Lớp 10 học những môn gì? Chương trình học lớp 10 có khó không? Đâu là những giải pháp “cứu cánh” giúp học tốt lớp 10? Có lẽ đây đều là những lo lắng mà bất kỳ bạn học sinh cuối cấp 2 nào cũng sẽ gặp phải. Hãy cùng Vinschool tìm hiểu bài viết dưới đây để được giải đáp các thắc mắc của các bạn nhé.
1. Lớp 10 học những môn gì?
Một số bạn sẽ không nhìn nhận được tầm quan trọng của việc tìm hiểu trước lớp 10 học những môn gì vì có thể các bạn nghĩ rằng không cần phải tìm hiểu sớm. Thế nhưng, suy nghĩ này đôi khi sẽ khiến các bạn không có sự chuẩn bị kịp thời, dẫn đến việc trở nên bối rối trong thời gian đầu bước vào cổng trường cấp 3. Ngược lại, việc nắm bắt thông tin các môn học của lớp 10 sẽ giúp các bạn có được sự sẵn sàng, chỉn chu và đầy đủ trong quá trình chuẩn bị.
Nhìn chung, các môn học của lớp 10 hiện tại không có sự khác biệt quá lớn đối với chương trình cấp 2. Có thể nói, điểm khác biệt lớn nhất nằm ở mức độ nâng cao của chương trình học. Nói cách khác, nội dung của các môn học lớp 10 sẽ có phần chuyên sâu hơn, đòi hỏi học sinh phải có năng lực học thuật cao hơn để sớm tích lũy kiến thức cho kỳ thi đại học. Hiện nay, theo kế hoạch được ban hành từ Bộ GD&ĐT, chương trình học lớp 10 sẽ bao gồm các môn sau:
- Toán
- Vật Lý
- Hóa
- Ngữ Văn
- Lịch Sử
- Địa Lý
- Sinh học
- Tiếng Anh
- Giáo dục công dân
- Công nghệ
- Giáo dục quốc phòng
- Giáo dục thể chất
- Tin học
Tuy nhiên, dự kiến kể từ năm học 2022 – 2023, nội dung chương trình giáo dục trung học phổ thông sẽ đổi mới theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT. Cụ thể, thay vì 13 môn bắt buộc như đã kể trên, các em học sinh sẽ học một số môn bắt buộc và một số môn được tự chọn, bao gồm:
- 7 môn học bắt buộc: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương.
- 2 môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.
- 5 môn học lựa chọn từ ba nhóm môn học (mỗi nhóm chọn ít nhất một môn): Nhóm môn Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và Pháp luật); Nhóm môn Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hoá học, Sinh học); Nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật).
Sự khác biệt của kế hoạch mới này so với những năm trước chủ yếu là sự phân bổ về số lượng môn học bắt buộc và tự chọn chứ không có sự thay đổi nhiều về nội dung học và các môn học. Với sự phân bổ mới này, học sinh sẽ có gần 100 cách để lựa chọn tổ hợp môn cho phù hợp. Chính điều này cũng sẽ khiến cho các bạn gặp khó khăn khi lựa chọn và sắp xếp môn học.
Vì lẽ đó, học sinh cần phải có sự tìm hiểu và chuẩn bị nghiêm túc về việc lớp 10 học những môn gì trước khi chính thức bắt đầu hành trình của mình. Trong thời gian đầu nhập học, các bạn cũng nên đầu tư thời gian để tìm hiểu kỹ lưỡng về chương trình giảng dạy để có kế hoạch học và ôn tập hiệu quả. Càng sâu sát trong khâu tìm hiểu và chuẩn bị, học sinh sẽ càng giảm bớt những lo lắng không cần thiết về chương trình học lớp 10. Qua đó, các bạn cũng sẽ có thể tập trung để học tập, rèn giũa bản thân và gặt hái các thành tích học tập và có định hướng rõ nét hơn giai đoạn chọn trường Đại học sau khi kết thúc chương trình THPT.
2. Một số môn học quan trọng cần chú tâm học tốt từ lớp 10
Trong số những môn học của lớp 10 kể trên, các bạn học sinh cũng cần xây dựng kế hoạch để tập trung ưu tiên một số môn học nhất định, cụ thể là các môn thuộc khối tự nhiên và khối xã hội. Điều này cũng cần được đặc biệt chú trọng đối với các bạn chưa thể xác định mình sẽ chọn khối nào để thi đại học.
2.1. Đối với Ban Khoa học tự nhiên
Đầu tiên phải kể đến là những môn học của lớp 10 thuộc ban Khoa học tự nhiên bao gồm: Toán, Hóa học, Vật lí và Sinh học. Rõ ràng, đây đều là những môn học nằm trong tổ hợp các môn thi tuyển và xét tuyển đại học cho một số khối thiên về tính toán, nghiên cứu, phân tích các con số hay các quy luật tự nhiên.
Ví dụ như: khối A1 sẽ có môn Toán, Vật lý; khối A sẽ có 3 môn Toán, Hóa học và Vật lý; khối B sẽ có Toán, Hóa học và Sinh học,… Học tốt các môn này từ lớp 10 sẽ giúp các bạn tự tin hơn khi thi tốt nghiệp cũng như tạo một bảng điểm đẹp để tham gia xét tuyển các ngành học thuộc khối tự nhiên.
Bên cạnh đó, một số kiến thức của chương trình lớp 10 sẽ liên quan đến chương trình lớp 11 và 12. Các công thức Vật Lý, phương trình Hóa học hay một số cách giải cho môn hình học không gian cũng sẽ được liên tục vận dụng từ năm này qua năm khác. Hơn nữa, khi nắm vững bản chất của một số công thức, các bạn cũng sẽ có tiền đề để đưa ra nhiều cách giải khác nhau cho cùng một dạng câu hỏi. Nếu đầu tư thời gian để trau dồi kiến thức của các môn này, các bạn sẽ có nền tảng vững hơn và không sợ phải đối mặt với “lỗ hổng” kiến thức trong những năm tiếp theo.
2.2. Đối với Ban Khoa học xã hội
Kế đến là ban Khoa học xã hội với 4 môn học cần được ưu tiên, bao gồm: Ngữ văn, Tiếng Anh, Lịch sử và Địa lý. Tương tự như ban Khoa học tự nhiên, một số môn thuộc ban xã hội cũng nằm trong tổ hợp môn thi tuyển và xét tuyển đại học. Chẳng hạn như khối C với Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý; khối D với Ngữ văn và Tiếng Anh,… Do đó, nếu có dự định theo các khối này, các bạn nên học thật tốt những môn thuộc khối xã hội để giảm bớt gánh nặng về khối lượng kiến thức và điểm số khi thi đại học.
Tuy không thể hiện rõ sự liên kết qua các năm học như môn Toán, nhưng các môn thuộc ban xã hội sẽ giúp học sinh tích lũy được một kho tàng kiến thức đồ sộ. Qua đó, các bạn sẽ có cơ sở để nghiên cứu về con người, văn hóa, lịch sử và rộng hơn là thế giới loài người.
Đối với môn Tiếng Anh, các kiến thức được dạy ở lớp 10 sẽ tạo điều kiện để các bạn trau dồi và nâng cao khả năng sử dụng ngoại ngữ của mình. Nếu bỏ qua những cấu trúc ngữ pháp quan trọng của chương trình học của lớp 10, các bạn sẽ khó đạt được điểm cao trong các bài kiểm tra liên quan đến tiếng Anh.
3. Những khó khăn mà học sinh gặp phải khi bước vào lớp 10 và giải pháp phù hợp
Bên cạnh mối quan tâm lớp 10 học những môn gì, các bạn học sinh chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa lớp 10 cũng đang gặp một số khủng hoảng trong giai đoạn chuyển cấp quan trọng này. Khủng hoảng đó có thể đến từ những tác động bên ngoài hay từ những thay đổi xuất phát từ bản thân các bạn.
Khó khăn gặp phải
Giải pháp
1 – Thay đổi về tâm sinh lý: Ở độ tuổi này, các bạn sẽ phải trải qua một số thay đổi về thể chất, cảm xúc, nội tiết tố và cả khả năng nhận thức. Một số bạn sẽ chưa thích nghi được với sự thay đổi này nên đôi khi sẽ rơi vào trạng thái khủng hoảng tâm sinh lý. Điều đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình học tập của các em tại trường.
- Cởi mở hơn trong việc chia sẻ các vấn đề gặp phải với người thân hoặc một ai đó mà các bạn tin tưởng để tìm hướng giải quyết.
- Xin lời khuyên từ những người lớn về cách mà họ đã đương đầu với những khó khăn này trước đây.
- Giữ được tinh thần lạc quan, tích cực để không gặp phải những rối loạn về mặt cảm xúc.
- Vận động nhiều hơn để rèn luyện tinh thần và thể chất, có như thế, các bạn mới có sức lực để chống chọi với mọi khó khăn.
- Bình tĩnh tìm các phương án khả thi nhất để giải quyết các vấn đề gặp phải.
2 – Chưa quen với môi trường mới: Bước vào cấp 3, các bạn sẽ phải bắt đầu làm quen với tất cả mọi thứ, từ trường lớp, thầy cô, bạn bè, nề nếp, kỷ cương,… Chính những điều này sẽ làm các bạn mất khá nhiều thời gian trong thời gian đầu và không thể tập trung toàn bộ thời gian cho việc học.
- Sớm tìm hiểu về ngôi trường mình sẽ theo học, chẳng hạn như môi trường học đường, các điều lệ và quy định cần phải nắm.
- Mạnh dạn làm quen với các bạn mới và thầy cô giáo mới trong những ngày đầu đi học.
- Sẵn sàng chia sẻ với thầy cô hoặc người hướng dẫn về những khó khăn trong việc thích ứng với môi trường học tập mới.
3 – Bỡ ngỡ với chương trình học mới: Một số thay đổi trong việc phân bổ chương trình học, cộng với những đòi hỏi cao về khối lượng kiến thức, năng lực tiếp thu và một số kỹ năng khác cũng sẽ khiến các em rơi vào hoàn cảnh lạc lõng và không theo kịp chương trình học của lớp 10.
- Nâng cao khả năng thích nghi và tiếp thu nhanh chóng của mình.
- Chú ý lắng nghe các bài giảng của thầy cô và đừng quên ghi chép lại nếu cần thiết.
- Tổ chức các buổi học nhóm với các bạn trong lớp để theo kịp bài học.
- Hỏi nhờ sự trợ giúp của thầy cô nếu gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp thu một số môn học.
Lẽ dĩ nhiên sẽ còn có nhiều vấn đề khác mà các bạn học sinh phải đối mặt khi chuyển sang bậc trung học phổ thông. Điều quan trọng là các bạn hãy luôn lạc quan và bình tĩnh để tìm ra hướng giải pháp phù hợp. Ngoài ra, để hạn chế tối đa những vấn đề này, phụ huynh cũng nên cân nhắc chọn những trường có sự quan tâm, chăm sóc và luôn chú trọng đến sự phát triển của học sinh trong trường.
4. Một số gợi ý giúp học sinh học tốt chương trình học lớp 10
Để học tốt những môn học lớp 10 cũng như để vượt qua những khó khăn trong ba năm cấp, các bạn học sinh hãy trang bị cho mình kiến thức và kỹ năng cần thiết như một số gợi ý dưới đây. Chỉ có khi xây dựng cho mình một tâm thế và trạng thái tốt nhất, các bạn mới có thể giảm bớt những lo âu trong học tập và thi cử.
- Tạo dựng thói quen tự học: Lập ra thời gian biểu và sắp xếp các hoạt động học tập cụ thể. Theo đó, đặt ra các nguyên tắc cho bản thân, đặt lịch nhắc nhở và chủ động, tự cam kết với chỉnh bản thân để rèn luyện thói quen tự học.
- Phân bổ thời gian học hợp lý cho từng môn: Hãy hạn chế tối đa việc học dàn trải. Tuy tất cả các môn đều quan trọng, nhưng các bạn hãy chọn ra những môn chính để dành nhiều sức lực và tập trung hơn. Sau đó, phân chia thời gian để học những môn còn lại.
- Tập trung nghe giảng: Để không bỏ lỡ những bài giảng của thầy cô cũng như những cuộc thảo luận, trao đổi giữa giáo viên và học sinh, các bạn hãy luôn nâng cao khả năng tập trung nghe giảng của mình. Các bạn cũng đừng quên ghi chép lại những kiến thức quan trọng có trong tiết học nhé.
- Xây dựng sơ đồ tư duy: Nếu các bạn cảm thấy khối lượng kiến thức của các môn trong lớp 10 là quá sức, hãy áp dụng phương pháp vẽ sơ đồ tư duy. Điều đó sẽ giúp bạn hệ thống lại các kiến thức đã học theo dạng sơ đồ để chắt lọc lại những thông tin quan trọng.
- Cân bằng thời gian nghỉ ngơi: Để có trạng thái học tập tốt nhất, các bạn cũng nên sắp xếp thời gian để nghỉ xả hơi sau giờ học. Các bạn cũng cần tham gia một số hoạt động thể dục, thể thao để nâng cao sức khỏe của mình.
- Khám phá bản thân: Để sớm có được định hướng học tập và phát triển, hãy tìm cách để khám phá những năng lực tiềm tàng của bản thân. Các dạng bài trắc nghiệm, đánh giá sẽ giúp các bạn xác định được tính cách, sở thích, đam mê, điểm mạnh – yếu của mình.
- Rèn thói quen học tập để nâng cao điểm số: Như các bạn đã biết, điểm trung bình môn của lớp 10 cũng nằm trong một trong những tiêu chí để xét tuyển Đại học. Do đó, các bạn hãy nỗ lực xây dựng một bảng điểm thật tốt thông qua việc học tập siêng năng, chăm chỉ.
- Tìm hiểu và tham gia hoạt động ngoại khóa: Nhằm giúp các bạn có thêm nhiều trải nghiệm trong đời sống học sinh, nhiều trường học, tổ chức đã và đang tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa thú vị. Hãy dành thời gian để tìm hiểu và tham gia các hoạt động phù hợp với sở thích và định hướng tương lai.
5. Tự chọn môn học lớp 10 với lộ trình tối ưu hoá của Vinschool
Tự hào là hệ thống giáo dục tư thục lớn nhất cả nước, Vinschool cung cấp các chương trình giáo dục từ mầm non đến trung học phổ thông với chất lượng giảng dạy đạt chuẩn quốc tế. Mang trong mình sứ mệnh kiến tạo nên những thế hệ học sinh là những công dân toàn cầu năng động, Vinschool trang bị cho các em những bộ kiến thức và kỹ năng cần thiết để làm hành trang trên hành trình phía trước.
Đối với chương trình giáo dục phổ thông, Vinschool đã tiến hành triển khai Đề án cải tổ chương trình học kể từ năm học 2019 – 2022 với nhiều điểm đổi mới. Cụ thể, học sinh sẽ được chọn từ khoảng 50 môn học của bậc phổ thông và cả bậc đại học dựa trên định hướng và năng lực của bản thân. Điều này cũng góp phần giúp học sinh giảm bớt tín chỉ khi theo học chương trình đại học. Mô hình này cũng cho phép các em được phát huy thế mạnh và vạch rõ định hướng phát triển cho tương lai.
Bên cạnh các môn truyền thống nằm trong chương trình giáo dục của Bộ GD&ĐT, Vinschool còn triển khai thêm nhiều môn học mới với sự kết hợp cùng các chuyên gia giáo dục hàng đầu quốc tế và Việt Nam. Chương trình bao gồm các môn như: GCED – Giáo dục công dân toàn cầu, Việt Nam học, CLISE – Giáo dục kỹ năng-phẩm chất,… Thêm vào đó, các môn Khoa học, Công nghệ thông tin, Tiếng Anh, Toán, Viễn cảnh toàn cầu và Thể chất cũng đã được Vinschool nghiên cứu và chỉnh sửa dựa trên các khung tiêu chuẩn quốc tế.
Để tìm hiểu thêm về lớp 10 học những môn gì ở Vinschool, quý phụ huynh vui lòng tìm đọc TẠI ĐÂY.
Ngoài ra, Vinschool cũng đã tổ chức Lộ trình cố vấn chọn môn để giúp các em học tập tốt các môn trong trường cũng như có kế hoạch chinh phục các trường đại học hàng đầu ngay từ khi còn là học sinh cấp 3. Chương trình này được tổ chức theo hình thức tư vấn chuyên sâu 1:1 với lộ trình phát triển cho từng năm học từ lớp 9 đến lớp 12.
Quý phụ huynh và học sinh cần tìm hiểu thêm thông tin về quy trình tuyển sinh vào lớp 10 tại Vinschool, vui lòng truy cập vào website hoặc bấm số 18006511 (bấm chọn ngôn ngữ và bấm số máy lẻ 1 hoặc 3 với khu vực Miền Bắc & Miền Trung; bấm số máy lẻ 2 với khu vực Miền Nam). Để được tư vấn chi tiết về lộ trình học tập và quy trình tuyển sinh tại Vinschool, phụ huynh đăng ký trực tiếp TẠI ĐÂY.