Lưu ý khi uống thuốc bổ trong 3 tháng đầu thai kỳ
3 tháng đầu của thai kỳ là giai đoạn rất quan trọng. Đây là giai đoạn mẹ bầu cần bổ sung các loại dưỡng chất cần thiết để thai nhi phát triển toàn diện và tránh được những dị tật bẩm sinh.Lưu ý khi uống thuốc bổ trong 3 tháng đầu thai kỳ
MANG THAI 3 THÁNG ĐẦU NÊN UỐNG THUỐC BỔ GÌ?
3 tháng đầu là giai đoạn thai nhi hình thành các cơ quan và hệ thần kinh. Việc bổ sung một số dưỡng chất lúc này rất quan trọng để em bé sinh ra không bị những dị tật bẩm sinh. Dưới đây là 3 loại thuốc bổ thiết yếu trả lời cho câu hỏi mang thai 3 tháng đầu nên uống thuốc gì mà các mẹ bầu quan tâm:
Axit folic
Axit folic hay còn gọi là folate là một trong những vitamin B giúp sản xuất tế bào mới, đặc biệt là tế bào máu, rất cần thiết cho thai nhi. Thiếu axit folic sẽ gây ra thiếu hồng cầu, nguy cơ sảy thai, sinh non, sinh con nhẹ cân, nguy cơ khuyết tật ống thần kinh ở thai nhi (như bệnh nứt đốt sống – spina bifida; bệnh không não – enencephaly hoặc em bé sinh ra thiếu một phần não).
Chính vì quan trọng như vậy nên các chuyên gia đều khuyên phụ nữ cần đảm bảo 400cmg axit folic trong khẩu phần ăn hàng ngày (nhu cầu này ở người bình thường là 180-200mcg/ngày) trước khi mang thai 3 tháng.
Axit folic có nhiều trong gan và các bộ phận nội tạng động vật, các loại rau lá xanh (như cải bó xôi, cải xanh, súp lơ xanh…), các loại cây họ đậu, vừng, lạc, trái cây họ cam chanh và uống bổ sung thuốc dạng viên hoăc dạng nước.
Viên sắt
Hầu hết phụ nữ mang thai được khuyến cáo uống bổ sung viên sắt từ khi có thai đến sau sinh 1-2 tháng, liều dùng từ 27-45 mg sắt nguyên tố để phòng tránh thiếu máu thai kỳ. Khi mang thai, thể tích máu của mẹ tăng lên 50% nên cần bổ sung sắt để tạo hemoglobin – thành phần quan trọng trong hồng cầu, giúp mang oxy đi khắp cơ thể mẹ và thai nhi. Ngoài ra, sắt còn là một thành phần của enzym trong hệ miễn dịch, giúp bảo vệ cơ thể khỏi sự nhiễm khuẩn.
Trong giai đoạn 3 tháng đầu thai kỳ, thiếu sắt có thể gây sảy thai hoặc thai chết lưu.
Ngoài việc uống bổ sung viên sắt, mẹ bầu hãy tăng cường những thực phẩm giàu sắt như thịt đỏ, thịt bò, gan, các loại rau quả chứa nhiều vitamin C (họ cam chanh, đu đủ, ổi…), các loại rau lá xanh (rau bina, cải xanh, súp lơ xanh. Nên uống sắt sau ăn 1-2 giờ để thuốc được hấp thụ tốt nhất.
Canxi
Đây là dưỡng chất giúp hình thành hệ xương và răng cho thai nhi, tránh làm suy yếu hệ xương của người mẹ. Canxi còn đóng vai trò quan trọng trong quá trình co cơ, đông máu và giúp hệ thần kinh truyền tải thông tin.
Trong trường hợp mẹ bầu thiếu canxi, con dễ bị còi xương, sinh non, nhẹ cân, chậm phát triển trí tuệ. Mẹ dễ bị xốp xương, gãy xương do canxi bị rút bớt sang cho con.
Do đó, mẹ bầu cần bổ sung 1.000-1.200mg canxi mỗi ngày. Ngoài việc uống canxi theo chỉ định của bác sĩ, các mẹ hãy thay đổi chế độ ăn sao cho giàu dưỡng chất này, chẳng hạn như những thực phẩm từ sữa, pho mát, các loại rau lá xanh đậm, hải sản. Hãy uống canxi vào buổi sáng để tận dụng ánh nắng mặt trời có vitamin D3 giúp hấp thụ thuốc một cách tốt nhất.
MANG THAI 3 THÁNG ĐẦU NÊN VÀ KHÔNG NÊN UỐNG NƯỚC GÌ?
Ngoài uống những loại thuốc bổ kể trên, mẹ bầu có thể dùng các loại nước thiên nhiên để có được nguồn dưỡng chất tự nhiên cho cho thai kỳ.
Nhiều người sẽ đặt câu hỏi mang thai 3 tháng đầu uống nước cam được không. Nước cam chứa axit folic, vitamin C, canxi nên tốt cho mọi đối tượng. Lưu ý không dùng chung với sữa bởi protein trong sữa sẽ phản ứng với axit tartaric và vitamin C trong nước cam gây chậm tiêu, chướng bụng, tiêu chảy. Những mẹ bầu có vấn đề về dạ dày cũng tránh dùng nước cam. Nếu bạn bị tiêu chảy, hãy dùng nước cam pha loãng và uống ít một mỗi lần.
Loại nước uống quen thuộc thứ hai là nước mía, nó chứa nhiều vitamin A, C, nhóm B,… và các khoáng chất canxi, magie, kali, kẽm, các chất chống oxy hóa vô cùng tốt cho cả mẹ và thai nhi. AHA có trong nước mía còn cải thiện đáng kể những vấn đề mà phụ nữ mang thai thường gặp như sạm da, rạn da, nổi mụn. Vì vậy, với câu hỏi “mang thai 3 tháng đầu uống nước mía được không?” thì đáp án là CÓ. Lời khuyên cho các mẹ bầu khi uống nước mía trong giai đoạn này là chú ý vệ sinh an toàn thực phẩm, không uống vào sáng sớm và tối muộn để tránh lạnh bụng. Những người có khả năng tiểu đường cao cần tham khảo ý kiến bác sĩ khi uống nước mía.
>> Tìm hiểu thêm về bệnh tiểu đường thai kỳ TẠI ĐÂY.
Một loại thực phẩm nữa được nhiều chị em yêu thích là sữa đậu nành. Chúng chứa các axit amin cần thiết cho cơ thể, giàu canxi, sắt, folat, vitamin A, PP, D, Riboflavin và B12 hỗ trợ cho thai nhi phát triển tốt. Ngoài ra, đậu nành chứa những axit béo không no như linoleic, linolenic, omega-3 là giúp tăng cường hấp thu chất dinh dưỡng, ngăn ngừa vơ vữa động mạch, điều chỉnh huyết áp. Các chất xơ hòa tan và không hòa tan trong sữa đậu nành giúp kiểm soát đường huyết và giảm cholesterol máu, chống táo bón. Với những tác dụng kỳ diệu trên thì bạn không cần phân vân mang thai 3 tháng đầu uống sữa đậu nành có bị sao không nhé. Bạn chỉ cần lưu ý không nên dự trữ sữa đậu nành quá lâu bởi nó dễ bị biến chất, không pha đậu nành với đường đỏ để tránh chướng bụng, không uống nhiều món này một lúc (dưới 500ml là đủ) và không uống lúc đói. Sữa đậu nành không dùng kèm cam, quýt để tránh đầy bung, khó tiêu.
Một loại nước nữa khá phổ biến trong danh mục dành cho phụ nữ có thai là nước dừa. Tuy nhiên, với câu hỏi “mang thai 3 tháng đầu có nên uống nước dừa không” thì đáp án là KHÔNG NÊN. Nước dừa có tính hàn nên khi uống vào cơ thể dễ gây rối loạn về mặt chuyển hóa, điều này không tốt cho phụ nữ đang ở giai đoạn đầu thai kỳ. Ngoài ra, trong nước dừa còn có nhiều chất béo gây khó tiêu hóa. Điều này không tốt cho phụ nữ mới mang thai, còn đang trong giai đoạn ốm nghén, chán ăn, buồn nôn. Nhưng sau giai đoạn này, bạn hãy yên tâm sử dụng nước dừa bởi nó có nhiều dưỡng chất, giúp ngăn ngừa được các bệnh viêm đường tiết niệu và giảm nguy cơ sỏi thận, giảm táo bón, tốt cho nước ối, tăng cường hệ miễn dịch.
Trong thai kỳ, ngoài việc bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng, mẹ bầu cần tới bệnh viện để tiến hành thăm khám, xét nghiệm, siêu âm định kỳ, theo đúng chỉ định của bác sĩ.
Xem thêm
>> Mang thai 3 tháng đầu nên uống sữa gì?
> Mang thai 3 tháng đầu cần chú ý những gì?
Sản phụ khoa – Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc