Sự yêu thích đối với màu xanh lá cây biến động mạnh theo thời gian. Theo dòng chảy lịch sử, nó lúc được yêu thích, lúc lại bị ruồng bỏ.
Mùa đông là thời điểm mà sắc đỏ và xanh lá lên ngôi. Bởi chúng gợi nhắc đến hình ảnh ông già Noel và cây thông. Nhưng, không chỉ đơn thuần là sắc màu chủ đạo của mùa Giáng Sinh. Gam màu Pantone 2017 còn mang trong mình nhiều câu chuyện thú vị khác.
Nỗ lực tái tạo sắc tố xanh
Trong một thời gian dài, nhân loại đã dày công nghiên cứu để tạo ra một sắc tố xanh thực sự. Thời Ai Cập cổ đại, màu xanh lá cây là biểu tượng của sự tái sinh. Lúc đó, người ta đã dùng khoáng chất đồng (copper) để sơn lên tường lăng mộ. Tuy nhiên, nó đắt đỏ và dễ hoá đen theo thời gian.
Người La Mã cổ đại đã nghĩ ra giải pháp: Ngâm đĩa đồng trong rượu để tạo ra verdigris. Đây là một sắc tố màu xanh lá thu được sau khi phong hóa kim loại. Màu xanh tương tự mà bạn có thể thấy trên các mái nhà bằng kim loại có lớp gỉ, đồng xu cũ hoặc các tác phẩm điêu khắc. Người La Mã cổ đại sử dụng chất màu này cho các bức tranh khảm, bích họa và kính màu.
Theo chiều dài lịch sử, nhiều sắc tố xanh đã được phát triển từ các vật liệu tự nhiên như thực vật. Nhưng màu sắc luôn bị mờ dần theo thời gian. Các họa sỹ thời kỳ đầu của thời kỳ Phục Hưng đã sớm có một phát hiện hay ho: Nếu vẽ các khuôn mặt bằng lớp lông tơ màu xanh lá cây, sau đó thêm màu hồng. Như vậy, khuôn mặt có màu sắc chân thực hơn. Tuy nhiên, lâu dần, màu hồng nhạt đi, khiến một số khuôn mặt có màu xanh ốm yếu.
Màu xanh lá, gam màu của sự hồi sinh…
Ở Ai Cập cổ đại, màu xanh lá mang ý nghĩa bảo vệ, hồi sinh. Hình ảnh thần Osiris, vị thần của nông nghiệp và tái sinh, vì thế có màu xanh.
Như hầu hết các màu sắc và biểu tượng, màu xanh lá có thể mang những ý nghĩa khác nhau tuỳ theo nền văn hoá. Có nơi cho đây là màu sắc của sự sống, niềm tin và thịnh vượng. Số khác lại xem đó là hiện thân của quỷ dữ và nguồn năng lượng xấu. Theo thời gian, những câu chuyện xoay quanh màu sắc này cũng vì thế mà nhiều lên.
Thiên nhiên xanh tươi được xem là nguồn cảm hứng bất tận của nghệ thuật. Nên chẳng ngạc nhiên khi màu xanh lá đặc biệt được ưa chuộng trong trường phái Ấn tượng. Đây là phong cách hội hoạ đề cao việc tái hiện khung cảnh gần gũi hoà mình giữa thiên nhiên. Bên cạnh đó, Art Nouveau cũng ứng dụng rộng rãi màu sắc này trong trang trí nội thất.
Ở thời điểm hiện tại, màu xanh lá mang nhiều ý nghĩa tích cực hơn hẳn. Gắn liền với những gì trong trẻo, mát lành nên sắc xanh này xuất hiện nhiều trên bộ nhận diện của các thương hiệu bền vững.
…cũng như màu xanh “chết chóc”
Đằng sau vẻ bề ngoài mát mắt xanh tươi ấy, màu xanh lá từng bị buộc tội dính dán đến cái chết. Điều này hoàn toàn không phải ngẫu nhiên!
Năm 1775, nhà hoá học người Thuỵ Điển tên Carl Wilhelm Scheele từng công bố một sắc xanh được đặt theo tên của ông. Màu xanh Scheele nhanh chóng được sử dụng rộng rãi dưới thời Nữ hoàng Victoria, mặc cho những ảnh hưởng độc hại của nó. Người ta tin rằng cái chết của Hoàng đế Napoleon có liên quan mật thiết đến nó. Bởi nơi ở của ông từng được sơn và trang trí bằng màu sắc này.
Đến thế kỷ 19, một tông xanh khác được điều chế, bằng cách hoà trộn đồng và asen. Chất tạo màu xanh này được cho là ít độc hại hơn phiên bản trước đó. Nhưng cũng không thể tránh khỏi liên quan đến số phận của nhiều hoạ sỹ trường phái Ấn tượng, vốn là những người mê đắm màu xanh của những bức tranh phong cảnh thời bấy giờ. Màu xanh Paris – tên gọi của sắc tố xanh mới này – ít nhiều là nguyên nhân gây ra bệnh tiểu đường của Paul Cezanne và chứng mù của Monet. Cuối cùng, năm 1960, chất màu này chính thức bị cấm.
Vui vui
Trong văn hoá Trung Quốc, người đàn ông đội một chiếc mũ màu xanh lá đồng nghĩa với việc bị “cắm sừng”! Vì vậy, người ta cũng hạn chế tặng nhau mũ nón có màu xanh lá cây tại đất nước này.
Tâm lý của màu xanh lá cây
Tại Tây phương, từ lâu đã hiện diện một phân nhánh tâm lý học liên quan đến các màu sắc. Các nhà nghiên cứu nhận ra rằng, màu sắc có khả năng chi phối cảm xúc của chúng ta. Vì vậy, tâm lý màu sắc là một bộ môn tâm lý học được áp dụng triệt để trong quảng cáo.
Trong một khảo sát, 93% người tham gia cho biết họ mua một món đồ chỉ vì hình thức bề ngoài đẹp mã. Và 85% cho biết màu sắc là yếu tố quyết định quan trọng nhất khi họ mua sắm. Trong số các sắc màu, xanh dương là gam màu được yêu thích nhất. Kế đến là xanh lá cây.
Những hiệu ứng tốt mà màu xanh lá mang lại
• Sự êm ả. Là gam màu của thiên nhiên và cây cỏ, màu xanh tạo sự an yên cho tinh thần. Trong nhà, bạn có thể sơn phòng ngủ hoặc phòng sinh hoạt gia đình với gam màu này để tạo cảm giác thoải mái. Mặc trang phục màu xanh cũng tạo cảm giác từ bi, thân thiện.
• Giúp tập trung. Nghiên cứu cho thấy, khi học sinh đọc sách in trên giấy màu xanh lá cây nhạt, họ mau chóng thuộc bài hơn.
Và các hiệu ứng xấu của gam màu này
• Gợi nhớ cảm giác ghen tuông. Trong tiếng Anh có cụm từ “green with envy”, ý là ghen tị đến mức mặt mày ngả màu xanh. Trong văn hóa Trung Quốc, màu xanh lá cây còn bị đánh đồng với sự ngoại tình.
• Tạo cảm giác tiền bạc. Nhiều quốc gia trên thế giới dùng màu xanh lá cây để làm mực in tiền. Ví dụ như đồng đô-la Mỹ hay bảng Anh. Vì vậy, gam màu này còn gợi nhớ sự xa hoa, đắt đỏ.
Harper’s Bazaar Vietnam