Khi cảm thấy chán đời, nhiều người lao vào các thú vui như game online, nhảy nhót ở vũ trường, ăn chơi trác táng với bạn bè… cũng chính là để xua đi cảm giác chán nản trong sâu thẳm đáy lòng. Nhưng họ đâu biết rằng, khi cuộc vui kết thúc, họ cảm thấy ngán ngẩm hơn bao giờ hết.
Cảm giác “chán đời”
“Tao chán lắm mày ạ. Cuộc sống thật là mệt mỏi. Mày qua chỗ tao đi, hai đứa mình đi nhậu nha”.
“Tớ không thiết sống nữa, ước gì chết ngay bây giờ cho rồi…Hay là đi tu cũng được, trốn khỏi chốn trần này…”
Bạn có thấy câu chuyện trên rất quen thuộc trong thời đại ngày nay?
Thật buồn cười khi đối tượng thường xuyên chán đời nhất lại là các bạn trẻ, khi các bạn vừa mới bước vào ngưỡng cửa cuộc đời, các bạn đang sở hữu nguồn sinh lực dồi dào, các bạn đáng lẽ ra phải đầy ước mơ và lý tưởng, nhưng các bạn đã vội chán đời, đã thấy cuộc sống này chẳng còn gì đáng mơ ước nữa…
Khi ta chán đời
Theo tâm lý học, cảm giác chán nảy sinh khi bạn phải làm đi làm lại một công việc, gặp mãi một số người, ăn mãi một món ăn, cảm xúc, cuộc sống bạn không có gì thay đổi…
Cuộc sống, công việc, học hành không như ý cũng khiến bạn thấy mệt mỏi, đâm ra nhìn mọi vật không còn tươi tắn và đáng yêu nữa. Bạn thấy chán nản khi mọi việc mất kiểm soát và dần dần, buông xuôi, để cuộc sống rơi vào những tháng ngày lặp đi lặp lại một cách nhàm chán, không có mục tiêu, ước mơ, hy vọng gì nữa.
Nhiều người lao vào các thú vui như game online, nhảy nhót ở vũ trường, ăn chơi trác táng với bạn bè…cũng chính là để xua đi cảm giác chán nản trong sâu thẳm đáy lòng. Nhưng họ đâu biết rằng, khi cuộc vui kết thúc, họ cảm thấy ngán ngẩm hơn bao giờ hết, và dù không có lối ra nhưng họ vẫn cứ trượt dài trên con dốc của sự sa sút.
Vì họ chán đời. Những giải pháp tạm thời như ăn chơi, tụ tập…sẽ chẳng xóa đi sự chán đó, không thay đổi cuộc sống của họ và càng ngày, hai chữ “chán đời” càng đè nặng cuộc sống của bạn.
Xem thêm:
Có thể có nhiều nguyên nhân cho cái sự chán đời của bạn, nhưng hậu quả bao giờ cũng có một mẫu số chung nhất định: bạn lãng phí thời gian, sống cầm chừng, vô nghĩa và hủy hoại bản thân mình.
Tôi có một người bạn học rất giỏi ở cấp 3. Lên đại học, mọi thứ không giống như cậu hình dung. Cậu nghĩ rằng học đại học phải ở trên giảng đường, có máy chiếu, được đi thực tế thường xuyên… Nhưng tất cả những gì cậu được tiếp nhận chỉ là sách vở, các tài liệu khô khan. Quá nhàm chán, cậu cúp học.
Ban đầu, cậu nghỉ 1-2 tiết/buổi, sau đó cậu nghỉ 2-3 buổi/tuần và cuối cùng không đến lớp gần như một nửa học kỳ. Cậu nghỉ học, chỉ để chơi game, tụ tập bạn bè, đánh bài,…những thói xấu kinh điển của sinh viên thời bấy giờ. Sau đó, hết tiền, cậu được nghe bạn bè mách nước, thử chơi số đề xem sao.
Chơi mãi thành nghiện, dù tiền bố mẹ gửi nướng hết cả vào số đề, cậu vẫn không dứt ra được. Cậu chuyển sang cầm cố tài sản và cuối cùng, nhà trường kỷ luật, bố mẹ biết chuyện mới lôi cổ cậu về nhà. Cậu bị đình chỉ học 1 năm và phải ở nhà dưới sự quản giáo của bố mẹ. Trong khi bạn bè cậu đã ra trường và xôn xao tìm việc, cậu bạn tôi vẫn còn đang vật vờ học hết năm ba đại học, và còn loay hoay trả nợ môn này môn kia để đủ điểm được ra trường.
Cái giá cậu trả xuất phát từ “chán đời” thật là đắt, phải không?
Xem thêm:
Ai cũng có thể chán đời, quan trọng là bạn có thể vượt qua nó
Bạn lại thấy câu chuyện của cậu bạn tôi quen chứ? Ừm, xin lỗi tôi bịa đấy, đó chỉ là mẩu chuyện tôi góp nhặt trên Internet mà thôi. Chúng ta thấy điều này rất quen thuộc, vì nó “đầy rẫy” trong cuộc sống hàng ngày. Bạn chứng kiến, quen biết, hay đã từng rơi vào trường hợp đó. Hoặc tệ hơn, khi đang đọc bài viết này, bạn đang rất CHÁN ĐỜI, chẳng hạn.
Để tôi nói cho bạn biết bí mật này, chán đời là một cảm giác mà ai cũng từng trải qua trong cuộc sống của mình, bạn không phải là số ít khi bạn nói rằng bạn đang chán đời.
Cuộc sống có rất nhiều khó khăn và đổi thay, và chúng ta không tránh khỏi cảm giác chán ngán, mệt mỏi trong một khoảnh khắc, một quãng thời gian nào đó.
Tuy nhiên, điều quan trọng là bạn phải nhận thức được sự nghiêm trọng của nó, và tìm cách vượt qua cảm giác chán đời này.
Làm gì khi cảm thấy chán đời?
Suy nghĩ tích cực, thay đổi cuộc sống của bạn bằng hành động cụ thể là những phương pháp hữu hiệu để chữa căn bệnh này.
Chẳng hạn, bạn thấy việc đến lớp mỗi ngày chẳng có gì thú vị, hãy học cách thay đổi suy nghĩ về việc học. Hãy học tốt các môn học mà bạn bị chê bai, xem việc giải các bài toán khó là những thử thách cần chinh phục, học cách nhìn mới trong một vấn đề đã cũ ở giờ văn học, lịch sử… Hãy cố gắng phát huy năng lực của bản thân để lĩnh hội tri thức, bạn sẽ thấy yêu quý các giờ học hơn rất nhiều.
Tham gia các câu lạc bộ trong trường, thử theo đuổi một niềm đam mê của bản thân, rủ những người bạn thân học nhóm, đi khám phá một nơi nào đó trong khu dân cư vào dịp cuối tuần, đi chùa để lòng thanh thản hơn… Hãy làm tất cả những gì để khuấy động và thay đổi cuộc sống của bạn một cách tích cực.
Bạn sẽ sớm vượt qua cảm giác chán đời nhanh thôi, tôi cam kết với bạn đấy.
Xem thêm:
—
TẠP CHÍ MENBACK
Theo: Internet
Ảnh: Pinterest