Ngày 13/07/2018 17:03 PM (GMT+7)
“Sau sinh nên ăn gì để nhiều sữa?” là câu hỏi của rất nhiều bà mẹ. Theo bác sĩ Phạm Văn Hùng, Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, các loại rau có màu xanh, các loại đỗ, các loại gạo, hoa quả, thịt bò, thịt gà, thịt nạc và các loại cá, trứng đều giúp phụ nữ sau sinh nhiều sữa.
Tác giả bài viết là bác sĩ Phạm Văn Hùng (Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, Hà Nội)
Sữa mẹ được sản xuất như thế nào?
Bầu vú của mẹ gồm 3 mô chính: mô tuyến, mô mỡ, mô liên kết. Tuy nhiên mỗi mẹ lại khác nhau, trong đó mô mỡ và mô liên kết quyết định đến kích thước ngực của mẹ còn mô tuyến của mỗi mẹ đều như nhau gồm nhiều thùy, mỗi thùy có nhiều nang sữa.
Để sản xuất ra sữa, cơ thể mẹ có 4 hoóc môn chính là estrogen, progesterone, prolactin (kích thích tuyến sữa sản xuất sữa), oxytocin (kích thích cơ trơn của tuyến vú bài tiết ra sữa) và tự biết cách điều chỉnh hàm lượng các hoóc môn phù hợp để giúp bầu vú sản xuất sữa.
Khi mang thai, ngực của người mẹ sẵn sàng để sản xuất sữa. Thường vào quý 2 của thai kỳ, tuyến vú của mẹ đã bắt đầu tạo sữa non. Sữa này có màu vàng, đặc dính, rất giàu chất dinh dưỡng và các kháng thể.
Sau khi bé chào đời và rau thai đã bong, cơ thể mẹ bắt đầu sản xuất nhiều sữa hơn. Trong vài ngày tiếp theo, lượng sữa tiếp tục tăng và sữa đổi màu trắng, trông có vẻ loãng hơn. Và trong quá trình tạo sữa, mẹ chỉ cần cho con bú thường xuyên sẽ có sữa nhiều hơn.
Tuy nhiên, không phải bà mẹ nào sau sinh cũng đủ sữa cho con bú. Đối với nhiều người, việc nuôi con bằng sữa mẹ trở thành việc “hên xui”, thậm chí khiến nhiều mẹ “lực bất tòng tâm”.
Và “Sau sinh nên ăn gì để nhiều sữa?” luôn là thắc mắc của tất cả các bà mẹ đang nuôi con bằng sữa mẹ.
“Sau sinh nên ăn gì?” luôn là thắc mắc của tất cả các bà mẹ đang nuôi con bằng sữa mẹ. (Ảnh minh họa)
Sau sinh nên ăn gì để nhiều sữa?
Theo bác sĩ Phạm Văn Hùng, năng lượng hàng ngày cho bà mẹ cho con bú khuyến nghị là 2.550 Kcal/ngày. Trong đó, mỗi ngày mẹ cho con bú cần lượng thực phẩm bao gồm: ngũ cốc 450 – 500g, trứng 40-50 g, đậu và chế phẩm từ đậu 50 – 100g, cá và thịt từ 80-100g, rau từ 300-400 g, hoa quả từ 100-200g, dầu mỡ 20g.
Chính vì vậy, các mẹ cầu quan tâm tới bữa ăn đạt đủ năng lượng để đảm bảo lượng sữa được tiết đủ cho con.
Những loại thức ăn giúp mẹ sau sinh nhiều sữa nói chung như:
Các loại rau màu xanh: có nhiều vitamin A, C, chất xơ, sắt như rau ngót, rau lang, rau mùng tơi, bắp cải,…. Đặc biệt, rau ngót có nhiều vitamin A, B, C, vừa giúp tăng sữa cho mẹ lại vừa co hồi cổ tử cung, tăng kháng thể chống viêm nhiễm.
Các loại rau xanh rất tốt cho mẹ sau sinh. (Ảnh minh họa)
Các loại đỗ: đỗ đen, đậu Hà Lan, đỗ đũa,… đều có tác dụng giúp mẹ nhiều sữa. Trong đó, đậu tương, đậu xanh, các loại đậu khác và vừng, lạc có lượng đạm cao, lại có lượng chất béo nhiều giúp tăng năng lượng bữa ăn và giúp hấp thu tốt các nguồn vitamin tan trong dầu.
Các loại gạo: Gạo lúa mạch cũng có nhiều vitamin, sắt và chất khoáng; gạo lứt có 345kcalo năng lượng/100g là thực phẩm tốt nhiều vitamin từ B1, B2, B5, B6, canxi, sắt đầy đủ, và một số loại gạo khác.
Hoa quả, trái cây: cam, quýt, táo,… Đu đủ xanh cũng giàu vitamin A, B, C, tương đối đầy đủ giúp mẹ nhiều sữa.
Các loại thịt: Thịt bò, thịt gà, thịt nạc nhiều đạm, vitamin B12 và các loại cá có nguồn omega 3 dồi dào nhất, trứng.
Bên cạnh đó, mẹ cũng nên chia bữa ăn hợp lý 3 bữa chính và 2 bữa phụ và hạn chế ăn đồ nướng và rán. Đồng thời, quan tâm uống nhiều nước từ 2,0 – 2,5 lít/ngày (8 – 10 cốc) để lượng sữa tiết ra nhiều hơn (trên 85 g nước trong 100 ml sữa mẹ) và nên dùng sữa, nước trái cây, nước rau luộc, nước đun sôi để nguội.
Sau sinh nên ăn gì để nhiều sữa mà mẹ không tăng cân?
Thực phẩm không làm cho mẹ tăng cân, việc tăng cân còn do hấp thu của mẹ. Nhiều người ăn nhiều nhưng không hấp thu kể cả khi mang bầu khiến mẹ gầy con bụ. Đây còn được gọi là do sữa mát hay sữa mẹ hợp nên mẹ ăn bao nhiêu vào con bú bấy nhiêu.
Chính vì vậy, mẹ sau sinh nên ăn tất cả các loại thực phẩm, không cần kiêng khem nhiều.
Nhiều mẹ kiêng cơm vì cơm có nhiều tinh bột dẫn đến tăng cân. Tuy nhiên, ăn cơm rất tốt, giúp mẹ nhiều sữa hơn bởi lượng tinh bột này sẽ được chuyển hóa thành các chất dinh dưỡng, phục vụ cho hoạt động của tuyến sữa. Dù mẹ có áp dụng các chế độ ăn kiêng sau sinh thì vẫn phải đảm bảo đủ 1 bát cơm cho 1 bữa mỗi ngày.
Cơm rất quan trọng, góp phần giúp mẹ nhiều sữa hơn sau sinh. (Ảnh minh họa)
Sau sinh mổ nên ăn gì để nhiều sữa?
Mẹ sinh mổ nên ăn nhiều tinh bột, đạm, chất béo, vitamin, chất xơ để nhiều sữa cho con.
Đối với mẹ sinh mổ nên tránh ăn những món làm ảnh hưởng vết mổ như cơm nếp, thịt gà, rau muống, trứng. Các đồ đặc biệt mổ sinh không nên ăn là đồ chua cay, gây dị ứng, gây viêm tấy, phù nề ảnh hưởng vết mổ.
Nói chung, phụ nữ sinh thường hay sinh mổ đều nên kiêng thực phẩm lên men như dưa muối, cà muối; thực phẩm cay nóng; thực phẩm gây đầy bụng, chướng hơi lên men như váng sữa, nem chua, sữa chua.
Những sai lầm về quan niệm dân gian “sau sinh ăn móng giò để nhiều sữa”
Theo dân gian, ăn cháo móng giò (móng giò hầm với gạo nếp đậu đen hay đậu xanh), ăn cơm nếp với thịt gà, canh đủ đủ xanh nấu với thịt gà,… giúp mẹ nhiều sữa nhưng thực chất những món ăn này là cung cấp thêm năng lượng từ gạo và thêm đạm động vật đảm bảo bổ sung dinh dưỡng đủ cho bà mẹ tiết sữa.
Thêm nữa, theo dân gian, nhiều người cũng cho rằng phụ nữ sau sinh nên cần kiêng đồ tanh, không nên ăn cá, ngao, sò, cua,… mà ăn nhiều móng giò hầm đu đủ, chân chó, chân dê. Tuy nhiên, các mẹ cần đa dạng chứ không phải chỉ ăn cháo, ăn chân chó, chân giò mới nhiều sữa. Với mùa nắng nóng như thế này, những đồ hầm lâu càng khiến các mẹ ngán, ngấy và khó chịu hơn.
Quan niêm “sau sinh ăn chân giò để nhiều sữa” không còn phù hợp ngày nay. Mẹ sau sinh nên ăn vừa phải để không cảm thấy ngán, không nên ăn quá nhiều. (Ảnh minh họa)
Ngoài ra, nhiều mẹ cho rằng ăn nhiều tinh bột như nhiều cơm sẽ tăng cân nên kiêng ăn nhóm thực phẩm này ngay từ sớm nhưng mẹ không biết rằng không có tinh bột, mẹ sẽ gặp phải nhiều vấn đề liên quan đến sức khỏe như đau đầu, stress,…và tinh bột sẽ được chuyển hóa thành các chất dinh dưỡng, phục vụ cho hoạt động của tuyến sữa.
Bên cạnh đó, một số nhầm lẫn khi chỉ ăn cơm và thịt kho khô, không dám ăn canh, cháo cũng là sai lầm bởi chế độ ăn của mẹ sau sinh cần nhiều nước, bao gồm việc uống nhiều nước, ăn thêm cháo.
Làm thế nào để không bị mất sữa sau sinh
Trao đổi thêm, bác sĩ Hùng cho biết, mất sữa sau sinh còn do nhiều yếu tố như di truyền, gen hoặc mẹ không cho con bú, mẹ bầu ngực nhỏ. Với những mẹ mất sữa không phải do gen, di truyền thì chế độ ăn uống đầy đủ, chế độ nghỉ ngơi hợp lý cùng với việc cho con bú liên tục nhiều lần trong ngày cũng sẽ giúp mẹ có sữa lại.
Mẹ nên thường xuyên cho con bú và có chế độ ăn, ngủ hợp lý. (Ảnh minh họa)
Stress và sự thiếu quan tâm của gia đình, người chồng cũng là một nguyên nhân khiến mẹ mất sữa sau sinh, vì vậy mẹ cần tâm sự với gia đình, nghiên cứu và chuẩn bị sẵn sàng tâm lý làm mẹ, chăm con. Mẹ cần coi trọng giấc ngủ, nghỉ ngơi hợp lý sau khi cho con bú, tập thể dục, sắp xếp công việc để tránh stress.
Mẹ muốn tránh mất sữa cần phải cho con bú ngay sau khi sinh, một ngày ít nhất 8-10 lần (2h/lần). Trước khi cho con bú, mẹ cần mát xa ngực để kích thích. Sau khi con bú xong, mẹ nên vắt/hút hết sữa còn lại để tránh gây viêm tuyến vú, tắc tia sữa.
Ngoài ra, để có nhiều sữa, mẹ nên hút sữa thường xuyên và chườm khăn ấm lên ngực.
Mời bạn đánh giá bài viết để chúng tôi phục vụ bạn tốt hơn!
4/5
Theo Bác sĩ Phạm Văn Hùng – Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, Hà Nội (Khám phá)