Sự kiện 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị hiện ra với những ký ức bi tráng của các chiến sĩ chiến đấu tại Quảng Trị năm ấy. Tháng 7 tri ân, cựu chiến binh khắp mọi miền Tổ quốc trở về thăm chiến trường xưa. Mới đây, 10 cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn K3 – Tam Đảo, những người cuối cùng rút khỏi Thành Cổ có dịp gặp lại nhau, cùng nhau nhớ về thời oanh liệt của 81 ngày đêm đỏ lửa.
Tháng 7, tiếng chuông ngân vang, mùi nhang trầm thơm ngát khuôn viên Thành Cổ Quảng Trị. Cựu chiến binh Nguyễn Văn Hợi, ở thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định – nguyên Trợ lý Quân lực Tiểu đoàn K3 – Tam Đảo đến một góc ở Thành Cổ, nơi năm xưa là Sở Chỉ huy Tiểu đoàn K3- Tam Đảo rồi đặt 1 cành hoa lên tường gạch, lặng lẽ cúi đầu mặc niệm. Nơi đây 50 năm về trước, bom của Mỹ đánh trúng chiến hào, làm 11 đồng chí trong Ban Chỉ huy Tiểu đoàn K3- Tam Đảo hy sinh.
Những chiến sĩ từng chiến đấu trong 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị gặp nhau, ôn lại một thời hào hùng.
Ông Hợi là 1 trong 10 cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn K3 Tam Đảo rút khỏi Thành Cổ Quảng Trị sau cuộc chiến 81 ngày đêm khốc liệt. Trở lại thăm Quảng Trị hôm nay, đồng đội của ông có người còn sống, có người đã về với đất mẹ. Biết tin một vài đồng đội cũ của mình cũng trở về chiến trường xưa trong dịp này, ông đã chủ động kết nối, rủ nhau cùng ở lại, pha ấm trà nóng và ngồi nói chuyện suốt đêm.
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Hợi tâm sự, dù sức khỏe giảm sút nhưng ông vẫn cố gắng trở về thăm chiến trường xưa, “Thành Cổ thì rộng nhưng đồng đội tôi nằm chật”: “Sau 50 năm, hôm nay tôi về lại, vừa mới đến cầu Thạch Hãn, mới chỉ nhìn thấy bến thả hoa phía Bắc, tôi đã không cầm được lòng. Cũng như các bạn vào trong Thành Cổ, trên 1 hòn đá ghi áng thơ “Thành Cổ rộng nhưng đồng đội tôi nằm chật…”, xúc động lắm, chúng tôi những người trong cuộc không cầm được lòng. Các bạn trẻ cả nước hãy cố gắng 1 lần vào đến Thành Cổ này, đến những bức tường còn nham nhở vết bom đạn để thấy được thế hệ đi trước sống và chiến đấu như thế nào”.
Những cựu chiến binh trở về chiến trường xưa, dâng hương tưởng nhớ đồng đội.
Bây giờ, những người lính cuối cùng rời chiến trường Thành cổ Quảng Trị năm xưa có dịp gặp nhau trong ngày kỷ niệm 50 năm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị. Họ nhắc lại những khoảnh khắc cuối cùng trước giờ rời Thành Cổ. Đêm đó, dưới ánh trăng Thành cổ và bom đạn của kẻ thù, các chiến sĩ Tiểu đoàn K3- Tam Đảo đã cùng viết lời thề quyết tử rằng: “K3 – Tam Đảo còn, Thành cổ Quảng Trị còn, dù phải hy sinh đến người lính cuối cùng”. Lúc đó, lực lượng của K3 chỉ còn hơn hai chục cán bộ, chiến sĩ. Cả đơn vị tập trung các loại vũ khí lại, mỗi người sử dụng 3 đến 4 loại súng và phải cơ động trong một đoạn hào dài 20 mét – 30 mét, kết hợp với xuất kích nhỏ kiên quyết đánh địch. Đội quân K3 quyết tử để cầm cự đến cùng, giữ trọn lời thề với Thành cổ. Đến ngày 16/9/1972, Tiểu đoàn K3 – Tam Đảo chỉ còn hơn 10 cán bộ, chiến sĩ và họ nhận lệnh phải rời khỏi Thành, kết thúc chiến dịch 81 ngày đêm chiến đấu, bảo vệ Thành cổ Quảng Trị.
Gửi nén hương, ngọn hoa đăng tưởng nhớ đồng đội.
Ngồi bên đồng đội trong buổi gặp mặt hôm ấy, Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang Hán Duy Long, quê xã Hương Trạch, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh nhắc lại những buồn vui trong khói lửa chiến tranh. Năm đó, ông Long vừa tròn 18 tuổi, quyết định nhập ngũ. Sau 6 tháng vừa hành quân vừa huấn luyện tân binh, ông vào chiến trường Thành Cổ Quảng Trị. Không bao lâu sau, mỗi khi nhắc tên ông Long, ai cũng tỏ lời thán phục. Bởi, một người lính bình thường khi bắn được 3 hay 4 quả B40 đã nghe ù tai, chóng mặt, còn ông Hán Duy Long thì bắn liên tiếp 9 quả đạn B40 và 1 quả đạn B41 rồi mới chịu dừng lại do bị ngất lịm.
Cựu chiến binh Hán Duy Long nhớ thương những đồng đội từng sống chết có nhau trong 81 ngày đêm khói lửa nơi Thành Cổ Quảng Trị: “Là những người bám trụ trong 81 ngày đêm, quyết tâm thực hiện lời hứa với Tư lệnh Mặt trận là K3- Tam Đảo còn, Thành Cổ Quảng Trị còn. Trong những trận chiến như thế, có những điều không thể cũng trở thành điều có thể, bởi khát khao đất nước được độc lập, tạo ra cho mình có được niềm tin, sức mạnh. Bây giờ, mỗi nhành cây, ngọn cỏ, mỗi dòng sông, tấc đất đều thấm đẫm máu của đồng đội chúng tôi”.
Đêm hoa đăng tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ trên sông Thạch Hãn.
Đến Thành cổ Quảng Trị, nơi bố mình từng chiến đấu, ông Đỗ Huỳnh Duy, 57 tuổi, ở phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội, người con trai của Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Đỗ Văn Mến nghẹn ngào không nói nên lời.
Ông Duy kể, bố của ông về nghỉ hưu với quân hàm Đại tá, vẫn giữ vững phẩm chất của người lính Cụ Hồ với lời thề của K3 năm xưa. Năm 2009, ông Mến được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân vì có những thành tích đặc biệt xuất sắc trong chỉ huy chiến đấu và trực tiếp chiến đấu trong 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Khi được trao tặng danh hiệu cao quý này, cụ Đỗ Văn Mến cho rằng “Đây là thành tích của đồng đội. Tôi chỉ thay mặt anh em, những người có thể trở về và những người còn mãi nằm lại Thành Cổ nhận lấy mà thôi”. Sau này, ông Đỗ Văn Mến đã đi tìm được 10 người lính của K3 Tam Đảo và cũng là những người cuối cùng rời khỏi Thành Cổ năm xưa. Mỗi người một nơi đều già yếu vẫn giữ liên lạc thường xuyên, hễ có dịp là gặp nhau ôn lại một thời hoa lửa.
Lần này, ông Đỗ Huỳnh Duy được đi với các cựu chiến binh là đồng đội năm xưa của bố mình trở về Thành Cổ Quảng Trị. Ông Duy được nghe kể những câu chuyện một thời bi tráng, hào hùng và thấu hiểu khát vọng độc lập, tự do của dân tộc mình: “Tôi cảm nhận rằng bố tôi và đồng đội của bố tôi hy sinh xương máu, đó là điều rất thiêng liêng, bản thân tôi cảm nhận rằng điều này là vô giá. Tôi cũng là 1 quân nhân, được sống trong thời bình, không còn chiến tranh đó là điều hạnh phúc rất lớn lao, ghi nhớ công ơn các thế hệ đi trước đã để lại cho chúng tôi cuộc sống hòa bình, hạnh phúc hôm nay”./.