Việc tắm sẽ giúp thúc đẩy tuần hoàn máu và mang lại sự thoải mái cho bà bầu. Tuy nhiên, khi tắm trong thời kỳ mang thai cũng cần phải có những chú ý.
Nhiều mẹ bầu khi mang thai thường xuyên tắm nước nóng, đó là một sai lầm, vì thực tế nó có một số tác dụng không tốt cho bạn và bé.
Có nên tắm nước nóng khi mang thai?
Thời tiết đã vào thu, không khí cũng se lạnh hơn, chính vì thế các chị em bầu bí cũng rất băn khoăn về việc có nên tắm bằng nước nóng khi mang thai hay không. Trên các diễn đàn dành cho phụ nữ, có thể bắt gặp rất nhiều những phân vân, thắc mắc được các mẹ bầu chia sẻ.
“Bình thường mình vẫn rất thích tắm nước nóng hoặc đi xông hơi vì sau một ngày làm việc vất vả ở cơ quan thì tắm nước nóng giúp xua tan tất cả mệt mỏi một cách nhanh chóng. Nhưng hiện nay mình lại đang mang bầu và thấy mẹ chồng bảo không được tắm nước nóng vì cho rằng tắm nước nóng không tốt cho em bé và quá trình mang bầu. Mình không hiểu tại sao tắm nước nóng lại không tốt nhỉ?” – nickname meyeucon thắc mắc trên diễn đàn phụ nữ.
Nickname Thu Ngân thì cho rằng:“Thời tiết mùa thu mà tắm nước lạnh thì sao chịu nổi được các chị nhỉ? Mà tắm nước nóng lại ảnh hưởng đến con. Em lo lắm”.
Nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học hiện nay cũng chỉ ra rằng, tắm nước nóng không tốt cho sức khoẻ bà bầu trong suốt toàn bộ thai kỳ. Trong khi các chuyên gia đã có lời khuyến cáo bà bầu tuyệt đối tránh tắm nước nóng, xông hơi hoặc tắm nước nóng trong bồn tắm suốt thai kỳ của mình nhưng không phải tất cả các chị em đều hiểu được tầm quan trọng của vấn đề này.
Tại sao tắm nước nóng không tốt?
Sự tăng nhiệt độ làm nóng nước ối, gây ảnh hưởng đến bào thai. Khi nóng, cơ thể mẹ xuất hiện cơ chế thoát mồ hôi nhưng bé nằm trong bụng mẹ thì không như thế.
Gia tăng thân nhiệt mẹ có thể phá hủy các tế bào trong bào thai cũng như ngăn cản oxy tới được với bé. Nguy hiểm hơn, nó còn dẫn tới dị tật thai nhi hoặc sảy thai. Nước nóng làm tăng nhiệt độ cơ thể cho mẹ bầu khi sử dụng. Nếu nhiệt độ cơ thể lên quá 38 độ C sẽ làm tăng nguy cơ khuyết tật ống thần kinh của bé trong 3 tháng đầu tiên và mất nước về sau trong thai kỳ.
Một lý do nữa mà các mẹ nên tránh tắm nước nóng là vì sức nóng của nước có thể làm cho mẹ bầu cảm thấy chóng mặt và làm hạ huyết áp. Trong khi đó, hiện tượng huyết áp thấp lại cần phải tránh trong suốt thai kỳ bởi vì điều này có thể làm giảm số lượng máu dẫn đến nhau thai.
Nhiệt độ nước tắm quá 40ºC có thể gây choáng cho mẹ. Do áp lực của nước nóng, sự vận chuyển oxy tới não bị chậm lại nên bà bầu dễ bị hoa mắt, mất nhận thức tạm thời. Nguy hiểm hơn là có thể bị ngã.
Cách tắm an toàn cho phụ nữ mang thai
Như vậy, tuy tắm nước nóng khi mang thai không tốt cho sức khoẻ bà bầu nhưng vào những ngày lạnh, chị em vẫn có thể sử dụng nước ấm khoảng 35-37 độ hoặc nhiệt độ thấp hơn nữa để tắm và ngâm mình trong bồn tắm để thư giãn. Thời gian tắm không nên kéo dài quá 20 phút mỗi lần.
Các mẹ bầu nên hạn chế những hoạt động, tập luyện quá mức để cơ thể bị nóng, làm tăng nhiệt độ cơ thể như: tắm hơi hoặc tắm bồn, tắm vòi sen bằng nước rất nóng, ra ngoài trong thời tiết nóng hoặc khi tập thể dục.
Để kiểm tra nhiệt độ bồn tắm có phù hợp để tắm không, mẹ bầu có thể ngâm khuỷu tay của mình xuống bồn tắm để thử nghiệm độ ấm của nước bởi vì khuỷu tay chính là nơi có nhiệt độ nhạy cảm nhất cơ thể và chúng cũng an toàn hơn so với các bộ phận cơ thể khác như bàn tay hoặc bàn chân.
Mặc dù tắm nước nóng khi mang thai không hoàn toàn được khuyến khích nhưng tắm nước ấm lại là một cách tuyệt vời để thư giãn và chăm sóc cho các mẹ bầu rất tốt đấy các mẹ nhé!
Khi mang thai, cơ thể người phụ nữ sẽ có nhiều thay đổi về sinh lý như tuyến mồ hôi và tuyến bã nhờn tăng cường bài tiết, các chất ở âm đạo cũng tăng. Nếu không được vệ sinh sạch sẽ, cơ thể sẽ cảm thấy vô cùng khó chịu, mệt mỏi. Lúc này, tốt nhất là mỗi ngày thai phụ nên tắm 1 lần/ngày vào mùa hè và 2 ngày/lần vào mùa đông.
4 nguyên tắc giúp mẹ bầu tắm đúng cách
Mẹ bầu tắm đúng cách cần tuân thủ những nguyên tắc sau:
Nguyên tắc 1: Không tắm quá lâu
Không nên tắm quá lâu là nguyên tắc đầu tiên bởi hệ thống thông gió trong phòng tắm rất kém, độ ẩm lại cao, điều này sẽ làm giảm lượng oxy không khí trong phòng tắm khiến huyết quản của thai phụ giãn ra, máu dồn về tứ chi, lượng máu đổ về não và cuống rốn lại bị giảm đi gây ảnh hưởng không tốt cho thai nhi.
Nếu tình trạng này kéo dài, hệ thống thần kinh của thai nhi có thể sẽ bị ảnh hưởng. Chính vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo rằng, các thai phụ không nên tắm quá 15 phút.
Nguyên tắc 2: Nhiệt độ nước tắm không nên quá cao
Nhiệt độ nước tắm quá cao sẽ khiến cơ thể bà bầu tạm thời tăng cao, như vậy, nhiệt độ nước ối cũng sẽ tăng lên. Theo các nghiên cứu cho thấy thì khi tắm 15 phút trong nhiệt độ nước cao hơn nhiệt độ cơ thể thì nhiệt độ cơ thể có thể tăng lên tới 38,9 độ.
Trong khi đó, thai nhi nằm ngập trong nước ối và điều này sẽ khiến hệ thống thần kinh của thai nhi bị ảnh hưởng gây ra các dị tật như không có não, vẹo cột sống… Chính vì vậy, tắm nước nóng khi mang thai cần chú ý nhiệt độ từ 34 đến 36 độ C.
Nguyên tắc 3: Hạn chế tắm bồn
Bình thường, âm đạo của phụ nữ mang thai luôn có độ axit nhất định để chống lại sự sinh sôi nảy nở của vi khuẩn gây bệnh. Trong thời kỳ mang thai, đặc biệt là ở giai đoạn cuối của thai kỳ, cơ thể sẽ tiết ra một lượng hormone nữ và hormone mang thai, lượng hormone mang thai thai nhiều hơn lượng hormone nữ sẽ khiến dịch tiết ra từ âm đạo giảm nên dễ bị vi khuẩn bên ngoài tấn công.
Lúc này, nếu thai phụ tắm trong bồn thì nước ở bồn tắm có thể vào âm đạo và dễ khiến cổ tử cung bị viêm nhiễm, thậm chí viêm bộ phận sinh dục ngoài dẫn tới đẻ sớm.
Nguyên tắc 4: Sàn phòng tắm nên lát đá chống trơn trượt hoặc đi dép có ma sát cao
Mang thai khiến cơ thể phụ nữ nặng nề hơn nên việc di chuyển cũng gặp nhiều trở ngại. Tốt nhất là sàn phòng tắm lát đá chống trơn hoặc sản phụ nên đi loại dép chống trơn trượt để đảm bảo an toàn cho bản thân và thai nhi.
Đăng ký nhận tư vấn thai sản trọn gói tại đây:
**Lưu ý: Những thông tin cung cấp trong bài viết của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Để biết chính xác tình trạng bệnh lý, bệnh nhân cần tới các bệnh viện để được bác sĩ thăm khám trực tiếp, chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị hợp lý.
Theo dõi fanpage của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc để biết thêm thông tin bổ ích khác: https://www.facebook.com/BenhvienHongNgoc/