Lưu ý không thể bỏ qua khi xông giải cảm

6,974

lượt xem

Xông hơi để chữa cảm cúm hay xông hơi nói chung có nhiều tác dụng tốt cho cơ thể, nhưng cũng có nhiều lưu ý khi áp dụng phương pháp này.

Thầy thuốc nhân dân, PGS. TS. Chu Quốc Trường cho biết, xông là một trong những phương pháp truyền thống của y học cổ truyền, được nhân dân ta sử dụng từ nhiều thế kỷ nay để giải cảm hoặc chữa cảm cúm.

Với bệnh nhân có triệu chứng như ho, hắt hơi, ngạt mũi, đau đầu, ớn lạnh, sợ rét, đau mình mẩy, bệnh nhân có thể sử dụng phương pháp xông giải cảm. Sau khi xông, bệnh nhân thường cảm thấy dễ chịu.

Những ai không nên xông hơi?

– Những người có triệu chứng ở trên (ho, hắt hơi, ngạt mũi, đau đầu, ớn lạnh…) nhưng nếu bị ra nhiều mồ hôi hoặc tiêu chảy thì không nên xông.

– Phụ nữ đang mang thai.

– Phụ nữ đang trong kỳ kinh nguyệt.

– Người già yếu, trẻ nhỏ dưới 12 tuổi.

– Người huyết áp cao, huyết áp giao động.

– Người có bệnh lý về tâm thần hoặc bệnh ngoài da nặng.

Một số lưu ý khi xông hơi:

– Không tắm ngay sau khi xông vì lỗ chân lông đang hở, gặp lạnh sẽ bít lại, không thoát được nước, dẫn đến dễ bị cảm.

– Chỉ nên để nhiệt độ xông hơi cao hơn nhiệt độ cơ thể khoảng 7-8 độ C và không được quá 30 phút.

– Nên uống bù nước sau khi xông, có thể uống 1 ly trà gừng nóng hoặc nước chanh nóng. Không nên dùng các loại nước lạnh, nước đá sau khi xông vì sẽ gây mất cân bằng nhiệt độ trong cơ thể một cách đột ngột.

– Trong quá trình xông, nếu thấy khó thở, tức ngực, choáng, bủn rủn… cần ngừng ngay. Trường hợp nguy cấp phải đưa tới bệnh viện cấp cứu.

– Không nên lạm dụng xông quá nhiều lần. Chỉ nên áp dụng phương pháp xông giải cảm trong những ngày đầu của bệnh và chỉ nên thực hiện 1-2 lần. Không nên xông quá lâu trong mỗi lần vì dễ ra nhiều mồ hôi gây rối loạn điện giải, nước của cơ thể.

Theo vtv.vn

Rate this post

Viết một bình luận