Làm ngân hàng thì học ngành gì?

nganh khong lien quan toi tien nhung van lam viec o ngan hang

Có rất nhiều ngành học cho phép bạn làm việc trong ngành Tài chính ngân hàng mặc dù…không theo học ngành liên quan. Giống như mọi doanh nghiệp khác, các vị trí công việc trong ngân hàng rất đa dạng nên bạn có nhiều cách để đầu quân vào môi trường ngân hàng nếu thật sự yêu thích. Cùng Hotcourses Vietnam khám phá một số lựa chọn ngành học phổ biến, giúp bạn làm việc tại ngân hàng.

 

>> 7 nghề nghiệp làm việc với tiền dành cho bạn

 

Kế toán

Khi theo học ngành kế toán, bạn có thể làm việc tại các phòng ban kế toán, tài chính của ngân hàng. Ví dụ, bạn sẽ làm công việc liên quan đến báo cáo tài chính, thuế và kiểm toán. Vai trò kế toán và kiểm toán trong các ngân hàng nhìn chung không khác so với các vai trò như vậy trong các doanh nghiệp lớn khác. Ngoài ra, các chuyên gia kế toán và kiểm toán cũng có thể chuyển sang nhiều bộ phận khác. Quản lý rủi ro và ngân quỹ là những lựa chọn công việc trong ngành ngân hàng.

 

Tài chính ngân hàng

Nếu bạn đang phân vân có nên học ngành tài chính ngân hàng không, thì đây là một lựa chọn ngành học tốt nếu bạn muốn làm việc tại các ngân hàng. Một số trường đại học cấp bằng kinh doanh/ tài chính với chuyên ngành ngân hàng. Khi tham gia khoá học này, bạn sẽ được học những môn học nhất định liên quan đến ngân hàng như quản lý rủi ro, kế toán, tài chính doanh nghiệp, quy định ngân hàng,… Bạn sẽ thấy rằng chương trình giảng dạy của các khóa học này tương tự các khóa học kinh doanh và tài chính nhưng tập trung hơn vào các khái niệm, thuật ngữ trong ngân hàng, quản lý rủi ro, tuân thủ, các quy định tài chính,…

 

Luật

Làm ngân hàng thì học ngành gì? Với đặc thù lĩnh vực ngân hàng thường xuyên làm việc với tiền thì vị trí luật sư am hiểu pháp luật chuyên về tiền tệ là vô cùng cần thiết để đảm bảo mọi hoạt động kinh doanh đều được thực thi đúng luật. Khi xảy ra bất kỳ tranh chấp nào về tiền bạc trong quá trình hoạt động của ngân hàng thì luật sư cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết tố tụng. Nhờ sở hữu kiến thức sâu rộng về luật tiền tệ, ngoài trở thành luật sư nội bộ ở ngân hàng thì bạn có thể làm nhiều vị trí khác như chuyên viên tư vấn tài chính hay kiểm toán viên. Nếu bạn có định hướng đầu quân vào ngân hàng thì trong lúc còn học Luật hãy chủ động chọn chuyên ngành liên quan đến tài chính hoặc luật ngân hàng thì sẽ mang lại nhiều lợi thế về sự nghiệp hơn.

 

 

>> Ngành Luật: Mọi điều bạn cần biết

 

Nhân sự

Trong số những công việc trong ngân hàng, tối ưu hóa chất lượng nhân sự là nhu cầu của mọi doanh nghiệp nên ngân hàng cũng không là ngoại lệ. Nếu đã định hướng đầu quân vào bộ phận nhân sự của ngân hàng từ sớm thì bạn nên chọn học ngành Quản trị Kinh doanh có chuyên ngành về Quản lý Nhân sự sẽ tốt hơn. Thật vậy, các kiến thức nền tảng về kinh doanh được học trong ngành sẽ góp phần giúp bạn có nhiều lợi thế rõ rệt trong việc tìm kiếm nhân tài trong lĩnh vực tài chính ngân hàng sau này. Chẳng cần giải thích dông dài thì ai cũng có thể hiểu một sự thật rằng nếu bạn không có chút kiến thức gì về dòng tiền thì hiếm có ngân hàng nào dám mạo hiểm giao trọng trách tuyển dụng người tài cho bạn. Nếu bạn chọn học ngành Nhân sự nói chung thì vẫn có lựa chọn chủ động bổ sung kiến thức về lĩnh vực tài chính bằng cách tham dự các chương trình học ngắn hạn để có thể thấu hiểu sâu sắc hơn về môi trường làm việc của mình.

 

 

>> 5 yếu tố cần có để thành công trong nghề Nhân sự

 

Marketing

Nếu bạn đang phân vân nên làm vị trí nào trong ngân hàng, bạn có thể tham khảo các vị trí về Marketing. Bất kể dịch vụ hay sản phẩm nào cũng cần phải có hoạt động truyền thông quảng bá để thu hút khách hàng nên marketing là bộ phận bắt buộc phải có dù đó là ngân hàng nội địa hay quốc tế. Mục tiêu mỗi ngày đến ngân hàng làm việc của bạn trong bộ phận marketing sẽ là triển khai các chiến lược thu hút càng nhiều khách hàng đến mở tài khoản, vay tín dụng hay mua bảo hiểm. Bộ phận marketing cũng sẽ chịu trách nhiệm quản lý nội dung cho các kênh truyền thông của ngân hàng như fanpage và trang web chính thức. Nếu bạn tốt nghiệp ngành Marketing thì chắc chắn đã có ít nhiều kiến thức liên quan đến kinh doanh nên sẽ không gặp quá nhiều khó khăn trong việc thích nghi với môi trường làm việc với đồng tiền như ngân hàng.

 

 

>> Ngành Marketing: Học gì, học ở đâu và triển vọng nghề nghiệp

 

Thiết kế đồ họa

Mỗi khi bạn thấy ngân hàng nào cải tiến hình ảnh bằng cách thay đổi toàn bộ nhận diện thương hiệu gồm logo hay biển hiệu thì đó chính là công sức của chuyên viên thiết kế đồ họa. Bộ phận này sẽ luôn đồng hành cùng phòng ban Marketing để chịu trách nhiệm cho phần hình ảnh của mọi chiến dịch truyền thông quảng cáo của ngân hàng. Hình ảnh cho bài đăng fanpage, tờ thông tin dịch vụ hay những biển quảng cáo treo ngoài đường đều do chuyên viên thiết kế đồ họa thực hiện. Công việc của thiết kế đồ họa có thể được xem là mang tính sáng tạo bậc nhất trong môi trường ngân hàng thiên về tiền tệ có phần rập khuôn và nhàm chán mà bạn dễ dàng nhận thấy. Các ngân hàng thường yêu cầu chuyên viên thiết kế đồ họa có kiến thức nhất định về lĩnh vực tài chính ngân hàng chủ yếu là để sản phẩm hình ảnh cuối cùng phải toát lên được đặc tính của ngành.

 

>> Thiết kế đồ họa: Mọi điều bạn cần biết

 

Công nghệ Thông tin

Các bộ phận trong ngân hàng không thể không kể đến các bộ phận về Công nghệ thông tin, An ninh mạng và vận hành hệ thống. Công nghệ là một phần không thể thiếu trong hoạt động của một ngân hàng ở thời đại số 4.0 như hiện nay. Những dịch vụ số hóa của ngân hàng như ví điện tử, giao dịch tiền tệ qua mạng (internet banking) hay giao dịch tiền tệ qua điện thoại (mobile banking) từ lâu đã không còn xa lạ trong cuộc sống hàng ngày của mọi người. Đó là chưa kể hệ thống thông tin của ngân hàng còn luôn đòi hỏi sự bảo mật cao để quyền lợi cho khách hàng luôn được đảm bảo. Vì lẽ đó nên bạn nào tốt nghiệp ngành Công nghệ Thông tin sẽ luôn được nhiệt liệt đón chào gia nhập vào môi trường làm việc ở ngân hàng để đảm đương các vị trí như bảo mật hệ thống hay phát triển ứng dụng tiền tệ. Nhờ có năng lực chuyên môn cao và trách nhiệm công việc tương đối lớn nên thu nhập của các vị trí liên quan đến mảng công nghệ thông tin ở ngân hàng thường khá hậu hĩnh.

 

 

>> Phân biệt Công nghệ Thông tin và Khoa học Máy tính

 

 

Phân tích dữ liệu

Việc ra quyết định dựa trên dữ liệu là xu hướng của tất cả các ngành nghề hiện nay, đặc biệt là trong ngành tài chính ngân hàng. Mỗi ngày, có hàng triệu giao dịch được thực hiện giữa ngân hàng và khách hàng. Đây đều là những dữ liệu quý giá giúp ngân hàng hiểu thêm về hành vi, sở thích của khách hàng, từ đó ngân hàng có thể gợi ý cho khách hàng những sản phẩm phù hợp, nâng cao trải nghiệm và giữ chân khách hàng. 

Để làm được điều đó, các chuyên viên phân tích dữ liệu đóng vai trò rất quan trọng trong việc thu thập, khai thác và xử lý dữ liệu để đưa ra quan sát, nhận định, báo cáo cụ thể theo yêu cầu nghiệp vụ của ngân hàng. Đồng thời, khi làm việc trong ngân hàng, bạn cũng sẽ thực hiện các công việc liên quan đến trực quan hoá dữ liệu, hỗ trợ và đào tạo các khối nghiệp vụ trong việc sử dụng dữ liệu để đưa ra các quyết định kinh doanh.

 

 

Bài viết được chỉnh sửa bởi Hoàng Thanh Phương vào ngày 05 tháng 11 năm 2021.

Rate this post

Viết một bình luận