Màu sắc trong tranh dân gian Đông Hồ
Màu sắc trong tranh dân gian Đông Hồ
1. Giá trị nghệ thuật của màu sắc trong tranh Đông Hồ:
* Tính chất trang trí biểu trưng của màu sắc:
Tranh Đông Hồ có được sức sống lâu bền và có sức cuốn hút đặc biệt với nhiều thế hệ con người Việt Nam cũng như du khách nước ngoài như vậy cũng bởi những đề tài trên tranh phản ánh đậm chất cuộc sống mộc mạc, giản dị, gần gũi gắn liền với văn hóa người Việt. Đó là con gà, con trâu, con cóc, con chuột; cảnh chăn trâu, đi bừa; các trò chơi vui ngày xuân như bịt mắt bắt dê, đánh đu, đấu vật… Nét vẽ giản dị, trong sáng, khoáng đạt chứ không cầu kỳ đi vào chi tiết. Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế cho biết việc dùng màu sắc trong tranh cũng có ý nghĩa riêng và phải phù hợp với mỗi đề tài khác nhau: nền màu đỏ cho tranh đánh ghen để lột tả được cái nóng giận bực bội ngột ngạt của không khí lúc đó, nền màu vàng cho cảnh vui tươi tràn ngập sắc xuân trên các bức tranh ngày tết, nền màu hồng nhạt cho tranh làng quê yên bình…
Không thể không kể đến yếu tố sử dụng gam màu cơ bản có tính tương phản sâu sắc trong tranh Đông Hồ. Khi nhắc đến tính tương phản màu sắc trang trí, ta thường ngầm hiểu là những cặp màu khi đặt cạnh nhau có sự đối lập nhau về sắc độ mạnh mẽ hay đối lập nhau về sáng tối. Về bản chất vầ một số hình thái vừa cụ thể vừa tinh tế. Màu tương phản làm tôn nhau thêm rực rỡ, lung linh. Thường được dùng trong trang trí, tranh vẽ cổ động, trang trí… Ở đây, các nghệ nhân Đông Hồ dân gian xưa tuy không được trang bị những kiến thức cơ bản nói trên, song họ đã biết khai thác triệt để yếu tố trang trí này. Bởi vì người ta thấy rằng, tranh dân gian thường được trang trí treo trong nhà vào những ngày tết cuối năm. Vì vậy trong tranh đòi hỏi cần có màu sắc tươi vui, rộn rã, “màu sắc biết nhảy múa” có nhịp phách ngày Tết. Chính yếu tố tương phản của màu sắc trang trí đã lột tả không khí của ngày Tết.
* Quan niệm về sự sắp xếp bố cục màu sắc trong tranh:
Tranh Đông Hồ hấp dẫn, độc đáo ở màu sắc, bố cục, khuôn hình. Với những chất liệu hoàn toàn tự nhiên, tranh Đông Hồ có màu sắc gần gũi, ấm áp rất đặc biệt mà có lẽ chỉ riêng Việt Nam mới có. Chỉ với 4 màu cơ bản: đen, vàng, đỏ, xanh, các nghệ nhân vẫn làm nên những bức tranh hết sức sống động, hài hòa và vô cùng độc đáo.
Nếu phối cảnh theo quy luật không gian xa gần phương Tây đã tạo ra lối bố cục tuần tự đúng theo cảm nhận của thị giác con người thì độc đáo thay các nghệ nhân Đông Hồ lại đi theo phối cảnh theo lượng Phương Đông để tạo ra bố cục không gian khái quát, chắt lọc về đường nét và màu sắc. Các nhân vật sự vật trong tranh thường được sắp xếp theo địa vị, tầng lớp, nhân vật chính có bố cục to, nhân vật còn lại, cảnh xung quanh nhỏ đi theo chức trách địa vị hay khoảng cách không gian còn lại trong tranh. Hoặc bố cục của tranh thường được thể hiện đầy đủ, trọn vẹn theo lối vẽ đơn tuyến bình đồ, do đó xem tranh dân gian Đông Hồ ta thường bắt gặp cái thú vị ở những nét ngây ngô, đơn giản nhưng hợp lý hợp tình. Một nét độc đáo nữa trong tranh dân gian Đông Hồ, đó là bên cạnh các hình thể, trong tranh thường có chữ đề thơ, mảng chữ là một phần tạo nên sự chặt chẽ và hoàn chỉnh trong bố cục không gian của tranh bên cạnh việc thể hiện rõ ý tưởng về nội dung. Nét chữ cũng là nét vẽ trong tranh, hài hòa, ăn ý với nét vẽ ở các hình thể khác. Bởi vậy trong tranh dân gian Đông Hồ, với chỉ vài nhân vật được tạo hình một cách đơn giản, không gian mang tính ước lệ cùng với những chữ đề thơ nhưng người xem vẫn cảm nhận thấy hết ý vị của tranh, dễ dàng nắm bắt được ý nghĩa cũng như tư tưởng mà người nghệ nhân muốn truyền đạt. Lấy ví dụ thưởng thức bức tranh Đàn lợn âm dương nhìn một cách tổng thể, đây là một bố cục hình chữ nhật được đặt trong khung hình chữ nhật. Bức tranh diễn tả lợn mẹ và đàn lợn con trông thật sinh động, các nét cong của mông, lưng và đầu lơn con trông mềm mại và nhịp nhàng song không làm mất đi hình mảng cơ bản của nó. Để tăng thêm sự hài hòa, cân bằng của đường nét, trên mình lợn được điểm xuyết bởi các vòng xoáy âm dương, vừa khiến các mảng đỡ đặc, vừa thể hiện tính hài hòa trong trang trí. Những con lợn trong tranh không giống lơn thực, những đặc điểm của mắt, miệng, tai, lưng được nghệ nhân khai thác triệt để và cường điệu hóa trong cách nhìn trang trí. Đặc biệt sự sắp xếp các con lợn quây quần bên nhau, giữa đàn lợn con và lợn mẹ hòa vào nhau tạo ra một bố cục chặt chẽ, thể hiện rõ chủ đề “chúc tụng” của tranh, chúc cho sự sinh sôi nảy nở, con cháu đầy đàn.
Nét là một phần cực kỳ quan trọng, quyết định đến vẻ đẹp cũng như nội dung của tranh, đó là nét thực, nét tạo nên hình mảng trong tranh. Nét và mảng bố cục màu trong tranh rất phong phú, không những nêu bật được nộ dung, chủ đề, tư tưởng của tác phẩm, mà còn gợi khối, tả chất rất giỏi. Chú trọng lột tả giá trị nội dung hơn là hình thức của tác phẩm. Trên tinh thần đó, tranh dân gian Đông Hồ thoát ra yếu tố tả thực. Xây dựng điện hình, mảng hình dẹt, bỏ qua vờn khối. Vai trò của thủ pháp ước lệ trong tạo hình được đề cao và khai thác. Chính nhờ thủ pháp đó, người nghệ nhân khi làm tranh đã bỏ qua các yếu tố đúng sai, đẹp xấu về mặt hình thức; chú trọng biểu cảm về mặt nội dung, sao cho tác phẩm mang được tiếng nói riêng, tình cảm của người sáng tác. Hơn thế nữa, sự tượng trưng, ước lệ về cách phối màu, dùng màu, thoát ly bản chất của cấu trúc tự nhiên sự vật, nâng lên bằng những gam màu, mảng màu có tính khái quát cao… Các nghệ nhân đã quy các hình tượng nhân vật trong tranh vào các dạng hình học cơ bản: như hình tam giác, hình thang, hình tròn, ví dụ như trong tác phẩm Đánh vật, Hứng dừa, Đánh ghen… Tập trung chú trọng vào những nhân vật, đối tượng chính, quan tâm những nhân vật, đối tượng chính, quan tâm những nhân vật trung tâm để xử lý hình, mảng hay biểu cảm nội tâm nhân vật qua đó, chuyển tải nội dung của tác phẩm đến người xem với hiệu quả trực cảm mạnh mẽ. Bố cục màu sắc được sắp xếp theo từng ô mảng màu chạy theo hình viền nét bao quanh. Bố cục màu được phân định rõ bởi đường quy nét bao quanh. Đây là hình tượng bố cục màu mạch lạc, nét riêng biệt. Trong hội họa, mảng nét, tả chất và hình thành khối rất cần thiết, trong tranh dân gian Đông Hồ mảng nét góp phần hình thành khối, trong bức tranh Thầy đồ cóc với cách sử dụng nét kết hợp với mảng đã diễn tả thành công hình khối nhân vật. Thầy đồ cóc nhân vật chính được diễn tả bằng mảng hình to nhất, thầy đồ cóc ngồi chễm chệ trên sập, nét vẽ thầy đồ cóc là những nét cong tả khối bụng, khối lưng, khối cổ và các nét chấm diễn tả chất xù xì của da cóc, trong tranh thầy đồ cóc được thể hiện to nhất đầy tính hách dịch, phía dưới là những học trò với những mảng, hình to nhỏ khác nhau và kích thước nhỏ hơn Thầy đồ cóc rất nhiều. Các nhân vật học trò được diễn tả với những hoạt động khác nhau cùng nét, mảng và màu sắc được thay đổi liên tục tạo nên tổng thể bức tranh là một lớp học lộn xộn: chỗ thì học trò đang chịu hình phạt, chỗ thì đọc sách, chỗ thì đang lo điếu đóm… Các nghệ nhân Đông Hồ luôn chú ý đến sự hài hòa giữa đường nét, mảng và màu sắc cũng như sự hài hòa về hình thể và khoảng trống sao cho giữa chúng có một tỷ lệ hợp lý, các mảng màu tươi được đặt cạnh nhau, được làm dịu bởi nét đen thông qua tác dụng tương phản và bổ túc.
Tranh Đấu vật
Tranh Hứng dừa
* Giá trị nghệ thuật của màu sắc thể hiện qua một số tranh dân gian Đông Hồ:
Tranh “Đàn cá”:
Tranh Đàn cá
Hình tượng “Cá” là loại đồ án phổ biến trên phạm vi rất rộng trên nhiều diện tích, dưới các chiều đại phong kiến người Việt xưa nhất là dưới triều đại Lê Sơ về sau. Bởi vì đã từ lâu cá đã ăn sâu vào đời sống cư dân và từ trong nếp câu cao dao, hò vè đến nghệ thuật Tôn giáo. Cá đã trở thành biểu tượng vươn lên trong cuộc sống, không cam chịu thân phận và bằng con đường học vấn để “hóa rồng” trở lên vị thế quan trọng, danh vọng cho bản thân, gia đình, dòng họ, xóm làng. Có thuyết cho rằng, con cá trong tiếng Hán phát âm là “ngư” đồng âm với chữ “dư”. “Dư” là dư thừa, no đủ nên tranh Tết hay vẽ về cá, ý chúc mọi người, nhà nhà no đủ. Hình tượng cá biểu tượng cho chí lớn, truyền thuyết dân gian kể rằng cá mãi không cam chịu sống kiếp cá bình thường mà luôn luôn chịu khó chờ dịp thi tài vượt qua “vũ môn” để hóa thành rồng. Chúng ta từng được biết đến tranh dân gian đề tài về cá như “Lý ngư vọng nguyệt” – Tranh Hàng Trống hay như tranh “Cá vượt vũ môn” nói về cốt cách nhân tính con người muốn ước mơ “công thành danh toại” trong sự nghiệp cuộc đời. Nhưng với tranh “Đàn cá” cho ta một hình ảnh hoàn toàn khác, tình mẫu tử. Bức tranh với lối vẽ của một bố cục chặt chẽ trong hình chữ nhật đã cho ta thấy sự quây quần khăng khít giữa cá mẹ và năm cá con bên nhau. Hình ảnh cá mẹ hơi “cuộn” mình lại, e ấp che chở cho đàn con, dường như ta đã từng bắt gặp dáng dấp người mẹ khom lưng “quặn” mình vất vả để nuôi con trong nhưng trang thi ca văn học. Các nghệ nhân thật khéo léo tài tình xây dựng hình tượng người mẹ “ẩn dụ” áo sờn nâu thổi vào đôi mắt có hồn, dù có vất vả mệt nhọc nhưng vẫn quan tâm, hiền dịu bên đàn con tinh nghịch. Bên cạnh đó là hình tượng lá sen cùng điểm hai bông sen vàng, đỏ xen kẽ, giá trị về tinh thần càng được tôn sùng cao hơn càng làm cho nhịp điệu bố cục tranh thật hòa quyện nhịp nhàng. Hình ảnh cá chép mẹ gắn liền với sen tượng trưng cho tâm hồn thanh khiết thật cao cả vượt lên trên mọi khó khăn thấp hèn. Đã từ lâu rồi ý nghĩa của màu nâu đã ăn sâu vào trong tiềm thức của người bởi sự mộc mạc, gắn liền với màu đất quê, màu áo của các bà, các mẹ rất đỗi thân quen. Màu nâu trong tranh “Đàn cá” là tông màu chủ đạo. Cả bức tranh đều toát lên màu nâu thật gần gũi, hòa quyện và đượm tình mẫu tử. Màu xanh cho niềm hi vọng, tương lai tốt lành cho đàn con. Đàn cá có năm cá con tượng trưng cho ngũ hành trời và đất “kim – mộc – thủy – hỏa – thổ” cầu mong sự vẹn toàn. Qua mỗi bức tranh, dường như ta thấy được một thông điệp nào đó mà các nghệ nhân xưa muốn gửi gắm ước mơ hay gần gũi nhất là thông điệp nào đó đến với thế hệ sau này.
Tranh “Vinh hoa – Phú quý”:
Tranh Vinh hoa – Phú quý
Trong hai bức tranh Vinh hoa – Phú quý, hình vịt, gà, hoa sen, hoa cúc, các mảng to nhỏ, dài ngắn khác nhau tạo nên sự phong phú về mảng nhưng vẫn đảm bảo sự cân bằng và hài hòa. Ở đó, cách sử dụng nét và lượng rất tài tình, tạo nên sự cân bằng, mảng to mảng nhỏ đặt khéo léo. Nét to, nhỏ hợp lý, chắc khỏe, có chỗ lại dùng nét đứt tạo chất, tạo chu vi hình thể trên con vật. Có chỗ thì mảng nhỏ nhưng dùng nét để vẽ (vòng yếm), vừa tạo hình, vừa có tính trang trí. Có thể nói, cách sử dụng mảng nét và màu sắc tạo nên vẻ đẹp của tranh dân gian Đông Hồ, nét xác định hình màu, nét xác địch hình, xác định màu, nét giữ cho mảng màu đằm trên giấy, tạo ra hòa sắc, tăng thêm vẻ đẹp của bức tranh, nét còn tạo sự nhất quán của hình và các mảng màu, diễn tả được tình cảm, tính cách nhân vật bằng những nét, to nhỏ đậm nhạt, mạnh mẽ khác nhau nhưng không làm cho bức tranh khô cứng, chắc nhưng uyển chuyển thanh thoát, có thể nói mảng nét trong sự phối hợp với màu sắc đã đạt đến một tầm cao của nghệ thuật. Tranh Vinh hoa là hình bé trai ôm gà trống. Gà trống chữ Hán là đại kê, có âm đồng với chữ đại cát/đại kiết. Đại cát cũng là tên 1 quẻ bói tốt nhất trong Bát quái gắn liền với hình tượng tranh Đại cát. Tranh Phú quý là hình bé gái ôm con vịt. Ý nghĩa chúc tụng của 4 bức tranh này đều được nghệ nhân thể hiện rõ ràng ở tên tranh. Trong bộ tứ quí này lại được chia làm 2 cặp bé trai – bé gái: Lễ trí – Nhân nghĩa và Vinh hoa – Phú quý với hàm ý chú cho có con cái thì phải có đủ cả trai lẫn gái, hay “có nếp có tẻ” như cách nói của các cụ xưa, như vậy mới là tròn đầy.
Tranh dân gian Đông Hồ với ngôn ngữ tạo hình đơn giản, dễ hiểu, hình tượng rõ ràng, đã đáp ứng được những nhu cầu về tâm lý, tư tưởng, tình cảm và mong ước của người dân lao động, vì vậy tranh dân gian Đông Hồ dễ đi vào lòng người với những ấn tượng sâu sắc, phản ánh các đề tài gần gũi với đời sống sinh hoạt của người dân, phản ánh ước mơ, khát vọng sống của con người về một cuộc sống no đủ, hạnh phúc. Các nghệ nhân Đông Hồ đã chuyển hóa những lời hay – ý đẹp, những kinh nghiệm đúc rút trong cuộc sống từ ngàn đời để lại vào tranh với những cách thể hiện rất riêng, độc đáo, tinh tế và giàu chất biểu cảm. Ngày nay “Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ” đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia và đang được lập hồ sơ trình UNESCO để xét tặng danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Với sự thành công cũng như sự quan tâm đó, mong rằng tranh dân gian Đông Hồ sẽ mãi “tồn tại, phát triển”, lưu giữ và phát huy những giá trị vốn có của mình, trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của nhân dân lao động.
Qua những bức tranh dân gian khác của làng Đông Hồ, bạn đọc lại thấy hình ảnh đặc thù quen thuộc từ thời Hùng Vương. Đó là con Cóc, một biểu tượng cho nền văn minh chữ viết của Văn Lang; con Rùa biểu tượng cho phương tiện chuyển tải chữ viết ở thời kỳ đầu lập quốc (“giống rùa lớn thường chỉ thấy ở sông Dương Tử”, như học giả Nguyễn Hiến Lê đã viết trong tác phẩm “Sử Trung Quốc” của ông). Hình ảnh trong tranh chú bé ôm Rùa, ôm Cóc là những hình tượng rất đặc thù trong văn hoá Việt Nam. Có thể nói rằng: khó có thể chứng minh được những hình ảnh này đã xuất hiện đâu đó từ một nền văn hoá khác; hoặc có thể chứng minh được rằng: những hình tượng này xuất hiện từ thời Việt Nam hưng quốc. Hay nói một cách khác, nội dung và những hình tượng này đã có từ một thời rất xa xưa: Thời Hùng Vương, cội nguồn của văn hoá Việt Nam. Bên cạnh những nét nghĩa gần gũi, dân dã đã phân tích bên trên, trong nội dung sâu xa của bộ tranh này, chúng ta còn nhận thấy một tư duy tiếp nối và là hệ quả của một thuyết vũ trụ quan cổ. Bức tranh thể hiện nội dung khác nhau với những cầu chúc, khác vọng sự bụ bẫm cho những đứa bé, thể hiện sự phú túc và ngay thơ thiên thần, ý nghĩa sâu xa cho những bức tranh này “nhận thấy một tư duy tiếp nối là hệ quả của thuyết vũ trụ quan cổ. Đó là thuyết ngủ hành âm dương.
2. Giá trị nhân văn của màu sắc trong tranh Đông Hồ:
* Tính triết lý trong quan niệm sống thể hiện qua màu sắc:
Tranh dân gian Đông Hồ, cũng như các loại hình nghệ thuật dân gian khác của Việt Nam nhằm phản ánh đời sống hiện thực, chủ yếu của người nông dân, và những quan niệm, mơ ước của họ. Sinh ra từ Kinh Bắc, một vùng văn hoá tiêu biểu của đồng bằng Bắc Bộ, lễ hội gần như quanh năm, tất cả những tranh dân gian Đông Hồ đều rực rỡ, tươi tắn, mang đậm một cái nhìn lạc quan, trìu mến và tha thiết đối với cuộc sống, ngay cả khi phản ánh những vấn đề gay go nhất như “Đánh ghen”. Dù là vợ cả có cầm kéo rất hùng hổ, nhưng phải chăng, cảm xúc từ những bức tranh không phải là sự kinh dị, sợ hãi mà là hài hước, vui nhộn? Bút pháp tranh Đông Hồ, cũng như các loại hình nghệ thuật dân gian Việt Nam khác, là bút pháp hiện thực; phần ước lệ tượng trưng chỉ đủ nâng cao ý tưởng nghệ thuật chứ không dẫn đến sự xa lạ hay siêu thực. Để rồi không đi đâu xa, tính triết lý về cuộc sống trong tranh dân gian Đông Hồ có giá trị riêng biệt ngay từ sự hình thành, phát triển ý thức hệ và tư duy lao động thể hiện trong tranh.
Triết lý về quan niệm sống trong tranh Đông Hồ chia ra làm nhiều mảng chúc tụng và thờ cúng. Ở mỗi thể loại các nghệ nhân đi sâu khắc họa những nét tiêu biểu, tinh thần sinh hoạt và đời sống tâm linh của người dân làng Việt nói chung và người dân làng Hồ nói riêng. Những bức tranh như “Lợn đàn” thuộc về mảng chúc tụng, vào những ngày lễ Tết người dân lạc Việt thường mua về dán trang trí cho vui cửa vui nhà, cả không gian căn nhà rực rỡ trong ngày vui năm mới. Ở đây chúng ta thấy nghệ nhân thật khéo léo khắc họa hình tượng đàn lợn to béo mập mạp, sự nhấn và tạc tạo lên trên hình tượng những chú lợn, hình tượng vòng xoáy âm dương thể hiện rõ sự đúc kết triết lý về luật tự nhiên. Chính vòng xoáy âm dương và hình tượng con lợn đã chứng tỏ nội dung rõ ràng về nguyên lí trong sự vận động của vũ trụ theo thuyết âm dương ngũ hành, trời đất thiên nhiên con người đều có mối quy hòa nhất định tác động qua lại với nhau. Sự sắp xếp các con lợn với nhau, giữa đàn lợn con cùng lợn mẹ hòa nhịp vào nhau thể hiện sự sinh sôi nảy nở, tạo ra một bố cục chặt chẽ. Về mặt màu sắc trên tranh tạo ra sự hài hòa theo sự tương phản các cặp màu xanh lục (mộc) đặt cạnh màu đỏ (hỏa) vàng (thổ) đặt cạnh xanh lục (mộc)… chính yếu tố đó tạo ra sự va đập màu sắc tươi sáng rực rỡ, những đường nét to khỏe chất phác tạo nên tố chất chân chất của người nông dân Việt Nam. Trong mạch nguồn đầy sáng tạo khác, nghệ nhân làng Hồ đi tìm phương thức và thẻ hiện tính tư tưởng khác như bức tranh “Thầy đồ cóc”. Đây là một bứa tranh giàu ý vị có tư tưởng triết lý cuộc sống cho một nét văn hóa người phương Đông. Các nghệ nhân đã miêu tả trong bức tranh là cả thế giới cóc, nhái ếch ương rất nhộn nhịp trong lớp học với một thầy ếch ngồi chỗm chệ trên chiếc sập đang dạy học. Hình tượng sinh vật, nhưng chúng lại có hành động nhân cách hoá như con người “trong tổng thề bố cục bức tranh các nghệ nhân có ý thức đặc vào dòng chữ ( Lão oa đọc giảng) tức là ông ếch một mình ngồi giảng dạy. Hình tựơng con cóc có vai trò to lớn trong quan niệm dân gian, thông qua hình tượng con cóc, các nghệ nhân đã khắc hoạ tính đề cao cội nguồn vai trò của con cóc trong các sinh vật “ con cóc là cậu ông trời/Ai mà đánh nó thì trời đánh cho đã đi vào tâm thức của người lạc việt. Sự đề cao hình tượng cũng là sự phụng thờ hình tượng có cội nguồn “Bức tranh thầy đồ cóc là chính là một mật ngữ hướng thế hệ con cháu tìm về cội nguồn tổ tiên”. Các hình tượng trong bức tranh là sự tổng thể các loại cóc nhái to nhỏ lớn bé khác nhau, hình tượng chú cóc lớn (ông thầy đồ) đang ngồi chễm chệ trên bàn và kiểm tra bài học trò của mình, còn các chú cóc, nhái xung quanh thay nhau làm những công việc nhà, chính những công việc đó phẩn phất nên tình cảm, một lối giáo dục mang tính phong kiến của nếp giáo dục Việt Nam. Qua bức tranh đó nói lên một cái nhìn châm biếm và có tính phê phán của ông cha ta về một lối giáo dục mà tồn tại hằng ngàn năm. Đó là trung tâm có tính đặc sắc của bức tranh, thế hiện chiều sâu minh triết quan niệm của ngưởi dân lạc Việt.
Tranh Lợn đàn
Tranh Thầy đồ cóc
Sự hình thành và phát triển của dòng tranh dân gian Đông Hồ có những thành tựu cũng như ý nghĩa tác động vào tư duy người thưởng ngoạn mang một giá trị riêng. Từ sự hình thành, môi trường công việc, chức năng của dòng tranh và tính phục vụ của dòng tranh đã tạo nên một giá trị thẩm mĩ, phản ánh của tư duy nông nghiệp, của nông thôn Việt Nam. Thông qua môi trường sống nông nghiệp, nó tác động chi phối nhiều hoạt động, tư duy và lao động của con người, trong điều kiện đó con người sáng tạo ra các sản phẩm văn hoá, các loại hình văn hoá nghệ thuật mang dấu ấn vùng, miền gắn với môi trường. Từ sự hình thành và phát triển ý thức và hệ thống tư duy lao động có tính vùng miền làm cho dòng tranh Đông Hồ có giá trị triết lý riêng biệt .
* Giá trị nhân văn của màu sắc thể hiện qua một số tranh Đông Hồ:
Tranh dân gian “Đánh ghen”:
Tranh Đánh ghen
Tranh “Đánh ghen” được khắc họa một cách chắt lọc về đường nét; tỉ lệ hình ước lệ theo một sự hợp lý của bản năng nghệ thuật và cảm thức trong sáng, hồn hậu, dí dỏm… Những quan niệm, mĩ cảm của người nghệ sĩ- nghệ nhân được thoát thai từ hiện thực cuộc sống được đưa vào tranh một cách tài tình và sâu sắc qua bố cục, đường nét của hình thể được khái quát và điển hình hóa nên cái không gian hiện thực trên tranh. Sự bình phẩm hay sự “đưa ra” những cảnh huống trớ trêu xảy ra khá phổ biến trong đời sống xã hội xưa cũng nhẹ nhàng mà thâm thúy kín đáo. Tranh “Đánh ghen” với lời đề “Thôi thôi nuốt giận làm lành. Chi điều sinh sự nhục mình, nhục ta”, bên cạnh hình tượng các nhân vật và không gian ươc lệ được hình tượng hóa gia cảnh của các nhân vật bằng các mảng tường hoa, bình phong… và hình ảnh người vợ cả dữ tợn, cầm kéo xông vào cô vợ trẻ (đang được người chồng ôm ngực bảo vệ) thách thức chìa tóc ra, vênh váo…khiến người xem cảm nhận được cái dư vị bi hài muôn thuở của đời sống “chồng chung vợ chạ” trong thực tế thường xảy ra trong các gia đình giàu có, của ăn của để.
Đặc điểm của tranh dân gian Đông Hồ là rất động và vui. Tranh Đông Hồ thường có nhiều yếu tố biếm họa mà bức “Đánh ghen” là một đỉnh cao. Yếu tố biếm họa thể hiện ở sự cường điệu hóa các hình thể và đường nét trong tranh, tạo nên sự sôi động, nét hài hước, vui nhộn trước một tình huống bi kịch gia đình. Xem tranh “Đánh ghen”, ta thấy yếu tố tĩnh và động được kết hợp hài hòa, dù cái động có phần trội hơn. Những hình ảnh tĩnh trong tranh là hình tượng cây tùng, bức bình phong, tường hoa, cây cảnh…đối lập là các hình tượng nhân vật rất động với dáng điệu quyết liệt trong sự giằng co của trận đòn ghen bất phân thắng bại giữa hai bà vợ mà hai nhân vật trung gian là ông chồng và đứa con. Nét vẽ trong tranh rất phong phú, những nét thẳng của bình phong, tường hoa làm tôn lên những đường cong của các nhân vật, vốn rất đặc trưng trong cách tạo hình của dòng tranh dân gian Đông Hồ. Một tổ hợp các đường cong được nối tiếp với nhau tạo nên các nhân vật có dáng điệu rất sinh động trong tranh. Tuy là vật thể tĩnh, nhưng chính đường cong của tấm bình phong cũng tạo nên nhịp điệu trong bố cục của tranh.
Các hình khối, mảng nọ đặt cạnh mảng kia có sự ăn ý hài hoà một cách tự nhiên, tạo nhịp điệu kết nối trong bố cục, góp phần làm cho không gian của tranh thêm chặt chẽ, hình tượng và sự khái quát về nội dung thêm sức hấp dẫn và đắc địa. cũng như ý nghĩa của việc dùng màu sắc phù hợp với mỗi đề tài khác nhau: nền màu đỏ cho tranh “Đánh ghen” để lột tả được cái nóng giận bực bội ngột ngạt của không khí lúc đó, nền màu vàng cho cảnh vui tươi tràn ngập sắc xuân trên các bức tranh ngày tết, nền màu hồng nhạt cho tranh làng quê yên bình v.v.
Các nghệ nhân Đông Hồ đã chuyển hóa những lời hay – ý đẹp, những kinh nghiệm đúc rút trong cuộc sống từ ngàn đời để lại vào tranh dân gian với những cách thể hiện rất riêng: Bên cạnh các hình thể, trong tranh thường có chữ đề thơ. Đó cũng là một nét độc đáo trong tranh dân gian Đông Hồ nói chung, tranh “Đánh ghen” nói riêng. Mảng chữ là một phần tạo nên sự chặt chẽ và hoàn chỉnh trong bố cục không gian của tranh bên cạnh việc thể hiện rõ ý tưởng về nội dung. Nét chữ cũng là nét vẽ trong tranh, hài hòa, ăn ý với nét vẽ ở các hình thể khác
Không gian nghệ thuật của bức tranh là không gian “tẩu mã” pha một chút “viễn cận”. Hầu như các nhân vật này được bài ra trên một mặt phẳng, vị trí nào cũng quan trọng. Tranh Đông Hồ phần lớn đều “chật chội”, nghĩa là không gian phẳng được sử dụng hết, đó là đặc điểm của loại tranh khắc gỗ: bù lại sự thiếu hụt của không gian sâu có một không gian dài, cao và vòng để thể hiện sự bất tận, và sự tượng trưng này rất có lợi thế để thể hiện ý tưởng của tranh
Bố cục không gian là yếu tố quan trọng làm nên sự thành công của bức tranh. Cách nhìn quyết định lối vẽ, còn phương pháp tạo hình sẽ liên quan đến hiệu quả nghệ thuật của bức tranh. Nếu phối cảnh không gian xa gần của hội họa phương Tây đã tạo ra lối bố cục tuân thủ quy luật thị giác thì ở tranh Đông Hồ nói chung, tranh “Đánh ghen” nói riêng, các nghệ nhân đã dùng phối cảnh ước lệ Phương Đông làm cơ sở để tạo ra lối bố cục không gian tượng trưng và khái quát. Bố cục của tranh thường được thể hiện đầy đủ, trọn vẹn trong một khuôn khổ nhất định của bức tranh, không có sự thiếu hụt, cắt gọt thô bạo như nhiều tranh hiện đại mà mọi hình thể sự vật trong tranh đều được hiện hữu đầy đủ không chống đỡ, che lấp lẫn nhau, mà hồn nhiên như cách nhìn của con trẻ ngây thơ vậy. Tuy nhiên, bố cục chặt chẽ theo cách nhìn của tranh dân gian
Tranh dân gian “Đám cưới chuột”:
Tranh Đám cưới chuột
Nhìn vào bức tranh “Đám cưới chuột” ai cũng có thể thấy rằng đây là một lễ hội đang diễn ra, gia đình nhà chuột không có gì tỏ ra cáu kỉnh, chỉ hơi nghiêm túc vì có lẽ là khoảnh khắc của một ngày vui hoan hỉ trong đám cưới. Nhân vật mèo to béo nhất trong tranh được sắp sếp ở góc nhìn chủ đạo bên phải phía trên, đang nhận lễ trong tư thế nghiêm nghị, có một chút gì đấy kiêu hùng, có đôi chút dò xét(cử chỉ “huơ”tay tỏ uy quyền, trên lưng có chữ Mưu) nhưng cũng tỏ ra tôn trọng ngày trọng đại của đôi vợ chồng mới. Theo thang bậc của tự nhiên, sự chia sẻ của cải vật chất này là để cho sự giải quyết mâu thuẫn tự sinh cho họ hàng nhà chuột và mèo. Họ hàng nhà chuột vốn hiểu được muốn có được sự yên ổn của mình cần phải “có lời” với mèo nên đã “mùng mà làm”(“hưng tác”, chữ trên đầu nhân vật chuột thứ hai). Đám cưới diễn ra theo đúng với nghi thức, “ngựa anh đi trước kiệu nàng rước theo sau”; chàng xênh xang đang hớn hở trong bộ áo gấm xanh; nàng thì e thẹn trong bộ áo màu gụ. Họ được rước đi, rạng rỡ trên con đường làng thắm son nhạt màu có điểm một vài vạt cỏ mạ. Chuột chú rể được che bằng lọng tía tượng trưng cho vinh quang, danh vọng lớn; chuột cô dâu dịu dàng trong chiếc kiệu bát cổng trang trí nhiều hoa văn; bốn chú chuột hầu hạ, ghé vai khiêng. Dám cưới có biển đỏ, dàn nhạc. Hai chú chuột thổi kèn đều có cung bậc khác nhau, kèn pha kèn đại.
Bức tranh tưng bừng về màu sắc, hài hòa về nhân vật và rất dễ nhận thấy sự vui tươi, mầm non của sự sống mới đâu đấy. Nó khiến ta tìm thấy dáng dấp đậm chất dân gian về một đám cưới người Việt xưa đầy màu sắc. Bức tranh thể hiện tõ tâm lý dỹ hòa vy quý của người Việt, muốn mọi người xung quanh đều được yên ấm no đủ. Hơn thế nữa bức tranh còn phản ánh về quan niệm triết học chứ không chỉ đơn thuần là xã hội học.
Cộng sinh để phát triển, bức tranh có hai nghĩa lớn: thứ nhất mô tả đám cưới nhà chuột đang lễ cho mèo để làm nền cho nghĩa thứ hai, đám cưới diễn ra yên bình hạnh phúc hay không đều qua tay mèo. Con mèo đại diện ho thế lực quan lại, thống trị; con chuột tượng trưng cho tầng lớp hạ đẳng bị áp bức bóc lột, bần cùng. Cả đời chuột từ khi sinh ra đến khi tác duyên “cưới vợ” sinh đàn, kéo lũ theo quy luật của tạo hóa, vẫn phải sống nhẫn nhịn trong nguy cơ, đe dọa của loài mèo.Vốn theo luật tự nhiên, mèo ăn chuột vậy không gì là yên ổn nếu như cả hai cùng được no đủ. Tư duy cộng sinh này đã đem lại sự yên ổn cho cả họ hàng nhà chuột. Mọi sự sống hay vật chất tồn tại đều có sự ảnh hưởng tương quan sinh, có mối quan hệ nhất định với nhau.
Như vậy qua bức tranh nói về mối quan hệ chuột – mèo ở đây toát lên tính nhân văn vừa thể hiện sự uy nghiêm nhừng vị tha của loài mèo vừa có ý nói lũ chuột mưu trí, gan dạ, biết nhường nhịn và mưu cầu hạnh phúc, khát khao được sống chung với mèo trong hòa bình. Tuy nhiên có người nhận định oái oăm rằng việc “đưa và nhận hối lộ” trong luật tục xã hội phong kiến bấy giờ cũng đã được quy vào “tội phạm và phải chịu hình phạt”. Theo logic này thì lũ chuột thật tinh quái, ma mãnh nên đã “trống rong, cờ rước”; tác nhạc inh ỏi cố ý phô bày việc hối lộ thì “trạng chết , chúa cũng băng hà” vì bản thân thiên hạ cũng đều biết cả, chỉ chờ đợi cơ hội vạch trần tội quan tham nhũng.
– Nguyễn Văn Lượng –
>>> Quy trình làm tranh Đông Hồ
>>> Tranh Sình
>>> Màu sắc trong tranh Hàng Trống