Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Trần Thị Ái Vân – Bác sĩ Y Học Cổ Truyền – Trung tâm Y Học Cổ Truyền Vinmec – Sao Phương Đông
Chữa sỏi thận bằng đông y là một lựa chọn điều trị của nhiều bệnh nhân. Tuy nhiên, trước khi lựa chọn phương pháp trị liệu này, người bệnh cần tham khảo ý kiến của bác sĩ. Vậy có những lưu ý nào khi dùng thuốc đông y trị sỏi thận?
1. Sỏi thận là gì?
Sỏi thận là một bệnh lý phổ biến ở nước ta hiện nay. Một số yếu tố làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận là: Uống ít nước, ứ trệ nước tiểu, calci niệu tăng, nhiễm khuẩn tiết niệu, citrat niệu thấp, nhiễm khuẩn đường tiết niệu, thay đổi độ pH nước tiểu,…
Người bị sỏi thận thường có các triệu chứng: Đau, tức, nặng vùng thắt lưng, có cơn đau quặn thận, có thể tiểu ra máu, tiểu buốt, tiểu rắt, có thể bị sốt,… Nếu để lâu, bệnh nhân có thể có các biểu hiện của ứ nước và ứ mủ ở thận, tiểu ít hoặc vô niệu.
Khi bị sỏi thận, những viên sỏi nhỏ có thể tự đi ra khỏi cơ thể bệnh nhân theo đường nước tiểu. Tuy nhiên, những viên sỏi to lại tiếp tục nằm trong bể thận, có thể gây ra những tai biến nghiêm trọng, gây hủy hoại thận,… Bệnh thường có biến chứng nhiễm khuẩn tiết niệu, viêm thận kẽ, viêm đài bể thận,… có thể dẫn tới suy thận mạn tính rất nguy hiểm. Nặng hơn, bệnh có thể dẫn tới vô sinh nếu không được điều trị kịp thời.
2. Chữa sỏi thận bằng đông y
Theo đông y, sỏi tiết niệu được gọi là thạch lâm, hình thành do bệnh nhân thường ăn nhiều thức ăn cay nóng, hóa sinh thấp nhiệt, uất kết lâu ngày dồn xuống bàng quang khiến khí hóa trở trệ không thông. Ngoài ra, sỏi thận có thể do phòng sự quá độ, thận âm hao tổn, âm hư hỏa động, gây ảnh hưởng tới tác dụng khí hóa của bàng quang, khiến tạp chất của nước tiểu bị hết lại, hình thành sỏi.
Vậy nên điều trị sỏi thận bằng đông y như thế nào? Tùy thể bệnh thấp nhiệt hoặc thận hư mà sẽ có các phương thuốc đông y trị sỏi thận khác nhau. Cụ thể:
2.1 Thể thấp nhiệt
Biểu hiện của bệnh nhân: Cơ thể trì trệ, nước tiểu có màu vàng hoặc đỏ, nước tiểu đục có cặn, sỏi, bị đau nặng và tức vùng thắt lưng.
Điều trị: Dùng phép thanh nhiệt, trừ thấp, bài thạch làm chủ đạo. Thường dùng các bài thuốc sau:
- Bài 1: 30g kim tiền thảo, 20g quả dành dành, 16g vỏ núc nác, 20 hoa và lá mã đề, 8g xương bồ, 12g mộc thông, 30g tỳ giải, 16g cam thảo đất, 20g ý dĩ nhân, 4g quế chi. Cách dùng: Nếu dược thảo tươi thì rửa sạch, thái nhỏ, sao vàng rồi hạ thổ. Nếu dược thảo khô thì để nguyên, cho vào niêu đất đun với 4 bát nước tới khi còn 2 bát nước thuốc thì cắt ra, cho thêm nước vào sắc tiếp thêm 2 lần, mỗi lần lấy 1,5 bát. Cuối cùng trộn nước thuốc lại, chia uống nhiều lần trong ngày, uống liên tục trong 2 – 3 tháng;
- Bài 2: 12g sa tiền tử, 12g mộc thông, 12g biển súc, 12g hoạt thạch, 12g cù mạch, 12g sơn chi tử, 8g đại hoàng, 6g cam thảo. Cách dùng như bài thuốc trên.
2.2 Thể thận hư
Biểu hiện của bệnh nhân: Nước tiểu màu vàng hoặc đỏ, tiểu đục có cặn và có sỏi, cơ thể mệt mỏi, đau lưng, mỏi gối, ngại vận động, trì trệ, ù tai, di tinh hoặc mộng tinh ở nam, rối loạn kinh nguyệt ở phụ nữ,…
Điều trị với bài thuốc đông y chữa sỏi thận sau: 30g tơ hồng (sao vàng), 30g tỳ giải, 20g thổ phục linh, 16g mã đề, 30g hoài sơn (sao vàng), 20g liên nhục, 12g thạch vĩ, 10g quy bản. Cách dùng: Nếu dược thảo tươi thì rửa sạch, thái nhỏ, sao vàng rồi hạ thổ. Nếu dược thảo khô thì để nguyên, cho vào niêu đất đun với 4 bát nước tới khi còn 2 bát nước thuốc thì cắt ra, cho thêm nước vào sắc tiếp thêm 2 lần, mỗi lần lấy 1,5 bát. Cuối cùng trộn nước thuốc lại, chia uống nhiều lần trong ngày, uống liên tục trong 2 – 3 tháng.
Trong dân gian, người ta còn sử dụng kim tiền thảo hoặc hạt chuối hột sắc uống hằng ngày thay nước cũng có tác dụng tốt trong hỗ trợ điều trị sỏi thận.
3. Một số lưu ý khi chữa sỏi thận bằng đông y
Không ít trường hợp bệnh nhân phát hiện đã có sỏi thận từ lâu nhưng chỉ uống thuốc đông y với hy vọng sỏi tiêu đi,… Nhiều người bệnh tự ý dùng thuốc đông y không đảm bảo chất lượng hoặc điều trị không đúng cách nên sỏi vẫn to lên, buộc phải phẫu thuật. Thậm chí, có trường hợp bệnh nhân sau một thời gian dài dùng thuốc đông y không đỡ mới nhập viện. Khi đó, nhu mô thận đã bị giãn, thận bị teo, chức năng thận suy giảm,… hay khối sỏi bị vỡ, gây tắc nghẽn, suy thận, hỏng thận,…
Do đó, các chuyên gia về thận tiết niệu khuyến cáo mỗi người nên khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 – 2 lần/năm để tầm soát và phòng ngừa sỏi thận. Khi có những dấu hiệu của sỏi thận, bệnh nhân không nên tự ý chữa bệnh, tự uống thuốc đông y mà nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được bác sĩ thăm khám và tư vấn phương pháp điều trị phù hợp.
Bên cạnh đó, để phòng ngừa nguy cơ bệnh tái phát, người bệnh cần chú ý uống nhiều nước (1,5 – 2 lít nước/ngày), ăn nhiều hoa quả tươi, tập thể dục thường xuyên đều đặn và tránh dùng những loại thức ăn, nước uống gây lắng đọng calci (pho mát, sữa),… Khi có triệu chứng đau lưng, tiểu buốt, tiểu rắt,… cần đi kiểm tra sớm để được điều trị kịp thời.
Trước khi lựa chọn chữa sỏi thận bằng đông y, tốt nhất người bệnh nên hỏi ý kiến bác sĩ để giảm tối đa nguy cơ xảy ra những rủi ro không mong muốn.
Trung tâm Y Học Cổ Truyền Vinmec – Sao Phương Đông được thành lập dựa trên những tinh hoa và sự kế thừa của hai nền Y Học Cổ Truyền và hiện đại trong khám và điều trị, với mục đích đem đến những lựa chọn tối ưu nhất cho khách hàng. Với đội ngũ bác sĩ chuyên khoa Y Học Cổ Truyền giàu kinh nghiệm và chuyên môn cao trong thăm khám và điều trị sẽ mang đến cho khách hàng các phương pháp trị liệu hiệu quả, an toàn và hợp lý nhất.
Đây là cầu nối giữa Y Học Cổ Truyền và Y Học Hiện Đại. Với các biện pháp dùng thuốc có nguồn gốc tự nhiên, cổ truyền, cùng với các trị liệu không dùng thuốc như dưỡng sinh, châm cứu, xoa bóp bấm huyệt. Trung tâm cũng là địa chỉ thích hợp cho những khách hàng nâng cao sức khỏe, dự phòng và điều trị các bệnh lý mạn tính thời đại.
Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng bấm số hoặc đăng ký lịch trực tuyến TẠI ĐÂY. Tải ứng dụng độc quyền MyVinmec để đặt lịch nhanh hơn, theo dõi lịch tiện lợi hơn!