Lang ben xảy ra khá phổ biến ở nhiều người, làm họ thiếu tự tin vì làn da mất thẩm mỹ. Bệnh hình thành do đâu, làm sao để chữa khỏi khi mà tỉ lệ tái nhiễm cao? Bài viết sau sẽ cung cấp thông tin chi tiết để bạn nhận biết sớm, phòng và trị lang ben hiệu quả.
Bệnh lang ben là gì?
Lang ben (hay lang beng) là bệnh ngoài da do nấm Malassezia furfur làm tổn thương thượng bì. Malassezia furfur còn có tên gọi khác là Pityrosporum orbiculare, thuộc họ Malassezia. Loại nấm này thường ký sinh ở mặt trên của lớp thượng bì với số lượng ít. Lúc đó chúng hầu như không gây ảnh hưởng xấu gì cho da. Tuy nhiên, khi gặp điều kiện nội và ngoại sinh thuận lợi thì tăng sinh nhanh chóng, làm tổn thương tế bào sừng.
Khi đó melanin di chuyển chậm đến thượng bì, làm các đốm da xuất hiện và tăng giảm sắc tố một cách bất thường. Mặc dù không gây đau, cũng ít khiến người bệnh cảm thấy ngứa nhưng thẩm mỹ bị ảnh hưởng nhiều.
Ở Việt Nam, thời tiết nóng ẩm chính là điều kiện thuận lợi cho các vi nấm phát triển. Từ đó gây ra nhiều bệnh da liễu như lang ben, hắc lào, nấm da… Đây là những bệnh có tính lây lan lanh mạnh từ người sang người do tiếp xúc trực tiếp hoặc dùng chung vật dụng.
Lang ben thường gặp nhiều nhất là ở độ tuổi thanh thiếu niên. Vì vậy, dù ít gây khó chịu nhưng bệnh ảnh hưởng rất lớn đến đời sống tinh thần, tâm lý của giới trẻ. Cho nên, việc tìm ra nguyên nhân, nhận biết bệnh từ sớm để điều trị dứt điểm là rất quan trọng.
Nguyên nhân lang ben
Như đã nói ở trên, bệnh lang ben hình thành khi nấm Malassezia furfur phát triển quá mức. Chúng tiết ra một chất có tên là azelaic. Chất này sẽ làm giảm khả năng vận chuyển melanin đến thượng bì. Do đó da sẽ bị thay đổi sắc tố, gây ra bệnh. Vậy những yếu tố nào sẽ thúc đẩy sự phát triển vượt mức của nấm men sinh bệnh lang ben? Đó là:
- Thời tiết nóng ẩm: Khi trời nóng kèm theo độ ẩm cao sẽ khiến thân nhiệt tăng, mồ hôi toát ra. Lúc này nấm men sẽ hấp thụ một số thành phần trong dầu thừa và phát triển mạnh.
- Rối loạn tuyến bã nhờn: Dầu thừa không chỉ tiết ra nhiều khi thời tiết nóng ẩm. Với những người bị rối loạn ở tuyến bã nhờn thì chất này cũng tăng sinh cùng mồ hôi. Do đó Malassezia furfur gây bệnh lang ben cũng dễ dàng sinh trưởng và làm hại da.
- Thay đổi hormone: Khi nồng độ hormone trong cơ thể tăng hoặc giảm đột ngột sẽ dẫn đến sự rối loạn ở tuyến mồ hôi, bã nhờn. Từ đó sinh ra những bệnh về da liễu do nấm men, như là lang ben. Phụ nữ mang thai, nuôi con bú hoặc đang dậy thì nằm trong nhóm này.
- Vệ sinh không sạch: Nấm Malassezia furfur là loại ký sinh trên bề mặt da và không gây bệnh khi mật độ chúng ít. Tuy nhiên, do việc vệ sinh kém khiến dầu thừa ứ đọng lại lỗ chân lông giúp những vi nấm này phát triển mạnh mẽ. Số lượng nấm tăng cao và nhanh chóng sinh ra bệnh.
- Tuổi tác: Lang ben chủ yếu xuất hiện khi bạn đang ở tuổi thanh niên mà ít gặp ở trẻ nhỏ hay người già. Lý do là vì lúc này lipid trên bề mặt da khiến cho bã nhờn tiết ra rất mạnh. Nhờ đó Malassezia furfur có điều kiện sinh trưởng và và tấn công da.
Ngoài ra, một số yếu tố khác như thừa cân, chế độ dinh dưỡng, hệ miễn dịch… cũng góp phần hình thành nên bệnh lang ben. Ở nữ giới, nếu sử dụng nhiều thuốc tránh thai cũng dễ gây ra hiện tượng này. Chúng ta cần cảnh giác với các yếu tố thúc đẩy mầm bệnh, đồng thời nhận biết sớm sự hình thành của bệnh để điều trị ngay.
Dấu hiệu của lang ben
Dấu hiệu bệnh lang ben khá điển hình và dễ nhận biết khi quan sát trên da. Cụ thể như sau:
- Biểu hiện sớm là các đốm trắng, nâu hoặc hồng phớt xuất hiện.
- Cảm nhận khi sờ lên không có biểu hiện sần sùi, nổi cộm mà bề mặt da bằng phẳng.
- Người bệnh không đau, ngứa hoặc chỉ hơi ngứa khi trời nóng bức, cơ thể ra nhiều mồ hôi.
- Vùng da bệnh có ranh giới khá rõ với phần chưa bị nấm xâm hại.
- Màu sắc vùng da tổn thương có thể thay đổi theo yếu tố tác động. Chẳng hạn vào mùa hè nắng nóng, phần da bị giảm sắc tố thường có màu trắng. Tuy nhiên, nếu bị viêm da do nấm thì bề mặt lại có màu hồng hoặc nâu.
- Sau một thời gian mắc bệnh, các mảng đốm lớn nhỏ sẽ phát triển thành mảng, hình thành ở một số vị trí khác.
- Đa phần các vùng da tổn thương không định hình cụ thể, kích thước mỗi vệt đốm thường khoảng 1 – 3 cm.
- Bạn có thể quan sát thấy chúng ở lưng, cổ, quanh khu vực ngực hay ngay cả trên mặt…
- Mặc dù không gây đau nhưng đôi khi bạn vẫn có phản ứng gãi do cảm thấy ngứa rát.
- Ở một số giai đoạn, trên bề mặt vùng da bị lang ben sẽ có vảy dễ bong, làm cho vùng da mịn, mỏng và yếu hơn.
Có thể thấy bệnh này rất dễ nhận biết nhờ triệu chứng khá điển hình và rõ nét trên da. Đây cũng không phải là tình trạng quá nguy hiểm hay ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Tuy nhiên, những cản trở cuộc sống, sinh hoạt mà nó mang lại, đặc biệt là cho giới trẻ là không nhỏ. Vì vậy, tốt nhất, cần nhận biết từ sớm, chẩn đoán chính xác nguyên nhân và điều trị. Tránh để bệnh trở nặng và tái đi tái lại nhiều lần, khiến ngoại hình ngày càng tệ hơn.
Bệnh lang ben có bị lây không? Làm sao để phòng ngừa hiệu quả?
Chẩn đoán bệnh lang beng
Lang ben cùng với hắc lào là những bệnh phổ biến hình thành do nấm. Để chẩn đoán chính xác nhất, bác sĩ cần dựa trên các đặc điểm lâm sàng, chẩn đoán phân biệt…
- Cụ thể, bác sĩ sẽ quan sát vùng tổn thương trên da và những triệu chứng cơ năng khác.
- Đồng thời dùng đèn chiếu để nhìn rõ phần rìa tổn thương, tìm ra vi nấm.
Với những trường hợp không có dữ liệu điển hình, bác sĩ sẽ cần chẩn đoán phân biệt với các bệnh như:
- Viêm da đầu: Nếu tổn thương da xuất hiện ở đầu, đó có thể không phải là lang ben mà người bệnh bị nhiễm Malassezia. Đây là nấm men gây bệnh viêm da đầu. Vảy bong trên da có màu trắng hoặc nâu vàng. Bên cạnh đó, da đầu tiết nhiều dầu, bệnh ít có khả năng hình thành xa khu vực đầu.
- Bệnh bạch biến: Đây là bệnh có các biểu hiện khá tương tự như là lang ben. Tuy nhiên người bệnh hoàn toàn không bị ngứa, trên da cũng không có vảy mịn. Đặc biệt là bạch biến không hề có tính lây nhiễm.
- Vảy nến Gibert: Cũng khá giống với bệnh này nhưng vảy nến phấn hồng Gibert khiến da nổi rát. Tổn thương có hình oval, vảy bong mạnh, bề mặt da nâu vàng, gợn. Trong khi đó lang ben ít bong vảy hơn và vùng da mịn.
Ngoài ra, một số trường hợp còn phải chẩn đoán phân biệt với giang mai giai đoạn II hay bệnh chàm khô, tình trạng Erythrasma.
Khi xác định được chính xác các tổn thương da là do nấm Malassezia furfur gây bệnh lang ben gây nên, bác sĩ sẽ chỉ định phương án điều trị cụ thể cho người bệnh.
Điều trị lang ben
Lang ben là bệnh không khó điều trị khi mới bị. Thậm chí, ở một số người, biểu hiện trên da còn có thể tự thuyên giảm. Tuy nhiên, phần nhiều trường hợp do để tổn thương kéo dài và lan rộng nên khó khắc phục. Hoặc bệnh do đó sẽ dễ tái phát, không trị khỏi hẳn được. Cho nên, bạn có thể chữa trị từ sớm, ngay cả bằng mẹo dân gian.
Mẹo trị lang ben tại nhà theo dân gian
Là bệnh da liễu khá phổ biến nên trong dân gian từ lâu đã tìm kiếm các dược liệu trị lang ben. Theo đó, người ta thường sử dụng một số thảo dược và tiến hành theo các cách sau:
- Trị lang ben bằng tỏi: Bóc lấy tép tỏi đem giã nhuyễn (không băm)rồi đắp lên vùng da bị giảm sắc tố. Rửa sạch sau đó 30 phút để loại bỏ nấm bệnh. Khi dùng thuốc này chú ý điều chỉnh liều lượng tỏi, tránh để da bị nóng rát.
- Dùng lá răm: Ngâm lá răm tươi với nước muối loãng để khử khuẩn trên đó rồi đem giã nát lấy nước cốt. Thoa lên vùng da bị nấm gây bệnh tấn công. Hoặc trộn thêm một chút rượu trắng để tăng hiệu quả.
- Dùng chuối xanh: Chọn chuối tiêu non, cắt làm đôi cho nhựa chảy ra rồi xát lên vùng da bệnh. Khi tinh chất trong nhựa chuối thấm sâu vào da thì sẽ cho hiệu quả.
- Dùng củ riềng tươi: Gọt bỏ vỏ giềng rồi rửa sạch, giã nát, sau đó chà lên vùng da bị biến đổi sắc tố do bệnh. Tiến hành khoảng 2 lần mỗi ngày cho đến khi bề mặt da có biểu hiện biến chuyển tốt.
Các cách trị lang ben tại nhà bằng mẹo dân gian nên áp dụng ngay khi da mới đổi màu. Nếu bệnh đã lan rộng hoặc tái đi tái lại, bạn nên đi khám và chữa bằng thuốc Đông, Tây y.
Thuốc Đông y trị lang ben hiệu quả tốt
Trong Đông y, lang ben có thể chữa bằng thốc bôi thảo dược hoặc thuốc uống, tùy vào tình trạng bệnh. Cụ thể một số thuốc:
Thuốc bôi thảo dược
- Sắc từ các vị như hoàng kỳ, ngật lực già, tần quy, bạch phục linh và cả xuyên khung.
- Gia giảm liều lượng rồi sắc lấy nước để bôi lên da.
- Các dưỡng chất trong thuốc sẽ thẩm thấu qua lớp thượng bì, trung bì để đem lại hiệu quả.
Công dụng:
- Bài thuốc này giúp giảm viêm nhiễm, trừ nấm và ngăn ngừa sự lan rộng của lang ben.
- Giúp cho da bệnh nhanh lành, màu sắc bình thường trở lại và không để lại sẹo.
Thuốc uống trị lang ben
- Đây là phương thuốc được chế ra từ các tinh chất trong cây diếp dại, nụ hồng, cùng hoa kim ngân, cây thương nhĩ và một số thảo dược khác.
- Thuốc này dùng theo đường uống, có thể bào chế thành dạng viên cho tiện dùng.
Công dụng:
- Giúp điều hòa nội tiết, thải độc tố và giải phóng các ứ khí, từ đó giảm dầu thừa trên da.
- Nhờ đó khiến cho vi nấm khó phát triển, giảm khả năng sinh sản và dần mất đi. Bệnh lang ben theo đó cũng giảm dần và hết biểu hiện.
Ngoài ra, còn rất nhiều bài thuốc trị bệnh này chưa được đề cập đến ở đây. Nhìn chung, về công dụng và cơ chế tác động của chúng là tương đối giống nhau. Nếu người bệnh dùng mà không hợp thuốc, nên cân nhấc sử dụng thuốc Tây trong thời gian sớm nhất.
Chữa theo Tây y
Y học hiện đại thường phân chia các trường hợp để áp dụng các cách điều trị tại chỗ hoặc điều trị toàn thân. Cụ thể:
Điều trị tại chỗ:
Chỉ định với người bị ở mức độ nhẹ, thường dùng một số loại thuốc trị lang ben như:
- Thuốc chống nấm: Giúp kìm hãm sự sinh trưởng của nấm, từ đó giảm các tổn thương ngoài da. Đây là các loại dược phẩm dạng bôi, phổ biến gồm Ciclopirox, Terbinafine. Đối với người bị lang ben ở đầu thì dùng Ketoconozole (có thể là dầu gội) trong 2 tuần liên tục.
- Nhóm thuốc khác: Trong một vài trường hợp, người bệnh lang ben có thể được kê dùng thuốc bôi chứa lưu huỳnh hoặc axit salicylic, kẽm pyrithioine…
Lưu ý: Sau khi đã chữa khỏi bệnh, da cần một thời gian nhất định để điều chỉnh sắc tố. Vì vậy, bạn không cần bôi thuốc quá thời hạn mà bác sĩ khuyến nghị, tránh bị tác dụng phụ.
Điều trị toàn thân
Cách này được chỉ định khi vùng da đổi sắc tố có biểu hiện lan rộng. Hoặc nấm gây bệnh hoạt động trở lại nhiều lần, có thể kiểm tra thấy khi soi tươi da.
Dựa trên đánh giá về khả năng miễn dịch, kháng nấm, bác sĩ sẽ chỉ định bạn dùng một số thuốc đường uống để ức chế mầm bệnh.
Một số thuốc cản trở sự phát triển của Malassezia furfur dùng trong đường uống là:
- Fluconazole: Dùng trong 2 tuần với liều lượng từ 300g – 400g.
- Itraconazole: Dùng trong 5 ngày với liều lượng từ 200g – 400g.
Bạn nên lưu ý rằng đa phần thuốc kháng nấm dùng theo đường uống có thể gây ngộ độc gan. Cho nên, tuyệt đối không sử dụng quá liều lượng được bác sĩ chỉ định riêng. Tránh để chức năng gan suy giảm, làm ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng miễn dịch của da.
Biện pháp cải thiện và phòng bệnh tái phát trên da
Do đây là bệnh hình thành do nấm luôn tồn tại sẵn trên da nên chúng hoàn toàn có khả năng tái phát khi điều kiện thuận lợi. Vì vậy, bạn cần áp dụng các biện pháp để kìm hãm sự phát triển của nấm. Đây vừa là cách giảm thiểu triệu chứng bệnh, vừa là giải pháp ngừa tái phát.
- Lang ben nên ăn gì? Cần bổ sung cho cơ thể sữa chua để cung cấp lợi khuẩn, nhóm thực phẩm giàu protein, vitamin D để loại bỏ vi nấm.Ngoài ra, trong các món ăn hàng ngày nên thêm gia vị tỏi để tăng khả năng miễn dịch, chống viêm.
- Bị lang ben kiêng gì? Bạn cần tránh dùng nhiều đường (gồm cả một số trái cây) vì chúng sẽ cung cấp dưỡng chất cho vi nấm phát triển. Các loại hạt cũng không nên ăn, vì nó sẽ làm biểu hiện bệnh ngày càng rõ ràng. Ngoài ra cần kiêng rượu, giấm và bánh mì nướng.
- Trong sinh hoạt thường ngày, bạn nên giữ vệ sinh thân thể bằng cách tắm 2 lần/ngày. Khi tắm nên dùng xà phòng tự nhiên có khả năng diệt khuẩn, đặc biệt là trong những ngày trời nóng ẩm.
- Cần giặt sạch quần áo của người bệnh, lau rửa vật dụng họ tiếp xúc với nước ấm. Hoặc đem phơi dưới ánh nắng trực tiếp để diệt trừ nấm.
- Nếu bị tái phát bệnh, cần uống thuốc điều trị dự phòng Itraconazole mỗi tháng 1 lần. Chỉ cần uống trong mùa nóng và dùng khi có chỉ định của bác sĩ. Hoặc bạn sử dụng dầu gội chứa Ketoconazole mỗi tháng 1 lần trong mùa hè.
- Hạn chế ra nắng, ngưng vận động khi cơ thể tiết nhiều mồ hôi và vệ sinh, thay đồ.
Không tiếp xúc, dùng chung trang phục, đồ dùng với người bị bệnh.
Lang ben là bệnh da liễu rất nhiều người Việt mắc phải từ lúc thành niên. Bệnh chỉ gây tổn thương trên thượng bì da nhưng lại làm mất thẩm mỹ, cản trở cuộc sống. Vì vậy, bạn nên chú ý phòng ngừa sự phát triển của mầm bệnh, điều trị đúng cách khi cần thiết.