Làng nghề truyền thống là gì? Phát triển du lịch làng nghề truyền thống

Nước ta có truyền thống hơn 4000 năm lịch sử, người Việt cổ đã lấy nghề nông làm cơ sở cho sự tồn tại của mình. Với điều kiện tự nhiên,phong phú đã sản sinh ra biết bao làng nghề thủ công bên cạnh xóm làng nông nghiệp. Các làng nghề truyền thống không chỉ có ý nghĩa về kinh tế mà còn là di sản văn hóa dân tộc. Vì vậy, bảo tồn các làng nghề truyền thống và phát triển du lịch làng nghề truyền thống là vấn đề mang tầm quan trọng đối với kinh tế – xã hội trong sự nghiệp phát triển đất nước. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu các nội dung xoay quanh khái niệm làng nghề truyền thống là gì và phát triển du lịch làng nghề truyền thống ở Việt Nam hiện nay.

Làng nghề truyền thống là gì?

Khái niệm làng nghề

Làng nghề có thể hiểu là một không gian cộng cư, một thực thể kinh tế, văn hóa – xã hội mà ở đó phần lớn hoặc tất cả người dân sản xuất, kinh doanh sản phẩm thủ công. Ở các làng này không nhất thiết toàn bộ người dân đều chỉ làm thủ công mà người nông dân cũng có thể đồng thời là người thợ. Nhiều trường hợp làng có đa số người dân chỉ làm một nghề thủ công nhưng cũng có làng có nhiều nghề cùng tồn tại. Các nghề thủ công cũng phát triển vượt khỏi ranh giới làng và hình thành các vùng nghề, phường nghề… Làng nghề có thể hình thành bằng nhiều phương thức khác nhau như: làng cổ truyền hình thành trước sau đó có vị tổ nghề truyền dạy hoặc người dân học nghề từ vùng khác về dần dần hình thành làng có thợ, có nghề; do một hoặc một số người có nghề lập ra theo kiểu phường, trại sau phát triển thành nghề mới; làng kết hợp làm nông nghiệp với làm thủ công lúc nông nhàn, dần dần chuyển đổi cơ cấu sản xuất với nghề thủ công chiếm đa số. Do vậy, nghiên cứu về nghề thủ công và các làng nghề thủ công truyền thống không thể bó buộc không gian trong một đối tượng làng cụ thể cần dựa vào đặc thù nghề nghiệp, điều kiện lịch sử và hiện trạng sản xuất để đưa ra được bức tranh toàn diện và khách quan nhất.

Khái niệm làng nghề truyền thống là gì?

Truyền thống là thuật ngữ chỉ các giá trị, yếu tố, quan niệm của một cộng đồng người hay của xã hội lưu giữ trong một thời gian dài từ thế hệ này sang thế hệ khác. Truyền thống biểu hiện tính kế thừa là chủ yếu nhưng cũng có sự phát triển theo lịch sử.

Theo Nghị định số 66/2006/NĐ-CP về phát triển ngành nghề nông thôn và Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 66/2006/NĐ-CP về phát triển ngành nghề nông thôn của Chính phủ, nghề được công nhận là nghề truyền thống phải đáp ứng đủ 03 tiêu chí

sau:

  • Tính đến thời điểm đề nghị công nhận, nghề đã xuất hiện tại địa phương từ trên 50 năm

  • Nghề tạo ra những sản phẩm mang bản sắc văn hoá dân tộc

  • Nghề gắn với tên tuổi của làng nghề hoặc gắn với tên tuổi của một hay nhiều nghệ nhân

Cũng theo nghị định này, để được công nhận làng nghề phải đạt đủ 02 tiêu chí:

  • Số hộ trên địa bàn tham gia hoạt động vào nhóm nghề phải đạt tối thiểu 20% trên tổng số hộ.

  • Tính đến thời điểm đề nghị công nhận, hoạt động sản xuất kinh doanh của làng nghề ổn định tối thiểu 2 năm

Như vậy, để được công nhận làng nghề thủ công truyền thống phải đạt đồng thời cả 5 tiêu chí nêu trên.

Tóm lại, nghề truyền thống là những nghề phi nông nghiệp tồn tại trong một thời gian dài (trước Cách mạng Tháng tám) và thường gắn với một địa phương nhất định. Có 5 nhóm ngành nghề thủ công truyền thống ở nước ta bao gồm: Mặt hàng thủ công mỹ nghệ, mặt hàng công cụ sản xuất,mặt hàng phục vụ tiêu dùng thông thường, mặt hàng phục vụ sản xuất và đời sống, mặt hàng được chế biến từ lương lực phẩm,…

Làng nghề truyền thống là những làng mà trong đó có những nghề đặc trưng cho địa phương được lưu giữ trong một thời gian dài và tỷ lệ số hộ, lao động sống bằng nghề đó từ 40% trở lên và tạo ra 50% giá trị sản xuất địa phương và thu nhập của các hộ sản xuất.

Có thể khái quát rằng: Làng nghề truyền thống là cụm dân cư mà ở đó tập trung một lượng lao động tham gia vào một hoặc nhiều nghề thủ công truyền thống tách ra khỏi nông nghiệp để sản xuất kinh doanh và đem lại nguồn thu nhập chủ yếu cho người lao động. Sản phẩm được tạo ra theo một quy trình công nghệ nhất định, có tính độc đáo, có tính riêng biệt và trở thành hàng hóa mang bản sắc văn hóa dân tộc trên thị trường, được hình thành từ lâu đời, được lưu truyền và phát triển đến ngày nay.

lang_nghe_truyen_thong_la_gi_luanvan991
Khái niệm làng nghề truyền thống là gì?

Bài viết cùng chuyên mục: 

Kho đề tài khóa luận tốt nghiệp, luận văn thạc sĩ du lịch mới nhất 2022

Đặc điểm cơ bản của làng nghề truyền thống

Thứ nhất, điều kiện sản xuất kinh doanh gắn bó với hộ gia đình nông thôn và ngành nông nghiệp: Nghề thủ công truyền thống bắt đầu từ nông nghiệp và gắn với phân công lao động ở nông thôn nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt tự cung tự cấp của người nông dân và chủ yếu phục vụ nông nghiệp. Lao động trong các làng nghề phần lớn làm nghề nông, các gia đình tự quản lý, phân công lao động, thời gian phù hợp giữa sản xuất nông nghiệp lúc vụ mùa với nghề thủ công lúc nhàn rỗi.

Thứ hai, về sản phẩm: Các sản phẩm của làng nghề truyền thống nhằm phục vụ đời sống sinh hoạt và sản xuất. Thường là các vật dụng hằng ngày, có thể là những sản phẩm vừa có giá trị sử dụng, vừa có giá trị thẩm mỹ, nhân văn và xã hội. Các sản phẩm này được tạo ra với bộ óc sáng tạo và thông qua bàn tay khéo léo và sự tinh tế của người thợ.

Thứ ba, về kỹ thuật công nghệ: làng nghề truyền thống thường sử dụng các công cụ thủ công, công nghệ mang tính cổ truyền do chính người lao động trong làng nghề tạo ra. Kỹ thuật đặc biệt nhất của làng nghề ở chỗ những bí quyết, kinh nghiệm của người thợ được tích lũy qua nhiều thế hệ.

Thứ tư, về tổ chức sản xuất kinh doanh: Mô hình tổ chức sản xuất kinh doanh trong các làng nghề hiện nay chủ yếu là hộ gia đình. Đây là mô hình sản xuất nhỏ, thường chỉ sử dụng lao động gia đình. Mô hình này có bất lợi cho việc tiếp nhận công nghệ, năng lực quản lý, năng lực tài chính,…nên khó tiếp nhận các đơn đặt hàng lớn.

dac_diem_cua_du_lich_lang_nghe_truyen_thong_luanvan99
Đặc điểm cơ bản của làng nghề truyền thống

Vai trò của làng nghề truyền thống là gì?

Thứ nhất, tạo công ăn việc làm cho người lao động: Khi sản xuất các sản phẩm của làng nghề sẽ tạo cho người lao động có việc làm trong thời điểm nông nhàn nên lao động được sử dụng triệt để hơn trong gia đình, nâng cao tỷ lệ thời gian làm việc được sử dụng của lao động trong độ tuổi ở khu vực nông thôn. Hơn nữa, một số làng nghề còn sử dụng được lao động già cả, khuyết tật, trẻ em. Phát triển làng nghề truyền thống là động lực trực tiếp giải quyết việc làm cho người lao động ở nông thôn và mang lại ý nghĩa về mặt chính trị – xã hội.

Thứ hai, tăng thu nhập cho hộ gia đình: Các hộ gia đình tham gia sản xuất các sản phẩm làng nghề sẽ có thêm nguồn thu cho hộ từ đó tăng mức sống cho người dân nông thôn. Thu nhập của người lao động hưởng lương ở các làng nghề thường cao hơn so với thu nhập từ sản xuất thuần nông.

Thứ ba, đa dạng hóa kinh tế nông thôn, thúc đẩy quá trình đô thị hóa: Các làng nghề truyền thống đã phá vỡ thế độc canh trong các làng nghề thuần nông, mở ra hướng phát triển mới với nhiều nghề ở nông thôn. Đồng thời với sản xuất nông nghiệp, làng nghề đã đem lại hiệu quả cao trong việc sử dụng hợp lý các nguồn lực ở nông thôn như đất đai, vốn, lao động, nguyên vật liệu,…Vì vậy, một nền kinh tế hàng hóa với sự đa dạng của các loại sản phẩm được hình thành và phát triển trong mối quan hệ với các ngành nghề khác, làng nghề đóng vai trò động lực. Những vùng có nhiều ngành nghề phát triển thường hình thành trung tâm giao lưu buôn bán, dịch vụ và trao đổi hàng hóa. Điều này dần hình thành cụm dân cư với lối sống đô thị rõ rệt dẫn đến xu hướng đô thị hóa nông thôn.

Thứ tư, bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc: Lịch sử phát triển của các làng nghê gắn với lịch sử phát triển văn hóa dân tộc, là nhân tố góp phần tạo nên nền văn hóa ấy đồng thời là sự biểu hiện sự tập trung nhất bản sắc của dân tộc. Các làng nghề phát triển sẽ bảo tồn, duy trì và phát triển nhiều ngành nghề và giá trị văn hóa của dân tộc. Nghề truyền thống là những di sản văn hóa quý báu của dân tộc.

Du lịch làng nghề truyền thống là gì?

Du lịch làng nghề truyền thống vẫn còn là một lĩnh vực khá mới mẻ ở nước ta. Khái niệm về du lịch làng nghề truyền thống được phát biểu như sau: Du lịch làng nghề truyền thống là một làng nghề truyền thống, có một hay nhiều nghề thủ công truyền thống được tác ra khỏi nông nghiệp, phát triển thành những nghề đặc trưng, nổi trội nhằm sản xuất kinh doanh, gắn liền với hoạt động du lịch và thực hiện cung cấp sản phẩm du lịch của làng nghề truyền thống phục vụ du lịch cho du khách, góp phần tăng thu nhập cho người lao động tại các làng nghề truyền thống từ hoạt động kinh doanh các sản phẩm du lịch đó.

du_lich_lang_nghe_truyen_thong_luanvan99
Du lịch làng nghề truyền thống là gì?

Xem thêm:

➢ Du lịch bền vững là gì? Xu hướng phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam

Đặc điểm của du lịch làng nghề truyền thống

Thứ nhất, hoạt động tổ chức sản xuất kinh doanh của làng nghề truyền thống gắn liền với hoạt động du lịch: Tại các làng nghề truyền thống thì du lịch sẽ có xu hướng phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh gắn với hoạt động du lịch của du khách ấy. Quy mô sản xuất kinh doanh phục vụ du lịch làng nghề truyền thống được mở rộng hơn với nhiều hình thức sản xuất, dịch vụ đa dạng và phong phú vào những thời điểm như mùa hè hay mùa lễ hội. Du lịch làng nghề truyền thống cần cơ chế phân bổ lợi ích giữa các chủ thể kinh doanh sản xuất với các doanh nghiệp du lịch và các tổ chức khác.

Thứ hai, phát triển đa dạng về quy mô, cơ cấu ngành nghề và dịch vụ du lịch làng nghề truyền thống: Du lịch làng nghề truyền thống không chỉ tập trung vào khâu sản xuất nhằm tạo nhiều sản phẩm phong phú mà còn phải phát triển dịch vụ du lịch như: dịch vụ lưu trú, ăn uống, tham quan,…đặc biệt phải liên kết với các công ty du lịch để khách du lịch có thể tiếp cận với sản phẩm du lịch của làng nghề.

Thứ ba, sản phẩm phục vụ du lịch làng nghề truyền thống được cụ thể hóa thành sản phẩm thủ công mỹ nghệ và các loại hình dịch vụ du lịch phong phú, đa dạng thỏa mãn nhu cầu của du khách: Việc tiêu dùng sản phẩm du lịch làng nghề truyền thống mang tính thời vụ cao. Có nhiều chủ thể cùng khai thác và đưa vào cung ứng một loại hình sản phẩm trên thị trường dưới nhiều hình thức khác nhau nên có sự cạnh tranh gay gắt nhằm thỏa mãn tốt nhất nhu cầu của du khách.

Thứ tư, đội ngũ lao động ở các làng nghề truyền thống phục vụ du lịch gồm các nghệ nhân có tay nghề cao, nắm giữ bí quyết độ đáo của làng nghề, các thợ có tay nghề và thợ học việc. Họ là những người có tay nghề tinh xảo, khéo léo, có đầu óc thẩm mỹ và tính sáng tạo.

Thứ năm, du lịch làng nghề truyền thống là sự kết tinh giá trị văn hóa lâu đời của dân tộc: Các làng nghề truyền thống mang chất văn hóa dân tộc rất đậm đà và là những bảo vật vô giá. Phát triển du lịch làng nghề truyền thống sẽ giúp du khách hiểu hơn về đời sống sinh hoạt,cảnh quan thiên nhiên và phong tục tập quán của dân tộc qua từng thời kỳ lịch sử.

Các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển du lịch làng nghề truyền thống

Nhân tố bên ngoài

Mối quan hệ giữa du lịch làng nghề truyền thống với doanh nghiệp kinh doanh du lịch: Giữa làng nghề truyền thống phục vụ du lịch và các doanh nghiệp kinh doanh du lịch có sự gắn kết bền chặt, tác động qua lại lẫn nhau và hỗ trợ cho nhau cùng phát triển bền vững.

Lượng cầu hàng hóa và dịch vụ làng nghề truyền thống phục vụ du lịch trên thị trường: Phát triển du lịch làng nghề truyền thống cần xuất phát từ nhu cầu của thị trường, tức là coi thị trường là căn cứ, là đối tượng cho các hoạt động sản xuất kinh doanh của làng nghề truyền thống phục vụ du lịch. Lượng cầu hàng hóa và dịch vụ của làng nghề truyền thống phục vụ du lịch ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn tại và phát triển của nó.

Sự phát triển của ngành thủ công mỹ nghệ với ngành du lịch ở nước ta: Sự phát triển của ngành thủ công mỹ nghệ và ngành du lịch ở Việt Nam ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường để phát triển các làng nghề truyền thống phục vụ du lịch phát triển.

Chính sách của chính phủ và chính quyền địa phương đối với du lịchlàng nghề truyền thống: Hệ thống chính sách kinh tế vĩ mô có tác động lớn đến sự phát triển hay tồn tại của các làng nghề truyền thống. Vì vậy, khi ban hành các chính sách thì chính phủ và chính quyền địa phương cần xem xét cẩn trọng về nội dung, cách thức thực hiện phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy các làng nghề truyền thống phục vụ du lịch phát triển.

Các nhân tố nội tại

Nguồn vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các hộ gia đình, doanh nghiệp ở làng nghề truyền thống phục vụ du lịch: Nguồn vốn ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của các làng nghề truyền thống phục vụ du lịch như chất lượng, quy mô nguồn lao động, các chương trình quảng bá sản phẩm truyền thống,…

Trình độ của lực lượng lao động tại các làng nghề truyền thống phục vụ du lịch: Lực lượng lao động tại các làng nghề truyền thống ảnh hưởng đến việc tạo ra những sản phẩm truyền thống độc đáo nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đội ngũ nghệ nhân ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển làng nghề truyền thống phục vụ du lịch thông qua sự truyền nghề cho thế hệ sau.

Tính độc đáo, riêng có của sản phẩm tại các làng nghề truyền thống phục vụ du lịch: Cần phát huy lợi thế tay nghề khéo léo và những bí quyết gia truyền của nghệ nhân làng nghề để thu hút du khách.

Trên đây, Luận Văn 2S đã cùng bạn đọc tìm hiểu các nội dung xoay quanh khái niệm làng nghề truyền thống là gì và vấn đề phát triển du lịch làng nghề truyền thống ở nước ta hiện nay. Hy vọng những thông tin này đã giúp bạn hiểu rõ hơn về làng nghề truyền thống, phục vụ nhu cầu tìm hiểu và nghiên cứu của mình. Ngoài ra, nếu như bạn đang gặp khó khăn trong việc thực hiện khóa luận, luận văn về chủ đề này, tham khảo dịch vụ viết thuê luận văn tại Luận Văn 99 để được nhận sự hỗ trợ ngay bây giờ nhé!

Rate this post

Viết một bình luận