Mách bạn sử dụng oxy già đúng cách

Oxy già được dùng để sát khuẩn. Song, không phải tất cả các vết thương đều có thể sử dụng.

Oxy già dùng để làm gì?

Thạc sĩ Ngô Xuân Quỳnh, trường THPT Nam Sách 2, phụ trách Tạp chí Hóa học (hoahoc.org) cho hay oxy già còn có tên khoa học là hydrogen peroxide, có công thức hóa học H2O2. Đây là một chất lỏng trong suốt, nhớt hơn so với nước với nhiều nồng độ khác nhau từ 1,5-30%.

Từ lâu, oxy già được sử dụng như một thuốc kháng khuẩn thứ yếu, có tác dụng tẩy trắng, khử mùi và làm sạch vết thương.

Khi bôi oxy già vào vết thương, chúng ta thấy có hiện tượng sủi bọt bởi lúc này oxy già giải phóng ra oxygen có tác dụng kháng khuẩn, dẫn đến loại bỏ mảnh vụn của mô và loại bỏ mủ để làm sạch vết thương.

Tuy nhiên, khả năng kháng khuẩn chỉ đạt được hiệu quả cao nhất ở nồng độ 3%. Khi dùng ở nồng độ cao hơn, không những hiệu quả kháng khuẩn không còn cao, nó còn có thể gây ra sự tổn thương cho da và tế bào, làm hủy hoại những mô lành, gây bỏng ra. Nồng độ oxy già 30% được xem là đậm đặc nhất có khả năng gây chết cho các mô sống và tế bào lành.

Bên cạnh tác dụng diệt khuẩn, làm sạch viết thương, loại dung dịch này còn được dùng kết hợp với các chất khử khuẩn khác để tẩy uế tay, da và niêm mạc; rửa miệng trong quá trình điều trị viêm miệng cấp và súc miệng khử mùi; làm sạch ống chân răng và hốc tủy. Ngoài ra, nó còn có tác dụng cầm máu nhẹ .

Oxy già không lành như bạn nghĩ

Theo thạc sĩ Quỳnh, mặc dù oxy già được dùng rộng rãi và có thể tự ý mua tại bất kỳ hiệu thuốc nào nhưng thực tế, loại dung dịch này không lành như nhiều người tưởng. Chúng cũng có thể gây ra những tác dụng phụ ngoài ý muốn khi sử dụng không đúng về mặt thời gian và nồng độ. Khi sử dụng với nồng độ lớn và thời gian dài thì sẽ gây phá hủy ra và niêm mạc làm bỏng da.

Thạc sĩ khuyến cáo đối với những vết thương đang lành (đang lên da non) không được dùng loại nước này vì sẽ gây tổn thương mô, làm cho vết thương lâu lành.

Về điều này, bác sĩ CKI Lê Đắc Phú, phòng Cấp cứu, Bệnh viện Quân y 103 cũng cho biết, trong y học, oxy già được dùng tương đối phổ biến, đặc biệt hiệu quả với các vết thương do nhiễm khuẩn. Tất cả các bệnh nhân bị thương đều phải dùng dung dịch này.

Song, chỉ nên dùng nó với các vết thương vừa mới xảy ra. Với các trường hợp đã xuất hiện tổ chức hạt, tuyệt đối không bôi oxy già bởi nó sẽ làm tổn thương những tổ chức này khiến vết thương khó lành.

Theo bác sĩ Phú, chỉ dùng oxy già cho vết thương 1-2 ngày đầu, sang ngày thứ 3 nên thay thế bằng các dung dịch khác, ví dụ như muối sinh lý. Điều đó cũng có nghĩa, không nên để loại nước này tiếp xúc với da lành.

Nhiều chị em đã dùng oxy già để tẩy lông chân mà không biết rằng hành động này sẽ làm hoại tử mô vùng da quang khu vực tẩy.

Đặc biệt, nếu để dung dịch này bắn vào mắt sẽ gây tổn thương giác mạc, tương đương với các dung dịch gây bỏng khác. Thực tế, đã có trường hợp nhầm lẫn giữa lọ nước nhỏ mắt và oxy già, đổ trực tiếp dung dịch này vào mắt, gây mù vĩnh viễn.

“Trong trường hợp bỏng oxy già, cần nhanh chóng xử lý bằng việc rửa bộ phận tiếp xúc với nước muối sinh lý để làm loãng dung dịch”, bác sĩ Phú khuyến nghị.

Thạc sĩ Quỳnh cho biết thêm, hơi hydrogen peroxide có thể kích nổ trên 70 độ C, vì thế việc bảo quản dung dịch ở điều kiện mát rất quan trọng.

“Hơi hydrogen peroxide có thể tạo ra các chất nhạy nổ do tiếp xúc với các hydrocacbon như dầu mỡ. Do đó, việc chưng cất ở áp suất thường rất nguy hiểm. Các phản ứng nguy hiểm khác dao động từ bắt cháy tới nổ được khuyến cáo gồm: kết hợp cùng với rượu, các kêtôn, axit cacboxylic (cụ thể là axit axêtic), các amin và phốt pho”, thạc sĩ Quỳnh cho biết.

Theo các chuyên gia, việc uống trực tiếp oxy già rất nguy hiểm do sự phân hủy trong dạ dày sẽ giải phóng ra một lượng khí lớn dẫn tới chảy máu trong.

Theo quy định của Bộ Y tế, oxy già không được phép cho vào thực phẩm. Nhưng vì lợi nhuận, nhiều cơ sở đã sử dụng oxy già để tẩy trắng thực phẩm. Trong khi đó, những loại oxy già dùng chui trong ngành thực phẩm thường không tinh khiết và chứa nhiều tạp chất, độc chất có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ người dùng.

Theo Theo Zing

Rate this post

Viết một bình luận