Cá tra thịt vàng, giá thấp so cùng loại (thịt trắng); càng thấp hơn so với giá cá basa. Vậy làm thế nào để thịt cá tra không bị vàng?
Cá basa thích nghi với môi trường trong sạch, mát, dưỡng khí trong nước cao hơn. Vì vậy, chúng thường được nuôi nhiều trong bè trên các dòng sông lớn. Còn cá tra, ngoài các đặc điểm sống như cá ba sa còn có khả năng sống ở môi trường nước tù đọng, dưỡng khí hoà tan thấp. Cả hai loài cá này đều ăn các thức ăn giống nhau. Nhưng do chúng sống ở môi trường khác nhau nên phẩm chất thịt khác nhau về màu sắc. Màu sắc thịt cá chủ yếu là do thức ăn và do sắc tố. Trong môi trường nước có nhiều sinh vật tảo và khí độc thì thịt cá tra sẽ bị vàng. Thịt cá càng bị vàng nhiều nếu nhu cầu thức ăn không đủ cho cá và chúng phải tìm thức ăn bên ngoài. Sắc tố của từng con cá cũng khác nhau.
Cá càng lớn, nuôi càng lâu trong môi trường có nhiều tảo thì qúa trình tích lũy chất ảnh hưởng đến màu sắc càng tăng. Để khắc phục tình trạng thịt cá tra khỏi bị vàng, người nuôi nên tạo môi trường ao nuôi trong sạch, có nguồn nước ra vào thông thoáng và hàm lượng đạm trong thức ăn đảm bảo 30%. Nguồn thức ăn công nghiệp này thường có bán sẵn trên thị trường và có ghi rõ công thức trên bao bì. Không cho cá ăn dư, hoặc ăn thiếu, nếu dư ao sẽ sinh ra tảo, nếu thiếu cá tìm ăn các loài thức ăn tạp khác kể cả tảo. Khi thấy nước ao nuôi ngả màu xanh cần phải bơm thay nước. Cũng có thể áp dụng quy trình nuôi theo công đoạn. Tức là vào 1-2 tháng cuối khi cá gần đủ trọng lượng bán sẽ đưa cá ra bè nuôi để thịt cá tra bớt vàng.
Thực tế, người nuôi cá tra, ba sa ở ĐBSCL muốn tiết giảm giá thành nên thường cho cá ăn các loại thức ăn tự chế biến. Như vậy, khó xác định được độ đạm trong thức ăn. So với cá 300gr trở xuống, hàm lượng đạm trong thức ăn phải cần từ 28 – 30% (có sẵn trong thức ăn công nghiệp); cá từ 300 – 700gr cho ăn theo tỷ lệ thức ăn bằng 3 – 4% trọng lượng thân cá. Cá tra ăn tạp hơn nên mau lớn hơn cá basa ( cá basa nuôi 8 -9 tháng = 1kg, cá tra nuôi 6 – 7 tháng = 1kg). Do cá tra ít bệnh và thả được mật độ cao hơn (30 – 40 con/m2 so với cá ba sa 5 – 10 con/m2) nên người nuôi chuộng cá tra hơn, mặc dù giá có thấp hơn cá basa 2.000 – 3.000 đ/kg. Nuôi cá tra kinh tế hơn là do chủ động được con giống và thời vụ. Bình quân, một con cá tra cái đẻ được 30.000 – 40.000 trứng, còn một con cá ba sa cái chỉ đẻ được 15.000 – 20.000 trứng.
Về mặt dinh dưỡng cá tra ít mỡ hơn cá ba sa và tỷ lệ thịt philê nhiều hơn. Tuy nhiên, trong mỡ cá basa có một loại axit béo không no có tác dụng làm giảm béo phì nên được các nước phương Tây ưa chuộng. Thực tế, thì philê basa và cá tra có hàm lượng dinh dưỡng như nhau nhưng do thói quen tiêu dùng nên người ta chỉ chú ý đến cá basa. Một doanh nhân chuyên nghề chế biến cá da trơn ở TP.Cần Thơ cho biết: Muốn phân biệt được cá tra và cá basa người ta dựa vào sớ thịt cá. Basa: Miếng philê ngắn hơn, dày hơn, sớ thịt ngang, thịt hơi trắng hơn so với cá tra sớ thịt xiên và dài.