Thú đi câu
Là thành phố bên sông nước, kinh rạch, Sài Gòn đẹp như mơ. Ban ngày nước sóng sánh ánh mặt trời; ban đêm khi ngắm nhìn mặt sông, mặt kinh rạch lấp lánh, cứ ngỡ trên đầu, dưới chân, bên cạnh đều là cả một vũ trụ sao. Rồi tiếng cá quẫy, cá đớp mồi xao động cả tâm hồn, làm rung nhẹ những phao câu đang lay nghiêng theo chiều con nước nổi, nước ròng…
Người đi câu thu mình bên sông nước, bỗng thấy mình nhỏ nhoi trước thiên nhiên kỳ thú. Riêng niềm vui lặng phắc của thú đi câu, như men rượu, cứ thấm dần vào từng đường gân, thớ thịt, in dấu trong đôi mắt mở to hướng về chiếc phao câu bé nhỏ.
Chờ mãi, chờ mãi. Phao níu xuống, giật nghiêng; con cá lao vút đi, kéo cần câu cong lại. Người đi câu giữ cho dây câu vừa đủ căng để giữ cá. Cũng có khi giật lên, dây câu căng như sắp đứt, song kéo lên chỉ là những đám lục bình hay mấy cọng rêu xanh.
Đồ câu
Thú đi câu ít tốn kém về vật chất. Cần câu guồng mắc nhất cũng chỉ 7 – 8 triệu; loại vừa chỉ khoảng 3 – 4 trăm ngàn/chiếc. Cần câu tay, loại mắc nhất khoảng 5 – 6 triệu, loại rẻ nhất chỉ 4 – 5 chục ngàn/chiếc. Loại cần câu mắc tiền thường dùng cho việc câu cá lớn ở biển Cần Giờ, phà Bình Khánh, Cát Lái, sông Sài Gòn hay Soài Rạp.
Những cần câu ít tiền là để câu cá loại nhỡ và nhỏ ở các kinh rạch, ao, hồ. Mồi câu thì da dạng, tùy vào loại cá người đi câu muốn câu. Mồi dế để câu cá trê, cá tra, cá lóc. Mồi tôm tép để câu cá rô, cá kèo, cá chim. Mồi cám tanh để câu cá chép, cá trắm. Mồi nhái, mồi cá con để câu cá bông lau.
Bạn có thể mua cần câu và mồi ở rất nhiều nơi trong thành phố như đường Hai Bà Trưng (Q1), Trần Quốc Thảo (Q3), ngã Bảy (Q3), Lê Hồng Phong (Q10), Võ Văn Ngân (Thủ Đức) hay Đa Phước (H. Bình Chánh). Có hai thứ bạn phải mua từ “chính mình” và không phải ai cũng có được để đi câu. Đó chính là thời gian và sự kiên nhẫn.
Câu cá được gì?
Đối với người đi câu cá giải trí ở Sài Gòn, câu được cá hay không không quan trọng. Có người kiên nhẫn câu giờ, đời thoảng qua như gió dọc sông. Có người câu những vui buồn, giật lên từ dòng sông ngược sóng sự thanh thản lạ lùng. Lại có người “Một ngày lơ đãng buông câu – Được cá thì ít được nhau thì nhiều – Lưỡi câu vướng phải mồi yêu – Giật lên được cả nửa chiều Thủ Thiêm”.
Đi câu cá, suy ngẫm thấy cuộc đời – khi còn nhỏ thì đi chơi, đi học; khi lớn lên thì đi làm, lập nghiệp, lập gia đình, mở rộng quan hệ xã hội…- thực ra cũng chỉ là những buổi câu dài, tiếp nối nhau liên tục, không ngừng nghỉ.
Câu cá vô hình khiến người ta hay đổi theo hướng tích cực. Người nóng giận, nóng vội trở nên trầm tĩnh, khoan thai. Người yếu đuối có thể thành mạnh mẽ. Và quên được nhiều thứ không cần có trong một đời người như thói hám ăn chơi, hám tiền bạc, hư danh.
Có nhiều cái được khi ta đắm mình cùng cần câu bên sông nước và nắng gió của trời đất. Song tóm lại, cái lớn nhất mà câu cá có thể đem lại cho ta là câu được chính mình.
(Kỳ tiếp theo: Địa điểm, dụng cụ và mồi câu cá)
Tác giả: Nguyễn Quốc Văn