Người ta thường nói sống trên đời phải biết cho đi để lòng nhân ái của bạn được lan toả. Vậy lòng nhân ái là gì? Người có lòng nhân ái biểu hiện qua những hành động nào? Bài viết này của mayruaxemini.vn sẽ cùng bạn tìm hiểu về lòng nhân ái trong mỗi con người.
Lòng nhân ái là gì?
Theo nghĩa hán Việt, “Nhân” là người, “ái” là yêu thương. Vậy nhân ái là gì? Đó chính là tình yêu thương, sẻ chia giữa con người với con người. Nhân ái là sự giúp đỡ nhau lúc hoạn nạn khó khăn, sẵn sàng giang rộng cánh tay để che chở cho những hoàn cảnh bất hạnh, số phận nhỏ bé hơn mình.
Lòng nhân ái là một phẩm chất tốt đẹp nhất trong các phẩm chất tốt đẹp của con người. Nó giúp xã hội này tốt đẹp hơn, lan toả những giá trị tốt đẹp hơn. Đức tính này cần phải được lưu giữ và phát huy.
Người nhân ái có những biểu hiện gì?
Nhân ái luôn nằm ẩn sâu trong trái tim mỗi chúng ta. Nó hiện hữu trong những hoạt động hằng ngày của con người. Bạn sẽ nhận thấy biểu hiện của lòng nhân ái từ cử chỉ, cách hành xử, lời nói,… của ai đó. Tấm lòng nhân ái luôn là thứ sưởi ấm cho những bộn bề, khó khăn của cuộc sống.
Biểu hiện rõ ràng nhất của người giàu lòng nhân ái là gì? Đó chính là thường xuyên tương trợ, giúp đỡ cho nhiều người trong cuộc sống. Dù là hành động nhỏ hay lớn thì đó vẫn là những nghĩa cử cao đẹp. Ngày hôm nay mình giúp đỡ họ thì ngày mai mình lại nhận lại được sự yêu thương.
Khi đã trao đi tình yêu thương, sự giúp đỡ những người có lòng nhân ái sẽ chẳng bao giờ nghĩ đến lợi ích. Họ cho đi đơn giản vì họ cảm thấy điều đó khiến họ vui vẻ, hạnh phúc, an nhiên. Đối với những người này, thấy người khác hạnh phúc nghĩa là họ cũng hạnh phúc.
Những người có lòng nhân ái đều sẽ sẵn sàng giúp đỡ những người khó khăn hơn mình. Không có một xã hội nào là không có kẻ giàu người nghèo. Trong xã hội, không thiếu những hoàn cảnh éo le, khó khăn, túng thiếu, đau khổ nối dài đau khổ. Không phải ai cũng sẵn sàng giang tay giúp đỡ, có thể vì họ không có khả năng hoặc có thể vì họ vô cảm. Những ai đưa tay ra giúp đỡ ấy chính là người có lòng nhân ái. Bạn cho đi yêu thương thì sẽ nhận lại được yêu thương.
Lòng nhân ái trong cuộc sống xuất phát từ những hành động giản đơn. Không hẳn bạn giàu thì bạn mới giúp đỡ được những người khó khăn. Những hành động quan tâm, hỏi han cũng đủ để những người có hoàn cảnh khó khăn cảm thấy ấm lòng, có động lực vượt qua khó khăn.
Xem thêm bài viết liên quan:
Tại sao cuộc sống cần phải có lòng nhân ái?
Không có một loại năng lượng nào có thể sưởi ấm trái tim lạnh lẽo bằng năng lượng của tình yêu thương. Nhân ái có sức mạnh vĩ đại, xua tan đi những băng giá của trái tim lạnh lẽo nhất.
Tấm lòng nhân ái giúp con người xích lại gần nhau hơn. Từ đó gắn kết xã hội bằng tính yêu thương và tạo ra một xã hội hạnh phúc. Nó sẽ khởi và lan tỏa những điều tốt đẹp cho cuộc sống này.
Lòng nhân ái của con người chính là sức mạnh lớn lao giúp nhân loại vượt qua những khó khăn. Thời điểm hiện nay khi dịch bệnh Covid 19 khiến cuộc sống con người chao đảo, ai khó khăn càng khó khăn hơn. Chính lúc này đây lòng nhân ái của con người trỗi dậy mạnh mẽ. Bạn có thể thấy những bữa cơm 0 đồng, khẩu trang miễn phí, gạo miễn phí,…Trong thời điểm này, tiền bạc hay giàu nghèo đều không còn quan trọng. Quan trọng là vượt qua đại dịch, ai cũng khoẻ mạnh an toàn.
Lòng nhân ái có thể xua tan đi những cái rét cắt da cắt thịt của trẻ em vùng cao; giúp những người vô gia cư một bữa tối no bụng; tìm lại sự sống cho một ca bệnh hiểm nghèo; cho người nghèo một cái tết ấm no hơn;…
Nhân ái có sức mạnh to lớn thế đấy! Chúng ta phải khơi gợi lòng nhân ái của bản thân để chung tay tạo ra một cuộc sống tốt đẹp. Nếu tấm lòng nhân ái được lan rộng khắp thế giới thì con người sẽ sống trong sự hạnh phúc, tươi đẹp.
Giáo dục để khơi gợi lòng nhân ái
Khi đã biết lòng nhân ái là gì và nó quan trọng ra sao thì việc tìm cách để giữ gìn, lan toả đức tính tốt đẹp này là cực kỳ cần thiết. Chúng ta luôn được dạy rằng lòng nhân ái là một đức tính tốt đẹp. Tuy nhiên, không phải ai trong xã hội cũng có được đức tính này.
Xã hội nào cũng tồn tại hai mặt, có người tốt kẻ xấu, người giàu lòng nhân ái và người vô cảm. Hiện nay, xã hội còn có rất nhiều người sống cho riêng bản thân mình, không quan tâm, giúp đỡ những người xung quanh. Chính vì thế, chúng ta cần dẫn lỗi, giáo dục họ đến với các giá trị của tình yêu thương.
Lòng nhân ái là thứ ẩn dấu trong bản thân mỗi người. Ngoài bản tính vốn có, lòng nhân ái được hình thành thông qua sự giáo dục, định hướng của gia đình, nhà trường và cả những trải nghiệm của cuộc sống.
Đối với gia đình
Gia đình chính là trường học đầu tiên của mỗi chúng ta. Cha mẹ chính là những người thầy, người cô giảng dạy những bài học đầu đời. Chính vì thế, cha mẹ nên giáo dục con từ nhỏ về lòng nhân ái. Khuyến khích con trẻ giúp đỡ những người trong gia đình. Đây chính là nền tảng để sau này giúp đỡ những người khác ngoài xã hội. Giáo dục, chỉ dạy con bạn bằng các hành động cụ thể, đơn giản như:
-
Thấy các cụ già trên xe buýt, hãy nhường chỗ
-
Dắt các cụ già, người mù qua đường
-
Dùng lời nói để dạy con rằng phải yêu thương những người có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật, cụ già neo đơn.
-
Kể cho con nghe về những tấm gương vượt khó, tấm gương người khuyết tật đạt thành tích cao, đồng bào bị thiên tai,…
-
Chia sẻ sách vở, quần áo với các bạn nhỏ vùng cao,…
Trẻ em học hỏi và tiếp thu cực kỳ nhanh. Do đó, những bài học đầu đời cực kỳ quan trọng đối với sự hình thành lòng trắc ẩn, nhân ái. Nếu muốn nuôi dưỡng lòng nhân ái cho con thì bố mẹ hãy khơi gợi đức tính này cho con ngay từ khi còn nhỏ.
Đối với nhà trường
Nhà trường chính là nơi dạy con lòng nhân ái là gì? Trong các chương trình Ngữ văn hay Giáo dục công dân không thiếu những lý thuyết về nội dung này. Nếu như bố mẹ là những người khơi gợi lòng nhân ái của con, thì trường học là nơi nuôi dưỡng, phát triển nó.
Trường học sẽ phải tổ chức các hoạt động nhân ái như góp quỹ vì học sinh nghèo, quyên góp quần áo sách vở cho đồng bào lũ lụt, đôi bạn cùng tiến,… Các sinh hoạt ngoại khóa này sẽ giúp học sinh được tiếp xúc với các việc làm nhân đạo, giúp học sinh cảm nhận được niềm vui khi giúp đỡ người khác.
Đối với xã hội
Nếu có nền tảng đạo đức tốt từ sự giáo dục của gia đình và nhà trường thì khi ra ngoài xã hội, con người đó sẽ có định hướng đúng cho cuộc đời. Con người sẽ ý thức được việc phải sống có tình người, giúp đỡ những người xung quanh. Khi trưởng thành, họ có thể giúp đỡ những việc to lớn hơn khi còn bé.
Tuy nhiên, lòng nhân ái luôn tồn tại trong con người, có thể trỗi dậy cũng có thể biến mất nếu bị hoàn cảnh tác động. Khi con người biến chất do đồng tiền, danh lợi thì con người dễ vô cảm, mất đi lòng nhân ái.
Do đó, chính bản thân mỗi người phải tự giữ gìn tấm lòng nhân ái cũng mình. Sẵn sàng cho đi giá trị tinh thần hoặc giá trị vật chất mà không màng đến việc được báo đáp. Nhiều người giúp đỡ người khác lúc khó khăn nhưng trong thâm tâm vẫn suy nghĩ không biết họ đền đáp cho mình thứ gì? Đây không phải là lòng nhân ái, đừng lầm tưởng.
Xã hội cũng nên lên án những người vô cảm, thờ ơ, không có tình yêu thương con người. Đặc biệt với những người đã không giúp đỡ người trong hoàn cảnh khó khăn, lại còn đầy họ vào bước đường cùng.
Những minh chứng sống về lòng nhân ái
“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng” đây là một câu hát trong bài hát nổi tiếng “Để gió cuốn đi” – Trịnh Công Sơn. Đây là bài hát về lòng nhân ái, nhắc nhở chúng ta về sự ấm áp của tình người. Trong ca dao, tục ngữ Việt Nam cũng không thiếu những câu nói về tình thương giữa con người với con người. Ví dụ như, “lá lành đùm lá rách”, “thương người như thể thương thân”,…Đó là một thứ tình cảm tốt đẹp, kết nối trái tim lại với nhau, thể hiện trách nhiệm của bản thân với cộng đồng.
Bên cạnh đó cũng có những câu chuyện về các tấm gương giàu lòng nhân ái làm cho chúng ta cảm động, tự hào. Có thể kể đến một số tấm gương có những việc làm thể hiện lòng nhân ái như:
-
Ông Bùi Công Hiệp (Hồ Chí Minh) đã có hành động hiến tặng một gia tài khổng lồ là một ngôi nhà và 2500 mét vuông (trị giá hơn 100 tỷ) để xây dựng nên mái ấm tình thương
-
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Điểu (Vĩnh Long) thành lập cơ sở phục hồi chức năng, điều trị miễn phí cho gần 7000 người trong đó có hơn 5000 trẻ em bị bại não, nhiễm chất độc da cam và gần 1000 người lớn. Năm 2019, bà được tôn vinh giải thưởng “Sống đẹp” trong “Lễ trao giải KOVA”. Đây là ý tưởng nhen nhóm trong bà từ lâu và được thực hiện khi bà đã về hưu vào năm 2004. Bác sĩ dùng toàn bộ số tiền tiết kiệm để thành lập Cơ sở phục hồi chức năng trẻ bại não Ngọc Điểu. Bà đã điều trị bằng lòng nhân ái, đổi lấy viện phí bằng sự yêu thương của mọi người. Những người nơi đây gọi bà với cái tên vô cùng thân thương “Bà ngoại”.
-
Nghệ sĩ Nguyễn Thành Trung (Bảo Lộc, Lâm Đồng) đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng, kết hợp huy động bạn bè, người thân để xây dựng 15 căn nhà tình thương. Ông là người lan toả, kết nối những tấm lòng nhân ái lại với nhau.
-
“Thấy nhiều người cơ cực quá, mình làm ăn cũng khá nên san sẻ cho bà con” – Đây là chia sẻ của ông Phùng Ngọc Diệp (Vĩnh Long), người phát bánh mì, cơm miễn phí cho lao động nghèo. Mỗi lần phát cơm, ông Diệp chi 2 triệu đồng từ tiền của gia đình để mua 150 suất cơm, 150 – 200 ổ bánh mì để chia sẻ cho những người nghèo.
-
Câu chuyện về những lá đơn xin thoát nghèo luôn khiến chúng ta cảm động. Ví dụ, cụ Đỗ Thị Mơ (83 tuổi, Thanh Hoá), cụ Lang Văn Tần (81 tuổi, Nghệ An) và hơn 380 lá đơn xin thoát nghèo ở huyện Con Cuông, Nghệ An. Họ xin thoát nghèo không phải vì họ đã giàu mà vì họ cảm thấy nhiều người còn khó khăn hơn mình nên nhường lại cho những người khốn khó hơn.
-
Năm 2020 là một năm khó khăn của chúng ta, lũ lụt và dịch bệnh khiến nhiều người khó khăn nay càng khó khăn hơn. Nhưng cũng chính thời điểm này, lòng nhân ái của con người lại nổi lên mạnh mẽ. Chúng ta sẽ thấy nhiều mạnh thường quân ủng hộ lũ lụt, cả nước chung tay đóng góp quý vắc xin,…
Lòng nhân ái là gì? Chính là những việc làm trong những câu chuyện trên. Không có giải thích nào hợp lý hơn bằng những ví dụ thực tế. Lòng nhân ái ssex giúp con người Việt Nam xích lại gần nhau hơn, gắn kết bền chặt, xây dựng một đất nước hạnh phúc, ấm no.
Mẫu bài văn nghị luận về lòng nhân ái
Lòng nhân ái là một đức tính được đưa nhiều vào trong văn học. Đặc biệt là những bài văn nghị luận để người làm có thể tự mình phân tích, cảm nhận. Mayruaxemini.vn sẽ đưa ra cho bạn cách để triển khai một bài nghị luận về lòng nhân ái. Để cụ thể hơn, phù hợp với bối cảnh hiện nay, chúng ta sẽ thực hiện bài nghị luận về lòng nhân ái trong mùa dịch. Bạn có thể tham khảo dàn bài dưới đây để tạo nên một bài nghị luận hay:
-
Mở bài
-
Dẫn dắt vấn đề trực tiếp hoặc gián tiếp đều được.
-
Đặt vấn đề: Lòng nhân ai có vai trò quan trọng trong cuộc sống, vậy trong mùa dịch vai trò của lòng nhân ái được thể hiện ra sao?
-
Thân bài:
-
Giới thiệu qua về khái niệm của lòng nhân ái.
-
Phân tích lòng nhân ái trong mùa dịch biểu hiện qua những điều gì? Ví dụ chứng minh.
-
Sức mạnh của lòng nhân ái trong mùa dịch.
-
Bình luận: Lên án những hành động thờ ơ, vô cảm với nỗi đau của đồng bào, khó khăn của dân tộc.
-
Kết bài:
-
Khái quát ý nghĩa của lòng nhân ái trong tình hình dịch bệnh.
-
Đưa ra bài học từ vấn đề nghị luận và liên hệ bản thân.
Mong rằng với những thông tin lòng nhân ái là gì mà bài viết đưa đến, bạn sẽ có thể thấy được tầm quan trọng của đức tính này. Từ đó, bạn hãy rèn luyện, bồi dưỡng tình yêu thương của mình đối với mọi người, nhất là những người khổ hơn mình. Hãy làm những điều tốt đẹp để lan tỏa năng lượng lòng nhân ái đến mọi người xung quanh bạn nhé!
Nguồn bài viết: mayruaxemini.vn