Làm thế nào để giữ mái ấm gia đình khi chồng 1 nơi, vợ 1 ngả

Phương Anh, phóng viên đài RFA

Người xưa có câu “vợ chồng như chim liền cánh, như cây liền cành”. Thế nhưng, trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay, có khá nhiều đôi vợ chồng vì hoàn cảnh phải chịu cảnh kẻ Bắc người Nam, hay người dưới tỉnh, kẻ ở thành phố. Hoặc, vì nhu cầu công việc, chồng hay vợ thường xuyên phải đi công tác nước ngoài, khiến người ra đi cũng như kẻ ở lại vô cùng mệt mỏi về tinh thần.

CoupleYouth150.jpg

Không ít trường hợp vì xa nhau quá lâu, đã khiến cho hạnh phúc gia đình không còn được bền vững. Photo AFP

Không ít trường hợp vì xa nhau quá lâu, đã khiến cho hạnh phúc gia đình không còn được bền vững. Làm thế nào để giữ mái ấm gia đình khi chồng một nơi và vợ một nơi như thế? Đó là đề tài mà Phương Anh xin được gửi tới qúi vị trong Trang Phụ Nữ kỳ này.

Bác sĩ Thanh Vân, hiện đang làm việc tại một bệnh viện ở Sàigòn, từng có thời gian học tập ở nước ngoài hai năm trời. Sau đó, trở về cơ quan công tác, vì giữ một trách nhiệm quan trọng nên phải đi nước ngoài liên tục, đã cho biết rằng việc xa cách chồng con trong thời hạn ngắn thì còn an tâm.

Nhưng nếu đi lâu thì rất mệt mỏi vì chị luôn cảm thấy trống vắng và e rằng tình cảm vợ chồng sẽ nguội lạnh dần. Với chị, nếu xa cách trong thời gian ngắn hạn, cả hai vợ chồng đều không thấy ảnh hưởng gì đến tình cảm. Chị nói:

“Trường hợp của mình đi còn vui vẻ hơn nữa vì khi mình đi như thế cả hai bên cùng thoải mái, chồng có cơ hội đi thăm bạn bè, vợ có cơ hội ra ngoài biết thêm cái mới…Hàng ngày vẫn gọi điện qua lại với nhau.

Tình hình con cái vẫn báo cáo đầy đủ…Đi một năm thì phiền một chút. Nhưng hàng tuần vẫn gửi thư cho nhau, và điện thoại qua lại…Khi mà đi xa lâu quá, thì nó sẽ có một cái gì đó xa cách một chút, để thời gian càng lâu thì tình cảm nó cũng nguội chút.”

Niềm tin lẫn nhau

Trường hợp chị Hoàng Thị Ấu thì lại khác. Cả hai vợ chồng chị đều sinh ra và lớn lên ở thị xã Vũng Tàu. Sau khi kết hôn, cả hai đều làm việc ngay tại thị xã. Sau gần mười năm làm việc tại điạ hương, gần đây, vì nhu cầu công tác, anh phải chuyển vào Sàigòn. Thế là chị thì phải ở lại Vũng Tàu cùng các con. Chị tâm sự:

Người ta nói là chồng đâu vợ đấy. Sự chăm sóc của người vợ với người chồng là phải thường xuyên. Ở Việt Nam, theo đúng cách thì người vợ phải chăm sóc cho chồng từng bữa ăn, và những cái rất nhỏ nhặt, tấm áo, quần, giặt ủi để cho chồng diện đi làm. Khi xa cách nhau rồi thì những cái tối thiểu ấy của người vợ không có, thì những chuyện về tình cảm cũng sẽ nhợt nhạt hơn, không thể gắn bó giống như hai người ở với nhau.

“Người ta nói là chồng đâu vợ đấy. Sự chăm sóc của người vợ với người chồng là phải thường xuyên. Ở Việt Nam, theo đúng cách thì người vợ phải chăm sóc cho chồng từng bữa ăn, và những cái rất nhỏ nhặt, tấm áo, quần, giặt ủi để cho chồng diện đi làm. Khi xa cách nhau rồi thì những cái tối thiểu ấy của người vợ không có, thì những chuyện về tình cảm cũng sẽ nhợt nhạt hơn, không thể gắn bó giống như hai người ở với nhau.

Ở xa nhau nhiều quá, thì người chồng đôi khi không còn cần thiết ở chung nữa. Em nghĩ đó cũng là cái tình cảm vợ chồng “xa mặt cách lòng”. Đấy là một yếu tố gây ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình.”

Chính vì xác nhận được điều có thể làm ảnh hưởng đến hạnh phúc của mình, nên mỗi ngày, chị đều gọi điện thoại cho anh, nhắc nhở từng miếng cơm giấc ngủ. Thế nhưng, chị cho rằng sự thông tin, trao đổi với nhau qua điện thoại vẫn không đủ để giữ mái ấm gia đình nếu thực sự không có niềm tin với nhau. Chị nói:

“Thông tin liên lạc chỉ làm cho nỗi nhớ của vợ hay chồng được gần nhau. Niềm tin sâu xa là trong thâm tâm của hai người, còn có trách nhiệm, còn thương nhớ về nhau thì sẽ không có hành động nào làm tổn thương đến tình cảm.”

Chị cũng cho biết rằng, ở Việt Nam hiện nay, không ít người rơi vào trường hợp như chị. Chị nói tiếp:

“Thực ra, những người có thể bung đi ra làm việc xa, hay những người đi làm chân tay cũng có cảnh này. Thí dụ, ngoài Bắc phải vào TPHCM, xa gia đình đi làm thuê, phải xa chồng, xa con để đi kiếm tiền. Đối tượng nào trong xã hội VN cũng đều rơi vào tình trạng này hết.”

Để tìm hiểu thêm, Phương Anh đã hỏi thăm anh Hùng, đang sinh sống ở Hà Nội, có vợ thường đi công tác nước ngoài. Theo anh, quan trọng nhất là do chính bản thân nình mà thôi. Anh nói:

“Gần nhau nhiều quá thì cũng phải xa cách để xem thử mức độ bền chặt như thế nào. Ở đâu cũng vậy, cái quan trọng là do mình. Do lúc mình sống với nhau như thế nào, kể cả đang sống với nhau mà có ý định đi lăng nhăng thì cũng đâu ngăn cấm được.”

Riêng với anh Ban, một thanh niên quê ở Nam Định, vào thành phố HCM được hai năm qua, hiện đang sinh sống bằng nghề sửa quần áo ở một góc chợ Tân Bình. Anh cho biết rằng vì ở quê, làm ruộng không đủ sống nên đành phải bỏ xứ vào Nam kiếm sống để lại vợ và hai con nhỏ ở quê nhà. Anh tâm sự:

“Em từ ngoài Bắc vào, có người cùng quê giúp nên vào trong này. Nói chung, đã là vợ chồng thì phải tin tưởng nhau thôi. Lúc nào cũng mong làm sao có công việc để cho vợ vào, để vợ chồng cùng làm, cùng sống để cho có tình cảm, vì mỗi người một nơi thì ai cũng mong sớm xum họp đầm ấm. Ai cũng vậy thôi, cảnh xa nhau, nhiều khi băn khoăn lắm, người Bắc, người Nam, ai cũng mong xum họp.”

Có thể khắc phục bằng một số biện pháp sau: thứ nhất là phải xác định được niềm tin một cách rõ ràng vì niềm tin là điểm căn cơ để hai người tin tưởng và chấp nhận được thực tế. Điều thứ hai là chúng ta cũng có thể chú ý đến những cám dỗ. Bản thân mỗi người phải kiềm chế chính mình.

Biện pháp khắc phục

Với những người có điều kiện thì chuyện liên lạc bằng điện thoại, hay qua email, webcam thì thật là dễ dàng cho việc kết nối và giữ gìn tình cảm vợ chồng. Nhưng với những người dân lao động nghèo như anh Ban vừa kể thì làm sao có thể giữ được tổ ấm của mình? Và thực sự, phải chăng cùng với sự thay đổi về mặt xã hội, giá trị gia đình cũng thay đổi theo? Tiến sĩ tâm lý Huỳnh Văn Sơn, giảng viên khoa Tâm Lý trường Đại Học Sư Phạm TPHCM cho biết:

“Bởi vì đời sống công nghiệp và những áp lực thực tế đã làm cho vợ chồng không phải lúc nào cũng như ngày xưa, chồng đâu vợ đấy. Đây là sự thay đổi nhất định về giá trị trong đời sống vợ chồng. Chúng ta cũng có thể nhận thấy trong một cái nhìn khác. Đó là khi người đàn ông đóng vai trò trụ cột trong gia đình, không thể ở nơi mà họ sinh ra mà đã lập gia đình, làm trụ cột, mà phải chuyển hướng sang một địa điểm khác.

Và vì trách nhiệm, người mẹ, người vợ, cũng không cách gì đi theo chồng. Thực tế nó đang xảy ra không phải chỉ ở thành phố lớn mà kể cả ở một số người có khả năng học tập, người ta đi ra nước ngoài, sau đó ở lại, cũng lâm vào cảnh chồng một nơi, vợ một nơi.”

Trước câu hỏi làm thế nào để có thể giữ gìn mái ấm của mình khi rơi vào hoàn cảnh chồng một nơi, vợ một nơi, tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn cho hay:

“Có thể khắc phục bằng một số biện pháp sau: thứ nhất là phải xác định được niềm tin một cách rõ ràng vì niềm tin là điểm căn cơ để hai người tin tưởng và chấp nhận được thực tế. Điều thứ hai là chúng ta cũng có thể chú ý đến những cám dỗ. Bản thân mỗi người phải kiềm chế chính mình.

Chúng ta phải lập một cái nếp nhà, mặc dù nếp nhà ở đây không phải là lúc nào hai người cũng chung sống với nhau, mà chúng ta phải thường xuyên điện thoại, thường xuyên quan tâm và lo lắng. Đó là những yếu tố có thể làm cho người kia cảm thấy an tâm. Yếu tố thứ ba cũng khá quan trọng là chúng ta phải có giá trị tinh thần cao cả.

Bởi vì có những cám dỗ, nhưng nếu chúng ta đặt và chọn lọc những giá trị tinh thần cao cả. Ví dụ hướng về ông bà, cha mẹ, con cái, đặc biệt là hướng về những giá trị truyền thống lâu đời thì vượt qua được cám dỗ và những thử thách. Tôi cho rằng tình cảm sâu thẳm bên trong trái tim, và đặc biệt là ý chí của mỗi người là một trong những yếu tố rất quan trọng.

Điều nữa là phải có khái niệm bù đắp trong những khi ở cạnh nhau. Một yếu tố nữa là không thể kéo dài tình trạng chồng một nơi, vợ một nơi lâu được, nếu kéo dài quá, thì sẽ không tốt.”

Cũng theo lời của tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn, dầu cho ở bất cứ hoàn cảnh nào đi chăng nữa, điều quan trọng hơn cả là chính mỗi người phải xác định được đâu là giá trị hạnh phúc của chính mình, tiến sĩ Sơn nói tiếp:

“Một trong những yếu tố quan trọng là tình yêu và gia đình phụ thuợc vào tính cá thể. Chúng ta phải bắt đầu bằng tiêu chí hạnh phúc với mỗi người là gì? Nếu hạnh phúc với chúng ta là đi làm về mỗi ngày để bên cạnh những người thân. Chúng ta có thể khổ sở, nhưng chúng ta vẫn quây quần bên nhau thì tại sao chúng ta không chọn hạnh phúc của chúng ta?

Nếu hai người đều xác định giá trị hạnh phúc của mình thì vấn đề nào cũng có thể giải quyết rốt ráo để có được hạnh phúc vợ chồng. Dù nghèo, hay giầu thì mục tiêu cuối cùng vẫn là hạnh phúc và nếu chúng ta cảm thấy chúng ta đang có một cuộc sống hạnh phúc thì hãy giữ.”

Qúi vị vừa nghe tâm sự của một số người có hoàn cảnh chồng một nơi và vợ một nơi, cùng ý kiến và lời khuyên của tiến sĩ tâm lý Huỳnh Văn Sơn. Mong rằng những thông tin vừa rồi phần nào sẽ giúp ích cho qúi vị, nhất là các đôi vợ chồng nào đang phải chịu cảnh chia lià. Phương Anh xin dừng nơi đây. Hẹn gặp lại qúi vị vào kỳ sau.

©
2008 Radio Free Asia

Rate this post

Viết một bình luận