Làm giàu từ mô hình trồng cây ăn quả

Chú thích ảnh
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Dũng thu hoạch bưởi.

Ông tham gia làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia từ năm 1978. Đến năm 1981, ông xuất ngũ trở về địa phương, cuộc sống gia đình lúc đó gặp rất nhiều khó khăn. Cuối năm 1981, ông rời mảnh đất quê hương ở xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín (Hà Tây cũ) lên xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, làm kinh tế mới.

Năm 1987, ông Nguyễn Văn Dũng xây dựng gia đình, cuộc sống với nhiều khó khăn, vất vả. Vợ chồng ông phải đi ở nhờ, xoay xở nhiều nghề để phục vụ cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Nhưng với phẩm chất của người lính cụ Hồ, được tu dưỡng, rèn luyện trong môi trường quân đội, ông Nguyễn Văn Dũng đã nêu cao tinh thần hăng say lao động, quyết tâm vượt lên đói nghèo. Sau nhiều năm cần mẫn làm lụng, tiết kiệm, gia đình ông đã tích cóp được một số tiền để mua đất, làm nương rẫy, từ đó kinh tế gia đình ngày càng phát triển. 

Đến năm 2014, gia đình ông đã dồn điền, đổi thửa được gần 3 ha đất canh tác và bắt đầu trồng cây ăn quả. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, đa cây, lấy cây này nuôi cây kia, ban đầu ông mua 160 cây bưởi Diễn đã cho thu quả về trồng. Những kinh nghiệm tích lũy được trong các chuyến tham quan học tập các mô hình trồng trọt hiệu quả ở nhiều nơi, cộng với thổ nhưỡng, khí hậu ở xã Đông Sang là vùng đất phù hợp với các loại cây ăn quả, ông đã tiếp tục đầu tư trồng bưởi da xanh, nhãn, bơ, quýt chum, cam Vinh. Năm 2017, gia đình ông đã trồng 4 ha cây ăn quả. 

Ông Nguyễn Văn Dũng luôn trăn trở, phải làm thế nào để có thể mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất và bền vững. Làm nông nghiệp cần phải có tính khoa học, am hiểu thổ nhưỡng cũng như đặc điểm của từng loại cây trồng. Bởi vậy, ngay từ đầu, ông đã quy hoạch xây dựng mô hình rất bài bản và đầu tư mua các loại máy làm đất, máy phun thuốc trừ sâu, lắp đặt hệ thống tưới tự động. Mỗi loại cây được trồng riêng một khu, ở giữa có lối đi rộng để tiện chăm sóc, bón phân, thu hoạch quả. Đặc biệt, ông không trồng cam và bưởi gần nhau, vì hai loại cây này ra hoa cùng thời điểm. Nếu trồng gần nhau các loại côn trùng sẽ thụ phấn từ hoa bưởi sang hoa cam và ngược lại. Như vậy, hai loại quả này sẽ bị lai tạp, dẫn đến mẫu mã sản phẩm không đẹp và chất lượng không cao. 

Để có vườn cây ăn quả phát triển tốt, bên cạnh việc dày công chăm sóc, ông đã chọn mua cây giống từ Học viện Nông nghiệp Việt Nam, vì cây giống ở đây có nguồn gốc rõ ràng, năng xuất, chất lượng cao. Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, vừa làm vừa học tập, rút kinh nghiệm để áp dụng vào thực tế mô hình của mình, gia đình ông đã trực tiếp làm, những lúc cao điểm cần bón phân, làm cỏ, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch, mới thuê thêm từ 6 đến 10 nhân công.

Nhờ chăm sóc tốt, đúng quy trình kỹ thuật nên vườn cây ăn quả của gia đình ông không những đạt sản lượng cao, mà chất lượng sản phẩm rất thơm ngon, được thị trường đón nhận. Từ năm 2018 đến nay, vườn cây ăn quả của gia đình ông cho thu nhập hơn 600 triệu đồng/năm, trong đó 10 tấn nhãn đạt doanh thu 220 triệu đồng; 10 tấn bưởi Diễn đạt doanh thu 120 triệu đồng; 5,5 tấn bưởi da xanh đạt doanh thu 130 triệu đồng; 3 tấn quýt Chum đạt doanh thu 105 triệu đồng; 5 tấn cam Vinh đạt doanh thu 30 triệu đồng. Riêng 5.000 m2 trồng cam không hạt, dự kiến đến năm 2022 cho thu hoạch, ông sẽ có thêm nguồn thu. 

Chú thích ảnh
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Dũng ghép mắt bưởi da xanh.

Rate this post

Viết một bình luận