Có lẽ vì vậy yến sào rất được ưa chuộng.
Để tăng giá trị thương mại và phổ thông hóa yến sào, người ta đã làm ra các lon nước yến giải khát và gọi là nước yến giải khát bổ dưỡng. Nước giải khát thì đúng rồi vì nó chủ yếu là nước. Thế còn bổ dưỡng nhờ yến thì sao? Chuyện của chúng ta bắt đầu từ đây.
Hiện trên thị trường có hơn 20 loại lon, chai, lọ… nước yến sào với đủ kích cỡ, màu sắc, chất lượng và tất nhiên là đủ loại giá cả. Nhỏ là ống (ampoule), lớn là lon 250ml. Nội dung nhãn mác là nước yến sào, nước yến ngân nhĩ, yến vương, yến sâm…giá thấp là 3.300 đ/lon, giá cao là 48.000đ/lọ 70gr.
Thế còn chất lượng thì sao?
Hãy khoan nói đến chuyện kiểm nghiệm. Hãy xem các hãng sản xuất đã làm gì để các “thượng đế” chịu rút ví tiền mua các sản phẩm của họ. Trước hết là nhãn mác: chữ “yến sào” hay “nước yến sào” họ ghi rất to. Sau đó mới đến chữ “ngân nhĩ” ghi bé bé, mặc dù đây có thể là thành phần chính của lon nước yến ngân nhĩ.
Và đến khi “thượng đế” cần xem thành phần lon nước yến để kiểm tra thì thật là nan giải, đôi khi phải dùng cả kính lúp để soi, thậm chí phải biết cả tiếng Tàu mới hiểu họ nói cái gì.
Các hãng ghi thành phần lon nước yến với nhiều kiểu khác nhau, đơn giản như: thành phần gồm nước tinh khiết, đường phèn, yến sào, ngân nhĩ mà tỉ lệ của chúng là bao nhiêu thì không có lấy một dòng. Cụ thể hơn thì ghi thành phần gồm: nước 80%, đường phèn 10%, nấm tuyết 8%, yến sào 0,01%, mật ong. Chi tiết hơn nữa thì ghi: chất béo bão hòa 0%, cholesterol 0%, canxi 5mg, natri 0mg hoặc canxi 56mg/kg, natri 26mg/kg… Hoặc liệt kê 17 loại axit amin với các axit amin có hàm lượng cao nhất là: lysin 7,84 – 12,57mg; leucin 5,6 – 9,85mg; phenylalanin 4,62 -8,06mg… Nghĩa là đủ kiểu. Các “thượng đế” muốn biết mình mất tiền để uống được một tí chút yến sào hay uống nước đường ngân nhĩ cũng đành chào thua.
Yến sào là gì?
Để rộng đường lựa chọn, chúng ta hãy tìm hiểu đôi chút về yến sào. Tổ của chim yến được làm từ nước bọt do chim tiết ra từ cặp tuyến dưới lưỡi của chim yến tổ trắng (yến hàng) Aerodramus fuciphagus hay yến tổ đen (yến xiêm) A. maximus, sống ở các nước vùng Đông Nam Á.
Tổ yến là một hỗn hợp gồm đường và protein, hàm lượng protein trong tổ yến khoảng 32,3%, các loại đường đơn khoảng 30,1%. Lượng axit sialic (axit nước bọt) khoảng 8,6%, cao nhất trong nước bọt của các loài động vật.
Đây là chất có vai trò quan trọng trong việc kích thích sự sinh trưởng tế bào. Người ta đã xác định được 17 axit amin trong tổ yến với hàm lượng cao nhất thuộc về các axit amin prolin, serin, glutamic, asparatic, valin và threonin. Trong tổ yến có 16 nguyên tố sinh học với tỉ lệ canxi 0,649%; natri 0,301%; sắt 0,062%; lưu huỳnh 0,781% hay tỉ lệ Ca:Na:Fe:S là 1: 0,5: 0,2: 13.
Yếu tố kích thích tế bào bước đầu đã được tìm thấy trong tổ yến. Đến đây các “thượng đế” đã phần nào hình dung ra sản phẩm mình định mua là giả hay thật rồi. Lon nước yến 0% protein thì chỉ toàn là nước đường mà thôi. Hàm lượng cao của các axit amin trong lon nước yến không phải theo trật tự đã nêu trên thì cũng đáng phải xem xét (không loại trừ các hãng đã bổ sung nguồn axit amin – làm thay đổi thành phần, nhưng sự bổ sung này chỉ làm tăng giá thành sản phẩm, điều mà các hãng sản xuất luôn tránh). Ví dụ: lysin tới 12,6%; leucin 10%…
Người ta cũng không hiểu yến bổ nhờ cái gì nên ghi đại tất cả các axit amin (17 loại) lên thành phần của lon nước yến mà không lưu ý là các axit amin này tồn tại trong tất cả mọi sinh vật. 17 loại axit amin, vì vậy, đâu có phải là đặc trưng cho yến sào. Vấn đề là tỉ lệ của chúng. Việc ghi như vậy chỉ làm giảm giá trị lon nước yến và chỉ để làm an lòng những người không hiểu biết.
Về hàm lượng yến trong lọ thì sao?
Chúng ta hãy lấy một ví dụ: lọ nước yến của một hãng Thái Lan ghi yến sào: 12,2% (lọ 70gr và 42gr/trọng lượng tịnh), có nghĩa là trong lọ có tương ứng 8,54gr và 4,9gr yến sào. Nếu giá tổ yến là 500 USD/kg thì lượng tổ yến trong lon giá sẽ là 4,25 và 2,25 USD. Thế mà giá bán cả lọ chỉ là 48.000đ và 31.000đ. Chẳng lẽ hãng sản xuất chịu lỗ? Hay chúng ta quá đa nghi?
Trên thị trường hiện nay còn có tổ yến giả với giá vài triệu đồng/kg. Tổ yến loại này được xác định gồm chủ yếu là tinh bột, có thể còn có agar hoặc một loại keo gì đó với lòng trắng trứng, ít nước mắm để có mùi và độ đạm. Người đã biết tổ yến thật thì chỉ cần ngửi mùi là biết tổ yến thật – giả, còn người chưa thấy tổ yến thật thì khó tránh khỏi bị lừa.
Phải nghiêm cấm, nghiêm trị hàng giả thì hàng thật, người làm ăn chân chính mới phát triển được. Vậy ai sẽ làm việc này? Tất nhiên là Nhà nước, là các cơ quan chức năng của Nhà nước. Nhưng Nhà nước cho bán hơn 20 loại nước yến trên thị trường mà không có một qui định rõ ràng về kiểm tra chất lượng thì chỉ có người tiêu dùng là lãnh đủ. Dường như Nhà nước còn rất dễ dãi trong việc để các sản phẩm kém chất lượng tồn tại.
Mà cũng có thể Nhà nước kiểm soát không xuể nên tốt nhất là cho chúng lưu thông, đến khi xảy ra sự cố – chẳng hạn gây ngộ độc hay chết người – mới truy cứu trách nhiệm. Giống như cơm tù, xe cướp hoành hành hàng chục năm, đến khi chủ quán cơm đánh chết người, xe cướp đánh trọng thương hành khách vì họ không chịu trả thêm tiền một cách vô lý thì chính quyền mới vào cuộc. Giải quyết kiểu này người ta gọi là kiểu “mất bò mới lo làm chuồng”.
Có thể lon nước yến giả không gây chết người như sữa bột giả nhưng gây mất lòng tin, làm cho đồng tiền của người lao động rơi vào túi những kẻ làm ăn bất chính, làm méo mó thị trường. Thôi thì trong khi chờ Nhà nước ra tay, các “thượng đế” hãy tự bảo vệ mình. Mua yến sào hãy nhờ người đã biết yến sào thật mua hộ, hoặc vào siêu thị (nhưng cũng phải cẩn thận vì hàng giả trong siêu thị cũng không phải là hiếm). Mua nước yến sào của Công ty Yến sào Khánh Hòa sản xuất dù ghi thành phần chưa được chuẩn nhưng vẫn là yến sào thật. Sản phẩm của một số công ty trong và ngoài nước cũng có thể là tốt nhưng hãy xem kỹ trước khi mua kẻo mất tiền oan.