Lạnh chân kèm theo 7 dấu hiệu sau cần đến gặp bác sĩ càng nhanh càng tốt

Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn những nguyên nhân thường gặp nhất có thể khiến bạn bị lạnh chân. Đồng thời sẽ giúp bạn biết thêm những phương pháp điều trị đơn giản mà bạn có thể áp dụng để giữ ấm bàn chân và tạo cảm giác thoải mái ngay tại chính ngôi nhà của bạn.

Các nguyên nhân gây ra lạnh chân

Có rất nhiều nguyên nhân khiến cho bạn bị lạnh chân, có thể chỉ đơn thuần là do thời tiết lạnh đến những bệnh lý nặng nề như rối loạn chức năng tuần hoàn máu và thần kinh.

Thời tiết lạnh

Lạnh chân là một trong những phản ứng bình thường của cơ thể đối với sự giảm nhiệt độ từ môi trường. Khi thời tiết trở lạnh hay nhiệt độ máy lạnh quá thấp, các mạch máu ở bàn tay, bàn chân sẽ co lại. Qua đó làm giảm lượng máu đến các vùng này, nhằm giảm nhiệt thoát ra ngoài cơ thể.

Theo thời gian, việc giảm lượng máu sẽ làm giảm oxy đến mô, lúc này bạn sẽ thấy tay chân mình hơi có màu xanh tím. Nếu nguyên nhân là do giảm nhiệt độ từ môi trường, cơ thể bạn sẽ tự hồi phục mà không để lại bất kì di chứng nghiêm trọng nào nếu được giữ ấm đúng cách.

Stress, hay lo lắng quá mức

Khi bị stress hoặc lo lắng quá mức cũng làm bạn bị lạnh chân. Một trong những phản ứng tự nhiên của cơ thể khi bị căng thẳng hay áp lực là bơm một lượng adrenaline vào máu. Adrenaline là một chất có tác dụng làm co thắt mạch máu ngoại biên, qua đó làm giảm lượng máu đến những phần cơ thể nằm ở ngoài cùng như tay, chân.

Lạnh chân kèm theo 7 dấu hiệu sau cần đến gặp bác sĩ càng nhanh càng tốt - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Máu lưu thông kém

Máu lưu thông kém là một nguyên nhân rất thường gặp khiến bạn bị lạnh chân. Nếu bạn bị giảm lưu thông máu cần phải giữ ấm tay, chân cẩn thận do rất dễ bị lạnh tay, lạnh chân thường xuyên.

Tuần hoàn kém là hậu quả của rất nhiều nguyên nhân. Chẳng hạn như lối sống thiếu vận động hoặc ngồi bàn giấy cả ngày có thể làm giảm máu đến chân và khiến chân bạn dễ bị lạnh.

Hút thuốc lá cũng làm cho lượng máu kém lưu thông để đến những vùng xa của cơ thể (như các đầu ngón tay, ngón chân), vì vậy những người hút thuốc nhiều rất dễ bị lạnh chân.

Nồng độ cholesterol cao trong máu dẫn đến việc hình thành nhiều mảng xơ vữa bám trên các thành động mạch. Qua đó làm giảm lượng máu đến chân và gây lạnh chân.

Một vài bệnh lý tim mạch cũng khiến bạn bị lạnh chân do giảm tuần hoàn vì chức năng bơm máu của tim bị suy giảm.

Thiếu máu

Thiếu máu xảy ra khi bạn có ít hồng cầu hơn so với mức bình thường trong cơ thể. Nguyên nhân gây ra thiếu máu rất đa dạng, có thể là do giảm trữ lượng sắt, vitamin B12, hoặc folate, hoặc bệnh thận mạn.

Thiếu máu trung bình và nặng có thể khiến cho người bệnh bị lạnh chân. Thiếu máu thường hồi phục tốt nếu cung cấp đủ dinh dưỡng với chế độ ăn phù hợp.

Đái tháo đường

Những người bị đái tháo đường nếu không được kiểm soát tốt đường huyết thường sẽ bị biến chứng mạch máu và thần kinh. Ví dụ như lạnh tay và chân do co thắt mạch máu vì đường huyết cao. Hay tổn thương thần kinh ngoại biên là biến chứng đặc trưng ở những bệnh nhân bị đái tháo đường nhưng không kiểm soát tốt đường huyết trong thời gian dài.

Một vài triệu chứng khác của tổn thương thần kinh do đái tháo đường bao gồm cảm giác kiến bò, tê liệt, nóng rát vùng chân và bàn chân. Các triệu chứng thường nặng hơn vào ban đêm.

Lạnh chân kèm theo 7 dấu hiệu sau cần đến gặp bác sĩ càng nhanh càng tốt - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Rối loạn chức năng thần kinh

Không chỉ tổn thương thần kinh do đái tháo đường, những rối loạn chức năng thần kinh khác cũng có thể là nguyên nhân khiến cho bạn có triệu chứng lạnh chân. Tổn thương thần kinh có nguyên nhân thường gặp là do đột quỵ hoặc chấn thương, lạnh cóng, và cũng có thể là do nhiều nguyên nhân y khoa khác.

Bệnh thần kinh ngoại biên có nguyên nhân do bệnh gan hoặc bệnh thận, nhiễm trùng, hoặc thậm chí do gen di truyền. Thông thường ngoài lạnh chân, những người bị bệnh thần kinh ngoại biên còn có thêm nhiều triệu chứng khác, ví dụ như có cảm giác tê, đau như kiến bò.

Điều trị triệu chứng sẽ giúp người bệnh giảm bớt sự khó chịu trong khi chờ đợi các xét nghiệm khác giúp chẩn đoán chính xác hơn.

Nhược giáp

Nhược giáp là tình trạng tuyến giáp bị suy chức năng, khiến cho nồng độ hormone giáp bị suy giảm, để lại nhiều tác hại xấu đến cân bằng chuyển hóa của cơ thể.

Cân bằng chuyển hóa ảnh hưởng đến tuần hoàn, nhịp tim và nhiệt độ cơ thể, vì vậy bất cứ nguyên nhân nào ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp và gây ra nhược giáp đều dẫn đến lạnh chân.

Những người bị nhược giáp nhạy cảm hơn với cái lạnh, và hay có nhiều triệu chứng như mệt mỏi, tăng cân, suy giảm trí nhớ.

Lạnh chân kèm theo 7 dấu hiệu sau cần đến gặp bác sĩ càng nhanh càng tốt - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Các cách điều trị tại nhà

Tốt nhất là bạn nên đến gặp trực tiếp bác sĩ để xin lời khuyên để điều trị triệt để chứng lạnh chân. Tuy nhiên, ngoài ra vẫn có rất nhiều cách để bạn tự điều trị triệu chứng này ở nhà.

Vận động thường xuyên

Cách đơn giản nhất dành cho bạn là cố gắng vận động thường xuyên, hãy đứng lên và đi dạo vài vòng quanh nhà sẽ giúp bạn làm ấm cơ thể và giúp máu lưu thông đến chân tốt hơn.

Đối với những người bị lạnh chân do ngồi bàn giấy quá lâu nên đứng dậy và đi dạo 1 vòng quanh văn phòng sau khi làm việc khoảng 1-2 tiếng.

Bạn cũng nên siêng năng tập thể dục vào buổi sáng sớm, như đi bộ hay nhảy dây. Các hoạt động này vừa tốt cho tim mạch, vừa giúp cho máu lưu thông tốt xuyên suốt 1 ngày dài của bạn.

Đi tất và dép trong nhà

Dùng tất để giữ ấm là điều lưu ý rất quan trọng đối với những người hay bị lạnh chân. Khi đang ở trong nhà, bạn cũng nên đi dép để tránh hơi lạnh truyền trực tiếp ở dưới đất lên bàn chân của mình.

Giữ cho bàn chân của mình luôn được bảo vệ bởi tất hoặc dép là một cách tuyệt vời để giúp giữ ấm và ngăn ngừa tình trạng mất nhiệt.

Lạnh chân kèm theo 7 dấu hiệu sau cần đến gặp bác sĩ càng nhanh càng tốt - Ảnh 4.

Ảnh minh họa

Ngâm chân

Một trong những cách nhanh nhất để xua đi cái lạnh ở bàn chân là ngâm chúng vào bồn nước ấm. Không chỉ vậy, ngâm chân còn giúp bạn có cảm giác thoải mái và thư giãn.

Ngâm chân với bồn nước ấm trong vòng 10 – 15 phút sẽ giúp bạn lưu thông máu rất hiệu quả. Hãy thực hiện điều này đều đặn mỗi ngày trước khi đi ngủ, nó còn giúp bạn dãn cơ và ngủ ngon hơn.

Tuy nhiên, với những người bị tổn thương thần kinh do đái tháo đường nên tránh sử dụng nước nóng để ngâm chân. Do họ không còn cảm giác nóng lạnh nên sẽ không cho biết là nước có quá nóng hay không. Điều này dễ dẫn tới bỏng chân nếu vô tình dùng nước sôi để ngâm chân mà bệnh nhân không biết.

Khi nào thì bạn nên đi gặp bác sĩ?

Mặc dù bị lạnh chân là triệu chứng rất thường gặp, nhưng trong một vài trường hợp bạn cần phải đi gặp bác sĩ càng sớm càng tốt. Đó là khi bạn bị lạnh chân kèm theo một trong các triệu chứng sau đây:

• Mệt mỏi

• Sụt cân hay tăng cân không rõ nguyên nhân

• Sốt

• Đau nhức xương khớp dữ dội hoặc ảnh hưởng đến cuộc sống

• Sưng các khớp ngón tay hoặc ngón chân

• Màu sắc da thay đổi, như ban đỏ, sẹo, hoặc mỏng da

• Đặc biệt nếu bạn cảm thấy lạnh chân, nhưng sờ lên da thì lại thấy nóng, đó có thể là biểu hiện tổn thương thần kinh mà bạn cần phải đi khám bác sĩ càng nhanh càng tốt.

*Theo Medicalnewstoda

Xem thêm:

BÀI MÁT XA BÀN CHÂN ĐƠN GIẢN GIÚP CHỮA NHIỀU BỆNH HIỆU QUẢ

Rate this post

Viết một bình luận