Lãng mạn với biển Kiên Lương

Theo quốc lộ 80, từ thị trấn Kiên Lương về Hà Tiên, đến Ngã Ba Hòn rẽ trái, ta sẽ về miệt biển của Kiên Lương, nơi có những thắng cảnh nổi tiếng như Hòn Phụ Tử, Hòn Chông, Hòn Trẹm, Chùa Hang, Hang Mo So, làng đánh cá Ba Trại, Hòn Nghệ…

Kiên Lương có những cái nhất: thị trấn lớn nhất nước do có hai nhà máy ximăng Hà Tiên 2 và Holcim, bãi biển đẹp nhất đồng bằng sông Cửu Long (Bãi Dương), thắng cảnh ấn tượng và tiêu biểu nhất Nam bộ (Hòn Phụ Tử), có nhiều núi đá vôi nhất đồng bằng sông Cửu Long. Bãi biển từ Hòn Chông đến Hòn Phụ Tử dài chừng 3km là một bãi biển đẹp, hoang sơ với cát vàng, nước biển trong xanh màu ngọc bích. Đứng ở Hòn Trẹm vào buổi sáng khi mặt trời vừa mới nhô khỏi núi An Hải, hoặc khi vầng dương sắp lặn xuống biển, ta sẽ thấy bao quát vẻ đẹp huyền ảo như cảnh thần tiên của Hòn Phụ Tử, An Hải Sơn và Chùa Hang cùng với bãi Dầu, Bãi Dương, quần đảo Bà Lụa, Hòn Chông, Hòn Nghệ… Đi thuyền du lịch ra Hang Giếng Tiên men theo vách núi ngắm phong cảnh biển trời, mây nước, núi rừng sẽ cho bạn cảm giác nhẹ nhàng thanh thoát, lâng lâng trong tiếng chuông chùa thỉnh thoảng ngân vang giữa không gian hoang sơ tĩnh lặng.

Khu du lịch này còn vắng vẻ, buổi sáng rất ít xe, bởi đây là đoạn cuối đường. Bạn có thể thuê một chiếc xe máy với giá 50.000đ/ngày để khám phá tận cùng các ngõ ngách của khu vực Chùa Hang – Ba Trại – Mo So. Chúng tôi vào trung tâm Chùa Hang. Hang khá rộng, ngoằn ngoèo, dài khoảng 40m, chỗ hẹp nhất cũng vừa ba bốn người đi lọt. Đây là hang động thiên nhiên nằm dưới ngọn núi đá vôi bị xâm thực cách đây trên 1.000 năm. Trong hang có nhiều thạch nhũ với nhiều hình tượng lạ mắt, kỳ vĩ. Ở đây có hai pho tượng Phật Thích Ca đã an vị hơn 300 năm. Cuối chùa thông ra biển… Cụm Hòn Phụ Tử đứng sừng sững nhìn ra biển khơi lộng gió với những hòn đảo lớn nhỏ đẹp như trong tranh thuỷ mạc. Hòn Phụ Tử ngày nay chỉ còn lại hòn Tử, do hòn Phụ đã bị gãy đổ vào năm 2006. Men theo con đường núi có lúc chạy sát biển, ta đến làng chài Ba Trại, xưa kia là căn cứ của nghĩa quân Nguyễn Trung Trực. Ngày nay, nơi đây là làng đánh cá với cư dân là người Việt, người Khmer và một ít người Hoa. Họ là hậu duệ của những nghĩa quân đã từng theo ngài Nguyễn Trung Trực đánh Tây ở vùng Rạch Giá – Hà Tiên. Cuộc sống của người dân ở đây khá bình lặng, yên ắng nơi rẻo đất ven biển còn hoang sơ, vắng vẻ…

Kiên Lương cuối biển phương Nam với non nước hữu tình để lại trong lòng du khách nhiều lưu luyến và với những ai đã một lần ghé qua nơi này…

(Nguồn: SGTT)

Rate this post

Viết một bình luận