Giò trong gà giò là một hình vị tiếng Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [雛], cũng viết [鶵], mà âm Hán Việt là sù, thường đọc là sồ (trở xuống, xin dùng âm sồ), có nghĩa là “chim non”. Dictionnaire classique de la langue chinoise của F.S.Couvreur dịch là “poulet; nom générique des oiseaux qui prennent eux-mêmes leur nourriture aussitôt après leur éclosion” (gà giò; tên chung của những [loài] chim tự kiếm ăn ngay sau khi nở). Còn Mathews’ Chinese-English Dictionary dịch là “a chick, a fledgling” (gà con; chim non). Hán ngữ đại tự điển (Thành Đô, 1993) cho nghĩa đầu tiên của nó là “tiểu kê” [小鳮], tức gà nhỏ, gà con.
Tương quan S « GI giữa sồ [雛] và giò còn có thể thấy với các trường hợp: – sại [砦], thường đọc trại « giại trong phên giại; – sạn [棧] « giàn trong giàn hoa; – sàng [牀] « giường; – sẩm [醦] « giấm; – sế [㡜] « giẻ. Đặc biệt, sồ [雛] bộ chuy [隹] có một trường hợp đồng dạng từ nguyên học là sồ [䅳] bộ hòa [禾], cũng có một điệp thức là giò, trong giò lan, giò huệ, giò thủy tiên. Hán ngữ đại tự điển (Thành Đô, 1993) giảng sồ [䅳] là “tắc can” [稷秆], tức “nhánh kê, thân kê”.
Trong tiếng Việt, giò trong gà giò và giò trong giò lan khác nhau ở chỗ trong gà giò thì giò chỉ là một hình vị phụ thuộc còn trong giò lan thì giò là một từ độc lập làm trung tâm của danh ngữ.
Về chữ giò này, Từ điển tiếng Việt 2020 đã chuyển chú về dò để giảng. Quyển này cũng ghi nhận cả rò và giảng là từ cũ, có nghĩa là “dò”. Thế là với khái niệm đang xét, nó đã thu nhận đến ba hình thức chính tả: giò, dò, rò. Còn Việt Nam tự điển của Khai trí Tiến đức thì ghi rò và giảng là “nhánh, mầm”. Nghĩa này rất gần với nghĩa thứ 3 mà Hán ngữ đại từ điển đã ghi cho chữ sồ [雛] là “ấu tiểu đích động thực vật” [幼小的动植物], tức “động vật, thực vật còn non nớt”. Chúng tôi ngờ rằng chữ sồ [雛] bộ chuy [隹] và chữ sồ [䅳] bộ hòa [禾] là hai chữ đồng nguyên.
Ở trong Nam, để chỉ hiện tượng phụ nữ bắt nạt nam giới, vợ bắt nạt chồng, người ta có câu nói đùa: Nữ kê tác quái, gà mái đá gà cồ. Vậy gà cồ là gà gì? Vtudien.com giảng gà cồ là tiếng địa phương, có nghĩa là gà trống. Đúng nhưng chưa đủ. Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức giảng là “gà trống để giống”. Từ điển phương ngữ Nam bộ do Nguyễn Văn Ái chủ biên và Từ điển từ ngữ Nam bộ của
TS Huỳnh Công Tín đều giảng là “loại gà trống to con”. Cồ thì đúng là “to lớn”. Trẻ con trong Nam thời trước đứa nào có chơi đá dế (chọi dế) thế nào cũng biết dế cồ là con dế bự hiếm thấy. Cồ là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [渠] mà âm Hán Việt là cừ, có nghĩa là “to lớn”. Tương quan ngữ âm Ư « Ô là chuyện bình thường mà cái thí dụ dễ thấy là chữ cư [居] là “ở” được hài thanh bằng chữ cổ [古].