Lễ ăn hỏi là gì? Trình tự lễ ăn hỏi diễn ra thế nào? Lễ ăn hỏi cần kiêng cữ điều gì không?
Có được gộp chung lễ ăn hỏi với lễ cưới cùng 1 ngày? Bưng tráp nên lấy số chẳn hay lẻ?… Tất cả các thắc mắc của bạn xoay quanh lễ ăn hỏi sẽ được Vua Nệm giải đáp ngay trong bài viết này!
1. Lễ ăn hỏi là gì?
Đối với văn hóa người Việt, lễ ăn hỏi là một trong những thủ tục cưới xin quan trọng không thể thiếu. Lễ ăn hỏi chính là ngày mà gia đình chú rể mang sính lễ trầu cau qua nhà cô dâu hỏi cưới, chính thức xin phép cha mẹ cô dâu cho đôi lứa được kết duyên vợ chồng. Sau khi tiến hành lễ ăn hỏi, gia đình hai bên sẽ cùng nhau chọn ngày lành tháng tốt để chính thức làm đám cưới cho đôi trai gái.
Có thể nói rằng, lễ ăn hỏi chính là sự thỏa thuận chính thức của hai họ về việc kết hôn của đôi trẻ. Đây cũng chính là một cột mốc quan trọng trong chặng đường hôn nhân – ngày mà người con gái trở thành người vợ sắp cưới của chàng trai họ yêu.
2. Ý nghĩa của lễ ăn hỏi là gì?
2.1 Nhà trai sang nhà gái xin được phép hỏi cưới
Lễ ăn hỏi là bước khởi đầu của hành trình hôn nhân. Vào ngày này, gia đình đàn trai sẽ mang sính lễ sang nhà gái để hỏi cưới người con gái cho con trai của mình. Đây cũng chính là bước đầu tiên để gia đình hai bên ra mắt nhau và kết giao tình thân. Nếu không có lễ ăn hỏi, đám cưới chính thức sẽ không được diễn ra. Vì vậy, có thể nói, lễ ăn hỏi có ý nghĩa vô cùng quan trọng cho một khởi đầu mới của đôi lứa.
2.2 Thể hiện lòng thành kính với tổ tiên
Lễ ăn hỏi chính là một cơ hội để ta thể hiện lòng thành kính đối với ông bà tổ tiên. Theo quan niệm ngày xưa, tuy không hiện hữu bên cạnh nhưng ông bà tổ tiên luôn dõi theo quan sát cuộc sống thường ngày của chúng ta, đặc biệt là trong những dịp quan trọng như cưới xin. Một sự kiện đặc biệt của đời người như vậy cần một “cái lễ” để báo cáo với ông bà, tổ tiên. Và lễ ăn hỏi được sinh ra để thực hiện điều thiêng liêng ấy. Trong lễ ăn hỏi, nhà gái sẽ mang các sính lễ của nhà trai bày cúng lên bàn thờ tổ tiên và thắp nhang kính lễ. Từ đó thể hiện sự hiếu thảo và lòng thành kính biết ơn với ông bà tổ tiên
2.3 Thể hiện sự thành ý của nhà trai đối với nhà gái
Các mâm lễ sính hỏi được bày biện đầy đủ, sang trọng sẽ phần nào thể hiện sự thành ý, tôn trọng, biết ơn của nhà trai với nhà gái vì đã có công sinh thành, nuôi dưỡng người con gái để trở thành con dâu tương lai của họ. Bên cạnh đó, các lễ vật cũng được coi là một phần đóng góp, giúp đỡ nhà gái trong việc chuẩn bị cho đám cưới
2.4 Thể hiện gia cảnh, sự chu đáo chuẩn bị cho đám cưới của hai bên gia đình
Ngoài việc thể hiện thành ý, các mâm sính lễ sẽ phần nào thể hiện gia cảnh của gia đình nhà trai. Thông thường, trong lễ ăn hỏi, các lễ vật sẽ thường do nhà gái yêu cầu. Số lượng mâm lễ được thống nhất giữa hai gia đình dựa trên cơ sở thấu hiểu và đồng cảm điều kiện hoàn cảnh của nhau. Ý nghĩa của các lễ vật thường mang giá trị rất sâu sắc
3. Thành phần tham dự lễ ăn hỏi
Đây là nghi thức truyền thống quan trọng nên hầu hết các lễ hỏi đều có sự tham gia đầy đủ của các thành viên gia đình. Đặc biệt, khi diễn ra lễ ăn hỏi cần tránh xảy ra cãi vã hoặc làm đổ vỡ đồ vật. Thành phần tham dự lễ hỏi bao gồm
Nhà trai: Chú rể, bố mẹ, ông bà, gia đình dòng họ, bạn bè, đội bê tráp gồm những nam thanh niên chưa vợ
Nhà gái: Cô dâu, bố mẹ, ông bà, gia đình dòng họ, bạn bè, đội bê tráp gồm những người con gái chưa chồng tương ứng với số nam bê tráp bên đàn trai.
4. Trang phục
Trong lễ ăn hỏi, cô dâu và chú rể nên mặc gì để đúng lễ nghi?
Thông thường, cô dâu sẽ khoác lên mình bộ áo dài truyền thống. Ba màu áo dài phổ biến cô dâu hay mặc nhất đó chính là màu vàng, màu đỏ, màu trắng. Ngoài ba màu này ra, cô dâu có thể chọn cho mình một bộ áo dài mang màu sắc mà mình yêu thích. Tuy nhiên, màu sắc của áo dài cần tươi tắn vui vẻ, tránh các màu u tối, buồn bã. Đi kèm với áo dài là các phụ kiện trang sức như hoa tai, dây chuyền vàng, vòng tay…
Đối với các chú rể, trang phục phổ biến nhất chính là bộ comple và cà vạt hợp màu với trang phục của cô dâu. Ngoài ra, các chú rể cũng có thể mặc áo dài đồng bộ với cô dâu
5. Trình tự tổ chức lễ ăn hỏi
5. 1 Chuẩn bị lễ vật và lên đường đến nhà gái.
Việc chuẩn bị lễ vật là một điều hết sức quan trọng, do đó, chú rể nên kiểm tra các lễ vật kỹ càng trước khi đến nhà cô dâu. Việc thiếu sót lễ vật có thể khiến cho việc khởi hành đến nhà gái bị trễ giờ, dẫn đến việc bỏ lỡ giờ lành – điều tối kỵ trong việc cưới xin.
Mỗi một vùng miền khác nhau sẽ có sự chuẩn bị các lễ vật khác nhau.
Lễ ăn hỏi miền Bắc sẽ thường có các lễ vật:
-
Trầu cau
-
Chè (trà)
-
Mứt hạt sen
-
Rượu và thuốc lá
-
Bánh cốm
-
Tiền dẫn cưới
-
Một số lễ vật khác như bánh phu thê, bánh đậu xanh, tráp hoa quả kết rồng phượng, lợn sữa quay, xôi gấc (tùy theo yêu cầu gia đình nhà gái)
Lễ ăn hỏi miền Trung sẽ thường có các lễ vật:
-
Trầu cau
-
Bánh phu thê
-
Rượu và thuốc lá
-
Cặp nến tơ hồng
-
Một số lễ vật thách cưới khác như heo quay, gà quay, tiền sính lễ, nem chả..(tùy theo gia đình nhà gái)
Lễ ăn hỏi miền Nam sẽ thường có các lễ vật:
-
Trầu cau
-
Trà, rượu và nến
-
Bánh su sê
-
Xôi gấc
-
Mâm hoa quả kết rồng phượng
-
Heo quay
Tùy theo điều kiện tài chính của nhà trai mà số lượng các mâm sính lễ có thể khác nhau. Tuy nhiên, bắt buộc trong một lễ hỏi phải có ít nhất 3 mâm lễ vật trở lên. Phổ biến nhất hiện nay là lễ ăn hỏi 5 tráp, 7 tráp, 9 tráp. Riêng lễ ăn hỏi miền Nam thường ưa chuộng 6 tráp vì họ cho rằng con số 6 là con số may mắn sẽ mang lại tài lộc.
Lễ vật của nhà trai sẽ thể hiện sự lòng biết ơn của mình đối với các đấng sinh thành đã nuôi dưỡng người con dâu tương lai, đồng thời cũng biểu thị thành ý và sự tôn trọng của gia đình nhà trai với cô dâu. Ngoài ra, mỗi một lễ vật sẽ mang đến một ý nghĩa riêng chúc phúc cho cuộc hôn nhân của hai người
Ý nghĩa các lễ vật trong đám hỏi
Mâm trầu cau: Đây là lễ vật không thể nào thiếu trong đám hỏi của 3 miền Tổ quốc. Theo truyền thuyết, trầu cau là biểu tượng cho tình nghĩa gắn bó keo sơn bền chặt của đôi tân lang tân nương. Ở miền Nam, người ta thường dùng 105 quả cau và 210 lá trầu với ý nghĩa chúc phúc đôi tân lang tân nương sống trọn đời trăm năm hạnh phúc. Ở khu vực miền Trung, đặc biệt là ở ngoài Huế, mâm trầu cau còn đi kèm với muối và gừng. Đây là biểu tượng cầu mong cho đôi vợ chồng sẽ luôn thủy chung mặn mà với nhau.
Trà, rượu và nến: Tráp rượu, trà, thuốc lá và nến được coi là lời mời của con cháu tới tổ tiên, mong ông bà về chứng giám cho ngày vui của đôi lứa. Ngoài ra, hương vị cay nồng của rượu còn tượng trưng cho cuộc sống hôn nhân của hai vợ chồng sau này có thể sẽ nhiều trắc trở nhưng hai vợ chồng sẽ luôn sánh bước bên nhau.
Cặp nến long phụng sẽ thường xuất hiện trong các mâm lễ vật ở miền Nam và miền Trung, nhưng người miền Bắc sẽ thường không có các lễ vật này. Ngọn lửa tượng trên cặp đèn sẽ tượng trưng cho tình yêu nồng cháy giữa hai vợ chồng.
Bánh phu thê (su sê): Sự xuất hiện của bánh phu thê trong mâm lễ vật được coi là lời hứa thủy chung son sắt của người chồng dành cho người người vợ sắp cưới của mình.
Bánh cốm: Nếu miền Trung và miền Nam thường ưa chuộng bánh phu thê, miền Bắc sẽ dùng bánh cốm làm lễ vật. Vẻ ngoài vuông vức của bánh cốm như lời cầu mong cho cuộc sống hôn nhân sau này sẽ đầy sung túc và viên mãn. Ngoài ra, nhân đậu xanh giã nhuyễn cùng với vị đường ngọt đậm đà biểu hiện cho tình yêu ngọt ngào và mãi không xa lìa nhau như vỏ bánh và nhân bánh.
Mâm mứt hạt sen: Đây là lễ vật hay thường thấy ở miền Bắc. Theo quan niệm của người miền Bắc, vị ngọt của mứt sen tượng trưng cho tình cảm ngọt ngào của hai vợ chồng. Đồng thời vị ngọt này còn nhằm chúc phúc cho đôi tân lang tân nương có được một cuộc sống ấm no và sung túc về sau
Xôi gấc: Màu đỏ của xôi gấc là lời chúc phúc cho đời sống hôn nhân sẽ luôn gặp nhiều may mắn. Ngoài ra, sự kết dính của xôi còn tượng trưng cho sự thủy chung, son sắt, bền chặt của hai vợ chồng dù cuộc sống lứa đôi có khó khăn đến mấy.
Mâm hoa quả kết rồng phượng: Đây là lễ vật thường thấy ở các lễ ăn hỏi miền Nam. Mâm hoa quả thông thường bao gồm nho, táo, xoài, đu đủ, mãng cầu, đu đủ…Đây là hình ảnh tượng trưng cho cuộc sống hôn nhân hạnh phúc đầy đủ của hai vợ chồng. Đặc biệt, người miền Nam sẽ kiêng các loại quả có vị đắng, chua, chát hoặc có tên không hay như bom, chuối…
5.2 Hai bên gia đình chào hỏi, trao lễ vật
Khi tới giờ lành, đoàn ăn hỏi của nhà trai sẽ xếp theo thứ tự ông bà, cha mẹ, chú rể, đội bưng quả nam cùng bạn bè chú rể đi đến nhà gái. Kế đến, nghi thức trao lễ vật sẽ diễn diễn ra giữa dàn bê tráp nam và dàn bê tráp nữ. Hai đội bưng bê lễ vật sẽ tự trao lì xì cho nhau, hay còn gọi là trả duyên cho nhau.
5.3 Hai bên gia đình trò chuyện
Sau khi hoàn tất màn trao lễ vật, nhà gái sẽ mời nhà trai vào nhà uống nước, trò chuyện với gia đình. Đại diện nhà trai sẽ trình bày lý do đến hỏi cưới và giới thiệu các lễ vật bên mình. Đáp lại, đại diện nhà gái sẽ nhận các lễ vật và gửi lời cảm ơn tới gia đình nhà trai. Mẹ của cô dâu và mẹ của chú rể sẽ cùng mở các mâm tráp trước sự chứng kiến của hai gia đình.
5.4 Cô dâu ra mắt gia đình hai bên
Tiếp theo, chú rể sẽ đón cô dâu xuất hiện trước sự cho phép của gia đình nhà gái. Khi này, cô dâu mới xuất hiện và cùng chú rể rót trà mời đại diện hai gia đình.
5.5 Thắp hương trên bàn thờ tổ tiên
Sau đó, mẹ của cô dâu sẽ chọn ra một số lễ vật trong mâm ngũ quả để mang lên bàn thờ tổ tiên cúng cho ông bà. Cô dâu và chú rể sẽ tiến hành khấn gia tiên trước bàn thờ của bên nhà gái, mong cho ông bà tổ tiên chứng giám cho sự thành đôi của cả hai.
5.6 Hai gia đình bàn bạc về lễ cưới
Sau khi thắp hương cho gia tiên xong, cả hai gia đình sẽ cùng nhau ngồi lại bàn bạc chi tiết cho lễ cưới. Trong lúc đó, cô dâu và chú rể sẽ tiến hành rót trà mời các bậc cao niên trong gia đình
5.7 Nhà gái lại quả, kết thúc buổi lễ
Cuối cùng là nghi thức trả lại quả cho nhà trai. Mọi lễ vật sẽ được chia đôi. Lưu ý, khi chia đôi lễ vật phải tách bằng tay chứ không được dùng dao kéo để tránh mang lại điềm xấu cho cuộc hôn nhân. Tráp quả trả lại cho nhà trai phải để ngửa nắp. Tùy vào từng gia đình, nhà gái có thể mời nhà trai ở lại ăn cơm.
6. Những điều cấm kỵ trong lễ ăn hỏi
6.1 Không chọn ngày lành tháng tốt để làm lễ ăn hỏi
Chọn ngày lành tháng tốt để làm đám hỏi rất quan trọng. Giờ hoàng đạo sẽ được xác định dựa trên ngày tháng năm sinh của cô dâu chú rể. Đây là một nghi thức nhằm cầu mong sự may mắn và hạnh phúc sẽ đến với cô dâu chú rể sau này. Nếu lấy nhầm các ngày, giờ xấu, ngày sao xấu sẽ mang lại sự không may mắn cho cặp đôi.
6.2 Cô dâu hiện diện trước khi chú rể vào đón
Đây là một tục lệ lâu đời của người Việt Nam nhằm để giúp cô dâu tránh mang tiếng vô duyên hay thiếu lễ phép. Thường cô dâu sẽ chờ ở trong phòng, khi chú rể đến mới được có mặt trong buổi lễ
6.3 Người chịu tang tham gia vào lễ ăn hỏi
Việc gia đình đoàn tụ chung vui trong lễ ăn hỏi là một điều tốt, tuy nhiên, những người có tang không nên tham gia trong lễ ăn hỏi để tránh mang lại những điều kém may mắn cho cặp đôi. Ngoài ra, những người có bầu cũng được khuyên là không nên có mặt trong lễ ăn hỏi. Tuy nhiên, đây chỉ là những quan niệm dân gian. Nhiều gia đình thường quan trọng việc vui vẻ sum vầy bên nhau hơn là việc cử kiêng
6.4 Dùng dao kéo
Các lễ vật chỉ nên dùng tay để tách ra chứ không nên dùng dao kéo để cắt đứt. Việc dùng dao kéo theo quan niệm xưa sẽ mang lại sự chia cách cho đôi lứa
6.5 Đổ vỡ đồ đạc
Tương tự như việc dùng dao kéo, người ta cũng kỵ các việc như đổ vỡ ly chén trong lễ ăn hỏi
6.6 Chuẩn bị bàn thờ tổ tiên sơ sài
Bàn thờ tổ tiên là nơi diễn ra khoảnh khắc lạy gia tiên trong lễ ăn hỏi. Đây đồng thời cũng là nơi gia đình quây quần lại để bàn chuyện cưới xin. Bởi vì thế, gia đình nhà gái cần nên dọn dẹp và sửa soạn cho bàn thờ tổ tiên đàng hoàng, trang nghiêm. Đồng thời, việc sửa soạn bàn thờ cũng chính là cách ta thể hiện sự biết ơn và lòng thành kính đối với tổ tiên.
6.7 To tiếng, cãi lộn
To tiếng, cãi lộn được coi là điều cấm kỵ trong lễ ăn hỏi. Người ta cho rằng việc cãi nhau trong lễ ăn hỏi sẽ khiến cho vợ chồng sau này sẽ không hòa thuận với nhau
7. Q&A Các câu hỏi xoay quanh lễ ăn hỏi
Có gộp chung lễ ăn hỏi với lễ cưới cùng 1 ngày được không?
Nếu khoảng cách giữa nhà trai và nhà gái quá xa và gây khó khăn trong việc di chuyển, hai bạn hoàn toàn có thể gộp chung lễ cưới và lễ hỏi vào chung một ngày. Cách làm này vừa có thể tiết kiệm được thời gian, vừa tiết kiệm được chi phí.
Nhà vừa có tang xong có nên tổ chức ăn hỏi không?
Theo quan niệm ngày xưa, nhà có tang cần phải kiêng kị mọi cuộc vui, kể cả đám hỏi, đám cưới. Nếu là anh em ruột thịt thì phải hoãn lại ít nhất một năm mới tiến hành hỷ sự. Nếu là bố mẹ ruột thì phải đợi đến 3 năm sau. Rất nhiều cặp đôi đã quyết định “cưới chạy tang” khi trong nhà có người ốm sắp mất. Các lễ cưới chạy tang chỉ nên tổ chức nhanh chóng, đơn giản, tránh phô trương, linh đình
Bưng tráp số chẵn có sao không?
Bưng tráp số chẵn hay số lẻ sẽ tùy thuộc vào từng vùng miền. Miền Bắc thường quan niệm số lẻ sẽ mang lại sự may mắn, vì vậy số tráp sẽ thường là 5, 7, 9, 11. Ngược lại, người miền Nam thường ưa thích các con số chẵn, do đó các con số như 6, 8, 10 là lựa chọn phù hợp.
Có nên làm đám hỏi trong tháng 7 âm lịch?
Theo quan niệm dân gian, tháng 7 là tháng “cô hồn”, làm lễ hỏi vào thời gian này sẽ không mang lại may mắn cho vợ chồng về sau. Đặc biệt, tháng 7 là tháng mưa ngâu, thời tiết không được thuận lợi để tổ chức lễ tiệc. Chính vì thế, nếu có thể, tốt nhất hai vợ chồng bạn nên tránh tháng 7 âm lịch khi lên kế hoạch làm lễ ăn hỏi
—–
Trên đây là từ A – Z những điều cần biết xoay quanh lễ ăn hỏi. Trên thực tế, nghe có vẻ phức tạp và cầu kỳ, nhưng lễ ăn hỏi thường diễn ra khá nhanh chóng. Tuy chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn, nhưng lễ ăn hỏi cần sự đầu tư và chuẩn bị rất nghiêm túc từ cả hai bên gia đình. Hy vọng những thông tin trong bài viết này đã giúp cho bạn hiểu rõ hơn về tập tục cưới xin lâu đời này. Chúc cho lễ ăn hỏi và đám cưới của các cặp đôi sẽ diễn ra thật thành công và suôn sẻ.
>> Xem thêm: Vợ chồng mới cưới nên mua gì đầu tiên cho tổ ấm