Mê mẩn “nàng tiên” cá bảy màu, lão nông thành tỷ phú

Hơn 30 năm lấy con cá bảy màu làm đầu cơ nghiệp, lão nông Phạm Điền Trang (xã Phong Phú, Bình Chánh, TP.HCM) đã trở thành tỷ phú.

Sáng nào cũng vậy, từ nhà ở quận 8, ông lụi cụi trên chiếc xe máy cà tàng sang trại cá ở huyện Bình Chánh. Lịch làm việc từ sáng đến tối của ông là phải cho hơn chục ngàn con cá phướng và hàng triệu con cá bảy màu ăn.

Ông Phạm Điền Trang đang cho cá phướng ăn.

Ông Phạm Điền Trang đang cho cá phướng ăn.

Duyên nghiệp của anh bộ đội xuất ngũ

Lòng vòng mãi trong cái xóm nông thôn ở huyện Bình Chánh, chúng tôi cũng tìm ra trại cá của ông Trang. Trong trại nuôi cá phướng, vừa cặm cụi cho 15.000 con cá ăn, ông Trang vừa kể: “Năm 1981, sau khi xuất ngũ từ một đơn vị bộ binh bên K (Campuchia), ông trở về quê và… thất nghiệp.

Đúng lúc ấy, thành phố nổi sóng với phong trào nông dân nuôi cá rô phi, tôi bèn vay mượn tiền mua sắm dụng cụ đi đào trùn chỉ dưới đáy sông bán cho những nơi nhân giống loài cá này.

Được một thời gian, phong trào nuôi cá rô phi “cáo chung”. Nông dân nuôi cá một phen lao đao, tán gia bại sản. Cứ ngỡ lại trở về cảnh thất nghiệp, nhưng trong thời gian sống nghề đào trùn bán, tôi đã quen những “lái” cá cảnh”.

Hiện, mỗi tuần ông xuất bán 60.000 – 70.000 cặp cá bảy màu, 3.000 – 4.000 cặp cá phướng, doanh thu mỗi năm 500 – 700 triệu đồng. Cá cảnh của ông Trang giờ không những phủ khắp các tỉnh thành mà còn vươn đến thị trường một số nước trên thế giới thông qua các công ty xuất khẩu cá cảnh.

Nghe họ chỉ về nghề nuôi cá cảnh, ông Trang về đào ao, xây hồ trên đất ruộng nhà với “ước mộng” nuôi cá cảnh đổi đời. “Tôi có được học hành kỹ thuật nuôi cá cảnh gì đâu. Cứ thấy ai nuôi cá cảnh thì tôi mò đến học lỏm”, ông Trang thổ lộ.

Thời gian đầu, thấy ai nuôi cá gì ông nuôi cá nấy, từ: cá ba đuôi, cá đĩa… cho đến cá xiêm. Sau thấy cá khó nuôi, lợi nhuận kém… ông co cụm dần để rồi chỉ nuôi cá phướng và cá bảy màu.

Theo những người nuôi cá cảnh tại TP.HCM, cá phướng và cá bảy màu là những dòng cá có màu sắc đa dạng, sinh sản tốt, dễ nuôi nhưng hiệu quả kinh tế khá nên được nhiều người chọn nuôi.

Nhưng nuôi cá bảy màu cũng lắm công phu. Ông Trang bộc bạch: “Khởi đầu không dễ như tôi tưởng. Cá bảy màu rất khó tính, chỉ ưa nước đứng và mát mẻ. Gặp mưa nhiều cũng chết, nắng nhiều cũng chết. Chăm cá như chăm con mọn”. Để có thêm kinh nghiệm, ông tìm đọc tài liệu và đi tham quan các cơ sở nuôi cá bảy màu khác.

Sản xuất được cá cảnh đã khó, đem chào bán và để thị trường chấp nhận còn khó hơn. Những ngày đầu ông Trang mang cá ra chợ cá cảnh Lưu Xuân Tín (Q.5) chào hàng, tới cửa hàng cá kiểng nào cũng bị từ chối. “Họ nói đã có mối cung cấp sẵn, và cá của tôi không được đẹp”, ông chia sẻ.

Khu vực phân loại cá trước khi xuất bán.

Khu vực phân loại cá trước khi xuất bán.

Sự kiên trì đã mang đến thành công. Giờ, thương lái phải đến tận trại cá của ông mà đặt hàng cá cảnh. Theo ông, cá phướng và cá bảy màu chỉ nuôi khoảng 3 tháng là xuất bán. Trong quá trình nuôi, tỷ lệ hao hụt cá cảnh của ông chỉ vào khoảng 10 – 20%.

Ông Trang cho biết: 1 cặp cá bảy màu xuất bán tại ao là 1.200 đồng – 2.000 đồng, nhưng tại thị trường châu Âu, trung bình 3 USD/cặp cá. “Nói chung, nuôi cá nào cũng khó, cũng có thể xảy ra dịch, nhưng nuôi cá phướng và cá bảy màu lợi nhuận sẽ cao hơn các loại cá cảnh khác”, ông Trang thổ lộ.

Năm 1997, sau hơn chục năm nuôi cá cảnh tại quận 8 với diện tích chưa đến 1.000m2, cảm thấy chật chội ông Trang quyết định mua 8.000m2 đất tại xã Phong Phú (huyện Bình Chánh) để mở trại nhân nuôi cá cảnh. “Phải mở rộng diện tích thì mới có cơ may phát triển đời sống kinh tế”, ông Trang quả quyết.

Đưa cá cảnh xuất khẩu

Nhiều lão nông tên tuổi trong nghề nhân giống cá cảnh tại TP.HCM kể, nuôi cá cảnh là nghề có từ lâu tại TP. Sau năm 1975, nghề này bị mai một dần. Đến thập niên 1990, khi kinh tế đất nước phát triển, người dân khá giả nhiều hơn, nhu cầu nuôi cá cảnh trong nước tăng mạnh, nghề nuôi cá cảnh tại Thành phố được vực dậy, nhất là tại các vùng nông thôn ngoại ô.

Trên mảnh đất rộng 8.000m2 , ông Trang cho xây hàng trăm hồ để nuôi cá bảy màu và một trại để nuôi cá phướng với số lượng 15.000 con. Trong khi cá bảy màu chen chúc trong các hồ nuôi thì những con cá phướng với cái đuôi dài ngoằn, lả lướt tung tăng, uốn lượn trong những hũ nhựa.

Nếu như những con cá phướng được nuôi từ khi còn nhỏ cho đến xuất bán bằng thức ăn là những con trùn chỉ, thì những đàn cá bảy màu được cho ăn thức ăn công nghiệp. “Để cá phát triển tốt và màu sắc sặc sỡ, tốt nhất chúng ăn trùn chỉ. Nhưng nuôi cá bảy màu bằng thức ăn trùn chỉ tính ra sẽ không có lời, nên gần đây tôi cho ăn thức ăn công nghiệp”, ông Trang nói.

Để bổ sung nguồn giống cá bảy màu, cá phướng cho trang trại, ông luôn tìm kiếm nguồn cá giống mới được nhập (chủ yếu của Thái Lan) từ các “lái” cá. Ông cũng tự nhân giống cá bằng cách lựa những cá bố mẹ đẹp khỏe rồi cho phối giống.

“Nuôi cá phướng, cá bảy màu thì một vốn bốn lời. Nhưng nếu có thể nhân giống, người nuôi sẽ lời to vì sẽ giảm được vốn đầu vào và nhất là nếu may mắn sẽ tạo được những con cá cảnh dị biệt về hình dáng, màu sắc mà giá thành rất cao”, ông thổ lộ.

Cá cảnh được cho vào bao nilông bơm ôxy trước khi chuyển cho thương lái.

Cá cảnh được cho vào bao nilông bơm ôxy trước khi chuyển cho thương lái.

Nói về việc mở rộng sản xuất, cũng như đẩy mạnh hướng xuất khẩu sang thị trường các nước, ông Trang cho biết: “Khả năng tôi sẽ không thể nhân nuôi đủ số lượng cá theo hợp đồng. Nhưng nếu giao cho các vệ tinh thì không yên tâm. Nông dân mình có cái dở là khi có giá cao họ sẽ không bán cho mình nữa mà dễ dàng “bẻ kèo”. Nếu như thế, khả năng mình đền hợp đồng với nước ngoài cao lắm”.

Theo ông Trang, tiềm năng của ngành nuôi cá cảnh ở TP.HCM còn rất lớn. Nhưng cho đến bây giờ ngành nhân nuôi cá cảnh của Thành phố vẫn chỉ là tự phát. Nông dân tự “bơi” là chính nên chỉ sản xuất cầm chừng do khó khăn ở đầu ra, xuất khẩu không ổn định.

“Thành phố cần phải tổ chức cơ quan cầm trịch, phải định hướng, quy hoạch vùng chăn nuôi, và tìm kiếm thị trường đầu ra cho nông dân nuôi cá cảnh”, ông đề nghị.

XEM THÊM>> Cá thòi lòi làm kiểng nuôi suốt 8 năm, không ăn cũng không bán

Chúng tôi rời trang trại cá cảnh của ông Trang trong buổi chiều muộn. Trao bọc đựng cặp cá phướng làm quà năm mới, ông Trang nói sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm nuôi cá cảnh cho những ai muốn lấy nghề này làm cơ nghiệp – cái nghề không cần nhiều vốn, lại không chiếm nhiều diện tích, nhưng lại cho thu nhập cao, phù hợp với nông dân nghèo.

Theo ông Trần Trường Sơn – Phó chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM, nghề nuôi cá cảnh Thành phố đang phát triển tốt. Nhiều nông dân chọn nghề nuôi cá cảnh và đang trở nên giàu có, trong đó có ông Phạm Điền Trang. “Ông Trang là một trong những người nuôi cá cảnh có tay nghề lão làng của Thành phố. Nhờ làm tốt khâu sản xuất và kinh doanh cá cảnh mà doanh thu hàng năm của ông khá cao. Ông là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Thành phố”. Ông Trần Trường Sơn – Phó chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM

Rate this post

Viết một bình luận