Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Huỳnh Bảo Toàn – Bác sĩ Nhi – Sơ sinh – Khoa Nhi – Sơ sinh – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Trẻ sinh non luôn đòi hỏi cần có nhu cầu dinh dưỡng bổ sung. Chính vì thế, sữa cho trẻ sinh non, nhẹ cân cần phải là nguồn dinh dưỡng tốt nhất để hỗ trợ trẻ khi chúng tiếp tục phát triển bên ngoài bụng mẹ. Dù sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng lý tưởng, trẻ sinh non có thể không được bú mẹ trực tiếp nên cần phải được chọn sữa cho trẻ sinh non phù hợp.
1. Nuôi dưỡng trẻ sinh non như thế nào?
Nuôi dưỡng bằng sữa cho trẻ sinh non tháng nhẹ cân phụ thuộc vào tình trạng trẻ sinh non như thế nào và liệu trẻ có mắc các bệnh lý khác hay không. Theo đó, việc chọn sữa cho trẻ sinh non cũng sẽ thay đổi và khi trẻ lớn lên cũng giống như đối với những đứa trẻ sinh đủ tháng.
Sữa mẹ có nhiều ưu điểm hơn so với các phương pháp nuôi con bằng sữa khác, tuy nhiên trong một số trường hợp có thể không cho trẻ sinh non bú sữa mẹ hoặc bé cần bổ sung thêm sữa mẹ.
Ngậm, nuốt và thở cùng lúc là điều mà tất cả trẻ sơ sinh đều phải học, trong khi đó, những trẻ còn rất nhỏ hoặc sinh non có thể chưa có đủ sức mạnh hoặc khả năng phối hợp để thực hiện được điều này. Nói chung, trẻ sinh ra sớm hơn 34 tuần của thai kỳ có khả năng không thể tự bú mẹ hoặc bú bình trực tiếp mà cần phải bú sữa mẹ hoặc sữa công thức qua ống truyền vào bụng qua mũi hoặc miệng. Mặt khác, những trẻ sơ sinh quá non, nhỏ hoặc ốm yếu cần được cho ăn qua một ống đi vào tĩnh mạch trong vài ngày đầu tiên.
Các chuyên gia trong đơn vị chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh (NICU) sẽ giải thích các lựa chọn về hình thức nuôi sữa cho trẻ sinh non tháng nhẹ cân cho cha mẹ. Đồng thời, cha mẹ hay người chăm sóc cũng sẽ được hướng dẫn cách chọn sữa cho trẻ sinh non và nuôi trẻ khi ra viện về nhà.
2. Chọn sữa mẹ làm sữa cho trẻ sinh non
Nếu có thể, sữa mẹ luôn là thức ăn tốt nhất cho bất kỳ trẻ sơ sinh nào. Lợi ích của sữa mẹ là do có chứa các chất giúp bảo vệ em bé khỏi bị nhiễm trùng, giảm nguy cơ mắc hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh cũng như các biến cố khác. Đặc biệt, đối với trẻ sinh non, việc cho con bú cũng làm giảm nguy cơ mắc một vấn đề nghiêm trọng về đường ruột được gọi là viêm ruột hoại tử.
Thực tế trẻ sinh non có thể cần nhiều năng lượng hơn và nhu cầu dinh dưỡng khác với trẻ sinh đủ tháng. Vì vậy, chọn sữa cho trẻ sinh non một cách lý tưởng, ngoài sữa mẹ, có thể cần một hoặc nhiều thứ sau:
- Bổ sung vitamin, khoáng chất và protein (trong sữa mẹ hoặc các chất bổ sung riêng biệt)
- Sữa công thức chuyên biệt cho trẻ sinh non
- Sữa do người mẹ khác hiến tặng
- Bổ sung chất dinh dưỡng qua một ống vào tĩnh mạch
3. Chọn sữa công thức làm sữa cho trẻ sinh non
Các chuyên gia chăm sóc trẻ tại đơn vị sơ sinh sẽ tư vấn về những lựa chọn sữa cho trẻ sinh non tốt nhất trong từng trường hợp, liều lượng cần thiết và khi nào nên thay đổi loại sữa này. Điều đó sẽ phụ thuộc vào thời kỳ đầu của trẻ như thế nào và trẻ nặng bao nhiêu. Sữa cho trẻ sinh non có thêm chất dinh dưỡng để đáp ứng nhu cầu tăng thêm. Thông thường, sữa cho trẻ sinh non được đưa vào cơ thể trẻ qua đường ống qua mũi hoặc miệng nhưng sau đó sẽ tập cho trẻ bú bằng bình khi trẻ đã biết hút và nuốt. Số lượng sữa sẽ được tính toán và thay đổi khi bé lớn hơn.
Ngoài ra, khi bé sử dụng bình sữa, việc tiệt trùng đúng cách là vô cùng quan trọng. Trẻ sinh non đặc biệt có nguy cơ bị nhiễm trùng cao, vì vậy điều này cực kỳ quan trọng. Nhân viên chuyên khoa ở đơn vị sơ sinh sẽ chỉ dẫn cho cha mẹ cách thực hiện việc này khi trẻ ra viện.
4. Các vấn đề về nuôi sữa cho trẻ sinh non
4.1 Nuôi dưỡng nhiều hơn một em bé
Nếu sinh đôi hoặc sinh ba trở lên thì nhiều khả năng là trẻ sinh non tháng nhẹ cân. Các nguyên tắc cho trẻ sinh non ăn hoàn toàn giống nhau nhưng việc chuẩn bị có thể khó khăn hơn.
Hoàn toàn vẫn có thể cho nhiều hơn một trẻ bú sữa mẹ vì các tuyến vú có khả năng sản xuất đủ sữa theo yêu cầu.Vì vậy, bà mẹ có thể nuôi hai con bú với sữa mẹ cùng một lúc. Tuy nhiên, tùy vào tình trạng ban đầu của trẻ cũng như tốc độ tăng trưởng hằng ngày, các chuyên gia trong đơn vị sơ sinh sẽ nhận định xem trẻ có cần thêm dinh dưỡng theo bất kỳ cách nào hay không.
4.2 Đau bụng
Trẻ sinh non có thể dễ bị đau bụng (đau colic) trong những tuần đầu. Trẻ bị đau bụng có biểu hiện bất an, quấy khóc nhiều hơn hầu hết các trẻ sơ sinh sinh đủ tháng.
Mặc dù tình trạng trẻ quấy khóc liên tục này được cho là do trẻ bị đau bụng, nguyên nhân chắc chắn lại hoàn toàn không được biết. Các bác sĩ sẽ cần xác định xem có nguyên nhân nào khác ngoài cơn đau bụng khiến trẻ quấy khóc, đặc biệt là ở trẻ sinh non có nhiều nguy cơ mắc các bệnh lý khác nhau.
4.3 Trào ngược dạ dày – thực quản
Trào ngược dạ dày – thực quản là một tình trạng phổ biến thường xảy ra ở trẻ sinh non. Sau khi bú, một phần sữa sẽ trào ngược từ dạ dày khiến trẻ có thể nôn trớ ra sữa và có vẻ khó chịu sau khi bú.
Tình trạng này xảy ra liên tục làm bé không yên tâm, khóc nhiều và có thể ảnh hưởng đến việc tăng cân, thậm chí hít sặc vào phổi khiến trẻ bị viêm phổi.
4.4 Các lưu ý khi nuôi dưỡng trẻ sinh non
Trẻ sinh non cần ăn ít nhất ba giờ một lần. Vì thể tích dạ dày của trẻ rất nhỏ, lượng sữa cho trẻ sinh non tháng nhẹ cân một lần tiêu thụ rất ít nên trẻ sẽ phải ăn nhiều bữa nhỏ để tăng cân.
Mỗi bé sẽ ăn sữa theo tốc độ của riêng mình. Mặc dù trẻ có thể ăn ba giờ một lần, quá trình bú của trẻ sinh non thường diễn ra chậm chạp. Cha mẹ sẽ sớm nhận ra kiểu nuốt và thở của trẻ. Trẻ ăn chậm dường như bú nhiều sữa hơn trong mỗi lần bú và có thể hài lòng và ngủ lâu hơn giữa các lần bú.
Miệng của trẻ thường rất nhạy cảm. Nếu trẻ đã từng phải đặt ống thở hay ống nuôi ăn trong miệng, tất cả những gì đưa vào miệng trẻ sau đó thường khiến trẻ rất đau đớn, có thể bao gồm cả vú mẹ hoặc bình sữa.
Trẻ sinh non chậm bú. Cho trẻ ăn quá nhanh bằng miệng có thể khiến trẻ không thích ăn hoặc bỏ bú. Trẻ cũng có nhiều khả năng gặp các vấn đề về tiêu hóa hơn so với trẻ sinh đủ tháng, vì hệ tiêu hóa của trẻ có thể không hoàn thiện như trẻ sinh đủ tháng.
Đừng ép bé ăn. Nếu trẻ không mút nhanh, mím chặt môi hoặc quay đi, chúng có thể đã no. Hơn nữa, luôn cho trẻ ăn theo yêu cầu, không phải theo lịch trình. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng trẻ sinh non tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn khi được cho ăn phù hợp theo nhu cầu.
- Cho bé làm quen với núm vú sớm. Ngay cả khi trẻ vẫn bú bằng ống, điều này sẽ giúp trẻ thích nghi với việc bú bình khi đã sẵn sàng.
- Giữ cho bé một lịch trình thức và ngủ đều đặn, để giúp bé ăn ngon miệng hơn.
- Đảm bảo rằng bé hoàn toàn tỉnh táo trước khi bú.
Theo dõi biểu đồ tăng trưởng của trẻ được thiết kế đặc biệt cho trẻ sinh non để ghi nhận sự tiến triển của trẻ. Nếu trẻ tăng trưởng chậm hay ngừng tăng cân, cần tham vấn bác sĩ nhi khoa để chọn sữa cho trẻ sinh non phù hợp hơn.
Tóm lại, sữa cho trẻ sinh non tháng nhẹ cân đặc biệt quan trọng cũng như đối với mọi đứa trẻ sơ sinh khác là phải có sữa mẹ. Tuy nhiên, việc cho con bú trực tiếp hay bằng cách nào mới là một thách thức. Vì thế, để chọn sữa cho trẻ sinh non, cha mẹ có thể tham khảo ý kiến bác sĩ nhi khoa nhưng điều cần thiết là phải biết cách theo dõi sự tăng trưởng của trẻ, đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho trẻ sinh non theo nhu cầu để trẻ lớn lên như mọi đứa trẻ khác.
Tại bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City đã tiếp nhận và chữa trị thành công nhiều ca trẻ sinh non đặc biệt có trường hợp sinh cực non (trẻ sinh non 24 tuần cân nặng chỉ 600gram)
Chăm sóc và điều trị trẻ sinh non là một trong những kỹ thuật vô cùng phức tạp, nguy cơ rủi ro cao cho cả sản phụ và thai nhi. Tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City, các ca sinh non đều được tổ chức bài bản dưới sự phối hợp của nhiều chuyên khoa: khoa sản, khoa gây mê và đặc biệt là khoa sơ sinh, khoa nhi. Việc này giúp hạn chế rủi ro và tăng hiệu quả điều trị đối với những vấn đề về sức khỏe mà trẻ sinh non có thể gặp phải. Nhờ đó, kỹ thuật điều trị trẻ sinh non tại Vinmec đã thu được những hiệu quả vô cùng tích cực, cứu sống nhiều ca sinh non tưởng chừng như vô vọng.
Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng bấm số hoặc đăng ký lịch trực tuyến TẠI ĐÂY. Tải ứng dụng độc quyền MyVinmec để đặt lịch nhanh hơn, theo dõi lịch tiện lợi hơn!