. Quan điểm nuôi cá của tôi là chú trọng phòng bệnh hơn chữa bệnh và đòi hỏi cao ở năng lực tự chống chịu ở cá 7 màu. Tuy nhiên tôi cũng xin đưa ra 1 vài góp ý cơ bản để chữa shock cho cá 7 màu:

+ Cố gắng cách ly và áp dụng việc dưỡng cá theo cá thể: việc này nhằm đảm bảo không gây ảnh hưởng gì tới những cá thể khỏe mạnh còn lại trong đàn và tạo môi trường cơ bản, ít tiếp xúc để cá có điều kiện nghỉ ngơi hồi phục sức khỏe.

+ Xác định chính xác nguyên nhân gây shock cho cá: thường cá bị shock sẽ do 1 số nguyên nhân kết hợp liên quan đến môi trường và nhiệt độ. Việc tìm được nguyên nhân sẽ có 2 mục đích là nhằm phòng ngừa shock cho cá khỏe và tìm phương pháp dưỡng cá thích hợp cho cá bị shock.

+ Lựa chọn phương pháp dưỡng cá: tôi không ủng hộ quan điểm dùng thuốc, tuy nhiên nhiều người vẫn áp dụng hiệu quả, lời khuyên của tôi ở đây là cố gắng tạo ra môi trường ổn định tương đồng về nhiệt độ và chất lượng nước mà cá đang sống ngay trước khi có các tác động gây shock xuất hiện, đồng thời hạn chế cho ăn.

Trên đây là những kinh nghiệm của những người bạn đi trước và mình cảm thấy rất đúng và hữu ích, mong anh em đọc và chia sẽ cho những bạn mới chơi để đỡ mất thời gian trong việc tìm kiếm nguyên nhân cá chết. Cảm ơn tất cả anh em dành thời gian đọc

MAIDEPXINH

Rate this post

Viết một bình luận