Ai có thể mắc nấc cụt?
Ai cũng có thể bị nấc cụt ít lần trong đời. Cơn nấc cụt thường vô hại và kéo dài không lâu. Cũng có trường hợp kéo dài liên tục gây khó khăn trong sinh hoạt.
Vì sao nấc cụt?
Nấc cụt do sự co thắt ngoài ý muốn của cơ hoành. Cơ hoành này nằm giữa ngực và bụng, giữ nhiệm vụ quan trọng trong việc thở. Khi nó co thắt, dây âm thanh của bạn sẽ bị đóng lại rất nhanh gây ra âm thanh đặc biệt của nấc cụt.
Nguyên nhân nấc cụt:
– Dây thần kinh tới cơ hoành bị kích thích do ăn thức ăn nóng và nhiều gia vị, đồ ăn nóng lạnh lẫn lộn, ăn quá no, ăn uống không điều độ, uống quá nhiều rượu, uống nhiều nước có ga, thường xuyên uống nước lạnh.
– Cơ thể suy nhược, mất ngủ, chán ăn. Hút thuốc lá. Xúc động bất thình lình. Táo bón.
– Còn nguyên nhân gây nấc cụt kéo dài thường do các bệnh như thoát vị cơ hoành, áp xe dưới hoành hoặc các bệnh phổi, tim, thiếu máu cục bộ, tăng urê huyết…
Cách chữa nấc cụt:
Có thể áp dụng những cách sau:
– Khi nấc, uống liên tục từng ngụm nước nhỏ, uống một ly nước lạnh chầm chậm, nuốt nước bọt liên tục, hoặc lấy một cục đá lạnh ngậm và mút cho đến khi cơn nấc biến mất.
– Dùng hai ngón tay trỏ của hai bàn tay nhét chặt vào hai lỗ tai chừng nửa phút.
– Dùng một que bông gòn xoa nhẹ phần vòm miệng phía sau khoảng 1 phút.
– Há miệng ra, bạn tìm lưỡi gà rồi dùng một muỗng cà phê nâng lưỡi gà lên vài lần.
– Nín thở: dùng ngón trỏ và ngón cái bóp kín hai cánh mũi, đồng thời khép kín miệng, phồng má rồi dồn khí lên hai tai. Mỗi lần làm như vậy 2-3 giây, rồi nghỉ 2-3 giây và lặp lại 15-20 lần.
– Nuốt khô một muỗng cà phê đường. Nếu hiệu quả sẽ chặn đứng nấc cụt chỉ sau vài phút. Đối với trẻ em, có thể cho uống nửa muỗng cà phê đường pha vào 120ml nước. Ngoài ra có thể nhai và nuốt một miếng bánh mì khô.
– Ngồi chồm hổm, tựa mạnh ngực trên hai đầu gối đến khi hết nấc thì thôi.
Nếu cơn nấc cụt kéo dài nhiều giờ mà thử các biện pháp trên không hiệu quả, nên đi khám bệnh. Các bác sĩ sẽ cho bạn một vài loại thuốc uống hay tiêm có thể cắt cơn nấc cụt hiệu quả.