Một ly nước ép thơm có thể cung cấp đủ nhu cầu vitamin C trong một ngày cho một người. Vitamin C từ lâu đã được biết có thể giúp tăng cường hệ miễn dịch và sức đề kháng của cơ thể, theo Healthline.
Trái thơm cũng có nhiều vitamin B6, thiamine, folate, kali và magiê. Những dưỡng chất này đóng vai trò quan trọng với sức khỏe xương và giúp vết thương mau lành. Thơm cũng chứa một lượng nhỏ sắt, canxi, phốt pho, kẽm, choline và vitamin K.
Ngoài ra, thơm cũng có hàm lượng chất chống ô xy hóa cao, có thể giúp ngăn ngừa nhiều bệnh khác nhau. Chế độ ăn giàu chất chống ô xy hóa được chứng minh có thể giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh mạn tính như bệnh tim, tiểu đường và ung thư, các chuyên gia dinh dưỡng cho biết.
Một dưỡng chất có lợi khác tìm thấy trong thơm là bromelain. Đây là loại enzyme tạo ra cảm giác tê lưỡi sau khi ăn thơm.
“Enzyme bromelain có thể giúp hỗ trợ tiêu hóa và giảm viêm nhiễm trong cơ thể. Tình trạng viêm nhiễm này sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Bromelain cũng có tác dụng chống lại những cơn đau và viêm sưng sau khi tập thể dục hay phẫu thuật”, chuyên gia dinh dưỡng người Mỹ Kathy Siegel giải thích.
Tuy nhiên, cũng như nhiều loại trái cây khác, thơm có vị ngọt và chứa đường. Do đó, uống mức độ vừa phải sẽ tốt cho sức khỏe, uống quá nhiều trong thời gian dài có thể gây hại, theo Healthline.