lĩnh vực hoạt động kinh tế, thông qua đó một quốc gia tham gia vào sự phân công quốc tế và mậu dịch quốc tế; là tổng thể các quan hệ kinh tế và khoa học – kĩ thuật của một quốc gia với các quốc gia khác và các tổ chức quốc tế. KTĐN chủ yếu gồm các hoạt động và quan hệ sau: ngoại thương; hợp tác sản xuất – kinh doanh quốc tế; đầu tư quốc tế; tài chính và tín dụng quốc tế; hợp tác khoa học – kĩ thuật quốc tế; du lịch quốc tế. Trong thời đại ngày nay, do sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng sản xuất, nhất là sự phát triển của khoa học – kĩ thuật, công nghệ, quan hệ kinh tế quốc tế có yêu cầu khách quan phải mở rộng không ngừng đối với mọi quốc gia, không phân biệt chế độ chính trị – kinh tế – xã hội và trình độ phát triển kinh tế. KTĐN giữ một vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Đối với Việt Nam, trong điều kiện trình độ phát triển kinh tế nói chung còn thấp, KTĐN có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, là cơ sở để tiếp nhận các tiến bộ khoa học – kĩ thuật, công nghệ mới, vốn đầu tư của các nước trên thế giới, điều kiện để thúc đẩy nhanh sự phát triển kinh tế – xã hội. Mở rộng và nâng cao hiệu quả của KTĐN là một chính sách lớn của nhà nước và là một bộ phận quan trọng của chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, phát triển kinh tế, phát triển khoa học – kĩ thuật, công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa. Từ những năm thực hiện chính sách đổi mới đến 1995, KTĐN Việt Nam phát triển trên nhiều mặt, quan hệ KTĐN tăng nhanh, thị trường xuất – nhập khẩu được mở rộng và củng cố, nguồn vốn đầu tư của nước ngoài tăng nhanh. Thời kì 1988 – 2000, vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) tăng nhanh, các dự án được cấp giấy phép đạt trên 39 tỉ đôla vốn đăng kí (Niên giám thống kê 2000). Nguồn tài trợ phát triển chính thức (ODA) cũng tăng dần và tập trung chủ yếu cho kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội.