Thành ngữ chỉ sự đùm bọc, cưu mang giúp đỡ nhau trong khó khăn, gian nan, hoạn nạn. Còn có câu: Ăn mày thương lấy nhau Lá rách ít đùm lá rách nhiều.
Chuyện kể:
Đã lâu lắm rồi, hai chị em cái lá sống với nhau thuận hòa trong vườn. Một hôm, cái bàn tay người mới hái lá để gói bánh. Lá em vì yếu ớt nên bị gió đánh táp rách xơ rách xác, thành thử cứ đổ gạo vào khuôn lá thì gạo lại vãi ra ngoài. Bàn tay giận dữ, quát tháo, định bụng quẳng nó ra vườn cho khô rồi đem đun. Lá chị thấy vậy, bèn nói với bàn tay:
– Người hãy thương tới nó. Vì nó yếu ớt, nghèo khó nên gió làm nó rách nát, chứ nó đâu có tội tình gì. Nay, tôi lành lặn thế này, tôi sẽ giúp nó.
Bàn tay bảo:
– Người định giúp nó như thế nào?
Lá chị mới thưa rằng:
– Người cứ bọc tôi ra ngoài, lót nó vào trong. Như thế, gạo đã không vãi ra mà áo bánh lại dày lên, đem luộc bánh lại chẳng ngon hơn ư!
Bàn tay nghe nói có lý, lại thấy chị em cái lá nó thương yêu nhau, muốn đùm bọc nhau nên mới khéo léo trải lá lành lên, đệm lá rách ở phía trong rồi mới đổ gạo vào. Không thấy gạo lọt ra ngoài, đem luộc bánh lại mềm ngon hơn, bèn nói:
– Đúng là lá lành đùm lá rách có khác.
Lá lành ở đây chỉ lớp người có đời sống khá hơn so với những người nghèo đói được ví như là lá rách. Ở đâu có cuộc sống đói khổ, hoạn nạn, sẽ có sự cảm thông, đùm bọc, sẻ chia. Đó là truyền thống thương người như thể thương thân của dân tộc Việt Nam.
Ấy vậy nhưng trong xã hội vẫn chưa hết được cảnh “đèn nhà ai nấy rạng” và “kẻ ăn không hết, người lần không ra”. Thành ngữ trên hẳn vẫn nhiều ý nghĩa.
Theo Đi tìm điển tích thành ngữ của Tiêu Hà Minh – NXB Thông tấn