Nhiều người đánh giá bắp này ngon, đáng đồng tiền nhưng không ít người tiêu dùng vẫn còn lo lắng liệu đây có phải là bắp biến đổi gen?
Tại chuỗi cửa hàng Vietgreenfood, bắp đỏ vừa mới được nhân viên đưa lên kệ chưa đầy 30 phút đã được khách hàng hốt sạch. Quan sát bên ngoài trái bắp có dòng chữ bắp Nữ Hoàng Đỏ VGFood (Vietgreenfood), vỏ bắp màu xanh có pha lẫn màu đỏ, ruột bắp màu đỏ thẫm, đẹp mắt. Giá bán loại bắp này 25.000đ/trái, gấp 5-7 lần các giống bắp hiện có trên thị trường.
Chị Thu, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM, khách hàng đang mua bắp tại đây cho biết, gia đình chị rất thích ăn loại bắp đỏ này mặc dù giá thành hơi cao. Ngoài đem nướng, hấp như giống bắp bình thường, bắp này có thể ăn sống, làm salad như các loại rau khác hay cũng có thể sinh tố vì hạt bắp xốp, mọng sữa, giòn sật, khi ăn có cảm giác mát lạnh trong miệng như ăn củ năng.
“Ăn rất ngon nhưng tôi không rõ bắp này có phải biến đổi gen hay không”, chị Thu nói.
Thị trường gần đây xuất hiện loại bắp đỏ mới
Không chỉ tại Vietgreenfood, một số siêu thị lớn và cửa hàng chuyên bán nông sản sạch cũng xuất hiện loại bắp này. Tuy nhiên, hiện số lượng vẫn chưa nhiều, khách muốn mua phải đặt hàng trước.
“Dù mới xuất hiện tại thị trường TP.HCM chưa bao lâu nhưng khách hàng rất chuộng loại bắp Nữ Hoàng này. Hàng về thường không đáp ứng đủ nhu cầu của khách”, nhân viên tại cửa hàng này nói.
Đây thực chất là bắp Nữ Hoàng Đỏ có giống nhập từ Thái Lan
Ngoài Vietgreenfood, một số hệ thống cửa hàng nông sản sạch như This Makert , 5Th element, 3S Sach Bon Grocer… cũng bán loại bắp đỏ này.
Lý giải về nguồn gốc bắp Nữ Hoàng Đỏ này, ông Nguyễn Quốc Lý, Giám đốc Trung tâm khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng vùng Nam Bộ (Bộ NN&PTNT) cho biết, bắp này có nguồn gốc tại Thái Lan do Công ty TNHH Hạt giống Nova đã nhập giống về Việt Nam để trồng khảo nghiệm trong 3 vụ trên hệ sinh thái theo quy định Bộ NN&PTNT.
Ngày 13/7 mới đây, sau khi trải qua cuộc khảo nghiệm để đánh giá sản phẩm, Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) đã công nhận giống bắp Nữ Hoàng Đỏ do công ty TNHH Hạt giống Nova đem về được lưu thông và trồng trọt sản xuất tại Việt Nam.
“Bắp không giống loại rau củ quả khác, phải trải qua khảo nghiệm đánh giá sản phẩm rất chặt chẽ thì mới được công bố và công nhận được sản xuất. Đây là giống bắp ngọt đầu tiên tại Việt Nam có thể ăn sống mà không cần phải trải qua chế biến. Bắp đạt chứng chỉ NON-GMO (không biến đổi gen), chỉ được lai tạo với công thức đơn giản, được chứng nhận VietGAP nên người tiêu dùng có thể an tâm sử dụng”, ông Nguyễn Quốc Lý khẳng định.
Bắp được đánh giá đem lại năng suất rất cao cho người nông dân
Ông Ta Wee Sak Pulam “cha đẻ” của giống bắp này cho biết, phải mất 6 năm công ty mới nghiên cứu thành công. Thời gian gieo hạt đến khi thu hoạch khoảng 60 ngày, tỷ lệ trái loại 1 đạt từ 85% với năng suất trung bình khoảng 10-12 tấn/ha. Đây là loại giống bắp đạt hiệu quả kinh tế rất cao, gấp 3-4 lần bắp nếp thông thường nên sẽ giúp ích cho người nông dân cải thiện kinh tế.
Đây là bắp lai tạo tự nhiên không phải biến đổi gen
Ông Trần Viết Kiên, Giám đốc công ty TNHH Hạt giống Nova cho biết, bắp có chứa nhiều sắc tố anthocyanin có lợi cho cơ thể. Đây là hợp chất màu hữu cơ có nguồn gốc tự nhiên, thuộc nhóm flavonoid.
Bắp giàu chất dinh dưỡng, có thể ngâm đá ăn sống, vị ngọt và giòn như củ năng
Theo các nghiên cứu khoa học được công bố trong những năm gần đây, anthocyanin là hợp chất có nhiều hoạt tính sinh học quý như khả năng chống oxy hóa cao nhờ hạn chế sự hình thành gốc tự do, tăng cường sức đề kháng, có tác dụng làm bền thành mạch, chống viêm, hạn chế sự phát triển của các tế bào ung thư, tác dụng chống các tia phóng xạ…
Bắp không nên nấu vì sẽ làm phai đi bớt màu đỏ và nhiều dưỡng chất. Chỉ nên hấp cách thủy 20 phút, nướng lò vi sóng trong 4 phút, nướng thường 15 phút; có thể ăn tươi, làm salad, sinh tố, súp…
(Theo Phụ nữ TP.HCM)