(Đinh Việt Cường, xã Yên Sơn, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn)
Trả lời:
Ao nuôi xây dựng phải đảm bảo các điều kiện như chủ động nguồn nước cấp, không ô nhiễm; diện tích 1.000 – 3.000 m2 là phù hợp vì sẽ thuận lợi cho ăn và chăm sóc. Xử lý ao trước khi thả: Tiến hành tát cạn, vét bùn, chỉ nên để lớp bùn dày 15 – 20 cm. Phát quang bờ, bụi tạo mặt thoáng cho ao. Bờ bao đảm bảo chắc chắn, kiểm tra và lấp các chỗ rò rỉ. Sau đó, tạt vôi bột liều lượng 7 – 10 kg/100 m2 để diệt tạp, đồng thời giảm những chất độc tồn tại trong đáy ao. Nếu có điều kiện nên phơi khô đáy ao trong 3 – 5 ngày để thoát hết khí độc. Sau khi bón vôi 3 ngày, bón phân hữu cơ với lượng 20 – 30 kg kết hợp với 50 kg lá xanh cho 100 m2 (sử dụng loại lá cây thân mềm để làm phân xanh), rải đều khắp mặt ao. Lá xanh được băm nhỏ rải đều ở đáy ao, vùi vào bùn hoặc bó thành các bó nhỏ từ 5 – 7 kg dìm ở góc ao. Bắt đầu lấy nước vào ao ở mức 0,3 – 0,4 m, sau đó ngâm 5 – 7 ngày, vớt hết bã xác phân xanh, lấy nước tiếp vào ao đạt độ sâu 1,5 – 2 m. Nước trước khi được bơm vào ao cần phải được lọc kỹ bằng lưới lọc có kích thước mắt lưới nhỏ đề phòng cá dữ, cá tạp xâm nhập vào ao nuôi.
Hỏi: Trong quá trình nuôi cá nheo Mỹ, cần lưu ý gì về thức ăn để đạt hiệu quả kinh tế cao?
(Nguyễn Thành Long, xã Bình Dương, huyện Gia Bình, tỉnh Hải Dương)
Trả lời:
Cá nheo Mỹ ăn các loại thức ăn phụ phẩm từ các lò mổ gia súc, gia cầm, tôm, tép, cá tạp, ốc bươu vàng, giun… Ngoài ra, nếu sử dụng thức ăn công nghiệp cần đảm bảo hàm lượng đạm khoảng 28 – 30%, có như vậy cá mới phát triển bình thường. Khi cho ăn, người nuôi cần áp dụng kỹ thuật cho ăn 4 định: số lượng, chất lượng, thời gian và địa điểm. Đặc biệt, khẩu phần ăn thay đổi theo các giai đoạn phát triển của cá, cụ thể: Cá có trọng lượng < 100 g: cho ăn 3 – 5% trọng lượng cá; cá 100 – 300 g: cho ăn 2 – 3% trọng lượng cá và cỡ cá > 300 g: cho ăn 1,5% trọng lượng cá. Thời gian cho cá ăn 2 lần/ngày: Buổi sáng vào 6 – 8 giờ, buổi chiều 16 – 18 giờ. Vào những ngày thời tiết thay đổi cần giảm lượng thức ăn; đặc biệt khi cá có hiện tượng nổi đầu không nên cho ăn. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra ao cá nuôi, tốt nhất là vào mỗi buổi sáng và buổi chiều để biết hoạt động bất thường của cá. Vào những thời điểm thời tiết diễn biến thất thường, âm u hay mưa lớn hoặc hành động đánh bắt đều có thể làm cá dễ bị stress khiến cá bỏ ăn, nếu nặng có thể phát sinh bệnh và chết. Do đó, cần theo dõi chất lượng nước chặt chẽ và thường xuyên kiểm tra sức khỏe của cá. Các quá trình đánh bắt, kéo lưới cần được thực hiện một cách nhẹ nhàng, thao tác nhanh gọn.
Ban KHKT