Nấm phục linh có nhiều tác dụng sinh học như chống ung thư, chống viêm, chống oxy hóa và kháng vi-rút. Trong bài viết này chúng ta sẽ cùng tìm hiểu lợi ích của bạch phục linh đối với sức khỏe và làm đẹp.
1.1. Đặc điểm phục linh
Nấm phục linh có tên khoa học Poria cocos Wolf, thuộc họ Nấm lỗ (Polyporaceae). Phục linh còn được gọi bạch linh, là một loại nấm mọc ký sinh trên rễ một số loài thông.
Về hình dạng, phục linh có hình khối to, có thể nặng từ 3 – 5kg hoặc các nấm nhỏ thì có thể chỉ bằng nắm tay. Nấm phục linh không mùi, có vị nhạt và khi cắn gây dính răng.
Thể quả nấm phục linh khô; có dạng hình cầu, hình thoi, hình cầu dẹt hoặc hình khối không đều; lớn, nhỏ không đồng nhất; mặt ngoài ngoài có màu từ nâu đến nâu đen; có nhiều vết nhăn rõ và bề mặt lồi lõm. Khi bẻ thì bề mặt bẻ sần sùi và có vết nứt; lớp viền ngoài màu nâu nhạt, phần trong màu trắng, một số ít có màu hồng nhạt. Có loại bên trong còn mấy đoạn rễ thòng (phục thần).
1.2. Bộ phận dùng của phục linh
Tùy theo các phần thái và màu sắc của Phục linh mà có tên gọi khác nhau như: Bạch phục linh, Phục linh bì, Xích phục linh, Phục linh khối, Phục linh phiến. Cụ thể:
- Phục linh bì: Là lớp ngoài cùng của nấm phục linh tách ra. Có đặc điểm là lớn, nhỏ, không đồng nhất; phía mặt ngoài có màu từ nâu đến nâu đen, phía mặt trong có màu trắng hoặc nâu nhạt. Thể chất tương đối xốp và hơi có tính đàn hồi.
- Phục linh khối: Là phần còn lại sau khi tách lớp ngoài. Thường được thái, cắt thành phiến hay miếng, lớn nhỏ không đồng nhất; có màu màu trắng, hồng nhạt hoặc nâu nhạt.
- Xích phục linh: Đó là lớp thứ hai sau lớp ngoài cùng (sau lớp phục linh bì); có màu hơi hồng hoặc nâu nhạt.
- Bạch phục linh: Là phần bên trong và có màu trắng.
- Phục thần: Là phần nấm phục linh ôm đoạn rễ thông phía bên trong.
1.3. Thành phần hóa học trong phục linh
Thành phần trong phục linh chứa 2 nhóm hóa học chính là polysaccharid và triterpenes:
- Triterpen và dẫn xuất: Axit pachymic, axit tumolosic, axit eburicoic, axit pinicolic, axit polyporenic, axit dehydropachymic …
- Polysaccharid: Có tới 75% pachyman trong phục linh và các monosaccharide gồm các dạng D của glucose, xylose, mannose, galactose, fucose và rhamnose.
Ngoài ra, phục linh cũng chứa các axit amin, enzym, steroid và choline, cũng như histidine và muối kali