Làm gì để hệ tiêu hóa của trẻ luôn khỏe mạnh?
Do hệ tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện nên nếu không biết cách chăm sóc trẻ phù hợp sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ. Bài viết dưới đây sẽ giúp các bậc cha mẹ biết cách chăm sóc và bảo vệ hệ tiêu hóa của trẻ luôn khỏe mạnh.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, có nhiều nguyên nhân khiến cho hệ tiêu hóa của trẻ không tốt. Cụ thể như: Mẹ cho trẻ bú và ăn uống không đúng cách, sử dụng kháng sinh làm mất cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột, trẻ mắc một số bệnh về đường hô hấp…Những nguyên nhân này đã ảnh hưởng lớn tới hệ tiêu hóa của trẻ, khiến trẻ chậm phát triển.
Để hệ tiêu hóa của trẻ khỏe mạnh, các bậc cha mẹ có thể áp dụng theo những cách sau đây:
1. Tránh cho bé ăn thực phẩm khó tiêu và có thể gây dị ứng
Hệ tiêu hóa của bé còn non yếu nên bạn cần tránh để trẻ ăn uống những thực phẩm khó tiêu hóa và có khả năng gây dị ứng. Khi cho ăn bất kỳ món gì cần cho trẻ ăn ít một, sau đó tăng dần.
Không nên cho bé ăn quá nhiều loại thức ăn khác nhau trong ngày vì nếu tình trạng dị ứng xảy ra, bạn sẽ không xác định được bé bị dị ứng với loại thực phẩm nào. Tránh cho bé ăn quá sớm các loại hải sản, thực phẩm nguyên hạt, nhiều đạm, tinh bột… sẽ không giúp bé cứng cáp mà ngược lại làm hệ tiêu hóa của bé bị “quá tải”.Chọn dinh dưỡng dễ hấp thu
Đạm trong sữa bò có hàm lượng casein cao nên rất khó hấp thu vào cơ thể của trẻ. Do đó cần chọn các loại sữa có chứa đạm whey giàu alpha-lactalbumin, dễ tiêu hóa hấp thu hơn casein.
Gừng hỗ trợ cho tiêu hóa cho bé bằng cách giúp di chuyển thức ăn nhanh từ dạ dày xuống ruột non. Gừng đôi khi được sử dụng như một phương thuốc tự nhiên để điều trị các vấn đề tiêu hóa như tiêu chảy, khó tiêu, đầy hơi và hội chứng ruột kích thích. Khi con bị đầy hơi, tiêu chảy, nhiều bà mẹ cũng lựa chọn thêm nếm một chút loại gia vị này để giúp bé nhanh hết triệu chứng khó chịu.
2. Bổ sung nhiều thực phẩm giàu chất xơ
Để trẻ có hệ tiêu hóa khỏe mạnh, cha mẹ nên bổ sung các loại thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh, trái cây, ngũ cốc… vào thực đơn hàng ngày. Thiếu chất xơ, trẻ rất dễ bị táo bón.
Những thực phẩm giàu chất xơ này sẽ giúp thức ăn di chuyển dễ dàng qua đường tiêu hóa, giúp hạn chế chứng táo bón, ngăn ngừa và điều trị hiệu quả các chứng tiêu chảy, đầy bụng, khó tiêu… cân bằng nguồn dinh dưỡng cho bé.
3. Sữa chua, những chế phẩm từ sữa
Sữa chua là sản phẩm thu được khi lên men sữa động vật, sữa chua có nhiều tác dụng tốt đối với sức khoẻ đặc biệt là hệ tiêu hóa của bé. Sữa chua giúp bé tiêu hóa tốt hơn là nhờ lượng lợi khuẩn probiotics có trong sữa.
Bên cạnh đó, cha mẹ nên bổ sung sữa, đậu nành và các chế phẩm từ sữa vừa tốt cho hệ tiêu hóa vừa giúp tăng cường hoạt động hệ thần kinh của trẻ.
4. Nước
Nước rất cần thiết cho cơ thể nói chung và hệ tiêu hóa nói riêng của bé. Nên tạo thói quen uống nước đều đặn hàng ngày và thường xuyên cũng là một cách hữu hiệu để cải thiện hệ tiêu hóa vì nước làm thức ăn loãng ra, dễ di chuyển trong hệ tiêu hóa.
5. Chế biến đúng cách thức ăn cho bé
Thực phẩm bị nhiễm khuẩn, không đảm bảo vệ sinh hay chế biến không đúng cách rất dễ làm trẻ bị tiêu chảy… Do đó cần hết sức lưu ý đến vấn đề vệ sinh, chế biến đúng cách thức ăn cho bé.