Cứ vào khoảng 3 giờ sáng là thời điểm chợ cá Yên Sở thuộc quận Hoàng Mai, (Hà Nội) sôi động nhất. Cửa chợ quay ra đường vành đai 3, những chiếc xe tải nhỏ xếp thành dãy, vội vã mang cá đến rồi lại lấy cá đi. Hầu hết những chiếc xe này đều mang biển ngoại tỉnh như Hải Dương, Bắc Giang, Thái Nguyên, Quảng Ninh… Tại khu quầy bán hàng trong chợ, các loại cá quả mình đen, cá trê, cá nheo, cá chép béo ngậy được chất đầy trong các bể cá.
Cá nhập lậu được đẩy giá bằng cá nội địa giúp người buôn có lợi nhuận vào loại “khủng”.
Trao đổi với phóng viên, một chủ cửa hàng cho biết, tại chợ cá Yên Sở, vừa có cá nội, vừa có cá ngoại. Trong đó, người buôn cá rất chuộng loại cá nhập lậu từ Trung Quốc vì giá rẻ, hàng đẹp.
– PV: Ở chợ mình có bán cả cá Trung Quốc phải không?
-Người bán cá: Có. Nheo Trung Quốc, rồi chép Trung Quốc.
-PV: Cá nheo cũng có cá Trung Quốc à?
-Người bán cá: Nheo Trung Quốc có con 4 – 5 kg, 7 – 8 kg một con cũng có.
-PV: Không biết bác chở cá từ Hải Dương lên đây có trộn cả cá Trung Quốc không hả chị?
-Người bán cá: Không có mà trộn ấy chứ. Lấy đâu ra. Về đây một cái là bán hết ngay chứ. Các mối tranh nhau, mỗi người một vài tạ là đi luôn chứ, làm sao mà trộn được?
Hai mặt hàng trước đây thuộc hàng “hot” tại chợ đầu mối cá Yên Sở là cá tầm và ếch Trung Quốc giờ rất ít thấy. Thay vào đó là những loại cá nheo, cá chép, cá quả… của Trung Quốc. Các loại cá này có giá từ từ 40.000 – 70.000 đồng/kg tùy cân nặng. Sau khi về các chợ nhỏ, cá nhập lậu được đẩy giá lên gần bằng cá nội địa, từ 100.000 – 120.000 đồng/kg. Với việc này, thì người buôn cá có lợi nhuận vào loại “khủng”.
Theo ông Tiến, một thương lái ở Hải Dương lên mua cá tại chợ Yên Sở thì chỉ người làm cá mới có thể phân biệt được cá nội và cá nhập lậu.
“Cá Trung Quốc to. Công nghệ nuôi cá của Trung Quốc giỏi hơn mình nhiều. Cá chép Trung Quốc khác cá Việt Nam, khi sờ vào cá có cảm giác bùng bùng, nhão chứ không như cá của mình nhỏ, vừa phải, chắc thịt”, ông Tiến cho biết.
Chợ cá Yên Sở là một trong những chợ cá lớn nhất miền Bắc, có diện tích gần 10.000 mét vuông. Chợ cá không chỉ phục vụ thị trường Hà Nội mà còn cung cấp một lượng lớn cá tỏa đi các tỉnh Hưng Yên, Thái Bình, Phú Thọ… Khi tác nghiệp tại chợ cá, chúng tôi có ý tìm BQL chợ nhưng những người buôn bán tại đây cho biết, chợ do HTX Yên Sở quản lý, chỉ làm việc vào ban ngày, còn về đêm, các tư thương tự do buôn bán.
Chỉ trong vòng 2 tuần gần đây, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) Công an TP Hà Nội đã bắt giữ 7 vụ vận chuyển các loại cá, ếch Trung Quốc nhập lậu về bán tại các chợ đầu mối với hơn 2,6 tấn cá các loại (gồm cá tầm, cá quả), gần 1.300 con ếch và 208 kg cá trê lai giống.
Như vậy, không chỉ có cá thương phẩm, cá giống Trung Quốc cũng được nhập lậu. Việc nhập cá lậu từ Trung Quốc sẽ mang lại “siêu lợi nhuận” cho tư thương. Mỗi kg cá lậu lãi 20.000 – 30.000 đồng, với mỗi xe cá lậu trót lọt thì sẽ có lãi từ 40 – 50 triệu đồng.
Vì mức lợi nhuận cao, các đầu lậu đã bất chấp để buôn bán. Hai đường chính của cá lậu vào Việt Nam là khu vực giáp biên thuộc 2 tỉnh Quảng Ninh và Cao Bằng. Trên đường vận chuyển, các đối tượng buôn lậu thường xuyên thay đổi xe, tráo biển số, có người đi trước dẫn đường… So với nầm lợn, lòng trâu bò, bắt cá lậu khó hơn nhiều.
Trung tá Phạm Giang Sơn, Đội trưởng Đội phòng chống tội phạm về môi trường y tế thực phẩm cho biết, mức lợi nhuận do buôn lậu cá thì quá cao mà mức xử phạt không đủ sức răn đe sẽ khiến các đối tượng buôn lậu “nhờn luật”.
“Theo quy định của pháp luật, mức xử lý vi phạm hành chính đối với những hành vi vi phạm về nhập lậu cá từ biên giới vào nội địa là 2,5 triệu đồng và tịch thu tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa vi phạm. Theo tôi, mức xử lý vi phạm như vậy chưa đủ sức răn đe. Và theo quan điểm của chúng tôi, để giải quyết triệt để tình hình này thì phải giải quyết tận gốc tại các tỉnh giáp biên giới, ngăn chặn triệt để việc buôn lậu cá và ếch các loại vào Việt Nam”, Trung tá Sơn cho hay.
Theo quy định hiện hành trong lĩnh vực thủy sản, cá thương phẩm (trừ cá giống) vận chuyển trong nước không cần qua kiểm dịch. Trong những vụ bắt cá lậu vừa qua của Phòng PC49, Công an TP Hà Nội đã phát hiện chủ một số xe cá sử dụng giấy kiểm dịch quay vòng hòng đối phó khi gặp lực lượng kiểm tra. Giấy kiểm dịch được xác định do Chi Cục thú y tỉnh Ninh Bình cấp, nơi có các trại cá giống, hồ cá thương phẩm.
TS Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam cho biết, Hội cũng đã nhiều lần kiến nghị Bộ NN&PTNT cũng như các cơ quan hữu quan phải ngăn chặn tình trạng nhập lậu thủy sản. Hiện nay, cá nhập lậu từ Trung Quốc có giá rẻ hơn làm ảnh hưởng tới người sản xuất trong nước. Vì vậy, việc chống cá nhập lậu là một việc làm cấp thiết.
“Người tiêu dùng Việt Nam không biết được nguồn gốc xuất xứ, không biết được chất lượng của các loại cá đó ra sao, không biết loại cá đó có đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hay không. Bởi vì nuôi như thế nào thì hầu như không ai biết, còn nơi sản xuất là nhập lậu nên rõ ràng người ta bán giá rất thấp nên rất ảnh hưởng tới người nuôi trong nước”, TS Nguyễn Việt Thắng cảnh báo.
Những loại cá nhập lậu không rõ nguồn gốc xuất xứ, không qua kiểm dịch với nhiều nguy cơ đối với sức khỏe của người tiêu dùng vẫn đang trôi nổi trên thị trường. Trong khi đó, chế tài xử lý quá nhẹ không đủ sức răn đe các đối tượng buôn lậu.
Đã đến lúc cần những chế tài mạnh hơn để ngăn chặn hành vi buôn lậu này. Các ban quản lý chợ, quản lý thị trường phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra những loại thủy, hải sản không rõ nguồn gốc để hạn chế rủi ro cho người tiêu dùng./.
Theo Hoài Lam – Quang Dũng
VOV