Năm 1960, trên Tạp chí Nghiên cứu Văn học, nhà nghiên cứu Văn học Trần Thanh Mại kêu gọi những nhà nghiên cứu Văn học và Khoa học xã hội đẩy mạnh nghiêm túc và đều đặn việc nghiên cứu về Lê Quý Đôn (1). Tại sao vậy? Thứ nhất là vì Lê Quý Đôn là một nhân vật đặc biệt trong lịch sử văn hóa Việt Nam. Có người cho ông là một hiện tượng (2) văn hóa. Ngay từ lúc sinh thời và sau khi ông mất, đã có nhiều sự đánh giá, tôn vinh, ca ngợi của dân gian, của học giả trong nước và nước ngoài đối với ông. Khen có, chê có, nhưng khen nhiều hơn. Khen cái sở tài học thuật, sự uyên bác, chịu khó tích lũy kiến thức, sự nhiều của nhà bác học; chê con đường làm quan, thủ thuật chính trị không hợp với người này, người khác, chê vì bị dèm pha, ghen ghét… Sự khen chê đó làm cho người đời sau có lúc hiểu không đúng về Lê Quý Đôn, làm cho hình ảnh ông lúc mờ lúc tỏ trong lòng văn hóa dân tộc. Lý do thứ hai thì rõ hơn, Lê Quý Đôn ủng hộ vua Lê, chúa Trịnh, không ủng hộ chúa Nguyễn. Cho nên sau này khi đã giành quyền cai trị đất nước, nhà Nguyễn tỏ thái độ bực dọc, chê bai, thậm chí mạt sát, xuyên tạc thư tịch và hình ảnh thật của ông. Suốt thời gian dài dưới các triều vua Nguyễn, Lê Quý Đôn ít được nhắc tới, và vì vậy trong lịch sử văn hóa Việt Nam, việc nghiên cứu về Lê Quý Đôn có thời gian bị gián đoạn.
Sinh ngày 5-7 năm Bính Ngọ, niên hiệu Bảo Thái thứ 7 (tức ngày 2-8-1726) trong một gia đình có truyền thống khoa bảng tại làng Diên Hà, huyện Diên Hà, trấn Sơn Nam, nay thuộc thôn Phú Hiếu, xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, Lê Quý Đôn nổi tiếng thông minh từ nhỏ. Có nhiều giai thoại, bài viết ca ngợi trí thông minh và sức đọc sách, nhớ sách của ông. Năm 18 tuổi (1743), thi hương, đỗ giải nguyên, ông ở nhà dạy học và làm sách. Trong khoảng thời gian 10 năm, từ 1743 đến 1752, Lê Quý Đôn viết 100 thiên (quyển) sách (3). Hiện nay chưa rõ các thiên sách đó gồm những gì, nhưng chắc chắn có bộ Lê triều thông sử 30 quyển, viết năm 1749. Năm 27 tuổi, Lê Quý Đôn thi hội, rồi thi đình đều đỗ đầu (đình nguyên bảng nhãn) khoa thi Nhâm Thân Cảnh Hưng 13 (1752). Sau khi thi đỗ, ông được bổ nhiệm chức Thị thư ở Hàn lâm viện, bắt đầu cuộc đời vừa làm chính trị, vừa làm khoa học.
Cuộc đời của Lê Quý Đôn có 58 năm thì có 30 năm làm quan nhưng lại có đến 42 năm khảo cứu, biên soạn sách vở. Về chính trị, ông tuy làm đến chức Bồi tụng (tương đương Phó tể tướng) trong phủ chúa Trịnh, nhưng dư luận nhân gian và bản thân ông cũng thấy chưa thỏa mãn với những gì đã đạt được. Về học thuật, ông có gần như cả đời đọc sách với trên 40 năm biên soạn sách vở và thành công nhất của đời ông là ở lĩnh vực này. Ông không chỉ đọc nhiều, mà có thể nói là đọc hết sách ở nước Nam có lúc bấy giờ. Quan trọng hơn là qua đọc sách, ông thâu tóm được hầu hết các tri thức của thời đại. Tác phẩm của ông bao trùm mọi vấn đề thiên nhiên, xã hội và con người, thể hiện tài năng và và trí tuệ của một danh nhân lỗi lạc về mọi mặt: triết học, xã hội học, sử học, kinh tế học, chính trị học, văn học, nghệ thuật học (4). Ông trở thành tập đại thành của văn hóa Việt Nam thời kỳ trung đại (5).
Gần 230 năm qua, có đến hàng trăm quyển sách, bài báo, bài nghiên cứu về Lê Quý Đôn; đã có 3 hội thảo khoa học, 9 luận án tiến sĩ về các di sản văn hóa do ông để lại. Gần trăm công trình văn hóa, giáo dục, giải thưởng văn học, nghệ thuật, câu lạc bộ trong nước và ngoài nước, hàng chục đường phố ở thủ đô và các tỉnh mang tên Lê Quý Đôn. Người đời sau tôn vinh ông với rất nhiều danh xưng: Nhà văn hóa, Nhà sử học, Nhà lý luận văn học, Nhà bách khoa thư, Nhà ngoại giao, Nhà địa lý, Nhà kinh tế, Nhà triết học, Nhà văn hiến lỗi lạc, Nhà nghiên cứu và điều tra xã hội học, Nhà thông tin học, Nhà giáo dục học, Nhà ngôn ngữ học, Nhà dân tộc học, Nhà nông học, Nhà thư tịch học, Nhà thư viện học, Nhà thư mục học… Cũng không ít người đã tôn vinh ông là nhà bác học lỗi lạc, nhà bác học vĩ đại của Việt Nam.
Thế kỷ sinh thời của Lê Quý Đôn, TK XVIII, châu Âu đã thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất. Kiến thức của người Âu về tự nhiên và xã hội, về nhận thức và cải tạo môi trường đã vô cùng phong phú và đồ sộ, xu hướng tri thức bách khoa đã hình thành và phát triển mạnh, tỏa ảnh hưởng của nó đi khắp nơi trên thế giới.
Sự kiện phát minh ra máy in đã làm cho sự nghiệp xuất bản sách báo trên thế giới thay đổi to lớn. Sách báo ở phương Tây đã có ảnh hưởng tới các quốc gia phương Đông thông qua các con đường chinh phục, thám hiểm, giao lưu kinh tế và truyền đạo. Những tinh hoa của thế kỷ Ánh sáng làm thức dậy cả Trung Hoa và các quốc gia phong kiến phương Đông khác như Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên… Tư tưởng bách khoa lan tỏa và có ảnh hưởng mạnh mẽ đến các nho sĩ – tầng lớp trí thức của xã hội lúc bấy giờ.
Là người nhanh chóng nắm bắt được xu thế của thời đại và các tri thức mới, Lê Quý Đôn ngay từ lúc sinh thời đã được tôn vinh và ngưỡng mộ. Hoàng giáp Bùi Huy Bích cho ông “là người thông minh nhất đời”, “nước ta trong mấy trăm năm mới có một người như thày”; danh nhân Ngô Thì Sĩ coi ông là “lãnh tụ của nền đại học”. Sang TK XIX, nhà bách khoa thư Phan Huy Chú nhận xét về ông: “Bình sinh làm sách rất nhiều, bàn về kinh sử thì sâu sắc, rộng rãi, mà nói về điển cố thì đầy đủ rõ ràng. Cái sở trường của ông vượt hơn cả, nổi tiếng ở trên đời”(6). Những năm đầu TK XX, rải rác trên sách báo Việt Nam cũng có những bài nghiên cứu, giới thiệu về Lê Quý Đôn của các học giả người Việt và người Pháp ở Hà Nội như Phan Kế Bính, Nguyễn Tường Phượng, Trần Văn Giáp, H. Cadière, P. Pelliot, G. Gaspardone, M. L. Aurousseau, P. Boudet…, chủ yếu về thiên tài học thuật của ông.
Danh xưng nhà bác học được sử dụng với Lê Quý Đôn đã có từ lâu. Tại Thư viện tỉnh Thái Bình, tượng Lê Quý Đôn được gắn biển trang trọng: Nhà bác học Lê Quý Đôn 1726 – 1784. Năm 1979 và 1988, Sở VHTT Thái Bình tổ chức 2 hội thảo khoa học nhân kỷ niệm 250 năm ngày sinh và 200 năm ngày mất của ông. Các nhà khoa học tham dự đều dùng danh xưng nhà bác học khi nói về ông. Hai tập kỷ yếu Hội nghị chuyên đề về những cống hiến khoa học của Lê Quý Đôn được đặt tên là Nhà bác học của Việt Nam TK XVIII. Phạm Huy Thông, trong lời phát biểu chào mừng hội nghị gọi ông là “nhà bác học Việt Nam TK XVIII”. Vũ Khiêu tôn vinh ông là “nhà bác học vĩ đại của dân tộc”. Văn Tân còn viết: “Nếu như nhà bác học là nhân vật có những hiểu biết sâu và rộng về một hay nhiều môn học, thì Lê Quý Đôn quả là một nhà bác học lớn nhất của Việt Nam không phải chỉ ở TK XVIII mà còn cả ở TK XI, XII, XIII, XIV, XV, XVI, XVII, và TK XIX nữa”. Hà Văn Tấn viết rằng: “Lê Quý Đôn là nhà bác học lớn và tri thức bách khoa của ông cho đến nay vẫn làm chúng ta kinh ngạc”. Đặng Thanh Lê lại viết: “Lê Quý Đôn là nhà bác học lớn nhất trong lịch sử văn hóa Việt Nam thời kỳ xây dựng quốc gia phong kiến độc lập”.
Khái niệm nhà bác học là để chỉ những người có học vấn, có kiến thức rộng và sâu sắc. Tôn vinh Lê Quý Đôn là nhà bác học, Văn Tân giải thích vì ông là người: “Đã nắm được tất cả các tri thức mà con người Việt Nam hồi TK XVIII có thể có được. Có thể nói Lê Quý Đôn là cái tủ sách tổng hợp biết nói của nước Việt Nam hồi TK XVIII. Trên thì thiên văn, dưới thì địa lý, giữa là con người, không gì Lê Quý Đôn không biết. Hiểu biết của ông rất rộng và lại rất sâu”(7).
Quả đúng là trong lịch sử Việt Nam dưới thời phong kiến, không ai trước thư lập ngôn (đọc sách và viết sách) nhiều như Lê Quý Đôn. Hà Thúc Minh viết: “Hầu như không có tác gia nào trong xã hội phong kiến có thể vượt Lê Quý Đôn về số lượng tác phẩm”(8). Sách Lược truyện các tác gia Việt Nam cho biết trong khoảng 10 thế kỷ, nước ta có 735 tác gia Hán – Nôm. Thời kỳ Lý Trần có 77 tác gia, chỉ có Hồ Tông Thốc có 6 tác phẩm. Thời kỳ Hồ – Lê sơ có 99 tác gia, có 2 người nhiều nhất là Nguyễn Trãi 7 tác phẩm và Lê Thánh Tông 8 tác phẩm. Thời kỳ Lê Trung hưng có 72 tác gia, có Phùng Khắc Khoan 7 tác phẩm và Hương Hải thiền sư 21 tác phẩm. Thời kỳ Lê mạt có 87 tác gia, chỉ Lê Quý Đôn có đến 49 tác phẩm. Thời kỳ Tây Sơn có 8 tác gia, chỉ Ngô Thời Nhậm có 19 tác phẩm. Thời Nguyễn có tới 355 tác gia, có Phạm Đình Hổ, Nguyễn Miên Thẩm và Đặng Xuân Bảng 18 tác phẩm, Cao Xuân Dục 17 tác phẩm, Phan Bội Châu 13 tác phẩm.
Số tác phẩm, số trang viết, số vấn đề nội dung của Lê Quý Đôn viết và để lại đứng đầu trong làng nho Việt Nam.
Năm 1977, Hội đồng Giám định văn bản và xuất bản Lê Quý Đôn toàn tập đã giám định được 14 tác phẩm đích xác là của ông bao gồm: Âm chất văn chú, Bắc sứ thông lục, Kiến văn tiểu lục, Đại Việt thông sử, Lê Triều công thần liệt truyện, Phủ biên tạp lục, Quần thư khảo biện, Quế Đường thi vựng toàn tập, Thành mô hiến phạm, Thư kinh diễn nghĩa, Tứ thư ước giải, Toàn Việt thi lục, Vân đài loại ngữ. Các tác phẩm dưới đây cũng được xác định là do Lê Quý Đôn viết: Liên châu thi tập, Tiêu tương bách vịnh, Quốc sử tục biên, Văn bia khoa Giáp Tuất Cảnh Hưng 15 (1751), Văn bia khoa Quý Mùi Cảnh Hưng 24 (1763), Văn bia khoa Kỷ Sửu Cảnh Hưng 30 (1769), Diễn ca sách Trì gia cách ngôn.
Còn một số lượng rất lớn tác phẩm còn tồn nghi là sách của Lê Quý Đôn cần được xác định như Diên Hà phả ký, Danh thần lục, Dịch kinh phu thuyết, Hoàng Việt văn hải, Tục ứng đáp bang giao tập, Tây chinh toàn tập, Quế Đường văn tập, Liên sơn, Quy tàng nhị dịch truyện, Thi thuyết, Lễ thuyết, Xuân thu lược luận, Thiên văn thư, Địa lý tinh ngôn thư, Tồn tâm lục, Hoàng triều trị giám cương mục, Địa học tinh ngôn, Thái ất dị giản lục, Thái ất quái vận, Lục nhâm hội thống, Lục nhâm tuyển túy, Hoàng giáo lục, Kim cương kinh chú giải, Đạo đức kinh diễn nghĩa, Dân chính thư, Tăng bổ chính yếu đại toàn, Sự luật toản yếu, Vũ bị tâm lược, Kim kính lục, Hoạt nhân tâm thư.
Khác với sách của các tác giả khác, Lê Quý Đôn viết sách không chỉ có một loại mà là nhiều thể loại, nhiều nội dung khoa học phong phú. Có cả triết, sử, địa lý, thiên văn, kinh học, dịch học, kỹ thuật, bách khoa thư, bói toán, nghệ thuật… nghĩa là tất cả các lĩnh vực khoa học mà hồi TK XVIII người dân Việt Nam biết tới.
Về thể loại có sáng tác, biên tập, chú giải, bút ký đọc sách, khảo sát thực địa, ghi chép tổng hợp, thơ, văn, biện luận, dịch, diễn ca, văn tế, các lối văn dùng trong thi cử thời đó như văn sách, văn chính luận, các loại tựa, bạt, ký sự, văn bia, câu đối…
Về chất lượng tác phẩm, hầu hết các tác phẩm được viết ra dù là dưới thể loại nào cũng đều nghiêm túc, cẩn trọng, đáng tin cậy về các thông tin đưa ra.
Về cách làm sách, tác phẩm của Lê Quý Đôn thường có kết cấu chặt chẽ, hoàn chỉnh, có bài tựa nói rõ mục đích soạn sách, phương pháp biên soạn, có khi có mục lục chi tiết và cuối cùng là tên, tên hiệu, nơi viết, ngày tháng năm viết đầy đủ rõ ràng. Có sách ông còn có bài hậu tự, các lời giới thiệu của các học giả có tên tuổi…
Sách vở của Lê Quý Đôn đối với đương thời đã quý, đối với hậu thế càng quý giá hơn, bởi người đời sau đã dựa vào những điều ông viết để làm cứ liệu, làm nguồn mách bảo cho những ý tưởng khoa học khác. Ông viết vừa để lập ngôn, vừa để ghi chép, bảo tồn các tư liệu thành văn cho thế hệ sau sử dụng. Các tác giả của Văn khắc Hán – Nôm Việt Nam (2 tập) cho biết họ đã dựa vào những ghi chép của Lê Quý Đôn về văn bia thời Lý Trần trong sách Kiến văn tiểu lục để tìm kiếm và khảo cứu.
Lê Quý Đôn là người đóng góp nhiều nhất vào kho tàng di sản thư tịch dân tộc bằng những trước tác, công trình nghiên cứu, biên khảo đầy công phu và giá trị. Ông là nhà lập ngôn, nhà trước thuật lỗi lạc của làng nho Việt Nam thời trung đại.
Hiện nay, di sản thư tịch của Lê Quý Đôn còn lại trong các kho sách Hán Nôm Việt Nam có 20 đầu sách với 10.000 trang chữ Hán, trong đó có 11 cuốn đã dịch và xuất bản bằng tiếng Việt, còn nhiều sách chưa được dịch, trong đó có bộ tuyển tập thơ đồ sộ Toàn Việt thi lục dày 1542 trang.
Từ thần đồng Lê Danh Phương trở thành nhà bác học, Lê Quý Đôn đã phải trải qua con đường khổ luyện, học tập và thu nạp kiến thức đầy công phu và liên tục. Tất nhiên, những yếu tố thuận lợi như khí chất thông minh, môi trường học tập ở gia đình và ngoài xã hội… góp phần thành công không nhỏ, nhưng quyết định vẫn là sự miệt mài rèn luyện và phương pháp làm việc khoa học của ông.
Niên biểu Lê Quý Đôn cho thấy ông là người đặc biệt năng động, đi nhiều, đọc nhiều và viết nhiều. Chính sự năng động đó đã giúp ông tiếp cận được với nhiều kiến thức mới để qua đó tích lũy và sáng tạo.
Cuộc đời ông có đến 20 lần thay đổi vị trí làm việc với rất nhiều lĩnh vực: văn, võ, kinh tế, chính trị, ngoại giao, giáo dục…, trong đó làm việc ở Hàn lâm viện 4 lần, Quốc sử quán 3 lần, Bí thư các 2 lần, đi sứ 1 lần, ở Quốc tử giám 2 lần, làm quan trong Phủ Chúa nhiều lần, ở Võ ban 4 lần, địa phương 4 lần. Ông mất tại quê mẹ (Xã Tiên Nội, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) khi đang trên đường từ Nghệ An về kinh đô nhận chức Thượng thư bộ Công vào ngày 14-4 năm Giáp Thìn, niên hiệu Cảnh Hưng 45 (1-6-1784), thọ 58 tuổi.
Quá trình làm việc của Lê Quý Đôn chứng tỏ ông là người năng động, hiểu biết nhiều và có khả năng giải quyết công việc trên nhiều lĩnh vực. Triều đình thay đổi vị trí làm việc của ông nhiều lần, lần sau cao hoặc quan trọng hơn lần trước chứng tỏ triều đình cần ông, cần cái bản lĩnh và năng lực làm việc của ông. Đây cũng là điều kiện giúp ông có được nhiều cơ hội tiếp xúc thực tiễn xã hội để thu thập các tri thức cần thiết.
Cũng chính việc phải thay đổi công việc nhiều lần giúp ông có cơ hội đi và gắn với thực tế, tìm hiểu, quan sát, đọc, nghe, hỏi han, ghi chép về lĩnh vực đang phụ trách. Mỗi điều quan sát, ngẫm nghĩ hoặc nghe, đọc thấy…, ông ghi thành thẻ và tích tụ lại. Đó vừa là cơ hội để ông tiếp cận và thu thập nhiều kiến thức cả tự nhiên và xã hội, vừa là phương pháp làm việc khoa học mà sau này, ông chỉ cần dành thêm thời gian sắp xếp lại thành những cuốn sách có giá trị.
Nhưng nổi bật nhất khi nói về Lê Quý Đôn vẫn là sự say mê sách vở. Đọc nhiều, không ngừng nghỉ, có phương pháp, ghi chép, suy nghĩ, bàn luận, có liên hệ thực tiễn, tìm tòi đến tận cùng… để rồi viết ra, trao đổi và đối chiếu với thực tiễn. Đúng như tiến sĩ cùng thời Trần Danh Lâm viết rằng, ông “không sách gì không đọc, không vật gì không suy xét đến cùng; ngày thường ngẫm nghĩ được điều gì viết ngay thành sách; sách chứa đầy bàn, đầy tủ kể ra khôn xiết”(9).
Không chỉ có ham đọc sách, Lê Quý Đôn còn là người gắn bó với thực tiễn xã hội, học thuật và khoa học. Lý giải phong cách này của ông, Trần Quốc Vượng cho rằng ông biết “tắm nhân dân, phá được cái khuôn sáo nho gia đã đúc khuôn ông” hay “cái dung dịch văn hóa của ông đã tràn bờ ra ngoài cái khuôn hình mà gia đình và xã hội đã đúc nên ông”(10).
Ông là biểu tượng của sự ham học hỏi, của tinh thần hiếu học Việt Nam.
Cuộc đời Lê Quý Đôn ngắn ngủi có 58 năm với 30 làm quan nhưng có đến 20 lần thay đổi công việc mà vẫn dành được 42 năm đọc sách, viết sách, để lại cho đời khoảng 50 đầu sách với hàng chục nghìn trang viết đủ các loại. Thật là một hiện tượng hiếm có trong lịch sử văn hóa Việt Nam. Và còn hiếm hơn nữa, Lê Quý Đôn là một người làm quan (mà làm bậc đại quan) có tư duy bác học (11) và là một nhà bác học đảm đương trọng trách ở bộ máy cai trị đất nước đang trong buổi suy tàn. Ở vị trí người làm khoa học, ông đề cao tinh thần trung thực, thực tiễn trong học thuật; ở vị trí quan cai trị, ông căm ghét tham nhũng, nhiễu dân. Ông dấn thân cho triều đại đang phụng sự, nhưng bàn tay ông không giữ nổi cỗ xe đang xuống dốc. Ông có lòng thương dân, cảm thông với đời sống của nhân dân lao động nhưng chế độ chính trị mà ông theo đuổi, phụng sự lại đang trở mặt với nhân dân. Vì thế trong ông luôn có những mâu thuẫn lớn. Mâu thuẫn giữa tri thức, hoài bão của nhà bác học với thực tiễn xã hội, giữa kiến thức trong sách vở, nhất là kiến thức trị nước với hiện tình đất nước, giữa nạn tham nhũng của quan lại triều đình với cuộc sống đói nghèo của người dân… Lòng ông đầy khắc khoải trước thời vận loạn suy của nước, nỗi nghèo khổ của dân. Và cũng chính vì thế, ông luôn hăm hở muốn hành động. Ông học để biết và hành động. Không ít lần ông dâng những kế sách trị nước hay cho triều đình như thiết định pháp chế, thực hành khoan sức cho dân, trị tội bọn tham quan như Hoàng Văn Đồng. Những năm tháng làm Hiệp trấn tham tán ở Thuận Hóa, ông đã thực hành chính sách thân dân và trị nước thành công. Tiếc rằng, triều đình ông đang phụng sự đã thối nát. Vì thế có lần ông chán nản, bất lực, từ quan về dạy học và viết sách. Đó là mâu thuẫn lớn của nhà bác học, của nhà chính trị có tấm lòng thân dân và hoài bão lớn lao.
Lê Quý Đôn đã dành cả cuộc đời phục vụ cho sự phồn vinh của đất nước và hạnh phúc của nhân dân. Ông đã để lại cho hậu thế một kho thư tịch đồ sộ, một di sản tinh thần cực kỳ to lớn và quý báu, một biểu tượng cao đẹp về tinh thần học tập và niềm kiêu hãnh về truyền thống văn hiến Việt Nam. Ông thật xứng đáng là nhà bác học lỗi lạc nhất Việt Nam trong nghìn năm đất nước xây dựng nền độc lập tự chủ của dân tộc. Và ngày nay Lê Quý Đôn vẫn là tấm gương sáng, niềm kiêu hãnh của chúng ta.
_______________
1. Trần Thanh Mại, Vài nét trong quan điểm văn học của Lê Quý Đôn, Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 4-1960.
2, 4, 5, 10, 11. Nhiều tác giả, Lê Quý Đôn, nhà bác học Việt Nam TK XVIII, 2 tập, Sở Văn hóa và Thông tin Thái Bình, 1988.
3. Theo Niên biểu Lê Quý Đôn do Phạm Đức Duật soạn năm 1978.
6. Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, Nxb Sử học, Hà Nội, 1961.
7. Văn Tân, Kỷ niệm 250 năm ngày sinh Lê Quý Đôn, Kỷ yếu 250 ngày sinh Lê Quý Đôn, tr.27.
8. Hà Thúc Minh, Lê Quý Đôn, nhà tư tưởng Việt Nam thế kỷ XVIII, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1999, tr.59.
9. Lời tựa sách Vân đài loại ngữ, của Lê Quý Đôn.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 350, tháng 8-2013
Tác giả : Phạm Hồng Toàn
1/5 – (1 bình chọn)