Mấy ai sống thật với tình cảm tri kỷ khác giới

Đọc bài: “Cảm ơn cậu đã giúp tôi tin vào tình bạn khác giới,” tôi muốn chia sẻ một số suy nghĩ nhỏ với các bạn.

Ngoài việc cảm động trước tình bạn mà tác giả dành cho người bạn của mình, tôi còn ấn tượng với việc đại đa số các bình luận khẳng định không có cái gọi là tình bạn khác giới, tình tri kỷ khác giới đúng nghĩa, chỉ có tình yêu đơn phương không được thừa nhận. Điều đó không làm tôi ngạc nhiên, chính tôi từng có lúc ngộ nhận do cũng là sản phẩm của xã hội, nhưng làm tôi có chút buồn.

Chúng ta đã quen với việc bỏ những khái niệm vào những chiếc hộp mà ta tự dán nhãn, ngay cả khi chúng trừu tượng hay chưa được ta hiểu hết. Ví dụ, đã cùng giới thì không thể yêu, đã khác giới thì không thể làm bạn. Qua thời gian, những chiếc hộp có thể lớn lên, nhỏ lại, nhãn có khác, nhưng chưa bao giờ thật sự mất đi. Những khái niệm không thật sự thuộc về một chiếc hộp có sẵn nào rất dễ bị cho là không tồn tại. Vậy, có hay không cái gọi là tình tri kỷ giữa những người hoàn toàn có khả năng nhưng không nhất thiết bị hấp dẫn tính dục bởi nhau? Tôi tin là có, nhưng hiếm. Hiếm không phải vì khả năng hấp dẫn tính dục tồn tại giữa hai người, mà vì thứ tình cảm tri kỷ vốn dĩ không hề dễ gặp, dù là giữa ai với ai. Không dễ gặp nhưng nó vẫn tồn tại.

Công việc của tôi là góp nhặt những thứ người ta bỏ quên trong quá khứ rồi chắp vá lại thành áo, khăn, chăn, nệm để giúp nhân loại ở hiện tại và tương lai được ấm hơn, dễ sống hơn một chút. Khăn hiện nay tôi đang may đòi hỏi phải tìm và trò chuyện với một số nhân chứng của quá khứ, để có thể giúp tôi hiểu thêm về những thứ tôi đang góp nhặt. Một trong những nhân chứng tôi có cơ hội tiếp xúc gần đây là một vị giáo sư kỳ cựu đã nghỉ hưu và ở độ tuổi bát thập cổ lai hy.

>> Chúng tôi đều có gia đình riêng nhưng vẫn giữ tình bạn khác giới

Đề tài tôi mong được trao đổi với giáo sư là về một vị cố thiền sư mà giáo sư từng thân thiết. Nói về vị thiền sư này, ông không nổi tiếng khắp thế giới hay thậm chí ở Việt Nam, ngược lại là một trong những vị ít nói và viết nhất, chỉ tập trung dịch kinh phật. Mỗi chữ ông thốt ra như giọt mưa buổi hạn hán. Thế mà qua những gì tôi đã đọc của ông, về ông, ông để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong tôi. Đoạn viết về ông, tôi mòn mỏi chắp bút hơn hai tháng vẫn không thể xong. Tôi nghĩ mình đã bị duyên trêu.

Quay lại vị giáo sư, dù quyết tâm, tôi chưa bao giờ tin có thể nhận sự đồng ý của ông để trao đổi. Sức khỏe ông yếu, nổi tiếng khó tính và rất ít khi cho báo đài phỏng vấn. Nhưng tôi đọc đủ để biết giữa ông và vị thiền sư kia có mối tri kỷ nặng tình. Tôi hy vọng nếu làm ông đủ tin tưởng rằng mình hiểu và trọn lòng trân trọng mối liên hệ đó, ông sẽ nhận lời. Sau khi đã viết thư dài để giới thiệu mình và giải thích những gì đã hiểu và cảm nhận về người tri kỷ của ông, ông đồng ý, dù vẫn không quên cho tôi biết cuộc trò chuyện này với ông là ngoại lệ: “Cô đã đánh vào điểm yếu của tôi, tôi không thể không cảm mến cô. Chỉ sợ ít lời, cô sẽ thất vọng”. Tôi vui mừng khôn xiết.

Khi trò chuyện với vị giáo sư về căn nguyên gặp gỡ giữa ông và vị thiền sư, giáo sư tả với tôi như sau: “Cô hãy tưởng tượng, phút giây tôi nhìn mắt thầy hôm đó, cảm giác cũng như đôi nam nữ lần đầu thấy nhau đã gặp tiếng sét ái tình. Cô có tưởng tượng được cảm giác tình yêu mãnh liệt, khủng khiếp đó không”? Tôi trả lời rằng chưa bị tình yêu sét đánh như thế, nhưng hiểu được cảm giác mà ông nói. Tôi chưa gặp thiền sư nhưng đã bị cuốn hút như thế rồi. Nếu gặp được, tôi chắc cũng tan chảy, mềm nhũn. Có phải vì tôi và vị giáo sư lãng mạn quá mức, hay là vì vị thiền sư kia có sức hút khó cưỡng? Hay đơn giản là vì tâm hồn của ba người nằm trên cùng một sợi dây đàn, nên có rung động nào cũng cảm nhận mạnh mẽ như nhau, xuyên không gian và thời gian?

>> Lỡ đi quá giới hạn với cô bạn khác giới

Trên bề mặt, chuyện tôi vừa kể có vẻ không liên quan đến chuyện có hay không tình tri kỷ hay tình bạn khác giới. Nhưng tôi cho rằng hai chữ “khác giới” ở đây chỉ tượng trưng cho những giới hạn mà ta được dạy không thể và không nên vượt qua. Về mặt này, tôi cũng đồng ý bởi vì ta không sống tách biệt khỏi xã hội, có những giới hạn ta vẫn phải tôn trọng. Nếu tôi là người phụ nữ có chồng, cũng không dám chắc mình sẽ không ghen nếu chồng có tình tri kỷ với người phụ nữ khác (nhưng tôi cũng không chắc mình sẽ ghen). Hoặc như tác giả bài trước, nếu người tôi xem là tri kỷ có những mối bận lòng gì riêng, tôi nhất định sẽ tự bắt mình giữ mức.

Điểm chính tôi muốn nói đến ở đây là bản chất của tình cảm tri kỷ giữa người và người. Thứ tình cảm hơn tình bạn nhưng không hẳn là tình yêu có đi kèm đam mê thể xác. Nếu hiểu đúng được tính chất của thứ tình cảm đó, tôi nghĩ ta sẽ thấy việc hai người có khả năng hấp dẫn nhau về mặt thể xác hay không thực tế không quan trọng. Nếu tin thứ tình cảm này có tồn tại, ta sẽ tin nó có thể tồn tại bất kể giữa đối tượng nào với đối tượng nào. Chỉ là, vì nó làm ta rung động quá mạnh mẽ nên ta dễ sợ hãi rằng nó không trong sáng.

Chính vì tình cảm này sâu đậm, nên vị giáo sư mới chọn lối so sánh với “tiếng sét ái tình” giữa nam nữ yêu nhau để giải thích cho tôi hiểu. Ông sợ tôi mắc kẹt trong lối hiểu thông thường của xã hội, sẽ không mường tượng được thứ tình cảm nào khác ngoài “bạn-yêu” để hiểu ông muốn nói gì. Có lẽ vì ông và vị thiền sư cùng giới tính, nên ông thoải mái với việc chọn vế “yêu” để giải thích với tôi hơn chăng? Nếu ông là nữ, rất có thể chỉ chọn vế “bạn” nhưng sẽ đính kèm theo đó một loạt hình ảnh, ngữ điệu bổ nghĩa cho tôi hiểu chữ “bạn” ấy không thể nào hiểu theo nghĩa “bằng hữu” thông thường.

Lẽ dĩ nhiên tôi hiểu, nếu thứ tình cảm đó chỉ là tình bằng hữu, ông đã không chấp nhận phá lệ cho một người vô danh, vô diện, chưa một lần gặp mặt dù chỉ qua màn hình máy tính, được trò chuyện không chỉ một mà tận hơn 10 lần (đã hứa với nhau sẽ còn gặp trong tương lai). Chúng tôi gọi điện đường dài trò chuyện vài lần mỗi tuần, về những chuyện ông dặn dò chỉ kể mình tôi biết (việc nhắc lại với ông là rất đau), vì còn ai chịu nghe ông giãi bày duyên nợ với người xưa? Còn ai có thể kể về người xưa cho tôi hiểu theo cách chỉ ông mới có thể kể? Ông biết đây là cơ hội cuối để giúp người xưa cất lên tiếng nói rất ít ai chịu nghe, hiểu. Tấm tình đó của ông dành cho tôi, người hiểu đủ để chịu và cần nghe ông nói là một phần, nhưng cho tri kỷ là vạn phần.

>> Bạn gái ở bên người khác mỗi khi không có tôi

Chính sự tương đồng trong những thang điệu cảm xúc mà tôi nghe được từ giọng nói run run nhưng đầy tình cảm của vị giáo sư, tôi đọc được từ bài tâm sự của bạn tác giả kia đã củng cố niềm tin trong mình rằng tình cảm tri kỷ là có thật, không phân biệt ranh giới, giới tính, không gian, thời gian, hoàn cảnh. Một người có dám sống thật với tình cảm đó hay không, có bao nhiêu người hiểu được bản chất của nó, lại là chuyện khác. Con người không dám nhìn nhận hay không thể hiểu một thứ, không có nghĩa là thứ đó không tồn tại, lại còn là rất thật và rất đẹp.

Tôi đã nghĩ, bất cứ khi nào có thể cho trái tim thêm chỗ để thở là việc rất nên làm. Ở mặt đó, tôi chia sẻ sự đồng cảm cá nhân đến tác giả bài trước, đến những người đã, đang và sẽ trải nghiệm được cái gọi là tình tri kỷ, dù là với ai và có lâu bền hay không, dù có chọn cách gọi nó là tình yêu hay không.

Minh

Độc giả gọi vào số 024 7300 8899 (máy lẻ 4529) trong giờ hành chính để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc

Rate this post

Viết một bình luận