3. Một số mẹo điều trị tại nhà
Lang ben là một bệnh nhiễm nấm ngoài da thường gặp điển hình bởi sự xuất hiện của các đốm da có màu trắng, hồng hay nâu. Bệnh lý này không ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe nhưng lại gây mất thẩm mỹ làn da. Nếu sớm can thiệp bằng các giải pháp đúng đắn thì tổn thương sẽ được điều trị dứt điểm và nhanh chóng.
Lang ben là bệnh gì?
Bệnh lang ben là một loại tổn thương da nông do sự sinh sôi quá mức của các bào tử nấm gây ra. Thường gặp nhất là vi nấm Malassezia furfur – còn được biết đến với tên khác là Pityrosporum orbiculare. Đặc trưng điển hình của bệnh là sự xuất hiện của các mảng dát da có màu hồng, trắng hay nâu (sự tăng giảm sắc tố da), ít gây ngứa, hầu như không gây đau.
Malassezia furfu là loại vi nấm lưỡng hình và tồn tại trên bề mặt da phụ thuộc vào lipid (chất béo). Bình thường, với số lượng ít chúng sẽ không gây ra bất cứ biểu hiện bất thường nào. Tuy nhiên, nếu có yếu tố tạo điều kiện thuận lợi thì các bào tử nấm có thể phát triển và sinh sôi mạnh. Lúc này chúng chuyển sang cấu trúc có dạng sợi và thường gây tổn thương cho lớp thượng bì da.
Do tồn tại phụ thuộc vào lớp lipid nên nấm Malassezia furfu thường hoạt động mạnh và gây tổn thương ở những vùng da có hoạt động tiết bã nhờn mạnh. Điển hình như da mặt, da cổ hay vùng lưng. Điều này lý giải vì sao bệnh lang ben thường kích hoạt ở những vị trí đặc trưng này.
Số liệu thống kê cho thấy, bệnh lang ben thường gặp ở nhóm đối tượng thanh thiếu niên. Rất ít thấy ở trường hợp trẻ nhỏ và người lớn tuổi. Bệnh lý này thường rất dễ bùng phát ở những vùng có khí hậu nóng ẩm và có mật độ dân số đông.
Cần lưu ý bởi bệnh lý này không gây nguy hiểm nhưng lại làm mất tính thẩm mỹ của làn da. Hơn nữa, bệnh có xu hướng lây lan nhanh. Không chỉ lây từ vùng da bệnh sang vùng da khỏe của người nhiễm nấm mà còn lây cho người khác. Cả tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp thông qua vật dụng của người nhiễm bệnh như khăn hay quần áo đều có thể bị lây nhiễm.
Căn cứ vào sắc tố của các đốm da bất thường mà bệnh lý này được chia làm 2 dạng như sau:
- Lang ben trắng: Đặc trưng điển hình đó là sự xuất hiện của các đốm trắng trên da. Chúng thường có hình tròn hay hình bầu dục nhỏ và nối liền với nhau thành đốm lớn. Khi chà xát nhẹ thì có thể xuất hiện vảy phấn trắng. Dạng bệnh này thường xuất hiện ở nhiều vùng da trên cơ thể, dễ gặp nhất là ở các vùng da phơi sáng.
- Lang ben đỏ: Dạng này thường xuất hiện chủ yếu ở vùng da mặt, cổ, ngực và lưng. Biểu hiện của nó thường không rõ ràng. Ban đầu thì trên da có thể xuất hiện các đốm hay mảng da có màu hồng hoặc màu đỏ có giới hạn. Các đốm lang len có thể phẳng hay gồ ghề trên bề mặt da.
Nguyên nhân gây bệnh lang ben
Các chuyên gia Da liễu cho biết, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự bùng phát bệnh lang ben là do nấm men phát triển quá mức. Chúng tác động tới sắc tố da và khiến cho da xuất hiện các vùng da tăng/ giảm sắc tố một cách bất thường.
Nhiều nghiên cứu lý giải, nấm Malassezia furfur khi hoạt động mạnh có thể tiết ra chất azelaic. Đây là hoạt chất có khả năng làm chậm tốc độ vận chuyển sắc tố melanin tới các tế bào thượng bì. Từ đó khiến da xuất hiện những mảng dát với màu bất thường, có thể nhạt hay đậm màu hơn.
Dưới đây là một số yếu tố rủi ro được cho là liên quan đến sự bùng phát của bệnh:
- Tăng tiết mồ hôi: Đây chính là một trong những yếu tố tạo điều kiện thuận lợi cho nấm men hấp thu lipid. Từ đó sẽ phát triển mạnh và nhanh chóng chuyển sang dạng sợi và gây tổn thương cho lớp thượng bì da. Tình trạng tăng tiết mồ hôi thường gặp ở người béo phì, cường giáp, bị tiểu đường hay xảy ra vô căn.
- Thời tiết nóng ẩm: Thường sẽ khiến cho cơ thể tăng thân nhiệt nhanh chóng. Điều này làm tuyến dầu hoạt động mạnh, đồng thời da cũng tiết nhiều mồ hôi hơn. Nấm men sẽ có cơ hội hấp thu các thành phần trong dầu thừa, sinh sôi và khiến da bị tổn thương.
- Rối loạn tuyến bã nhờn: Những người bị rối loạn tuyến bã nhờn luôn có lượng mồ hôi cũng như đầu thừa nhiều hơn bình thường. Đây chính là yếu tố tạo điều kiện thuận lợi để vi nấm phát triển và tấn công da.
- Vệ sinh kém: Các chuyên gia nhận định, vệ sinh kém cũng chính là yếu tố quan trọng liên quan tới cơ chế bùng phát bệnh lang ben. Thói quen này khiến cho dầu thừa ứ đọng trong lỗ chân lông. Từ đó gây bí tắc, tạo điều kiện cho nấm men cũng như vi khuẩn gây hại phát triển mạnh.
- Thay đổi Hormone: Sự thay đổi đột ngột của các loại hormone trong cơ thể sẽ rất dễ làm rối loạn quá trình bài tiết mồ hôi. Từ đó làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý da liễu do nấm. Tình trạng này rất phổ biến ở những người trong độ tuổi dậy thì, chị em phụ nữ đang mang thai hay cho con bú.
- Vấn đề tuổi tác: Nấm Malassezia furfur gây bệnh lang ben hoạt động phụ thuộc vào lipid trên bề mặt da. Chính vì vậy thường ảnh hưởng nhiều tới các vùng da bài tiết bã nhờn mạnh. Đâu cũng là nguyên nhân lý giải vì sao bệnh thường gặp ở thanh thiếu niên và ít gặp hơn ở người già và trẻ nhỏ.
Bên cạnh đó, số liệu thống kê còn ghi nhận, bệnh lang ben có thể bùng phát do một số vấn đề rủi ro khác chưa được đề cập ở trên. Điển hình như chế độ ăn uống thiếu lành mạnh, thường xuyên uống rượu bia, hệ miễn dịch suy giảm, dùng thuốc tránh thai hay bị thừa cân béo phì.
Các dấu hiệu nhận biết bệnh lang ben
So với các bệnh da liễu khác thì lang ben có triệu chứng tương đối điển hình. Bạn có thể dễ dàng nhận biết thông qua một số biểu hiện thường gặp dưới đây:
- Trên bề mặt da có sự xuất hiện của các đốm có màu khác lạ, thường là trắng, hồng hay nâu.
- Bề mặt đốm thường bằng phẳng, ít khi gồ lên. Không đau, ngứa ít và có ranh giới khá rõ ràng so với các vùng da khỏe mạnh lân cận.
- Tổn thương giảm sắc tố khiến da có màu trắng thường sẽ xuất hiện vào mùa hè.
- Còn tổn thương màu nâu hay hồng thì có thể là hệ quả từ phản ứng viêm do nấm gây ra.
- Những tổn thương trên da mà bệnh lang ben gây ra thường có hình đa cung hay hình bầu dục với kích thước dao động từ khoảng 1 – 3cm.
- Lang ben có thể phát triển ở dạng nhiều đốm nhỏ, mọc khu trú tại một vài vùng da và đôi khi cũng dễ lan rộng ra thành từng mảng lớn.
- Thống kê ghi nhận, bệnh chủ yếu ảnh hưởng tới phần trên của cơ thể, đặc biệt là vùng da mặt, cổ, ngực hay lưng.
- Tổn thương trên da hầu như không gây đau rát, có thể gây ngứa ngáy khó chịu, nhất là khi có phản ứng cào gãi.
- Trên bề mặt tổn thương thường xuất hiện vảy da mịn và rất dễ bong tróc.
Bạn có thể nhận biết bệnh dễ dàng hơn thông qua một số hình ảnh dưới đây:
Chẩn đoán bệnh lang ben như thế nào?
Như đã đề cập, so với các bệnh lý da liễu khác thì bệnh lang ben có triệu chứng khá điển hình. Vì vậy, để chẩn đoán bệnh, bác sĩ thường sẽ dựa vào đặc điểm lâm sàng. Bao gồm tổn thương trên da cùng các triệu chứng cơ năng đi kèm và vị trí ảnh hưởng.
Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể sẽ sử dụng đèn chiếu nhằm xác định sự hiện diện của bào tử nấm. Ánh sáng từ đèn chiếu cũng sẽ giúp bác sĩ thấy rõ được phần rìa tổn thương mà bệnh gây ra.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bệnh sẽ không đi kèm với các dữ liệu điển hình. Điều này gây khá nhiều khó khăn cho quá trình chẩn đoán. Lúc này, bác sĩ thường sẽ dùng phương pháp chẩn đoán phân biệt với một số bệnh lý da liễu khác.
Bệnh lang ben cần được phân biệt rõ với các bệnh như:
- Bạch biến:
Bệnh lý này thường làm xuất hiện các mảng da giảm sắc tố khá giống với lang ben. Tuy nhiên, bệnh bạch biến đa phần không gây ngứa. Đồng thời cũng không có vảy mịn trên bề mặt tổn thương và đặc biệt là không lây nhiễm. Cơ chế hình thành bệnh hiện vẫn chưa được xác định rõ nhưng các nhà nghiên cứu nhận thấy nó có liên quan với yếu tố di truyền.
- Vảy nến phấn hồng Gibert:
Vảy nến phấn hồng Gibert đặc trưng bởi tình trạng da bị nổi dát có màu nâu vàng hình dạng oval và có vảy bong. Bệnh có thể gây ngứa hoặc không. Theo nhận định từ các chuyên gia thì vảy nến phấn hồng Gibert có liên quan tới yếu tố tự miễn. Đi kèm với đó là sự tác động từ một số yếu tố khác, thường gặp nhất là do virus.
- Viêm da dầu:
Đây là một dạng tổn thương da mãn tính có liên quan tới nhiễm vi nấm Malassezia. Tuy nhiên, tổn thương do bệnh viêm da dầu gây ra thường có vảy bong màu trắng hay nâu vàng. Trên bề mặt da thường tiết nhiều dầu. Vùng mặt hay da đầu dễ bị ảnh hưởng nhất.
Ngoài các bệnh lý được đề cập trên đây thì có thể chẩn đoán phân biệt bệnh lang ben với một số bệnh lý khác. Ví dụ như Erythrasma, bệnh chàm khô hay bệnh giang mai giai đoạn 2.
Cách điều trị cho bệnh lang ben
Rất hiếm trường hợp bệnh lang ben tự thuyên giảm khi chưa có biện pháp can thiệp đúng đắn. Thông thường, nếu không điều trị tổn thương sẽ có xu hướng lan tỏa rộng và kéo dài.
Dưới đây là một số giải pháp điều trị có thể đáp ứng tốt với bệnh lý này:
1. Sử dụng thuốc tại chỗ
Thống kê cho thấy rằng, hầu hết các trường hợp bị lang ben đều đáp ứng tốt với việc điều trị tại chỗ. Các loại thuốc được bác sĩ chỉ định có thể là:
- Thuốc chống nấm: Đây chính là loại thuốc điều trị đặc hiệu với bệnh lang ben nói riêng và bệnh da liễu do nấm nói chung. Nhóm thuốc này không chị có tác dụng kìm hãm và ức chế nấm men phát triển mà còn làm giảm tổn thương trên da. Ciclopirox, Terbinafine và Ketoconozole là các loại thuốc bôi chống nấm được dùng phổ biến nhất. Còn trường hợp bệnh xuất hiện ở vùng đầu thì bác sĩ có thể chỉ định sử dụng dầu gội chứa Ketoconazole trong vòng 14 ngày.
- Dầu gội chứa kẽm pyrithioine/ Selenium sulfide: Giải pháp này sẽ được chỉ định trong trường hợp bị lang ben da đầu. Đặc biệt là khi người bệnh bị kháng thuốc chống nấm nhóm azole.
- Một số loại thuốc khác: Tùy thuộc vào mức độ và phạm vi tổn thương mà bác sĩ có thể kê toa một số loại thuốc khác để hỗ trợ thêm. Điển hình như thuốc bôi có chứa lưu huỳnh, acid salicylic, benzoyl peroxide…
Sau khi bệnh đã được chữa khỏi thì tình trạng giảm sắc tố da vẫn có thể sẽ còn tồn tại và kéo dài. Nên nhớ rằng, làn da của bạn luôn cần có một thời gian nhất định để làm mờ tổn thương do bệnh, điều chỉnh sắc tố và đều màu trở lại.
2. Dùng thuốc trị lang ben toàn thân
Việc sử dụng thuốc điều trị toàn thân thường được chỉ định trong một số trường hợp cụ thể. Nhất là khi tổn thương da lan rộng, bệnh tái phát nhiều lần hay bị thất bại trong điều trị tại chỗ.
Đối với trường hợp điều trị tại chỗ thất bại thì khi soi tươi da vẫn sẽ thấy sự hiện diện của nấm men. Lúc này, bác sĩ sẽ đánh giá khả năng miễn dịch, cùng với đó là nuôi cấy nấm và làm phác đồ kháng nấm tương ứng.
Một số loại thuốc kháng nấm đường uống sẽ được bác sĩ cân nhắc chỉ định tùy theo từng trường hợp cụ thể. Nhóm thuốc này có hoạt tính khác nấm mạnh. Từ đó giúp ức chế hoạt động của các bào tử nấm Malassezia furfur và kiểm soát các tổn thương trên da.
Dưới đây là các thuốc kháng nấm đường uống được dùng phổ biến:
- Itraconazole: Dùng với liều 400mg/ 2 lần/ ngày. Thời gian 5 ngày liên tục.
- Fluconazole: Cũng dùng với liều 400mg/ 2 lần/ ngày. Thời gian kéo dài 2 tuần liên tục.
Việc sử dụng thuốc cần tuyệt đối tuân thủ chỉ dẫn từ bác sĩ chuyên khoa. Thuốc kháng nấm đường uống rất dễ gây độc cho gan. Bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra và đánh giá chức năng gan trước khi chỉ định. Nếu có tiền sử mắc bệnh về gan thì bạn cần chủ động thông báo với bác sĩ.
3. Một số mẹo điều trị tại nhà
Bên cạnh việc dùng thuốc theo chỉ định bác sĩ thì bạn có thể kết hợp với một số mẹo chữa tại nhà. Giải pháp tại nhà thường an toàn và rất dễ thực hiện. Tuy nhiên có thể ức chế hoạt động của vi nấm, kiểm soát tổn thương da và giúp da nhanh đều màu trở lại.
Dưới đây là các cách trị lang ben tại nhà được nhiều người bệnh tin tưởng áp dụng:
– Sử dụng giấm táo:
Hàm lượng acid axetic rất dồi dào trong giấm táo rất hữu dụng. Nó giúp loại bỏ tế bào sừng, làm sạch da. Đồng thời có khả năng kìm hãm hoạt động của vi khuẩn và nấm men gây hại trên da.
- Pha loãng giấm táo cùng với nước ấm theo tỷ lệ 1:1.
- Tùy thuộc vào phạm vi vùng da bệnh mà pha nhiều hay ít.
- Vệ sinh da, dùng khăn mềm lau khô.
- Thoa giấm táo lên và massage nhẹ nhàng.
- Sau 5 phút thì dùng nước sạch rửa lại.
– Kết hợp tinh dầu tràm trà với dầu dừa:
Tinh dầu tràm trà được ghi nhận là có thể hoạt động giống như một hoạt chất chống nấm tự nhiên. Đặc biệt là có thể đáp ứng với bào tử nấm Pityrosporum orbiculare. Còn dầu dừa thì giúp làm dịu da, giảm ngứa. Đồng thời giúp làn da nhanh chóng đều màu và sáng khỏe trỏe lại.
- Trộn đều 1 thìa cà phê dầu dừa nguyên chất cùng 5 – 7 giọt tinh dầu tràm trà.
- Vệ sinh và lau khô vùng da cần điều trị.
- Thoa đều hỗn hợp đã chuẩn bị lên da và massage vài ba phút.
- Tiếp tục để khô tự nhiên khoảng 25 – 30 phút và rửa lại với nước mát.
- Với giải pháp này có thể áp dụng với tần suất 2 – 3 lần mỗi ngày.
– Dùng nghệ chữa lang ben:
Nhờ có chứa hàm lượng curcumin dồi dào mà nghệ được dùng phổ biến trong trị bệnh lang ben. Hoạt chất này có khả năng ngăn ngừa vi nấm phát triển và kích thích sản sinh tế bào da mới. Dùng nghệ đúng cách cũng sẽ giúp làn da đều màu nhanh chóng hơn.
- Trộn đều 2 thìa tinh bột nghệ cùng lượng nước lọc vừa đủ để tạo thành hỗn hợp có dạng sệt.
- Rửa sạch và lau khô vùng da bệnh rồi thoa hỗn hợp nghệ lên.
- Lưu lại trên da khoảng nửa tiếng rồi dùng nước ấm vệ sinh lại cho sạch.
4. Chăm sóc và dự phòng bệnh
Để kiểm soát tổn thương tốt hơn và dự phòng bệnh tái phát, bạn cần lưu ý đến một số vấn đề sau:
- Giữ gìn vệ sinh cơ thể sạch sẽ. Nên tắm với xà phòng diệt khuẩn 2 lần mỗi ngày, đặc biệt là khi thời tiết nóng ẩm.
- Sau điều trị nên giặt giũ quần áo và vệ sinh vật dụng cá nhân bằng nước ấm. Sau đó phơi dưới ánh nắng mặt trời để ngăn ngừa nguy cơ bệnh tái nhiễm.
- Hạn chế tiêu thụ các thực phẩm hay đồ uống dễ khiến cơ thể tiết mồ hôi. Ví dụ như thức ăn nhiều đường, gia vị cay nóng, cà phê, rượu bia…
- Vào mùa nắng nóng nên hạn chế tiếp xúc với ánh nắng có cường độ mạnh. Đồng thời tránh chơi các bộ môn thể thao khiến cơ thể đổ nhiều mồ hôi.
- Tránh tiếp xúc lên da hay dùng chung vật dụng cá nhân với những người bị bệnh da liễu do nấm.
- Nếu bệnh tái phát nhiều lần, nên chú ý thăm khám để bác sĩ hướng dẫn điều trị dự phòng. Có thể là uống thuốc Itraconazole với liều lượng 200mg/ lần và chỉ uống 1 lần mỗi tháng khi thời tiết nóng ấm. Hay dùng dầu gội chứa Selenium sulfide hoặc Ketoconazole thoa lên toàn bộ cơ thể và rửa sạch lại sau 10 phút, cũng chỉ áp dụng 1 lần/ tháng.
Lang ben là bệnh da liễu thường gặp không gây nguy hiểm nhưng lại ảnh hưởng tới thẩm mỹ. Cần sớm có biện pháp can thiệp đúng đắn và kịp thời để kiểm soát tốt tổn thương trên da. Đồng thời chú ý đến các biện pháp chăm sóc và dự phòng để điều trị dứt điểm bệnh và ngăn ngừa nguy cơ tái phát.
5/5 – (7 bình chọn)