Lạm dụng thuốc cỏ cháy – Lợi bất cập hại

(LSO) – Vài năm trở lại đây, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Lộc Bình lạm dụng thuốc cỏ cháy trong sản xuất nông – lâm nghiệp nhằm giảm nhân công lao động. Tuy nhiên, việc làm này gây ảnh hưởng đến môi trường, chất lượng nông sản cũng như sức khỏe của con người, đe dọa sự phát triển bền vững của nông nghiệp.

Tại thôn Bản Tẳng, xã Bằng Khánh, câu chuyện sử dụng thuốc cỏ cháy ở đây đã trở thành phổ biến, cứ làm cỏ ở đồi, nương rẫy, bờ ruộng là người dân dùng thuốc cỏ cháy. Tận mắt chứng kiến một cánh rừng thông rộng được người dân dùng thuốc diệt cỏ mới thấy độ “cháy cỏ” rất lớn. Ngay cả những loại như: cỏ tranh, cây rừng to bằng ngón tay cũng chuyển sang màu vàng sẫm. Cả cánh rừng như thể vừa hứng chịu một đợt hỏa hoạn càn qua. Anh Hoàng Văn Quang  một người dân trong thôn cho biết: Rừng thông hơn 1 ha của gia đình tôi mới trồng được 3 năm, do đồi có nhiều cỏ tranh và cây tạp che khuất cây thông nên mỗi năm, tôi phải phun cỏ cháy 2 lần để diệt cỏ. Ở trong thôn của anh nhiều người cũng dùng thuốc này để dọn rừng, dọn ruộng, dọn bờ chứ làm thủ công thì không xuể được.

Một rừng thông được người dân phun thuốc cỏ cháy ở xã Bằng Khánh, huyện Lộc Bình

Để dễ hiểu, anh Quang lấy ví dụ với rừng thông 1 ha của gia đình anh, trong điều kiện thời tiết thuận lợi, nếu dùng dao phát cỏ thì 3 người phải mất một tuần mới hoàn thành, còn phun thuốc cỏ cháy thì một người làm nửa buổi là xong. Chi phí mua thuốc khoảng 120 nghìn đồng.

Tại xã Vân Mộng, tình trạng người dân sử dụng thuốc cỏ cháy cũng diễn ra khá phổ biến. Anh Nguyễn Văn Thưởng, thôn Nà Lạo cho biết: Nhà có 5 sào lúa, 3 sào đất vườn trồng ngô và một mảnh vườn có 300 cây mận cơm. Do vợ đi làm công ty xa nên tôi tự làm hết. Để đảm bảo kịp thời vụ, trước khi cấy lúa tôi dùng 2 lọ thuốc cỏ cháy phun hết các bờ ruộng để đỡ công cắt cỏ. Còn đối với diện tích ngô, sau khi tra hạt xuống khoảng 3 ngày, tôi phun một lần. Tương tự, vườn mận cơm tôi cũng phun 2 lần mỗi năm.

Theo anh Thưởng, do cỏ mọc nhanh quá nếu không phun thuốc thì một mình không làm xuể. Trong khi thuốc cỏ cháy được bán ở các chợ phiên với giá từ 20.000 đồng đến 25.000 đồng/lọ về pha được 1 bình 16 lít phun được cả sào.

Bà Chu Mai Hương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Lộc Bình cho biết: Thuốc cỏ cháy là loại thuốc có chứa hoạt chất paraquat và glyphosate vô cùng độc hại, là nguyên nhân dẫn đến một số bệnh như: ung thư, rối loạn thần kinh, vô sinh và nhiều bệnh tật khác. Không chỉ gây nguy cơ bệnh cho người trực tiếp sử dụng mà còn di truyền sang thế hệ khác… Ngoài ra, loại thuốc này khiến cỏ chết từ ngọn đến gốc, làm cho đất bị xói mòn, gây thoái hóa đất, ô nhiễm nguồn nước. Vì vậy, chúng tôi luôn khuyến cáo người dân không nên sử dụng thuốc cỏ cháy để phun trên đất nông nghiệp. Đồng thời khuyến khích người dân thay thế thuốc cỏ cháy bằng các chế phẩm sinh học và dùng cách phát cỏ truyền thống hay dùng máy cắt cỏ để bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Tại các chợ phiên như: chợ Bản Ngà, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc và chợ Lộc Bình, thị trấn Lộc Bình, huyện Lộc Bình, chúng tôi tận mắt chứng kiến mỗi chợ có từ 4 – 5 người bán thuốc cỏ cháy đủ loại trên các sạp di động. Tác hại của thuốc cỏ cháy cao gấp nhiều lần so với hiệu quả mang lại. Nếu sử dụng thuốc cỏ cháy tràn lan sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cây trồng, môi trường và sức khỏe con người. Thiết nghĩ, trước tình trạng này cơ quan chuyên môn cần có khuyến cáo, hướng dẫn nhà nông. Đồng thời lực lượng chức năng cần quản lý chặt việc kinh doanh mặt hàng này.

Rate this post

Viết một bình luận