Ngay từ lúc còn học trên ghế nhà trường, chúng ta đã được dạy bảo vệ môi trường từ những hành động nhỏ nhất như vứt rác đúng nơi quy định, đi xe đạp và các phương tiện công cộng,… Vậy đã bao giờ bạn tự hỏi Tại sao chúng ta phải bảo vệ môi trường?
Trong bài viết Môi trường tự nhiên là gì? Vai trò của môi trường tự nhiên, chúng tôi sẽ có những chia sẻ giúp Quý độc giả hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Môi trường tự nhiên là gì?
Môi trường tự nhiên là tất cả các sinh vật sống và không sống có trong tự nhiên, có nghĩa là không phải là nhân tạo. Thuật ngữ này thường được áp dụng cho Trái Đất hoặc một số phần của Trái Đất. Môi trường này bao gồm sự tương tác của tất cả các loài sống, khí hậu, thời tiết và tài nguyên thiên nhiên có ảnh hưởng đến sự tồn tại của con người và hoạt động kinh tế.
Định nghĩa trên giúp ta phân biệt môi trường tự nhiên với môi trường nhân tạo. Môi trường nhân tạo là một môi trường được tạo ra bởi con người để điều chỉnh và giám sát các điều kiện môi trường nhất định, ví dụ như môi trường xã hội.
Các loại môi trường tự nhiên
Để giúp Quý vị hiểu rõ hơn về môi trường tự nhiên là gì? Đồng thời trả lời cho câu hỏi Vai trò của môi trường tự nhiên như thế nào? Chúng tôi chia sẻ về các loại môi trường tự nhiên.
Các loại môi trường tự nhiên bao gồm:
+ Môi trường không khí: Là tất cả không khí bao quanh Trái đất, bao gồm các tầng khí quyển và tương tác của không khí với bề mặt rắn hoặc lỏng của Trái đất.
+ Môi trường nước: Là tổng lượng nước trên một hành tinh. Môi trường nước bao gồm nước ở trên bề mặt hành tinh, dưới lòng đất và trên không, cũng có thể là chất lỏng, hơi hoặc băng.
+ Môi trường đất: Là phần rắn, bên ngoài của Trái đất. Môi trường đất hay còn gọi là thạch quyển bao gồm phần trên của lớp phủ và lớp vỏ, các lớp ngoài cùng của cấu trúc Trái đất.
+ Môi trường sinh vật: Khi chúng ta nói về môi trường sinh vật, tức là chúng ta đang đề cập đến tất cả các loài sinh sống trên Trái Đất.
Vai trò của môi trường tự nhiên
Môi trường tự nhiên có vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự sống của con người nói riêng và hệ động thực vật, vi sinh vật nói chung. Nói đơn giản chỉ cần môi trường thay đổi như nóng quá, lạnh quá, ẩm thấp quá, không khí khô quá đã làm cho từng loại vi sinh vật sinh ra hoặc chết đi. Kéo theo việc ảnh hưởng đến sức khỏe của con người như: cảm cúm, sổ mũi, cảm nắng, cảm lạnh…
Môi trường tự nhiên có vài trò duy trì sự sống cân bằng hệ sinh thái cho các cá thể tồn tại trong môi trường đó. Tất cả các cá thể tồn tại trong một môi trường đều có mối quan hệ hay liên hệ mật thiết với nhau để giữ cân bằng môi trường.
Môi trường tự nhiên có vai trò quyết định đối với sự phát triển bền vững về kinh tế – xã hội ở mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ và địa phương.
Môi trường tự nhiên không chỉ cung cấp “đầu vào” mà còn chứa đựng “đầu ra” cho các quá trình sản xuất và đời sống. Các hoạt động sản xuất là một quá trình bắt đầu từ việc sử dụng nguyên, nhiên liệu, vật tư, thiết bị máy móc, đất đai, cơ sở vật chất kỹ thuật, sức lao động của con người để tạo ra sản phẩm hàng hóa. Mà những dạng vật chất trên không phải gì khác chính là các yếu tố môi trường.
Các hoạt động sống cũng không thể tách rời yếu tố môi trường tự nhiên: như không khí để thở, nhà để ở, phương tiện đi lại… Như vậy, chính các yếu tố môi trường là “đầu vào” của quá trình sản xuất và các hoạt động sống của con người.
Đồng thời, môi trường tự nhiên cũng lại là nơi chứa đựng, đồng hóa “đầu ra” các chất thải của quá trình sản xuất, đời sống con người. Trong các chất thải này, có thể có nhiều loại độc hại làm ô nhiễm, suy thoái gây ra các sự cố về môi trường. Vấn đề đặt ra là cần phải làm thế nào để hạn chế thấp nhất các chất thải, đặc biệt là chất thải gây ô nhiễm, tác động tiêu cực đối với môi trường tự nhiên.
Môi trường tự nhiên liên quan tới tính ổn định và bền vững của sự phát triển kinh tế – xã hội. Phát triển kinh tế – xã hội là quá trình nâng cao điều kiện sống về vật chất và tinh thần thông qua việc sản xuất ra của cải vật chất, cải tiến quan hệ xã hội, nâng cao chất lượng văn hóa. Giữa môi trường và sự phát triển luôn có mối quan hệ chặt chẽ. Môi trường là địa bàn và đối tượng của sự phát triển, còn phát triển là nguyên nhân tạo nên các biến đổi của môi trường.
Môi trường tự nhiên tác động đến sự phát triển kinh tế – xã hội thông qua việc suy thoái nguồn tài nguyên – đối tượng của sự phát triển kinh tế – xã hội hoặc gây ra các thảm họa, thiên tai đối với các hoạt động kinh tế xã hội trong nước và khu vực. Ở các quốc gia có trình độ phát triển kinh tế khác nhau cũng có các xu hướng gây ô nhiễm môi trường khác nhau. Vấn đề ở đây là phải luôn đảm bảo sự hài hòa giữa phát triển và bảo vệ môi trường.
Để đảm bảo phát triển bền vững, cần khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên, môi trường; thực hiện sản xuất sạch, phát triển sản xuất đi đôi với giải pháp xử lý môi trường, bảo tồn các nguồn gen động, thực vật; bảo tồn đa dạng sinh học…
Môi trường có liên quan tới tương lai của đất nước, của dân tộc. Bởi việc bảo vệ môi trường chính là để giúp cho sự phát triển kinh tế – xã hội được bền vững. Khi kinh tế – xã hội phát triển cao sẽ giúp chúng ta có đủ điều kiện đảm bảo an ninh quốc phòng, giữ vững độc lập chủ quyền của dân tộc. Điều đó lại tạo điều kiện ổn định chính trị xã hội để phát triển kinh tế – xã hội đất nước.
Bảo vệ môi trường không chỉ có ý nghĩa với hiện tại, mà quan trọng hơn nó đảm bảo sự phát triển ổn định, bền vững trong tương lai. Nếu hôm nay, chúng ta không quan tâm tới môi trường, không làm tốt công tác bảo vệ môi trường, làm cho môi trường bị hủy hoại, tàn phá và xuống cấp thì trong tương lai, con cháu chúng ta chắc chắn sẽ phải gánh chịu những hậu quả tồi tệ.
Nhận thức rõ điều đó, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam đã ra chỉ thị số 36-CT/TW ngày 25/6/1998 về “Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Đặc biệt, ngày 26/6/2002, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 82/2002/QĐ-TTg về việc thành lập tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam.