Lỗi ở chiến tranh?

Tạp bút

VN-soldierVN-soldier

 

Lý thuyết vô thần cộng sản đã làm mê hoặc rất nhiều người của nhiều thế hệ, trong những người bị mê hoặc đó, có thầy của tôi. Thầy tôi khi đó đã lớn tuổi, thầy không hung hăng cổ võ hay tranh đấu hùng hồn, thầy thận trọng và kín đáo. Thầy có nếp sống Tây phương, áo quần complet màu trắng, màu kem lạt, luôn nền nếp và phong cách lịch sự, dáng người nhỏ nhưng khá ấn tượng trong ngôn ngữ và truyền bá bài vở.

 

Khi nào thầy cũng cho sinh viên thực tập 12 điểm trên 20, hay, dở gì thầy cũng hạ bút 12 điểm. Chúng tôi có thắc mắc hỏi tại sao thì người bảo rằng đề phòng xa, có lúc có đứa nào đó, dở quá, bị các thầy khác phóng tay 08 hay 07 dưới trung bình, thì có cái mà đỡ lại. Có lúc chúng tôi nghĩ là thầy hào phóng, nhiều từ tâm, có lúc chúng tôi nghĩ là thầy ba phải, dễ nhàm chán.

 

Hồi đó khoảng năm 1967-1968, niên học chưa kết thúc, khóa học đang dang dở giữa học kỳ, thì có môt chị bạn trong lớp học, chị thông báo với tất cả bạn cùng lớp là chị sắp làm đám cưới, chị lập gia đình với người yêu của chị, anh Hùng, anh chồng tương lai của chị Hoa sẽ vào quân đội trong một, hai tuần lễ, và cha mẹ già cả hai bên đều muốn họ thành gia thất. Cả lớp học cùng vui theo cái vui của chị Hoa. Chúng tôi đang lúc bàn nhau góp tiền mua quà cưới, thì có một anh bạn cắc cớ thốt ra một câu nói rất vô tình:

 

– Cái con Hoa, nó mê trai thiệt tình, đi học bao nhiêu năm, chưa ra trường, chưa dậy dỗ ai một chữ, đã vội vã cuốn áo đi lấy chồng!

 

Thầy tôi, không hiểu sao, ông có mặt nơi đó, và ông nghe ra câu phát biểu kỳ cục này, trong lúc tụi tôi còn đang ôm nhau cười ngặt nghẽo, cười chẩy cả nước mắt, thầy ngoắc anh bạn kỳ lạ lại gần thầy và chỉnh liền:

 

– Này trò Quang, bạn đồng môn mà trò gọi chị Hoa là con này con kia vầy là thầy thấy không được… không ổn, phải ăn nói lịch sự tử tế với nhau!

 

– Tụi con thân mà thầy!

 

– Ấy càng thân, càng phải lễ độ lịch sự với nhau mới giữ được tình thân lâu dài.

 

– Mà thầy có thấy đúng là chị Hoa mê trai không?

 

– Thầy chưa thấy ai dùng chữ bất ổn như con, con nói như một người ghen hơi vậy… mỗi sự việc nó đều đến vào thời điểm của nó. Mình phải tập ăn nói từ tốn lễ phép hơn.

 

Anh bạn xếp ve, đứng nín khe nghe thầy chậm rãi giải thích tiếp theo:

 

– Trò Hoa lập gia đình trong hai tuần lễ tới là một tin mừng, gia đình Hoa có tin vui. Học trò nữ của thầy, thầy coi như con gái, đứa con gái nào mê trai được trong lúc này, trong hoàn cảnh đất nước rung động chiến tranh, thì cứ mê trai đi, thầy gả chồng cho con gái, kẻo mai mốt tụi con trai đi lính hết, rủi tụi nó chết hết rồi chừng đó còn đứa nào nữa mà mê?

 

Đó, tư tưởng “phản chiến” của thầy tôi như thế đó. “Khoan khoan ngồi đó chớ ra…” Tụi tôi, cả đám cười ồ, nhắc khéo lại câu thơ Lục Vân Tiên thầy mới giảng hồi sáng, ý chúng tôi làm hiệu với nhau là thôi, ngưng câu chuyện ở đây đi, đừng để thầy thuyết phục thêm tư tưởng phản chiến nữa. “Ông cụ Kiết già nua rồi, thần kinh ông yếu lắm, nghe tin chiến sự gay go, nghe súng nổ đoàng đoàng hoài ông cụ chịu đâu nổi, ông thầy đầu hàng rồi!” Xung quanh ai cũng nhận xét về thầy là vậy.

 

Mà tôi nghĩ có phần đúng, cũng có phần sai, vì thầy tôi già chứ ý tưởng ý chí bền bỉ lắm, người cũng rất kiên trì, kiên trì liên lạc với phía bên kia chiến tuyến, nếu không phải vậy, sau này sao ông cụ làm tới chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục? Thì tôi đã nói ở trên thầy bị mê hoặc bởi lý thuyết cộng sản Mác Lê vì thầy tôi đâu có sống chung đụng với họ ngày nào đâu mà biết, chỉ có người vô sản họ mới làm cách mạng vô sản, thầy tôi mê lầm, bị mắc lừa phía bên kia. Tôi oán ghét tụi nó lừa thầy tôi, và tôi cũng giận thầy, vì thầy góp tay làm mất cả miền Nam thân yêu của chúng tôi!

 

Ngày ấy năm ấy, thầy dậy chúng tôi về văn học miền Nam, thầy kiên nhẫn nhắc đi nhắc lại văn học và một số phong tục, tập quán miền Nam Việt Nam, cả về ít nhiều tánh nết con người, vùng miền, tính tình cởi mở, bộc trực của người phương Nam. Điều này giúp ích rất nhiều khi chúng tôi đi làm việc, đi dậy học, là tiếp xúc với học trò và môi trường sinh hoạt ở mỗi địa phương hẻo lánh.

 

Tôi cứ nhớ hoài khi tôi về miệt Tây Ninh ở một góc quê hẻo lánh, trận chiến hai bên Việt Nam Cộng Hòa và cộng sản  cứ dằng co, mỗi ngày Việt Cộng pháo kích  không ngừng nghỉ, cả hai bên đều loan tin địch quân thiệt hại nặng nề, bên ta hoàn toàn vô sự. Vậy mà nhà nhà vẫn làm hầm trú ẩn. Làm hầm nổi, hầm không chịu được sức công phá của B40, người ta lại nghĩ cách làm hầm chắc chắn hơn, là làm hầm chìm, tiền của người dân để lo làm hầm trú ẩn có lẽ nhiều hơn tiền mua gạo, con người ai ai cũng sợ chết.

 

Trường học chúng tôi trong thị xã nhỏ bé, mà có một tiệm vàng của chị sáu Trận tọa lạc cách đó không xa. Chủ tiệm đẹp người, tánh nết tốt, cư xử khéo léo và rất ân tình với mọi người trong thôn xóm. Tiệm vàng kế chợ nhỏ, và chưa thấy lần nào hầm nhà chị bị miểng đạn văng. Người ta đồn rỉ tai nhau chị phải nộp thuế cả hai bên. Chuyện đó không hay bằng chuyện mỗi lần phải làm lại cái hầm cát mới, là y như rằng chị sáu có cớ rầy la ông chồng một cách thoải mái:

 

–  Đù má thằng sáu Trận, mới bảnh mắt sáng ra, mà nó đã sách xác nó đi chơi, đi nhậu nhẹt, nó không lo làm cái hầm hố cho lũ con nó.

 

Cứ mỗi lần xúc một sẻng cát đổ vô bao bì chị lại chửi thêm một câu, tuy có khác đi tí chút, “Đù mẹ thằng sáu Trận mày… Má tía thằng sáu Trận mày…” Ai nấy nghe đều cười bò, nhưng nghe riết rồi cũng quen, lâu lâu không nghe được lời phân bua của chị người lối xóm như cảm thấy thiếu thiếu một cái gì!

 

Nhưng cuối ngày, cả nhà chị, vợ, chồng, bầy con bẩy, tám đứa lại quay quần ăn cơm trong sân cỏ trước nhà, vui vẻ như không có chuyện gì xẩy ra. Một tối mịt mù, nghe đạn pháo kích départ chị sáu dớn dác hô các con xuống chỗ trú ẩn. Kịp khi vừa thò một bàn chân xuống lòng đất sâu, chị thấy đụng chân vào một cái gì ướt ướt và nhớp nháp. Chị hoảng loạn, nhưng sợ dưới hầm có một cái gì đó ghê gớm, chị ngoắc lũ con đông chạy theo chị đi hướng khác chạy miết vô rừng, chạy đi tìm một nơi trú ẩn xa hơn. Hôm sau trở về nhà, chị khóc nức nở khi thấy căn hầm kiên cố đã vỡ toang, nóc hầm, bao cát tứ tung, dưới lòng hầm là một ông rắn khổng lồ nằm chết, thân thể nát bét.

 

Chiến tranh là hủy diệt, vin vào cớ đó, trở lại chuyện thầy Nguyễn Văn Kiết, ông lúc nào cũng tỏ ý chống đối cuộc chiến thảm sát. Ông có lý của ông, nhưng còn nguyên nhân sâu sa hơn mà thầy tôi bị người ta dối gạt và ông đã bị mê hoặc. Thầy học giỏi, bằng cấp cao, nhưng thầy tôi sống giữa miền Nam giầu có đầy lúa gạo một thời thơ ấu, rồi ông vừa kịp lớn lên, ông đi thẳng sang Tây du học, ông đâu có tiếp cận với bưng biền ở chiến khu D, ông đâu có thấy cảnh đấu tố ở Bắc Việt sau năm 1955… Thầy không có kinh nghiệm và thầy chỉ sống với sách vở, với lý thuyết không tưởng, do đấy, thầy đã làm mất miền Nam của chúng con!

 

Cho qua cơn giận đi, thì thấy thầy cũng đáng thương và cũng đáng ghét.

 

Ông cũng rất rành những chuyện ở quê hương Nam Kỳ lục tỉnh, vì nơi đó là bản quán gốc gác sinh thời của ông.

 

Thầy nói tiếng Việt, tiếng từng địa phương rành không thua ai, nghĩa là giỏi hơn bất cứ ai nói tiếng Việt thổ ngơi. Tôi còn nhớ thầy dặn chúng tôi lúc chân ướt chân ráo về nhiệm sở, nhớ làm sổ sách của trường sở cho minh bạch, rõ ràng và dễ đọc. Ông còn nhắc là mỗi thứ phải làm hai cuốn. Một cuốn thường dùng, có thể ghi chép lung tung mọi chi tiết lúc gấp gáp. Còn một cuốn phải kẻ ô và giữ sạch sẽ để phòng khi thanh tra về kiểm soát. Có đứa vô ý nói là:

 

– Ôi, trường của thầy ở thành phố, ở nơi thị tứ thanh tra nó còn tới, chứ trường của tụi con ở hóc núi đèo heo thanh tra nó đâu thèm tới đó làm gì? Có lẽ nó cũng sợ Việt Cộng câu đạn lớn vô bất kỳ lúc nào.

 

– Sao con gọi thanh tra là nó vậy? Thầy đây, thầy cũng làm thanh tra trung học cỡ 10 năm, rồi mới về đây dậy học.

 

– Con xin lỗi, con đâu biết thầy đã là thanh tra.

 

– Vấn đề không ở chỗ lỗi phải, mà ở chỗ phải cẩn thận, làm việc có nguyên tắc, thà mình làm rõ ràng minh bạch, mà thanh tra không tới còn hơn lúc họ tới mà mình đã làm không xong việc.

 

Quân tử phải biết phòng thân!

 

Tôi cũng không hiểu sao thầy tôi căn bản, cẩn thận là vậy mà lại bị rơi vào cái u mê lừa đảo của cộng sản, của mặt trận GPMN? Có lẽ người đã bị mắc bẫy vô sản từ những năm người đi du học nước ngoài ở Pháp, thầy tôi đã giỏi tiếng Việt, mà người còn giỏi tiếng Pháp hơn bất cứ một người Pháp nào, cả về ngữ vựng, văn phạm và cách phát âm, nhưng thưa thầy, ngần ấy trí tuệ của thầy đã góp phần vào việc hư bột hư đường của quê hương chúng ta.

 

Tôi quên thầy tôi lâu rồi, từ ngay cái tối ngày 30-04-1975, tôi thấy ông lên màn ảnh truyền hình kêu gọi các em học sinh, sinh viên hãy yên trí, ở đâu ở yên đó, chúng ta từ nay, cùng chung tay xây dựng quê hương. Chán nản và thất vọng, tôi làm rớt luôn nồi cơm nóng đang mang trên hai tay.

 

Tôi đã quên, không phải tôi muốn quên, mà tôi không muốn nhắc tới người, tại vì quan điểm chính trị thầy trò tôi khác nhau! Mãi tới nay, tôi đã rời bỏ CS, rời bỏ quê nhà hơn một nửa thế kỷ. Có lẽ ai cũng thế thôi, nhưng vô tình chiến tranh xâm lăng của Nga ập tới, Putin độc tài mang quân đi đánh chiếm Ukraine giữa thế kỷ này, rất thảm khốc cho mọi người. Tôi lơ mơ nhớ lại thầy, thầy cũng nhiều lần nêu quan điểm của người về chiến tranh, bảo là chiến tranh nào chẳng là chiến tranh là tiêu hao. Nào là chiến tranh là ủy nhiệm, là lợi dụng. Chiến tranh đưa đến thất nghiệp, bệnh tật, đói kém… Nhưng cần có lúc cần phải có chiến tranh để phân thắng bại giữa độc tài xâm lược và tự do, giữa cái xấu và cái tốt, giữa bóng tối và ánh sáng.

 

Chiến tranh dù với lý lẽ nào, cũng là mang tới  nhiều cái xấu hơn cái tốt, cái tốt thật khó lòng tìm thấy. Xung quanh đó, vô vàn thảm khốc bủa vây. May mắn trong cùng tận thảm khốc, đổ nát đó, còn một chút xíu ánh sáng le lói là tình yêu, tình yêu thời chiến xoa dịu vết thương thân xác, an ủi linh hồn…

 

Cùng với ngày lễ hội truyền thống âm nhạc thế giới hôm 21-06-2022, ở xứ sở Ukraine, chiến trận đang nóng bỏng ở Severodonesk, vẫn có những ban nhạc mang nhạc khí ra hòa âm với nhau trên đường phố. Tâm hồn người Tây phương vốn thơ mộng, hay họ muốn xua tan đi ít nhiều niềm u uất của chiến tranh? Cũng trong ngày của âm nhạc đó, có các người trẻ yêu nhau đã quyết định làm đám cưới cùng nhau trước ngày ra mặt trận. Những Bolovia, Smolenski, André, Rostov… vui mừng cảm động trao nhẫn cưới và nụ hôn nồng nàn cho Mavra, Sonia, Bouienne va Maria… Họ quyết tâm cho một ràng buộc hạnh phúc như nuôi một hy vọng ở chiến tuyến sau cùng? Có hay không một chiến thắng sau cùng? Còn sống là còn hy vọng!

 

Một người lính, hàng ngàn, hàng vạn người lính, họ có thể hy sinh thân thể, mạng sống để bảo vệ gia đình, bảo vệ tự do và bảo vệ quê hương, nhưng cũng thật là vô lý và tội nghiệp biết bao nhiêu, khi họ đã phải hy sinh cả quê hương và cả tất cả những cái mà nhân danh nó người ta đã hy sinh?

 

Và sau cùng, ai cũng nhận ra rằng, quyền sống của con người là quyền căn bản và sự bắn giết tàn sát nhau không giải quyết được gì.

 

Trong kinh Duy Ma Cật có nói:

 

Vào thời đại đao binh

Phát khởi tâm từ bi

Giáo hóa cho mọi người

Đừng giữ tâm thù nghịch

Khi có giao tranh lớn

Dùng uy lực của mình

Làm sức hai bên ngang

Thuyết phục để hóa giải. 

 

Chúc Thanh

(Paris, 7/2022)

Rate this post

Viết một bình luận