Theo nhiều người dân ở huyện Thạnh Trị (tỉnh Sóc Trăng), khô trâu đã có ở địa phương này từ nhiều năm trước, được cho là khó có khô trâu nơi nào “qua mặt” được.
Chủ một cơ sở sản xuất khô trâu ở huyện Thạnh Trị cho biết, khô ngon phải được làm từ thịt trâu tươi. Để có 1kg khô phải sử dụng khoảng 3kg thịt tươi.
Muốn cho miếng khô thơm, ngon, mùi vị hấp dẫn, phải chọn thịt đùi (thịt đùi sau càng tốt), rồi dùng dao lóc bỏ hết gân. Sau đó, đem lạng thành lát nguyên vẹn, tiếp theo là ướp gia vị vào gồm xả, muối, tỏi, ớt,…
Thịt trâu tươi dùng làm khô.
Khâu tẩm ướp gia vị cũng đòi hỏi công phu. Sau khi tẩm gia vị xong, thịt trâu được cho vào tủ lạnh để qua một đêm cho thấm đều, hôm sau mới đem ra phơi nắng. Khô thành phẩm là những miếng khô mỏng, thơm lừng vị sả và mùi thịt trâu đặc trưng.
Thưởng thức khô trâu cũng có rất nhiều cách, nhưng ngon nhất vẫn là nướng. Trước hết, ngâm khô vào trong nước lạnh khoảng 5 phút, sau đó đem nướng, đặc biệt sẽ ngon hơn nếu nướng bằng than đước. Khi khô chín đều ở cả hai mặt, lấy chày hoặc cán dao dằn cho miếng khô mềm và tơi ra.
Làm khô trâu cũng có nhiều công đoạn mới ra thành phẩm.
Để thưởng thức khô thịt trâu phải có nước chấm đặc biệt. Nước chấm gồm trái me chín được dằm với nước sôi để nguội, sau đó cho đường, muối, nước mắm, sả, ớt trộn đều, tạo thành một thứ nước chấm sền sệt, chua, ngọt, ăn một miếng là muốn thêm miếng thứ hai.
Khô trâu Thạnh Trị ngoài món nướng, còn có thể chế biến thành món gỏi. Cách làm món này cũng không khó, miếng khô nướng xé ra thành những sợi nhỏ, rồi trộn chung với đu đủ bào, cho thêm giấm, ớt, đường, đậu phộng đâm nhỏ và rau răm nguyên lá,…
Ngoài ra, còn có loại khô trâu một nắng (tức là loại thịt đã tẩm ướp gia vị rồi đem phơi một nắng, sau đó đem ra nướng ăn liền). Khô trâu một nắng rất thơm ngon, mềm và ngọt dịu.
Khô trâu có thể dùng trong các bữa cơm, cũng có thể biến thành món nhậu có “thương hiệu”.
Thịt trâu kho tương.
Bên cạnh món khô trâu, người dân ở huyện Thạnh Trị và thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) còn có món thịt trâu kho tương cũng khiến du khách xuýt xoa khi được thưởng thức.
Để nấu món thịt trâu kho tương, một chủ nhà hàng ở Sóc Trăng cho biết, cần có 3 loại sản phẩm từ trâu gồm thịt bắp trâu, gân, lòng (chỉ lấy khăn bàn và trăm lớp), tương hột đậu nành đã lên men hạt mềm nở đều, không bị sượng, nếm có vị bùi mằn mặn, nước thơm thoang thoảng không gắt.
Thịt trâu xắt miếng nhỏ hình chữ nhật, đem rửa với nước, sau đó bắc nước cho thịt trâu vào luộc sôi với gừng đập dập, rồi vớt thịt ra để ráo, đem ướp với hành, tỏi tươi đã bằm nhuyễn với vài muỗng nước tương.
Khoảng nửa tiếng sau, xào thịt sơ qua để cho thấm gia vị, rồi đổ thêm nước tương đã pha loãng, thêm đường, bột ngọt, khi nước sôi cho thêm nước dừa tươi, sau đó để lửa nhỏ và nấu khoảng hơn một giờ đồng hồ là có món thịt trâu kho tương.
Thịt trâu kho tương sẽ ngon hơn khi ăn kèm với một số loại rau như năng, bầu…
Món trâu kho tương đạt chuẩn là miếng mềm, thớ thịt bung ra, vừa có vị mằn mặn của tương, vị ngọt thanh của nước dừa… Khi ăn phải còn nóng, kèm theo một số rau như năng, bầu, càng cua là đúng bài nhất (cũng có người dùng rau luộc hoặc rau sống như rau đắng, rau ngổ, rau muống, đọt khổ qua,…)
Những ngày se lạnh của cái Tết nguyên đán, có các món chế biến từ thịt trâu, nhất là khô trâu, trâu kho tương để thưởng thức thì thật tuyệt…
Theo Dân Trí