Lá giang
Một số điều cần lưu ý khi dùng cây lá giang
Lá giang có vị chua, tính mát, tác dụng thanh nhiệt, tiêu viêm, chỉ khát và sát khuẩn. Thảo dược này thường được dùng trong bài thuốc và các món ăn chữa viêm đường tiết niệu, sỏi thận, sỏi bàng quang, suy nhược cơ thể và sản hậu băng huyết.
- Tên gọi khác: Dây cao su, Dây giang, Lá lồm.
- Tên khoa học: Aganonerion polymorphum
- Tên dược: Ramulus at Folium Aganonerionis
- Họ: Trúc đào (danh pháp khoa học: Apocynaceae)
Mô tả dược liệu
1. Đặc điểm & Hình ảnh lá giang
Lá giang là loại thực vật thân leo, chiều dài dao động từ 1.5 – 4m. Cây thường mọc bò dưới đất hoặc bò trên những thân cây lớn. Bề mặt thân và cành nhẵn và có chứa mủ trắng.
Phiến lá hình trái xoan, gốc tù hoặc có hình tim, chóp lá nhọn sắc, phiến mỏng, rộng 2 – 5cm, dài 3.5 – 10cm, mặt dưới có màu đậm hơn mặt trên.
Hoa mọc thành chùm ở ngọn, mỗi chùm gồm có 2 – 5 bông, hoa có màu trắng hoặc đỏ. Quả có màu đen, trên bề mặt có các khía rãnh dọc, bên trong chứa hạt thuôn, màu nâu, dài khoảng 3 – 4mm và được bao phủ bởi mào lông có màu nâu hung, mềm.
2. Bộ phận dùng
Cành và lá cây được dùng để làm thuốc. Ngoài ra rễ của cây cũng được dùng làm dược liệu nhưng ít phổ biến hơn.
3. Phân bố
Dây giang là loài thực vật có nguồn gốc và phân bố chủ yếu tại Việt Nam. Cây được trồng ở đồng ruộng hoặc mọc hoang ở khu vực ven rừng.
4. Thu hái – sơ chế
Cành lá được thu hái quanh năm để làm thuốc hoặc nấu canh. Có thể dùng tươi hoặc phơi khô để dùng dần.
5. Bảo quản
Nơi thoáng mát.
6. Thành phần hóa học
Lá giang chứa 26mg vitamin C, 0.6mg carotene, 3.5g gluside, 85.3g nước và 3.5g nước (hàm lượng trong 100g dược liệu tươi). Ngoài ra cây còn chứa coumarin, tannin, flavonoid, saponin, axit hữu cơ, chất béo, khoáng chất,…
Vị thuốc Lá giang
1. Tính vị
Vị chua, tính mát.
2. Quy kinh
Quy vào kinh Can.
3. Tác dụng của lá giang
– Tác dụng theo Đông Y:
- Công dụng: Lá có tác dụng thanh nhiệt, sát khuẩn, chỉ khát, tiêu viêm. Cành và thân có tác dụng lợi tiểu, bài thạch (trị sỏi thận), chỉ khát, giải độc, thanh nhiệt và tiêu thũng.
- Chủ trị: Thân được dùng để trị các bệnh về đường tiết niệu (viêm thận mãn, viêm đường tiết niệu, sỏi thận, sỏi bàng quang,…). Lá dùng ngoài trị lở ngứa, mụn nhọt, viêm da có mủ. Dùng trong trị đau dạ dày, phong thấp, viêm ruột ăn uống khó tiêu, đau nhức người, bụng đầy trướng,…
- Một số địa phương dùng lá lồm và lá khoai lang giã nát, vắt lấy nước cốt trị ngộ độc củ mì (củ sắn).
– Tác dụng của lá giang theo nghiên cứu dược lý hiện đại:
- Saponin trong lá lồm có tác dụng ức chế Klebsiella, Salmonella typhi và một số vi khuẩn có hại khác.
4. Cách dùng – liều lượng
Cây lá giang không có độc nên có thể dùng với liều lượng lớn. Nếu sử dụng trong điều trị dài hạn, bạn nên tham vấn y khoa để biết liều dùng cụ thể. Loại cây thường được dùng để chế biến món ăn, sắc uống hoặc dùng ngoài – tùy vào mục đích sử dụng.
Bài thuốc và Món ăn chữa bệnh từ cây lá giang
1. Bài thuốc hỗ trợ điều trị viêm đường tiết niệu
- Bài thuốc 1: Thân lá giang 10 – 20g, đem hãm với nước sôi uống thay trà.
- Bài thuốc 2: Lá giang tươi 100 – 200g sắc với nước và chia thành nhiều lần uống trong ngày. Dùng liên tục trong 15 ngày và có thể lặp lại liệu trình nếu cần thiết.
2. Bài thuốc chữa bụng đầy trướng và ăn uống không tiêu
- Chuẩn bị: Lá giang 30 – 50g.
- Thực hiện: Sắc uống, dùng đều đặn trong vòng 3 – 5 ngày.
3. Bài thuốc chữa vết thương, mụn nhọt và lở ngứa ngoài da
- Chuẩn bị: Một lượng lá giang tươi vừa đủ.
- Thực hiện: Rửa sạch, giã nát và đắp trực tiếp lên vết thương.
4. Bài thuốc chữa đau dạ dày và đau nhức xương khớp
- Chuẩn bị: Lá hoặc rễ cây từ 20 – 40g.
- Thực hiện: Sắc uống dùng hằng ngày hoặc phối hợp với một số vị thuốc khác.
5. Canh gà lá giang chữa viêm bàng quang, trĩ xuất huyết, sản hậu băng huyết, suy nhược cơ thể
- Chuẩn bị: Lá giang 100g và gà 600g.
- Thực hiện: Rửa sạch nguyên liệu, đem gà chặt thành từng khúc vừa ăn. Đun sôi gà với 1 lít nước, khi sôi đem vớt bọt và hạ nhỏ lửa nấu cho đến khi gà mềm. Sau đó nêm nếm gia vị và đun thêm 10 phút. Vò lá và cho vào nồi, đun sôi thêm lần nữa rồi cho rau thơm và gia vị vừa ăn. Ăn canh vs cơm khi còn nóng.
6. Canh cá chuồn lá giang trị đái buốt, cường kiện gân cốt, viêm đường tiết niệu
- Chuẩn bị: Lá giang 100g và cá chuồn 5 con.
- Thực hiện: Sơ chế cá, cắt thành khúc vừa ăn, đem lá rửa sạch và vò cho dập. Đun sôi nước, thêm ít muối và cho cá vào. Khi canh sôi lần hai, cho lá lồm và nêm nếm gia vị cho vừa ăn.
Một số điều cần lưu ý khi dùng cây lá giang
- Lá giang chứa axit tartric có thể ức chế quá trình bài tiết axit uric. Do đó không dùng dược liệu trong thời gian cơn đau gút cấp bùng phát.
- Không dùng trị sỏi thận do lắng đọng axit.
- Tránh nấu lá lồm trong nồi kim loại. Nếu dùng thì nên múc ra ăn ngay vì để lâu axit trong lá có thể ăn mòn kim loại gây độc.
Tác dụng của bài thuốc chữa bệnh từ cây lá giang phụ thuộc vào cơ địa và mức độ bệnh lý. Vì vậy bạn chỉ nên thực hiện khi có sự cho phép của thầy thuốc. Phụ thuộc vào bài thuốc từ dược liệu này có thể khiến bệnh tình chuyển biến xấu và gây ra các biến chứng nghiêm trọng.