Barbiturate là thuốc được sử dụng trong điều trị mất ngủ và chống co giật. Việc làm dụng barbiturate có thể dẫn tới ngộ độc thuốc và làm ảnh hưởng tới cơ thể, thậm chí người bệnh có thể tử vong nhanh chóng nếu dùng thuốc với số lượng lớn.
1. Thế nào là lạm dụng thuốc barbiturate?
Barbiturate là thuốc có tác dụng ức chế hệ thận thần kinh trung ương để an thần, gây ngủ hay thậm chí gây mê nếu dùng liều cao, đồng thời Barbiturate cũng có khả năng chống co giật nên được sử dụng trong điều trị mất ngủ, bệnh động kinh hay tình trạng co giật.
Hiện nay, vì có khả năng gây ra nhiều tác dụng phụ nên thuốc barbiturat cũng ít được sử dụng.
Lạm dụng barbiturat là tình trạng người bệnh dùng thuốc ở liều cao quá mức hoặc tự ý sử dụng khi chưa có chỉ định của bác sĩ điều trị. Việc lạm dụng có thể gây ra tác động không nhỏ tới cơ thể, không chỉ ngộ độc barbiturate mà với liều cao còn có thể gây tụt huyết áp do ức chế trực tiếp lên cơ tim.
Ngộ độc barbiturate hay gặp nhất ở những đối tượng nguy cơ như: Người có rối loạn tâm thần, nghiện ma túy, mắc bệnh động kinh nhưng không được quản lý dùng thuốc đúng…
2. Tác hại từ việc lạm dụng barbiturate
Việc lạm dụng barbiturat có thể gây ra tình trạng ngộ độc thuốc với những biểu hiện nặng nề như:
- Xuất hiện tình trạng ý thức lẫn lộn, sau đó người bệnh nhanh chóng rơi vào tình trạng hôn mê yên tĩnh, giảm phản xạ gân xương;
- Không có các dấu hiệu thần kinh khu trú, phản xạ co đồng tử khi tiếp xúc ánh sáng;
- Ở giai đoạn muộn, người bệnh có thể mất phản xạ hay giãn đồng tử;
- Suy hô hấp do rối loạn nhịp thở, ngừng thở, hôn mê gây tụt lưỡi tắc đường thở, tắc do đờm…
- Mạch nhanh, huyết áp hạ, rối loạn thân nhiệt;
- Ngộ độc barbiturat nếu không được điều trị thì có thể xảy ra nhiều biến chứng nguy hiểm như suy đa tạng, suy thận cấp do tiêu cơ vân và dẫn đến tử vong.
Ngoài ra, việc lạm dụng barbiturat trong điều trị mất ngủ, co giật còn có thể gây ra một số dấu hiệu khác như:
- Thường xuyên ở trong trạng thái buồn ngủ, mệt mỏi, gặp khó khăn trong cuộc sống hàng ngày, công việc và khả năng học tập bị ảnh hưởng.
- Xuất hiện một số hành vi bất thường hoặc rối loạn hành vi.
- Nếu sử dụng kéo dài trên 1 tháng liên tục, thuốc barbiturat có thể gây nghiện. Khi đó, nếu người bệnh ngưng sử dụng thuốc sẽ gây ra các dấu hiệu của hội chứng cai như run rẩy chân tay, khó ngủ, kích thích vật vã và nặng hơn là ảo giác, tăng thân nhiệt, co giật.
3. Điều trị ngộ độc barbiturat như thế nào?
Nếu sử dụng quá liều thuốc barbiturate thì người bệnh nên đến các cơ sở y tế để được xử trí kịp thời. Việc điều trị như thế nào phụ thuộc vào tình trạng của người bệnh và hàm lượng thuốc tiêu thụ.
Các biện pháp điều trị ngộ độc barbiturat gồm:
- Trường hợp người bệnh tỉnh: Tiến hành rửa dạ dày bằng nước sạch pha muối từ 3-5 lít;
- Sử dụng than hoạt tính dạng lỏng để liên kết với thuốc trong dạ dày, hạn chế thuốc vào máu;
- Đảm bảo hô hấp cho người bệnh: Thở oxy, nếu người bệnh hôn mê thì đặt ống nội khí quản, bóp bóng hoặc thở máy.
- Theo dõi và điều chỉnh huyết áp: Nếu có tụt huyết áp thì truyền dịch, nếu không được thì sử dụng thuốc vận mạch.
- Lọc thận: Khi có suy thận, suy gan, nhiễm độc nặng khi đo lượng thuốc trong máu thì tiến hành lọc thận.
Ngoài ra, cần điều trị hỗ trợ bằng các phương pháp khác như: Sử dụng kháng sinh; dùng thuốc chống đông; đảm bảo chế độ ăn uống đủ chất dinh dưỡng; vệ sinh và thay đổi tư thế cho người bệnh nếu phải nằm lâu để tránh tình trạng loét do tỳ đè; kết hợp vật lý trị liệu…
4. Làm sao để hạn chế lạm dụng thuốc barbiturate?
Lạm dụng thuốc barbiturat có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng của người sử dụng. Cho nên việc quản lý chặt chẽ khi sử dụng thuốc là rất cần thiết, nhất là với những bệnh nhân phải sử dụng thường xuyên để điều trị mất ngủ hay động kinh.
Ngoài ra, từ phía người bệnh phải hiểu rõ những bất lợi do việc sử dụng quá liều thuốc để tránh hiện tượng lạm dụng. Khi sử dụng thuốc phải được sự chỉ định của bác sĩ và nên thông tin đầy đủ tiền sử dùng thuốc để bác sĩ nắm bắt, kê đơn phù hợp.
Tóm lại, lạm dụng barbiturat có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng với sức khỏe người bệnh, do đó, ngay khi thấy các dấu hiệu của tình trạng ngộ độc thuốc thì không nên chần chừ mà phải tới cơ sở y tế để được điều trị theo phác đồ, hạn chế những biến chứng nặng.
Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng bấm số hoặc đăng ký lịch trực tuyến TẠI ĐÂY. Tải ứng dụng độc quyền MyVinmec để đặt lịch nhanh hơn, theo dõi lịch tiện lợi hơn!